Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

Clip Côn Sơn 4 -2010 (Phần 4)



Thầy Phương hướng dẫn tập bài "Đi bộ tại chỗ chữa bệnh" và một số động tác điều hòa hơi thở. Trông thì có vẻ đơn giản, nhưng theo lời Quyết thì mới tập một lúc đã vã cả mồ hôi.

(Thu mới biết dán các đoạn quay lại với nhau, chưa biết cắt gọt, chỉnh sửa. Mong mọi người thông cảm.)

Câu chuyện thứ 3: Mẹ tôi đi học

Sau khi liều chữa bệnh cho bà, tôi nảy sinh ý định sẽ giúp bà theo học lớp thiền, tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh tâm năng để bà có thể tự chữa bệnh cho mình. Nhiều người khuyên ngăn, sợ bà tuổi già rồi, chân lại bị bệnh khớp đi lại khó khăn làm sao mà leo lên cầu thang tầng 3, nơi câu lạc bộ sinh hoạt được, lâu nay bà ít đến nhà các con cũng chỉ vì không leo được cầu thang (nhà ai cũng phải leo 3, 4 tầng gác cả), rồi xe pháo đi lại thế nào, rồi lúc ốm đau, nắng, lúc mưa, huyết áp lúc lên lúc xuống...

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Kế hoạch 30/4 - 1/5

Các lớp vẫn sinh hoạt bình thường. Bác nào có nhu cầu đi chơi cùng gia đình hoặc bận việc riêng thì cứ nghỉ, còn nếu không bận mời các bác đến lớp.
Thay mặt CLB DSNL - Esperanto

Clip Côn Sơn 4 - 2010 (Phần 3)



Thầy Phương hướng dẫn phương pháp luyện tập bài tập "Động cầu tĩnh" và "Đi bộ chữa bệnh". Quyết về biểu diễn lại cho mọi người lớp tối thứ 7 xem. Quả thật nếu thực hành được thì chả bao giờ sợ cứng khớp, mỏi gối. Khi tập, đầu không được nhấp nhô, lưng phải thật thẳng.

Bài tập cho “tuổi già xanh”

Được biết CLB DSNL - Esperanto đa số là những người cao tuổi và tiêu chí của CLB là "Vui, khỏe, sống có ích cho đời". Xin gửi bài này của Bác sĩ Lê Hùng (nguyên Phó Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP HCM) mà tôi đã được đọc cách đây vài năm, để mọi người cùng tham khảo.

Sinh-Lão-Bệnh-Tử, một chu kỳ bất biến không ai có thể thay đổi được. Tuy nhiên, những người còn trẻ thường nghĩ rằng tuổi già chỉ dành cho một ai đó chứ không phải cho họ và cứ thế theo đuổi những ước mơ, tham vọng trong đời...

 Ảnh minh họa
Đến một ngày nào đó những người trẻ tuổi chợt nhìn lại mình trong gương thấy tóc đã chớm bạc, da đã có những nếp nhăn, và cả những vết hằn theo năm tháng… Lúc bấy giờ lắng lòng lại, hướng vào bên trong họ sẽ cảm nhận được gối mình đã mỏi, lưng đau, huyết áp cao, mỡ trong máu, đường huyết dao động… rồi chợt nhớ “mình đã có tuổi rồi!”.

Thế nào gọi là già? Đã có quá nhiều tranh luận về chuyện này và cũng nên hiểu phạm trù này thuộc về tình trạng sức khỏe hơn là áp đặt số tuổi một cách máy móc. Thực tế là đã có những “cụ trẻ” tuổi từ 25-30 nhưng cơ thể sớm rã rời, bệnh tật, suy nhược sinh dục... Ngược lại, có những “anh già” tuổi từ 70 trở lên rất tráng kiện và minh mẫn, tất cả những chức năng sống vẫn còn hoạt động tốt kể cả chức năng về tình dục. Đối với những người có tuổi già sung mãn và chất lượng cuộc sống cao như thế được gọi là “tuổi già xanh”.

Để có một “tuổi già xanh”, ngoài yếu tố bẩm sinh di truyền từ đời này qua đời khác, chúng ta đều có thể đạt được nếu biết chuẩn bị từ hôm nay. Phải chuẩn bị từ trẻ cho tuổi già trong tương lai bằng cách tập thể dục để giữ gìn sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần. Tập luyện thể chất tương đối dễ, bao gồm những bài tập về thể lực, khí lực… nếu tập đều đặn và có người hướng dẫn đúng phương pháp chắc chắn sức khỏe của chúng ta sẽ được nâng cao. Tập luyện về tinh thần thì khó hơn, bao gồm cả một triết lý sống hài hòa với thiên nhiên, với con người và xã hội. Tập để có lòng bi mẫn, tình yêu thương với mọi người và có thể hóa giải mọi vấn đề, mọi căng thẳng xảy ra một cách thành công.

Tập “điềm đạm hư vô, tinh thần nội thủ” để có thể thanh thản và bình an trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù thất bại hay thành công… Khi thành công, ta phải biết khiêm cung để mọi người không ganh ghét. Khi thất bại, ta vẫn biết cách đứng dậy để mọi người không xem thường. Có thể nói tập biết “đủ” (tri túc) nghe tuy đơn giản nhưng lại quá khó với nhiều người vì họ chưa biết thấy “đủ”! Công danh đạt đến bao giờ mới thấy đủ? Giàu sang đến mức nào mới hài lòng? Chính vì không biết đủ nên chúng ta lao vào công việc, lao vào cuộc sống này với tốc độ chóng mặt cho đến khi sức khỏe cạn kiệt, sống trong tâm trạng phiền não lo âu thì mới biết nghĩ “sao mình dừng lại chậm quá” ?! Chính vì thế ta cần học để thấy “đủ” để biết “điểm dừng” cho một cuộc sống hạnh phúc ngay trong hiện tại.

Tập để biết thế nào là “nhàn” (tri nhàn), vì có rất nhiều người giàu sang nhưng hầu như không hề biết được chữ “nhàn”. Bởi vì nếu có thời gian rảnh họ lại cảm thấy trống vắng, lo âu, thấy lãng phí do… không làm ra tiền! Cuộc sống là chuỗi liên tục những giây phút hiện tại, nếu chúng ta không thể sống một cách trọn vẹn, không thể cảm nhận được sự linh thiêng của từng giây phút nhiệm mầu “bây giờ và ở đây” thì dù có sống thọ bao nhiêu năm đi nữa cũng xem như chưa từng thật sự hưởng thụ cuộc sống tuyệt vời này!

Hãy dũng cảm tách ra khỏi cuộc sống bận rộn trong mọi thời gian thích hợp có thể, để buông bỏ hết những lo toan, tập sống với thiên nhiên, sống với những điều thật giản dị để thấy sự nhàn hạ là tuyệt vời như thế nào. Sự nhàn hạ không thể tồn tại khi chúng ta có quá nhiều tham vọng, ảo vọng hoặc những nhu cầu quá lớn.
Hãy tập buông xả và chia sẻ bớt cho những người xung quanh. Làm được như vậy lập tức chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản, vì hạnh phúc đôi khi chỉ bắt đầu từ những điều rất đơn giản.

Tất cả những điều nêu trên không phải là những khẩu hiệu suông, nếu các bạn muốn chia sẻ, chúng ta hãy bắt đầu thực hiện từng bước một để thể nghiệm bản thân mình. Sau thời gian tập luyện, bạn sẽ dần dần nhận ra đời sống thể chất và tinh thần hoàn toàn thay đổi, lúc đó cuộc sống sẽ trở nên thi vị, ngập tràn hạnh phúc và có quyền hy vọng “tuổi già xanh” sẽ đến.
BS. Lê Hùng

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

TÌNH CẢM GIA ĐÌNH

Con ơi mẹ chẳng cần chi
Mong con ứng xử trong khi mẹ còn
Cho đúng bổn phận làm con
Là gương sáng để con con soi vào
Dù cho sức khoẻ thế nào
Tuổi già tất phải cạy vào con thôi
Nuôi con trả nghĩa cho đời
Chỉ mong thấy được những lời thân thương
Cuộc đời vất vả trăm đường
Đắng cay mẹ chịu, ngọt đường phần con
Năm qua, tháng lại mỏi mòn
Ngược xuôi vất vả, nuôi con lớn dần
Ầu ơ nước mắt trong ngần
Mẹ chan ngập cả mọi phần hẩm hiu
Giờ đây tuổi đã xế chiều
Những mong con nhớ lấy điều phật răn
Còn khi đã khuất núi non
Chẳng cần: con khóc nỉ non làm gì
Ngày giỗ cũng chẳng cần chi
Làm mâm cỗ lớn chỉ đi cúng ruồi
Chỉ cần: lúc sống này thôi
Công cha, nghĩa mẹ con thời nhớ ghi
Chẳng cần: quà biếu làm chi
Rất cần thăm hỏi chỉ vì cô đơn
Ân cần tơ tấm lòng son
Như miếng trầu đắng, nhưng ngon tay mời
Nhân quả phải nhớ đời đời
Dù cao quí, dù thấp hèn con ơi
Cuộc đời thiện ác thế thôi
Con nhớ nhân quả mẹ thời yên vui.

Chia sẻ cùng bạn đọc

Trước kia tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, có một ngày tôi lại tham gia hay sinh hoạt trong một câu lạc bộ mà tới 90% các cô, chú trên 60 tuổi, đó là chưa kể một số các bác đã hơn 80. Cho tới nay tôi sinh hoạt đã được gần 4 năm.
Tôi cùng 1 số chị được bác Thoa giới thiệu tới lớp, đó cũng được coi như là cơ duyên, có lẽ các bác ở lớp thấy tôi hay nói, hay cười nên đã bầu tôi làm lớp trưởng, từ ngày được sinh hoạt với CLBDSNL tôi đã học hỏi được rất nhiều, tôi không thể không nhắc tới các Thầy rất nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn tôi cũng như cả lớp để mỗi buổi tới lớp học tập thu NL đạt kết quả tốt. Ngoài ra, các Thầy còn tận tình chữa bệnh cho các học viên, đặc biệt ở lớp có những bệnh nhân ung thư.
Nếu nói bệnh ung thư, chắc có lẽ không ai còn nghĩ có thể cười nói vui vẻ, vậy mà ở đây tôi không thể không nhắc tới bác Thoa, một con người đầy nghị lực, lúc nào cũng nói cười sang sảng, lớp có ai mới vào bác đều giúp đỡ hướng dẫn cách thiền và bác đúng là tấm gương cho tôi học tập.
Phần đông mọi người tới CLB đều mang trong mình 1 vài căn bệnh nào đó, mục đích đều muốn đẩy lùi bệnh tật để sống vui khoẻ. Tôi cũng vậy thôi, tôi bị thoái hoá 2 đốt sống cổ, thiểu năng tuần hoàn não, thấp khớp, vì thế hay đau đầu. Có thời kỳ tôi đi làm buổi đực buổi cái mà nghỉ ở nhà để ngủ, lúc nào cũng mệt mỏi, cộng thêm hoàn cảnh cũng éo le 1 chút, nên tôi cũng hay cáu giận và rất dễ nổi nóng. Tôi đã rất buồn mỗi khi như thế, nhưng sau 1 thời gian sinh hoạt tại CLBDSNL tôi thấy sức khoẻ đã khá hơn, cho tới hôm nay đã đỡ được 8 phần, tinh thần tôi phấn chấn hơn rất nhiều.
Tôi rất tâm đắc 1 điều mà Thầy Chủ Nhiệm CLB vẫn luôn nói thiền là tu tâm . Chữ tâm bao hàm rất rộng lớn và mang nhiều ý nghĩa. Còn với tôi đã và đang tiếp tục học hỏi từ Thầy cũng như biết bao các bác học viên già khác trong câu lạc bộ. Sống vui vẻ hơn, dễ bỏ qua, ít giận dữ, mỗi buổi tới lớp sinh hoạt tôi đều học hỏi được 1 điều gì đó bổ ích cho cuộc sống.
Tôi cảm nhận CLBDSNL với 1 tập thể bao điều khác nhau (chênh lệch độ tuổi, ngành nghề, cấp bậc, địa vị trong xã hội, hoàn cảnh, bệnh tật, v v...) nhưng sao mọi người lại gần gũi và thân thiện đến thế. Tôi yêu câu lạc bộ DSNL. Tôi trân trọng tình cảm của Thầy và Cô đã tạo ra một ngôi nhà lớn hạnh phúc luôn đầy ắp tiếng cười.
Nguyễn Thị Bích Thủy
(Ảnh: Bích Thủy đang cầm micro cho bà Tỵ biểu diễn tại Lễ Kỷ niệm Thành lập CLB 8- 2009)

Clip Côn Sơn 4 - 2010 (Phần 2)

Cảnh sinh hoạt của các hội viên


Thường thì những đợt đi Côn Sơn, chúng tôi có chung lịch sinh hoạt và luyện tập: sáng dạy từ 4h30, vệ sinh cá nhân, 5h xuất phát, qua cổng nhận đồ ăn sáng, leo núi hít thở không khí trong lành đến địa điểm Thầy đã chọn. Khoảng 5h30 bắt đầu ngồi thiền một tiếng. Xả thiền, nghỉ ngơi, ăn sáng. Hành quân xuống núi, tranh thủ qua chùa xin năng lượng của các "cụ" Đại, "cụ" Thông. Về đến trung tâm, nghỉ ngơi một lát rồi tập trung nghe giảng, rút kinh nghiệm, luyện tập. Sau bữa trưa, nghỉ đến 13h30 bắt đầu giờ luyện tập buổi chiều. Sau đó đi dạo quanh hồ Côn Sơn, tắm rửa, ăn tối. 19h30 lại tập trung lên lớp. 21h hoạt động cá nhân, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, ai có gì hay thì học, giao lưu, tán gẫu, nghe nhạc. Một ngày trôi qua thật nhanh và đầy ắp những tiếng cười.
Đợt đi Côn Sơn lần này có nhiều cái mới. Đoàn CLB có duyên được nghe Thầy Hải từ Thiền viện Phước Sơn, Đồng Nai (phái Nam Tông) nói chuyện. Thầy giải đáp một số thắc mắc của một số học viên trong đoàn. Rồi đoàn lại được Thầy Phương hướng dẫn một số bài luyện tập để chữa bệnh. Xin được minh họa bằng clip ở kì sau.
Mỗi chuyến đi là những trải nghiệm. Những câu chuyện mà những người đi kể lại luôn làm những người ở lại cảm thấy tiếc vì đã không được tham gia chuyến đi đó.

Câu chuyện thứ 2

Khi tham gia câu lạc bộ được một thời gian ngắn, tôi mới chỉ biết ngồi thiền thu năng lượng, chưa biết năng lượng của bản thân được bao nhiêu, chưa biết đã có thể chữa được bệnh cho ai đó chưa thì xảy ra chuyện. Mẹ tôi bị lên cơn cao huyết áp, gọi điện cho vợ chồng tôi đến để đưa đi bệnh viện. Lúc đó là khoảng 6 giờ chiều. Thật không biết làm thế nào, hai vợ chồng không biết đi đường nào để đến nhà bà vì khắp nơi tắc đường, chỉ còn nước khóc. Điện thoại thì gọi liên tục, người hàng xóm sang giúp mẹ tôi gọi điện cho tôi thì như mắng tôi vậy, cứ như là tôi kệ bà, không quan tâm tới bà, tôi gần như điên, gọi điện cầu cứu cô em dâu làm ngành y, biết về thuốc hỏi thì cô đang sốt dịch không tới được. Thôi đành trong khi yêu cầu mẹ uống thuốc hạ huyết áp, vợ chồng tôi nhích dần nhích dần, và sau hơn 1 giờ đồng hồ cũng tới được nhà mẹ (từ nhà tôi từ ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc đến Khu Định Công mà phải đi tới 1 tiếng 20 phút). Tới nơi tôi thấy bà nằm trên giường, đồ đạc đi bệnh viện đã để sẵn. Phải nói thêm rằng mẹ tôi cứ thấy tức ngực là đi viện, cứ thấy huyết áp lên là đi viện, thấy đau đâu một chút là đi viện, gần như một tuần đi viện một lần, có tuần đi viện 2 lần, bất kể sáng, tối, đêm. Chị em tôi rất bối rối, nào thì việc cơ quan, nào việc nhà, con cái, nhà cửa bỏ hết để thay nhau vào viện, mà vào đó thì có khi chỉ nằm một đêm cấp cứu uống thuốc là về, có khi nằm vài ngày cũng chỉ với bệnh huyết áp cao. Khi thấy bà như vậy, như được ai mách bảo, tôi yêu cầu bà nằm duỗi thẳng chân tay, thở đều và nói theo tôi, tôi nói câu gì bà phải nhắc lại câu đó, nhắc thầm cũng được, thế là tôi khấn liên tục chỉ với một câu: “Con kính mời Đức Thầy tổ ĐASIRA NARAĐA về chữa bệnh cao huyết áp cho con, để huyết áp của con được ổn định.” Tôi khấn to để mẹ tôi khấn theo, cứ thế sau khoảng 2 phút thì mẹ tôi ngủ, ngáy đàng hoàng, ngon lành. Tôi cứ để bà ngủ, 2 vợ chồng chưa yên tâm, ngồi chờ. Khoảng 30 phút sau thì bà thức dậy đòi đi tiểu. Tôi đã mừng vì như thế có dấu hiệu là huyết áp đã hạ. Đi tiểu xong, vào giường bà kêu buồn nôn, tôi để bà nôn xong lại yêu cầu bà nằm và lại khấn Thầy Tổ như trước. Thật lạ là sau 1 phút thôi, bà đã ngủ ngon lành. Lần này thì để bà ngủ, vợ chồng tôi về nhà. Đến sáng hôm sau, mẹ tôi gọi điện sớm lắm, chỉ để khoe bà khỏe hẳn rồi, không còn dư âm gì là mệt mỏi cả. Như những lần lên cơn huyết áp trước kia thì dư âm mệt mỏi còn phải kéo dài vài ngày. Thật lạ kỳ? Cho đến bây giờ tôi mới thấy mình liều thật. Càng học mới thấy chẳng có ai chữa bệnh như tôi cả. Mà sao tôi cứ tự tin chữa chứ. May mà không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra cả. Đúng là Thầy Tổ thương tôi có tâm. Tôi nghĩ cũng là cái “duyên” nữa.
Hà nội, 26 – 4 - 2010
Nguyễn Hoàng Vân

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Câu chuyện 1: Chữ duyên đến với CLB DSNL

Ảnh chụp ở Matxcova nhân chuyến đi dự lễ kỉ niệm thành lập trường.

Xung quanh việc tham gia CLB dưỡng sinh tâm năng của tôi có nhiều chuyện để kể lắm, cũng bởi vậy mà tôi không biết bắt đầu từ đâu. Thôi thì đành tách ra làm nhiều mẩu chuyện nhỏ để kể vậy. Mà dùng từ “chuyện” nó văn chương quá, thực ra chỉ là tự sự thì đúng hơn. Thực sự đúng là từ chữ “duyên” mà nên (Về chữ “duyên” tôi xin được bàn ở một mục riêng sau).
Tôi là Nguyễn Hoàng Vân, nữ, 55 tuổi, kỹ sư Bản đồ, tốt nghiệp trường đại học Trắc địa Mátxcova, Liên xô cũ, hiện đang làm việc tại phòng Kỹ thuật Công nghệ của Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hàng ngày thường xuyên phải làm việc trên máy tính, ngồi lỳ cả 8 giờ đồng hồ ở công ty nên khi về đến nhà chỉ cần xem vô tuyến thôi tôi đã có thể ngủ rồi vì mắt đã quá mệt mỏi. Bởi thế cho nên để vào Internet xem tin tức hoặc “chat” với ai đó đối với tôi là việc thật ngại. Internet đối với tôi phần lớn chỉ để giao dịch công việc trong giờ làm việc.
Em chồng tôi theo CLB DSTN từ lâu, và cũng từ lâu đã nói chuyện với tôi về hoạt động của câu lạc bộ. Tôi nghe cũng để đó thôi, không quan tâm nhiều lắm. Cũng nghĩ rằng đó cũng chỉ là một môn thể thao, giống như môn thể thao của tôi vẫn theo tập là Thể dục thẩm mỹ, hoặc môn thể thao mọi người khác đang tập là đi bộ hoặc chơi cầu lông, bóng bàn…
Và thế rồi gia đình tôi có chuyện buồn làm đầu óc tôi lúc nào cũng muốn nổ tung, chao đảo. Cuộc sống bị đảo lộn, bản thân bị té xe, trật khớp vai, không thể tập thẩm mỹ được, thôi thì nghe lời cô, làm theo lời cô chỉ dẫn chỉ với một mục đích trước mắt là sao cho mình được xả stress, thoát khỏi căng thẳng để còn tiếp tục làm việc và sống. Cô cũng động viên, không biết là sẽ có kết quả thế nào, nhưng ít nhất tôi sẽ có một khoảng thời gian một giờ đồng hồ thảnh thơi đầu óc trong mỗi ngày.
Đó là cơ hội dẫn tôi đến với CLB DSTN.
Trước khi đến với CLB DSTN, cô đã hướng dẫn tôi cách tập bài thiền “Lửa Tam Muội”, đưa tài liệu để tự nghiên cứu với mục đích để khi tới câu lạc bộ không bị quá “ngơ ngác”. Cô em chồng tôi là cô Hồng Thu đấy.
Đúng là có “duyên” thật, tôi như bị một lực hút mạnh “hút” đi vậy, tự nhiên cứ thế là học, là theo, là làm thôi.
Một câu tôi muốn nói thêm là đúng như các cụ vẫn nói: “Không Thầy đố mày làm nên”. Nói cám ơn Thầy thì không đủ, khách sáo quá, nhưng không nói thì thiếu nhiều quá. Con cám ơn Thầy.
Hà nội , 25-4-2010
Nguyễn Hoàng Vân

Clip Côn Sơn 4 - 2010 (Phần 1)

Một buổi luyện tập sử dụng con lắc




Tập sử dụng con lắc là một trong những bài khó. Để sử dụng tốt con lắc người học phải tập trung cao độ, phải làm theo đúng hướng dẫn của Thầy, và quan trọng nhất là phải kiên trì. Sử dụng thành thạo con lắc giúp ích rất nhiều trong quá trình luyện tập và cả trong đời sống hàng ngày.

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Xem...cảm nhận


Bonus: Silent Night - Kitaro

THIỀN LÀ MỘT PHƯƠNG PHÁP TỰ CHỮA BỆNH

Trong thời đại ngày nay, để tồn tại và phát triển trước một cuộc sống nhiều thách thức và một môi trường luôn thay đổi, con người phải đối mặt với nhiều áp lực tâm lý. Chính những yếu tố gây Stress đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Stress có thể làm rối loạn tiêu hóa, tim mạch, sinh dục, rối loạn nội tiết, làm suy giảm khả năng miễn dịch và dẫn đến nhiều chứng bệnh nghiêm trọng. Trong những trường hợp này, Thiền là một liệu pháp đối trị trực tiếp và hữu hiệu. Hành Thiền không những có thể giải tỏa những cảm xúc âm tính, cải thiện hành vi mà còn giúp tăng cường nội khí, nâng cao sức đề kháng và sự thích nghi của cơ thể đối với môi trường.
Nguồn gốc của Thiền
Từ Thiền của Việt nam hay Zen của Nhật bản đều được phiên âm từ "Ch’an" của Trung hoa. Những chữ này đều xuất phát từ chữ Dhyna, có nguồn gốc ở bộ kinh Áo Nghĩa Thư (Upanishad). Đây là một bộ kinh thuộc triết học Bà la môn đã có từ thời thượng cổ ở Ấn độ. Theo tư tưởng Ấn độ, phàm muốn hiểu được chân tướng của một sự vật ta phải hòa mình làm một với sự vật đó. Thiền là quá trình tập trung tư tưởng, lặng lẽ suy tư, không để ngoại cảnh chi phối, là quá trình đồng nhất hóa với sự vật để hiểu được bản chất của nó. Thiền nguyên là một hình thức tu trì của những tông phái triết học ở Ấn độ. Sau khi Phật giáo ra đời, khoảng năm 520, Thiền được Bồ đề Đạt ma, một du tăng của Phật giáo truyền sang Trung hoa. Bồ đề Đạt ma nguyên là một tu sĩ thuộc Bà la môn giáo. Từ đây Thiền thuần lý và triết học của Ấn độ đã được giáo lý Phật giáo bổ sung và phát triển cả về nội dung lý luận lẫn phuơng pháp thực hành trong bối cảnh của truyền thống đạo học nguyên thủy của Trung hoa. Sau đó khi du nhập vào Nhật bản, Thiền lại được hòa trộn với tinh thần lễ giáo và nghệ thuật của Nhật bản. Như vậy Thiền được phổ biến sau này ở các nước châu Á đã hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của phương Đông. Đến khoảng đầu thề kỷ thứ hai mươi, do công của một giáo sư người Nhật, ông D.T. Suzuki, Thiền được giới thiệu sang các nước Anh, Pháp, Đức… Vào giai đoạn này, sau những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, văn minh nhân loại đã tiến thêm nhiều bước mới. Đời sống vật chất không ngừng được nâng lên nhưng tâm hồn con người dường như lại thêm lo âu, bất an hoặc cô đơn, trống rỗng. Thiền đã có mặt kịp lúc để lấp bớt khoảng trống này. Dưới cái nhìn duy lý và thực tiễn của người phưong Tây, Thiền đã nhanh chóng được tiếp nhận và quảng bá rộng rãi như là một hình thức giáo dục đạo đức và tâm linh. Vượt qua khỏi ranh giới của tôn giáo, sự hợp nhất giữa thân và tâm của Thiền giúp giải quyết những vấn đề do tâm lý gây ra và là phương pháp chữa trị cho nhiều chứng bệnh của xã hội hiện đại để mang lại hạnh phúc và sức khoẻ cho con người. Cũng ở thời gian này, Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá lại ý nghĩa của từ sức khỏe "Sức khoẻ là sự thoải mái hoàn toàn vể các mặt thể chất, tâm thần và xã hội chứ không phải chỉ là tình trạng không bệnh tật". Có lẽ vì những lý do này, khi chuyển ngữ sang phương Tây, người ta đã dùng từ "Meditation" để dịch từ Zen. “Meditation” có cùng ngữ căn “Mederi" với từ "Medicine" với hàm ý là một phương pháp chữa bệnh.
Thiền là liệu pháp đối trị của những chứng bệnh tâm thể
Đối với y học phương Tây, tác nhân tâm lý được xem là một yếu tố gây bệnh chỉ được Cullen nói đến vào khoảng năm 1776 với tên gọi là rối loạn thần kinh chức năng. Sau đó, năm 1936, giáo sư Hens Selye, người sáng lập viện chống Stress ở Montreal, Canada đã chính thức dùng thuật ngữ Stress để chỉ những phản ứng của cơ thể đối với những yếu tố gây khó chịu trong môi trường sống. Sớm hơn nhiều so với phương Tây, trên cơ sở những lý luận về khí và khí hóa, lại là những người có khuynh hướng duy tâm, thường hướng nội và phản quán, các nhà y gia cổ đại của phương Đông đã sớm nhận ra ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực lên sức khỏe của con người. Hàng ngàn năm trước, sách Nội kinh đã ghi nhận "bách bệnh giai sinh vu khí". Người xưa cho rằng những cảm xúc thái quá sẽ làm rối loạn khí hóa của những tạng phủ tương ứng và qua mối quan hệ sinh khắc sẽ dẫn đến sự mất quân bình của cả hệ thống. Do đó, những rối loạn này chính là nguyên nhân của những bệnh về nội thương. Ví dụ những người quá suy tư căng thẳng thường ăn uống kém ngon, dễ rối loạn tiêu hóa. Điều này xảy ra vì sự suy tư quá độ làm ảnh hưởng đến khí hóa của tỳ vị vì "Tư thương Tỳ". Hơn nữa, sự căng thẳng lâu ngày làm Can khí uất kết có thể dẫn đến loét dạ dày, tá tràng, triệu chứng mà Đông y thường gọi là "Can phạm Vị". Đôi khi những rối loạn khí hoá do cảm xúc có thể gây ra những triệu chứng bệnh lý có thể thấy được ngay. Thử quan sát một người đang bộc phát cơn tức giận. Toàn thân nóng lên, mồ hôi vả ra, nhịp tim tăng, hơi thở gấp, các cơ bắp như căng lên. Ở một số người khác cơn nóng giận có thể làm cho toàn thân ngứa ngáy, đau thắt ở ngực hoặc như bị bóp chặt ở bao tử. Đó là một trường hợp điển hình về rối loạn khí hóa do cảm xúc. Trong trường hợp nêu trên, Đông y cho rằng “Nộ thương Can", sự tức giận đã làm cho Can khí nghịch hành, dẫn đến các triệu chứng Can Đởm hỏa thịnh, thuộc Dương chứng. Trên thực tế, nếu bản thân không có các bệnh thực thể gì khác, chúng ta chỉ cần thực hành thư giản để sơ tiết Can khí hoặc chú tâm quan sát hơi thở vào và ra để đạt đến tâm bình, khí hoà hoặc chuyển tâm nghĩ đến một sự kiện vui vẻ đã xảy ra trong đời để khí của mẹ là Can Mộc được tiết bớt sang cho con là Tâm Hỏa (sự vui vẻ thuộc Tâm Hỏa và Mộc sinh Hỏa) thì các triệu chứng trên sẽ tự biến mất. Đó là ví dụ về những cách kiểm soát cảm xúc để làm chủ bản thân.
Trong thời đại ngày nay, để tồn tại và phát triển trước một cuộc sống nhiều thách thức và một môi trường luôn thay đổi, con người phải đối mặt với nhiều áp lực tâm lý. Chính những yếu tố gây Stress là nguyên nhân của nhiều bệnh tật. Stress có thể làm rối loạn tiêu hóa, tim mạch, rối loạn nội tiết, làm suy giảm khả năng miễn dịch khiến cơ thể dễ bị bệnh tật tấn công hoặc làm trầm trọng thêm những chứng bệnh đang tiềm tàng. Trong những trường hợp này, việc giải toả Stress, điều hoà được cảm xúc phải là ưu tiên hàng đầu. Nói chung, thư giản hay căng thẳng, tập trung tư tưởng vào một sự kiện này hay chuyển sang một sự kiện khác là khả năng tự nhiên ở mỗi người. Tuy nhiên, ở một số trường hợp bệnh lý, khi hệ thần kinh đã quá tải, đã vượt quá giới hạn để tự hồi phục, tự điều chỉnh thì người bệnh cần một quá trình luyện tập hoặc điều trị. Trong những trường hợp này, Thiền là một liệu pháp đối trị trực tiếp và hữu hiệu. Ông Herbert Benson, giáo sư đại học Harvard, người sáng lập Viện Y học Tâm thể ở Boston (Mind-Body Medical Institute) cho biết "từ 60% đến 80% số lượng bệnh nhân đến khám ở các phòng mạch đều có liên quan đến Stress. Các ca bệnh này đáp ứng rất kém đối với thuốc và phẫu thuật nhưng lại rất tốt đối với các liệu pháp tiếp cận tâm thể". Ông cho rằng các liệu pháp thư giãn và Thiền làm giảm sự căng cơ, giúp giải tỏa những tình trạng lo âu, sợ hãi, bất an, dễ bị kích thích và đặc biệt là làm giảm hoạt hóa các nội tiết tố Stress.
Hiện nay có một phương pháp Thiền đã được chính thức đưa vào giảng dạy và thực hành lâm sàng tại nhiều trường đại học Y ở phương Tây, kể cả một số trường đại học lớn ở Mỹ như Umass, Standford, Duke, Virginia, San Francisco,… Đó là MBSR. MBSR là những chữ viết tắt của thuật ngữ "Mindfulness Based Stress Reduction", tạm dịch là "giảm Stress dựa trên sự tỉnh giác". MBSR được xem là một liệu pháp bổ sung giúp điều chỉnh tinh thần, cảm xúc và cải thiện sức khỏe. Đây là một kỷ thuật Thiền định nhằm phát triển chánh niệm, tức khả năng nhận biết điều gì đang xảy ra nơi thân hoặc tâm, qua đó có thể làm chủ được bản thân và điều hòa cảm xúc. MBSR đã được giáo sư Jon Kabat – Zinn khởi xướng đưa vào thực hành lâm sàng từ đầu những năm 1970. Hiện nay Trung tâm Y học và Giáo dục Tỉnh giác CFM (the Center For Mindfulness in Medicine, Healh Care and Society) thuộc trường Đại học Y Massachusettes (UMASS), được xem là cơ sở y tế lớn nhất và lâu đời nhất ở Mỹ trong lĩnh vực quảng bá, giáo dục và điều trị bằng MBSR. Một liệu trình MBSR tiêu chuẩn kéo dài 8 tuần lễ. Chương trình gồm hai phần. Phần huấn luyện tại lớp mỗi tuần một lần, mỗi lần một buổi từ 2 giờ đến 2 giờ rưỡi. Riêng lần cuối cùng thường được tổ chức vào cuối tuần và kéo dài khoảng 7 hoặc 8 giờ. Phần tự thực hành tại nhà khoảng 1 giờ mỗi ngày. Cho đến nay, hàng chục ngàn người đã được hưởng lợi từ chương trình huấn luyện và điều trị này. Kết quả cho thấy MBSR giúp điều trị những bệnh về tim mạch, các chứng đau nhức mãn tính, rối loạn chức năng, dạ dày, ruột, chứng đau nữa đầu, cao huyết áp, mất ngủ, âu lo, hoảng loạn,… Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 200 bệnh viện hoặc cơ sở y tế có thực hành điều trị bằng MBSR.
Thiền là một liệu pháp chỉnh thể
Thiền là một truyền thống văn hóa đặc sắc của phương Đông. Do đó liệu pháp Thiền cũng phản ảnh đầy đủ tính chất “chỉnh thể" và "Trời người hợp nhất" của nền y học cổ truyền. Chỉnh thể hay nhất thể (holistic) là quan điểm xem con người là một tổng thể hợp nhất. Mỗi triệu chứng, mỗi bộ phận đều phải được xem xét và điều chỉnh trong mối tương quan chung nhằm mang lại sự cân bằng và hài hòa cho cả tổng thể. Chẳng hạn, ở một bệnh nhân loét dạ dày, liệu pháp chỉnh thể sẽ lưu ý giải quyết tình trạng thấp nhiệt ở dạ dày hoặc căng thẳng tâm lý trong sinh hoạt để cải thiện khí hoá ở Tỳ vị hơn là cố tìm một loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây loét. Ở những chứng viêm mũi mãn tính, Đông y cho rằng do Âm hư gây ra Hỏa vượng. Do đó cách chữa phải đặt nặng việc bổ thận để nạp khí, bổ Âm phải tàng Dương, hơn là chỉ dùng những chất hàn lạnh để trừ hư Hỏa. Dù hư Hỏa có tạm được khống chế nhưng nếu làm trầm trọng thêm sự mất quân bình Âm Dương hoặc suy sụp thêm sức đề kháng thì bệnh không thể dứt được… Nói chung, theo quan điểm này thì sự nâng cao chính khí và sự hài hoà bên trong mới chính là nguồn gốc của sức khỏe. Chừng nào mà sự hài hòa còn chưa đạt được hoặc sức miễn dịch chưa được cải thiện thì sự cứu chữa chỉ là cục bộ hoặc tạm thời và sự biến mất của một triệu chứng sẽ có thể gây ra một triệu chứng khác ở một tổ chức khác. Do đó, với ý nghĩa hòa hợp hay hợp nhất giữa các tổ chức trong cơ thể, hợp nhất giữa thân và tâm và cuối cùng là giữa con người và vũ trụ, Thiền là đỉnh cao của liệu pháp chỉnh thể và cũng là chỗ gặp nhau giữa y học và các nền học thuật khác của phương Đông. Giống như những nhà khí công, những người hành trì Thiền lâu năm có định lực cao, trình độ khí hóa được nâng lên, có thể dùng năng lực Thiền để hóa giải bệnh tật hoặc chữa bệnh cho người khác. Về mặt thần kinh, thông qua quá trình thư giản và nội quán, Thiền duy trì trạng thái yên tĩnh của đại não, có thể điều hòa thần kinh giao cảm, phục hồi tính tự điều chỉnh và tự hoàn thiện vốn có của hệ thần kinh trung ương. Đây cũng là một cơ chế mang tính chỉnh thể vì sự hài hòa và hoàn thiện của hệ thần kinh sẽ tác động trở lại để điều hòa hoạt động nội tiết, nội tạng, tái lập tình trạng khí hóa bình thường để phục hồi sức khỏe. Cũng vì lý do này, những liệu pháp thư giãn & Thiền không chỉ có hiệu quả trên những bệnh tâm thể mà còn thông qua việc nâng cao sức miễn dịch và cải thiện lưu thông khí huyết để phục hồi dần những cơ quan đã bị tổn thương.
Nói chung trong quá trình hành Thiền, "thần tĩnh tức âm sinh", tâm không duyên ra ngoài sẽ giữ được khí, ngưng thần định ý tại Đan điền sẽ gia tăng chân khí. Do đó công năng dưỡng âm tồn thần và nâng cao chính khí của tọa Thiền hoàn toàn phù hợp với tinh thần "nhiếp sinh" của Nội kinh, có thể chữa được bệnh, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và giúp gia tăng sự thích nghi của cơ thể đối với những điều kiện thay đổi của môi trường sống.
Liệu pháp Thiền và những suy nghĩ tích cực
Khi xem một vở kịch tốt hoặc một phim hay, trong những lúc cao trào, ta thường bị thu hút vào vở diễn hoặc vai diễn. Thương cảm, rơi lệ hoặc bức xúc, tức giận,… Trong những phút giây đó, không chỉ người diễn viên mà cả người xem đều đã như hóa thân thành một người khác chứ không còn là người diễn viên hoặc bản thân chúng ta của những lúc bình thường. Những truyền thống tư tưởng phương Đông đều quan niệm thân và tâm là một thể thống nhất. Suy nghĩ và cảm xúc luôn tác động đến phần thể xác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cả nhận thức và từ nhận thức sẽ dẫn đến hành động. Chính những cảm xúc và nhận thức lâu ngày đã hình thành nên tập tính và tình trạng sức khỏe ở mỗi người. Do đó có thể nói mỗi người chính là những điều mà người đó suy nghĩ. Mỗi người trong chúng ta vì những lý do khác nhau đã vô tình bị tập nhiễm một số hành vi mà chúng ta không muốn nhưng đã không thể cưỡng lại được. Kỹ thuật tự ám thị (auto-suggestion) thông qua thiền định có thể giúp cải thiện tình trạng này. I.P. Paplov một nhà sinh lý học nổi tiếng của nước Nga đã chứng minh rằng mọi phản xạ thần kinh dù cao hay thấp, mọi thói quen, quá trình rèn luyện, học tập, lao động đều là những quá trình hình thành nên những phản xạ. Trong hành Thiền, việc hóa thân, việc đồng nhất hóa với một sự vật mới, một ý niệm mới hoặc một con người mới đã được tái hiện liên tục và nhiều lần trong một điều kiện tâm lý đặc biệt. Điều kiện tâm lý đặc biệt chính là tình trạng thư giãn hoặc nhập tĩnh khi mà não trở nên nhạy cảm khác thường trong việc tiếp nhận và hoạt hóa những thông tin liên quan, đến những ý niệm hoặc hình ảnh được gợi ra. Nói cách khác, khi ở vào tình trạng thư giãn ta có thể dùng lời nói hoặc những hình ảnh tưởng tượng thích hợp để cải thiện những tình trạng tâm lý hoặc vật lý của cơ thể, những điều mà trong điều kiện bình thường ta không thể thực hiện được. Hiệu ứng này thường được vận dụng trong các phương pháp dưỡng sinh, khí công, thôi miên, tự ám thị và cả trong nhiều nghi thức tôn giáo. Ví dụ, bình thường ta không thể ra lệnh hoặc tự nhủ để nhịp tim chậm lại hoặc huyết áp giảm xuống. Tuy nhiên, trong điều kiện thư giãn hoặc lúc thiu thiu ngủ nếu ta "thấy" hoặc "nghĩ" rằng tim đang đập chậm lại hoặc huyết áp đang hạ xuống thì tần số tim sẽ giảm và huyết áp sẽ hạ. Hãy lưu ý từ "thấy" mà không phải là "nhìn". Từ "thấy" hoặc "nghĩ" ở đây hàm nghĩa không có sự phân tích hoặc cố gắng về mặt ý thức. Đây là một nguyên tắc quan trọng của Thiền cũng như của sự tự ám thị. Nguyên tắc này có thể được gọi một cách vắn tắt nhưng khá chính xác là sự tập trung không căng thẳng. Tập trung vào một từ khóa, một câu ám thị, hoặc một cảnh vật… nhưng phải ở trong điều kiện tĩnh lặng và không căng thẳng. Chính sự tĩnh lặng và không căng thẳng giúp duy trì tình trạng nhập tĩnh đồng thời nâng cao tính nhạy cảm trong việc tiếp nhận và hình thành nên những cung phản xạ mới. Về mặt khoa học, nhập tĩnh ứng với tình trạng cơ bắp thư giãn hoàn toàn và sóng não hạ thấp từ nhịp Beta nhanh và không ổn định xuống nhịp Alpha hoặc Theta chậm và ổn định hơn. Trong điều kiện này bất kỳ sự căng thẳng nào kể cả sự căng thẳng của quá trình chú ý (chẳng hạn phân tích, lý luận về vấn đề đang chú ý) đều sẽ làm thay đổi sóng não và phá vỡ sự nhập tĩnh. Chính sự tự ám thị trong điều kiện thư giãn hoặc gần nhập tĩnh giúp thúc đẩy nhanh quá trình hình thành nên những cung phản xạ mới cho yêu cầu chữa bệnh hoặc cải thiện hành vi, nhân cách. Ở nhiều bệnh nhân mắc những bệnh mãn tính đã trãi qua điều trị lâu dài, tính trầm trọng không phải ở chính căn bệnh mà ở tâm lý chán nản, trầm uất. Tâm lý này phát xuất từ suy nghĩ mình là gánh nặng của gia đình hoặc do thiếu niềm tin vào thầy, vào thuốc. Yêu cầu điều trị trong những trường hợp này là phải giải tỏa được trầm uất và tăng cường niềm tin sẽ khỏi bệnh. Đó là lý do tại sao thiền và những suy nghĩ tích cực lại hữu hiệu trong hầu hết những bệnh kinh niên. Với liệu pháp thiền, có thể nói người bệnh chính là thầy thuốc và sức miễn dịch được nâng lên chính là thuốc chữa bệnh.
Sau đây là một vài thí dụ về sự phối hợp giữa thư giãn & Thiền và những suy nghĩ tích cực:
Để đạt được mục đích thư giãn và bình an cho tâm trí, người tập có thể nghĩ đến những cảnh quang mà mình ưa thích hoặc đã từng trãi qua. Rừng thông bạt ngàn, gió thổi vi vu. Bãi cát trắng xóa, sóng biển nhấp nhô. Cánh đồng lúa rì rào, gió thổi mơn man. Cảnh núi non hùng vĩ, thác nước trắng xóa,… Nằm hoặc ngồi thoải mái ở một nơi yên tĩnh, thoáng mát. Mắt khép nhẹ. Hít thở điều hòa, thì thở ra chậm và dài hơn thì hít vào. Tập trung tư tưởng nghĩ đến cảnh quang đã định. Hình dung rõ ràng quang cảnh như đang hiện ra trước mắt mình. Lặng lẽ quan sát để từ từ tiến đến dung hợp giữa người và cảnh, thấy mình hòa tan vào cảnh hoặc quên đi bản thân mình.
Để gia tăng nội khí hoặc để điều trị các chứng hư Hỏa gây căng thẳng, nhức đầu, khó ngủ, hồi hợp,… có thể tập trung vào bụng dưới. Ngồi bán già hoặc kiết già. Lưng thẳng. eo hơi thót lại. Cằm hơi thu vào. Đầu lưỡi chạm nướu răng trên. Buông lỏng phần vai và hai tay. Mắt khép nhẹ. Hít thở điều hòa. Tập trung tâm ý quán tưởng khắp chung quanh mình đang có gió nhẹ thổi vào vùng bụng dưới.
Để chữa bệnh, trị đau nhức, để làm tan một chỗ bị sung huyết hoặc một tổ chức bị u xơ, có thể quán hơi thở vào và ra. Hít vào sâu đến bụng dưới. Thở ra chậm, nhẹ và đều. Trong lúc thở ra tập trung ý quán một luồng trược khí màu xám từ chỗ bị đau theo hơi thở thoát ra các đầu ngón chân (nếu ở vùng hạ thể) hoặc đỉnh đầu, hoặc những đầu ngón tay (nếu ở vùng thượng thể). Có rất nhiều nghiên cứu về hiệu ứng vật lý của những suy nghĩ tích cực. Đáng kể nhất là công trình nghiên cứu của Bác sĩ Carl Simonton về điều trị ung thư. Ông hướng dẫn cho bệnh nhân thư giãn và hình dung những bạch cầu của họ là những chiến sĩ "tìm và diệt". Đội quân dũng mãnh đã chiến đấu, chiến thắng và mang đi các tế bào ung thư đã chết. Công trình nghiên cứu trên 110 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã cho kết quả 25% hoàn toàn khỏi bệnh, 30% ung thư ngừng phát triển, và ở 10% khác khối u ung thư bắt đầu nhỏ dần.
Ông Emile Coue (1857-1926), một chuyên gia điều trị tâm lý người Pháp là người đã từng hướng dẫn và điều trị cho hàng chục ngàn bệnh nhân bằng phương pháp ám thị và tự ám thị. Đến với ông có thể là những người bị mất ngủ, hoảng loạn, nói lắp, nghiện thuốc, béo phì, động kinh, suyển và cả những bệnh nhân tim mạch, tiểu đường, u xơ, viêm khớp. Ông đã đề xuất một công thức ám thị đơn giản chung cho nhiều trường hợp khác nhau, để điều chỉnh hành vi hoặc để thay đổi những điều kiện tâm lý, vật lý cho việc cải tạo sức khỏe. Nguyên văn câu ám thị là "Tous les jours a tous points de vue, je vais de mieux en mieux" đã được chuyển sang Anh ngữ “Day by day, in every way, I am getting better and better", tạm dịch "Mỗi ngày qua, tôi tốt đẹp hơn lên về mọi phương diện". Ông khuyên người bệnh thực hành ám thị hai lần mỗi ngày. Mỗi lần tự nhẩm 20 lần câu ám thị nêu trên. Cần làm một xâu chuỗi có 20 hạt để lần chuỗi tương ứng với 20 lần nhẩm niệm. Việc lần chuỗi vừa bảo đảm đủ số cần niệm, vừa có tác dụng tạo thêm phản xạ có điều kiện cho những lần sau. Thực hành lúc vừa thức dậy, sắp sửa xuống giường và liền trước khi nằm xuống ngủ. Đây là những lúc mà chúng ta còn ngái ngủ hoặc buồn ngủ. Do đó khi đã nhắm mắt và tập trung vào câu ám thị thì tâm chỉ tồn tại có ý niệm đó, những tạp niệm rất khó xen vào. Về mặt thần kinh, những thời điểm này gần giống như lúc chúng ta luyện tập thư giãn hoặc chuẩn bị nhập tĩnh nên cũng là lúc tốt nhất để tiếp nhận những thông tin tích cực cho việc tạo nên những cung phản xạ mới.
LƯU Ý:
Kết quả hành Thiền sẽ khác nhau do khả năng tập trung tư tưởng của mỗi người. Điều này tùy thuộc vào căn cơ và các điều kiện trợ duyên khác như chế độ ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp… Thiền được xem là một liệu pháp bổ sung được dùng song hành với các biện pháp chữa bệnh chính thống khác. Do đó việc gia giảm hoặc thay thế các loại thuốc trong việc điều trị phối hợp với Thiền cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
Theo Y Khoa. Net

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

THÔNG BÁO

Ảnh chụp lưu niệm đợt thiền dã ngoại Côn Sơn 4 - 2010

Trong album đã có ảnh đi Côn Sơn đợt vừa rồi. Bác nào có ảnh thì vào mà nhận nhé. Thu chưa biết hết tên nên không chú thích hết, nhờ các bác chú thích dùm hộ.
Bộ ảnh Côn Sơn tháng 3 cũng mới được bổ xung thêm, các bác vào mà xem nhé. Nếu phần chú thích có gì khiếm khuyết, mong các bác chỉnh lại hộ cho. Xin cảm ơn.
Những bác đã đăng kí làm thành viên, xin mời đăng bài. Những bác nào chưa đăng ký, xin lưu lại nhận xét để cổ vũ cho trang nhà.
Nghe nói đợt đi Côn Sơn vừa rồi có nhiều điều hay, mong các bác chia sẻ cảm nhận với những người ở nhà.
Bác nào có ảnh chụp bằng máy ảnh riêng, gửi cho Thu qua mail. Nếu không tiện thì copy vào USB chuyển cho Thu cũng được. Xin cảm ơn.
Thay mặt CLB DSNL - ESPERANTO

Thêm bức ảnh lạ nữa

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2010

KITARO


Kitaro tên thật là Masanori Takahashi, ông sinh năm 1953 trong một gia đình nông dân theo đạo Phật ở tỉnh Toyohashi miền Trung Nhật Bản.

Khi đang còn học Trung học ông rất say mê thể loại Soul và Rhythm & Blues. Vào lúc này Kitaro chơi ghita điện trong nhóm nhạc Albatross và thường biểu diễn trong các bữa tiệc và câu lạc bộ. Cái tên "Kitaro" được đặt bởi các bạn của ông theo tên của một nhân vật hoạt hình.

Là một trong những nghệ sỹ được hâm mộ ở Phương Đông và Mỹ, Kitaro luôn mang âm nhạc của ông vượt xa khỏi biên giới Nhật Bản.

Là một nhà soạn nhạc và chơi nhiều nhạc cụ khác nhau, ông đã đến với hàng triệu người trên khắp các châu lục bằng những tác phẩm ghi âm của mình. Mặc dù ông luôn xuất hiện trước công chúng bằng bộ áo choàng truyền thống và mang tính thần bí của nên văn hóa nơi ông sinh ra nhưng âm nhạc của Kitaro lại không bị giới hạn trong những khuôn khổ đó

Có lẽ, như một tác giả đã viết, "lòng lương thiện và tính kiên định khiến người ta tin tưởng" của ông giữ cho ông luôn đứng đầu trong dòng âm nhạc hiện đại. Đó là, theo một ý kiến khác, những tác phẩm của ông được kết hợp thành "một thế giới không biên giới của hàng ngàn bức tranh... một mạng kết của sự nhẹ nhàng và diệu kỳ"

Từ đầu những năm 70, âm nhạc của Kitaro đã là một sự phản ánh những cảm nhận của con người biểu lộ sự tôn thờ thiên nhiên và thế giới như một môi trường tự nhiên của con người. "Thiên nhiên truyền cảm hứng cho tôi", ông nói, "Đối với tôi, một số bài hát như những đám mây, một số bài lại như những dòng nước".

Vẻ đẹp của thiên nhiên gắn bó với Kitaro từ những ngày đầu đời. Tuổi thơ nông thôn đã khiến ông sớm cảm nhận được sự mộc mạc và hùng vĩ của thiên nhiên. "Tôi đã tìm thấy được một chỗ trong thiên nhiên từ khi tôi còn rất trẻ", ông nhớ lại, "và trong thâm tâm, tôi luôn là một người có cách nhìn tổng thể".

Khi còn là một học sinh trung học, ông đã chơi được ghi ta điện, hoàn toàn tự học. Ông thích nhạc R&B của Mỹ. Kitaro nói, "tôi thích nhạc cổ điển, nó giống như những bức tranh, và nhạc rock đối với tôi là sức mạnh và nghị lực. Chúng ta có âm nhạc nên chúng ta cảm nhận được vũ trụ"

Năm 1980, ông sáng tác nhạc cho bộ phim tài liệu dài 1 giờ mang tên Silk Road nói về con đường tơ lụa từ châu Âu sang Nhật Bản.

Nhiều năm sau ông đã có được một số lượng nhỏ thính giả ở Mỹ thông qua các albums nhập từ Nhật Bản và châu Âu và được biết dưới tên Kitaro. Từ năm 1985, số lượng thính giả càng ngày càng tăng khi hãng Geffen Records đồng thời tung ra hàng loạt các ấn phẩm của ông.

Năm 1986, ra album Tenku, một album mang đậm ấn tượng của thời thơ ấu. Mùa thu năm 1987, tung ra album The Light of the Spirit, đồng sản xuất với Grateful Dead Percussionists Mickey Hart, một người mê ái mộ Kitaro từ lâu. Album The Light of the Spirit phản ảnh những cảm nhận của Kitaro về cuộc sống, cái chết, sự hồi sinh và tiếp tục vòng xoay cuộc đời. Kitaro được nhận giải Grammy đầu tiên cho tác phẩm "The Field".


Cuối năm đó, Kitaro lưu diễn ở Mỹ qua nhiều thành phố như New York, Chicago, Boston, Los AngelesAtlanta. Năm 1992, Kitaro được biết đến nhiều hơn khi cộng tác với Yes' Jon Anderson trong album Dream. Cuối năm đó ông hoàn thành bản hùng ca gồn ba chương về chiến tranh Việt Nam mang tên "Heaven and Earth" và mang về cho ông một giải thưởng quả cầu vàng.

Những năm sau đó, Kitaro nhận thêm nhiều giải Grammy khác cho các tác phẩm Mandala, An Enchanted Evening và Gaia Onbashira. Ông nhận được giải thưởng Grammy cao quý về "Album nhạc new age hay nhất" cho tác phẩm "Thinking of You".

Năm 2001, Kitaro được ủy quyền sáng tác nhạc soundtrack cho chương trình đặc biệt của đài truyền hình NHK mang tên "Message from the past" và Album này lại mang về cho ông giải Grammy thứ 7

Nhạc của Kitaro quả thật bộc lộ hết khung cảnh thánh thiện của thiên nhiên hòa trong điệu nhạc. Coi những video clips của Kitaro mới thấy hết cái tài của ông. Ông sống hết mình, chơi hết mình vì nhạc. Có thể xem Kitaro như là một món quà mà thiên nhiên trao tặng cho thế giới. Ông là chiếc cầu nối, mang con người đến với xứ sở thần tiên, nơi duy nhất bao gồm tất cả những sự tinh khiết nhất còn đọng lại trên thế giới này.

(Sưu tầm trên mạng)

Ngây ngất với Kitaro

Bạn yêu nhạc Việt Nam hẳn không còn ai lạ gì cái tên Kitaro cùng nhạc phẩm Matsuri, Dance of sarasvati, Whispering Earth... đã được sử dụng liên tục trong các chương trình biểu diễn thời trang, nhạc hiệu, tại các phòng SPA... Nhưng khách quan mà nói, nhạc Kitaro không thuộc nhóm dễ nghe. Tuy nhiên, khi đã có đủ sức để nghe hết một CD thôi, bạn sẽ tìm cách để có thêm một CD Kitaro khác để nghe.

Âm nhạc của Kitaro thường dựng đứng trước mặt ta trong lần đầu gặp, thành lũy âm thanh cao chất ngất khiến nhiều người dễ bị choáng ngợp và thối lui. Nhưng nếu khéo chọn hoặc được một tín đồ new-age dọn đường mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Tỷ như thay vì bập ngay vào album Kojiki nếu làm quen bằng Thinking of you mọi việc sẽ đơn giản.


Có thể nói Thinking of you là một bài ca về thiên nhiên tươi đẹp với 10 phân cảnh âm thanh với nhiều sắc thái, thời khắc khác nhau trong ngày, trong mùa và trong năm và ngược lại trong mỗi khoảnh khắc mong manh cũng được soi rọi một cách tinh tế. Tiếng gió mùa hè. Sắc trời mùa xuân khi tuyết bắt đầu tan. Những rặng anh đào rợp hồng lối đi. Tiếng chim hót líu lo... tổng phổ âm thanh ấy khiến người có tuổi thận trọng nâng niu dĩ vãng, còn người trẻ trung thì đủ hưng phấn để mở rộng lòng mình ra. Có thể nói mà không sợ quá rằng âm nhạc Kitaro là những khoảnh khắc thanh thản của tâm hồn phối ngẫu với sắc màu linh động của tư duy.

Những năm tháng sống và chan hòa ở nông thôn đã phả vào tâm hồn ông những cảm nhận, rung động hài hòa rất sớm về sự hồn nhiên và hùng vĩ của thiên nhiên.

Âm nhạc của Kitaro gợi cảm và có khả năng giải phóng năng lực hình dung của người nghe rất lớn. Nếu có một ít hiểu biết về lịch sử hoặc văn hóa Nhật Bản khi nghe album Kojiki, nhắm mắt lại, bạn sẽ có cảm giác như đang xem một cuốn phim thần thoại về thời khai sinh lập địa, về cuộc tranh đấu của các vị thần để đem lại ánh sáng cho con người. Hajimari Reimei, Matsuri là đoạn nữ thần mặt trời Hikaru bước ra khỏi động, chiếu sáng muôn loài, mang lại sự sống cho muôn loài... được diễn tả sinh động tới mức ta có thể cảm nhận được tiếng sóng biển rì rào khi vầng dương lên, ánh sáng đẩy lui bóng tối, tiếng trống ì ầm như nhịp sinh sôi của trời đất, tự nhiên. Nếu chưa có nền kiến thức cơ bản để tiếp cận với Kojiki thì bạn sẽ chỉ tiếp cận với phần vỏ âm thanh bên ngoài, có bạn chưa hiểu hết vẻ đẹp của nó nhưng chắc chắn bạn sẽ có ý thức quay lại. Khi ấy bạn sẽ hiểu vì sao nhiều người ví Kojiki là diễn xướng của thưở con người bước ra ánh sáng.

Không hề được học nhạc, Kitaro không biết kí âm. Cũng như nghệ sĩ Hy Lạp Yanni, ông tự ghi lại tác phẩm của mình theo một lối riêng, một kiểu ký họa bằng âm thanh, diễn đạt bằng trực giác. Không được đào tạo bài bản nhưng Kitaro biết tự học để sử dụng synthesizer và guitar, chơi được sáo, trống taiko và nhiều loại nhạc cụ cổ truyền Nhật khác. Có lẽ chính nhờ đam mê, am hiểu âm nhạc truyền thống Nhật Bản nên khi bước ra với thế giới, Kitaro không gặp trở ngại với các âm nhạc của nền văn hóa khác. Việc thực hiện sinh động các sound track trong bộ phim về chiến tranh Việt Nam Heaven and Earth của Olive Stone (Mỹ) là một ví dụ.

Hiếm nhạc sĩ nước ngoài nào lại hiểu và diễn đạt được nội tâm người Việt xuất sắc như Kitaro. Kitaro còn tự sản xuất hầu hết các album của mình, kiêm luôn việc trình bày đĩa, chụp ảnh. Thậm chí ông còn can thiệp vào việc thiết kế ánh sáng sân khấu để hiệu ứng trình bày đạt đến mức cao nhất. Nếu đã xem qua video clip tác phẩm Matsuri bạn sẽ tin rằng, Kitaro trân trọng cảm xúc của người nghe đến đâu.

Tại sao bạn không thử làm quen với Kitaro nhỉ? Ngay cả khi đã quen với Matsuri thì người viết bài cũng xin chân thành khuyên bạn, hãy cứ thử nghe lại và đặt mình trên một ngưỡng hình dung khác.

Kiều Phong

Lời bàn: Đĩa thiền trên nền nhạc của Kitaro rất được ưa chuộng ở Câu lạc bộ chúng tôi. :))



Thứ Ba, 20 tháng 4, 2010

NHỮNG LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH

 Nguồn ảnh: Internet
Hiện nay, nhiều người khắp nơi trên thế giới, bất luận tôn giáo nào, đã ý thức về những lợi ích có được qua thiền định. Mục đích chính yếu của thiền định là đào luyện tâm và dùng nó càng lúc càng hiệu quả trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Cứu cánh của thiền định là nhằm vào sự giải thoát khỏi bánh xe luân hồi vòng sinh tử. Mặc dù đó là một công việc khó nhất, nhưng những lợi ích tích cực có thể đạt được ngay hiện tại, nếu ta coi trọng với thiền định. Thật thích đáng để nhắc lại những gì đã được đề cập trước: Ta không nên bị nô lệ bởi những triển vọng của các điều lợi ích này và mất đi tầm nhìn về mục đích xác thực của thiền định Phật giáo. Những lợi ích của thiền định có thể được tóm lược như sau:
1- Nếu bạn là người bận rộn, thiền định có thể giúp bạn buông bỏ căng thẳng và tìm đến sự thư thả.
2- Nếu bạn là một người lo âu, thiền định có thể làm bạn bình tĩnh và tìm đến tâm an bình.
3- Nếu bạn là một người có vô tận những vấn đề, thiền định có thể giúp bạn phát triển lòng can đảm và nghị lực để đối mặt và khắc phục chúng.
4- Nếu bạn thiếu tự tin, thiền định có thể giúp bạn thu được tự tin vốn là bí quyết thành công trong đời sống.
5- Nếu bạn có tâm lo sợ, thiền định có thể giúp bạn thấu hiểu thực chất của những vấn đề khiến bạn hoảng loạn – lúc đó bạn có thể khắc phục tâm lo sợ.
6- Nếu bạn luôn luôn bất mãn với mọi sự và không có gì trong đời sống làm bạn thỏa mãn - thiền định có thể cho bạn cơ hội để phát triển và duy trì sự hài lòng với chính mình.
7- Nếu bạn hoài nghi và không quan tâm đến cách sống đạo lý, thiền định có thể giúp bạn vượt qua thái độ hoài nghi và thấy vài giá trị thực tiễn trong hướng dẫn đạo pháp.
8- Nếu bạn thất bại và khổ sở do thiếu hiểu biết về tình trạng bấp bênh của đời sống và thế giới, thiền định có thể thực sự hướng dẫn và giúp bạn hiểu biết tính phù du của các pháp thế gian.
9- Nếu bạn là người giàu, thiền định có thể giúp bạn nhận chân bản chất sang trọng cao cả của bạn và cách sử dụng nó không những vì chính hạnh phúc của bạn mà còn vì hạnh phúc tha nhân.
10- Nếu bạn là người nghèo, thiền định có thể giúp bạn phát triển sự tri túc và không dung dưỡng lòng ganh tỵ với những người có nhiều hơn bạn.
11- Nếu bạn là một thanh niên ở bước ngoặc của cuộc đời, và bạn không biết rẽ về đâu, thiền định có thể giúp bạn tìm thấy chánh đạo để đi đến mục đích đã chọn được.
12- Nếu bạn là một người đứng tuổi, chán ngán cuộc sống, thiền định có thể mang lại cho bạn sự hiểu biết cuộc sống sâu sắc hơn; sự hiểu biết này lần lượt sẽ làm vơi đi những nỗi đau của bạn và gia tăng niềm vui sống.
13- Nếu bạn nóng tính, bạn có thể phát triển sức mạnh để khắc phục nhược điểm của tính nóng nảy, thù hận để trở thành người điềm tĩnh hơn.
14- Nếu bạn ganh tỵ, bạn có thể hiểu rằng những thái độ tinh thần tiêu cực không bao giờ đóng góp bất cứ điều gì cho lợi ích của bạn.
15- Nếu bạn không thể giảm tham ái đối với các dục lạc, bạn có thể học cách trở thành người làm chủ những dục lạc của bạn.
16- Nếu bạn nghiện rượu hoặc ma túy, bạn có thể khắc phục thói quen nguy hiểm đã từng làm cho bạn nô lệ.
17- Nếu bạn là người hẹp hòi, bạn có thể phát triển trí sáng suốt, nó sẽ mang lại lợi ích cho bạn, bằng hữu và gia đình của bạn, và tránh sự hiểu lầm.
18- Nếu những cảm xúc tác động mạnh mẽ nơi bạn, chúng sẽ không có cơ hội để làm cho bạn lầm đường lạc nẻo.
19- Nếu bạn khổ sở từ những hỗn loạn như những chứng suy nhược thần kinh và xáo trộn tinh thần, thiền định có thể làm khơi dậy những năng lực tích cực trong thâm tâm bạn để phục hồi sức khỏe, đặc biệt nếu chúng thuộc về những vấn đề thần kinh.
20- Nếu bạn là người nhu nhược hoặc là người duy trì tính phức cảm tự ty, thiền định có thể củng cố nội tâm bạn để phát triển lòng can đảm và khắc phục sự nhu nhược.
21- Nếu bạn là người sáng suốt, thiền định sẽ hướng dẫn bạn đến trí tuệ cao siêu. Lúc đó bạn sẽ thấy chân tướng của các pháp, và không còn thấy theo vẻ ngoài nữa.
Đây là một vài lợi ích thực tiễn xuất phát từ việc thực hành thiền định. Những lợi ích này không phải để bán trong bất cứ tiệm buôn hoặc cửa hàng bách hóa nào. Nhưng bạn có thể phát triển chúng qua thiền định của bạn. Tâm là chìa khóa mở cửa hạnh phúc và cũng là chìa khóa mở cửa khổ đau. Hiểu và khéo dùng tâm là công việc hơn hẳn đời sống thanh bình và tự mãn.
(trích dịch Meditation The Only Way- K. Sri Dhammananda )

* Lời người dịch: “Sự thanh thản của đời sống vật chất và ngay cả những mức độ thiền chỉ là những lợi ích cần thiết, nhưng thiền định còn tiến xa hơn, tức là giải thoát tất cả chấp thủ.”
*Việt dịch: Pundariko

Lời bàn: Ở Câu lạc bộ của chúng tôi, thiền giúp chúng tôi điều chỉnh được bệnh tật, hạn chế dùng thuốc trong những trường hợp không cần thiết. Thiền giúp chúng tôi có thêm nghị lực, tin tưởng vào bản thân, vượt qua được chính mình, sống vui vẻ và yêu đời.

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

TRÊN ĐƯỜNG VỀ

Clip quay đoàn chúng tôi trên đường từ Côn Sơn về. Tất cả đều là nghiệp dư, từ người quay phim, đến dựng phim, chỉ có các diễn viên là chuyên nghiệp. :P

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

“THIỀN” ĐÃ TRẢ LẠI CHO TÔI SỨC KHỎE

Tôi là Nguyễn Tiến Quyết, 34 tuổi, thường trú tại: số nhà 3, tổ 23, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tôi bị chứng bệnh về máu: Tăng tiểu cầu tiền phát. Phát hiện bệnh do một tai nạn và bị cắt mất lá lách. Bác sĩ chẩn đoán bệnh của tôi ở giai đoạn đầu, gan to, tính tình hay bi quan, hay tức giận vô cớ, da mặt xanh xao lộ rõ vẻ ốm yếu. Bác sĩ còn nói bệnh này chữa đỡ nhưng không khỏi được. Tôi đã chán nản buông xuôi và nghĩ đời mình rồi sẽ đi qua, điều không vui vẻ là ra đi với một tấm thân ốm yếu. Ngày đầu khi vào viện 1 tuần lọc máu 2 lần, mỗi lần 3 triệu đồng. Sau 18 ngày nhập viện mất 17 triệu đồng, cứ thế tôi phải điều trị hàng tháng rất tốn kém mà kinh tế gia đình eo hẹp. Cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi chán chường. Sau 2 đợt điều trị tại Viện Huyết Học và Truyền máu Trung ương, tôi ra viện để chờ đợi đợt sau.
Số phận run rủi dẫn tôi đến với Thiền qua sự giới thiệu của một cô đã học ở CLB. Lần đầu tôi đến với CLB là ngày 1 – 6 – 2008, tôi cũng chỉ nghĩ là làm cái gì đó để quên đi những ngày tháng đen tối đang chờ nhưng ngay từ ngày đầu được Thầy giảng giải về pháp môn và phương pháp tập luyện, tôi say sưa nghe giảng và tập cùng cả lớp. Tôi đã nhập thiền lúc nào không hay, khi nghe bài thiền “Lửa Tam Muội” tâm hồn tôi lâng lâng, dễ chịu và thoải mái – nhanh chóng quên đi hết đau đớn của bệnh tật. Tôi được hướng dẫn thêm hai bài tập sau đó để buổi sáng tập bài “Dịch Cân Kinh Trợ Luân” và buổi chiều tập bài “Quân Bình Âm Dương” và buổi tối tập bài thiền “Lửa Tam Muội”. Tôi kiên trì tập theo sự hướng dẫn ở CLB đều đặn. Sau một tháng sức khỏe của tôi tăng lên nhiều, cơn đau của bệnh cũng giảm rõ rệt. Theo định kỳ tôi đến kiểm tra ở bệnh viện, các chỉ số của bệnh giảm nhiều nên rất phấn khởi và quyết tâm luyện tập. 8 tháng sau đó do luyện tập tốt, sức khỏe của tôi gần như trở lại bình thường, làn da xanh xao nay đã chuyển sang hồng hào, sáng đẹp. Tôi khám phá ra – tâm tôi đã biết lắng nghe, chia sẻ quan tâm đến mọi người xung quanh. Ngày chưa bị bệnh, tôi chỉ nghĩ làm sao kiếm được thật nhiều tiền, nhưng nay tôi không còn ý nghĩ ấy nữa mà quan tâm nhiều đến sức khỏe của bản thân cũng như gia đình vì nó mới thực sự là tài sản vô giá. Tôi thật sự biết ơn người đã lập nên pháp môn này, cảm ơn các Thầy đã chỉ dẫn để tôi cũng như mọi người luyện tập. Cảm ơn các bác trong CLB đã động viên, chia sẻ. Tôi xin cầu chúc cho mọi người bệnh đến với CLB nhanh chóng đẩy lùi bệnh tật. Chúc cho CLB ngày càng phát triển.
Hà nội tháng 5/2009
Nguyễn Tiến Quyết
(Bài đã được đăng trong quyển Kỷ Yếu của CLB)
(Ảnh minh họa: Quyết ngồi trên cây trò ngàn năm ở rừng Cúc Phương trong chuyến du xuân cùng CLB năm 2009)