Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

Những đứa trẻ "chạy tắt" qua mùa hè

Chúng tôi chơi những gì mình thích, tất nhiên với những trò chơi giản dị, mộc mạc và vô cùng gần gũi: tắm sông, bắt cá, bẫy chim, chăn trâu, cắt cỏ... nó không có những thuật ngữ cao siêu như kỹ năng sống, phép lịch sự, tư duy sáng tạo... hay cái gì đó mà chúng tôi bây giờ vẫn trở thành nhưng con người bình thường.

Bọn trẻ sẽ làm gì trong những ngày hè? Đây là một câu hỏi khó với không ít các bậc phụ huynh ở thành phố. Đơn giản rằng, cái sự nghỉ của bọn trẻ bỗng chốc làm đảo lộn lịch trình làm việc của gia đình: ai sẽ ở nhà trông nom chúng? Và chúng sẽ làm gì để những ngày nghỉ ngơi ấy trở nên bổ ích?

Chính tôi đã thử hỏi đứa con gái 7 tuổi của mình rằng, con sẽ làm gì trong những ngày nghỉ, chẳng mất nhiều thời gian nó la lên: "Xem bibi". Chẳng là cháu nó nghiện cái chương trình này nhưng bị bố mẹ hạn chế vì chuyện học hành. Đã có lần nó lẩm bẩm: nghỉ hè tha hồ mà xem!

Thế nhưng ai sẽ là người ở nhà để trông bọn trẻ xem bibi? Chuyện này không hề đơn giản, mới lại nghỉ hè chỉ để xem bibi? Còn nhớ năm ngoái vào dịp nghỉ hè, vợ tôi đã lần tìm trên mạng, sách báo và các tin mục rao vặt về những chương trình vui chơi ngày hè cho thiếu nhi. Cuối cùng thì bà xã cũng reo lên khi tìm được một chương trình mang tên: Kỹ năng sống cho trẻ em, hay cái gì đó từa tựa như thế. Đó là chương trình do một số những trung tâm cũng mang tên gì gì đó tổ chức, họ quảng cáo rằng sẽ rất bổ ích cho bọn trẻ, tất nhiên với một mức "học phí" không đùa.

Thế là đứa con gái tôi được dẫn đến để tham gia. Vì công việc nên tôi không mấy để ý con mình sẽ tham gia những trò chơi, hay học được cái gì gọi là kỹ năng sống ấy. Chỉ thấy "lịch học" của cháu cũng rất dày đặc, đi từ 8h đến gần tối mới về. Tôi đã tò mò hỏi nó chơi những trò gì, nó bảo cả ngày đầu tiên chỉ tung những quả bóng, thế rồi chìa bàn tay bé xíu với quả bóng tenis cho tôi xem. Sang ngày thứ hai, con bé về nhà với bộ mặt mệt mỏi rồi nó kể: hôm nay chơi nhảy dây... Đến buổi sáng thứ ba, khi tôi chuẩn bị đưa cháu đi thì dãy nảy không chịu "Cho con ở nhà xem bibi!" - nó la lên như vậy.

Tất nhiên, tôi không thể ở nhà cùng con gái để xem TV nên vừa nịnh, vừa hăm dọa để nó đến cái được gọi là trung tâm vui chơi ấy. Hôm đó tôi đã tìm gặp những người phụ trách để xem kỹ "giáo trình" vui chơi của họ. Phải nói rằng, dày đặc những kiến thức: cách giao tiếp, phép lịch sự, tư duy sáng tạo, phát triển nhân cách, ý thức trách nhiệm... hết sức hoành tráng! Chỉ vẻn vẹn 10 ngày mà họ nghĩ sẽ truyền dạy cho con tôi hàng loạt những kiến thức cao siêu mà ngay đến cả cái thằng tôi đây cũng khó mà nhá nổi. Dù thất vọng nhưng không còn cách nào khác phải bắt nó đến lớp! Nói cho cùng, cũng chỉ để họ trông con giúp mình.

Thiên đường tuổi thơ, Ảnh ST

Kết thúc khóa học, con tôi được cấp một cái chứng chỉ, lồng khung kính hết sức đẹp mã với một loạt các tiêu đề bằng tiếng Anh, tiếng Việt lằng nhằng phức tạp vô cùng tận. Và đương nhiên kèm theo tiền học phí là 2.200.000đ cho 10 ngày vui chơi. Tôi chỉ nhớ con bé thở phào rồi bảo: thích quá mai không phải đi nữa!

Thế nhưng sự phức tạp vẫn chưa dừng ở đó, vì rằng chưa hết kỳ nghỉ hè, sẽ làm gì những ngày tới? Hai vợ chồng tôi vò đầu bứt tai nghĩ mãi không biết phải xoay sở thế nào. Cuối cùng vợ tôi quyết định đưa cháu đến trường, đăng ký học thêm năng khiếu. Con bé sau khi nghe mẹ nói sẽ tiếp tục đến trường thì nó òa khóc - tức tưởi khóc. Nó bảo, lúc nào cũng học, tưởng nghỉ hè thì được chơi, vừa mới học xong, bây giờ lại học! Và đêm đó nó chìm vào giấc ngủ trong sự mệt mỏi.

Nhìn khuôn mặt căng thẳng của con gái mà chạnh lòng, vẩn vơ nghĩ ngợi. Và tôi tự đặt câu hỏi rằng, chúng tôi - cha mẹ của những đứa trẻ ở thành phố đang miệt mài lao động với một suy nghĩ rằng, sẽ tạo được một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái mình? Hay chúng tôi đang tước đoạt tuổi thơ đích thực của chúng.

Và tôi lại nhớ lại những ngày hè xa xưa của mình ở rừng núi Cao Bằng. Tôi nghĩ ấy mới là ngày hè - kỳ nghỉ đích thực của một đứa trẻ. Không học hành, không quản lý, không áp đặt, không cấm đoán...

Chúng tôi chơi những gì mình thích, tất nhiên với những trò chơi giản dị, mộc mạc và vô cùng gần gũi: tắm sông, bắt cá, bẫy chim, chăn trâu, cắt cỏ... nó không có những thuật ngữ cao siêu như kỹ năng sống, phép lịch sự, tư duy sáng tạo... hay cái gì đó mà chúng tôi bây giờ vẫn trở thành nhưng con người bình thường.

Tôi nhớ rất rõ khi ấy cha tôi chỉ dặn rằng, chơi gì thì chơi nhưng mỗi ngày phải nộp một bó cỏ tươi. Và thế là tôi trở thành một đứa trẻ "tự do", không phải học bài mỗi đêm, không phải dậy sớm quách bộ hơn 7 km đến trường... tất cả những đứa trẻ ở bản tôi đều như vậy. Chúng tôi ào ào ra sông thỏa thuê lặn ngụp, và buổi chiều lại rủ nhau cắt bó cỏ tươi về nhà - đó là sản phẩm bắt buộc.

Tôi nghĩ đó chính là thuật ngữ "ý thức trách nhiệm" mà con tôi phải học ở cái trung tâm dạy kỹ năng gì đó kia. Còn cái được gọi là "tư duy sáng tạo" nghe có vẻ rất oách ấy thì tuổi thơ của chúng tôi cũng được rèn luyện đầy đủ, nói không ngoa còn hấp dẫn hơn nhiều. Ấy là trò hết sức dân gian: "trận giả". Trò này có lẽ bây giờ bị quên lãng, hoặc sẽ bị những vị tiến sỹ trong ngành GD quy kết là mang tính bảo lực. Bởi trò này dạy chúng tôi tư duy cách chiến thắng đối thủ, kỹ năng bắt gọn đối phương, rèn luyện khả năng sinh tồn khi lâm nguy... Nó chẳng bạo lực chút nào mà ngược lại nó giúp bọn trẻ thôn quê và ngờ nghệch như chúng tôi trở nên linh hoạt, cứng cáp và tự tin vô cùng.

Bản thân tôi lớn lên cũng như những ngày hè giản dị vậy. Chưa bao giờ tôi biết thế nào là học thêm, học hè... hoặc một cái gì đó khác ngoài ánh nắng trói chang của mùa hè, sự mát rượt của dòng sông, mùi thơm nồng của cây cỏ, tiếng gọi nhau của gia súc... Cứ thế lớn lên, hồn nhiên hoang dại! Cho đến một ngày tôi còn nhớ rất rõ rằng, khi tôi đang học lớp 8 tại trường dân tộc nội trú, có một đoàn nhà báo ở trung ương về. Và cô giáo chủ nhiệm đã gọi tôi lên rồi dặn rằng, nếu người ta hỏi em đi học để mai sau sẽ làm gì, em sẽ trả lời rằng: "... Để sau này xây dựng quê hương...".

Chúng tôi chơi những gì mình thích, tất nhiên với những trò chơi giản dị, mộc mạc và vô cùng gần gũi: tắm sông, bắt cá, bẫy chim, chăn trâu, cắt cỏ... Ảnh Lê Anh Dũng

Tôi không biết đó là cái gì, nhưng cô giáo dặn thế và tôi đã làm thế. Vị nhà báo nọ đã bật cười khi tôi trả lời vanh vách: "... Em đi học để sau này xây dựng quê hương!". Tôi cũng không biết họ cười vì cái gì nhưng tôi đã làm đúng như cô giáo dạy. Lát sau chính vị nhà báo ấy đã nháy mắt hỏi lại tôi: "Có phải cô giáo cháu bắt nói thế?", tôi đã thành thật gật đầu. Bây giờ nghĩ lại chuyện này tôi thấy có một cái gì đó thật không ổn với chúng ta. Con gái tôi luôn miệng nói: Cô giáo bảo thế này, cô giáo bảo thế kia, phải làm thế mới đúng... tất cả những thứ đó đã "huấn luyện" đứa trẻ trở thành cỗ máy - một cỗ máy phục vụ cho tham vọng của người lớn.

Nói vậy, song tôi không hàm ý xúc phạm hay dè bỉu những trung tâm vui chơi ngày hè mà người thành phố tổ chức. Nó vẫn có một ý nghĩa gì đó, ít nhất cũng quản lý được bọn trẻ trong những ngày không đến lớp. Thế nhưng cái thuật ngữ: "Kỹ năng sống" ấy nghe lớn lao quá mức, đến nỗi bọn trẻ sợ. Còn nhớ giáo sư Hồ Ngọc Đại đã từng có tham vọng tổ chức một khu rừng ngay giữa thành phố để tổ chức cho bọn trẻ học cách tự sinh tồn. Tất nhiên đó chỉ là tham vọng, nhưng cũng nói lên rằng, trẻ con thành phố cần thiết được học cách đó. Cái gọi là kỹ năng chỉ thật sự được phát huy một cách bền vững khi nó nảy sinh từ sâu thẳm trong bản năng của mỗi đứa trẻ. Chúng ta sẽ không thể nào dạy chúng cách sống nếu không thông qua hiện thực.

Đố một bậc phụ huynh ở thành phố nào dám để đứa con chừng 10 tuổi ở nhà một mình. Nó chỉ ở trong phạm vi vài chục mét, tự xoay sở để "sinh tồn" trong một ngày cũng đã là thành công. Nhưng tôi tin sẽ chẳng ai dám làm việc đó, ngay cả bản thân tôi cũng chịu, vì rằng đứa con gái của tôi đã 8 tuổi nhưng cháu chưa bao giờ dám ngủ một mình. Tất cả những cái gọi là kỹ năng kia phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn, và sẽ không biết còn phụ thuộc cho đến khi nào.

Lan man mãi thì vẫn là sự bế tắc cho bọn trẻ trong những ngày hè. Thời gian thì không đợi các phụ huynh lan man, mùa hè đã đến râm ran với những tiếng ve quen thuộc. Và con gái tôi vẫn đang ở nhà xem bibi, có lẽ phải gửi con đến trung tâm vui chơi nào đó. Chỉ xin các vị đừng dạy dỗ gì cả, hãy cho chúng chơi những gì chúng thích. Chơi cái gì thật gần gũi, giản dị và ngàn lần xin đừng gắn vào đó những khái niệm đại loại như kỹ năng sống nữa! Chỉ đơn giản dạy các cháu cách trồng cây chẳng hạn, chúng sẽ tha hồ đào đất, bắt giun, nhem nhuốc một chút chẳng vấn đề gì. Tôi tin bọn chúng sẽ thích, cái gì đơn giản gần gũi trẻ con cũng thích vì nó rất gần với tâm hồn thật của trẻ con.

Nguồn Tuanvietnam.net

2 nhận xét:

  1. Những đứa trẻ “ chạy tắt “ qua mùa hè. Có lẽ tác giả đã quá khiêm tốn khi viết cái tiêu đề này bởi theo tôi thì trẻ em Việt Nam bây giờ đâu có mùa hè để “ chạy tắt “?

    Năm nay, tuy đã 58 tuổi, mặc dù tuổi thơ đã ở lại sau lưng tôi từ lâu lắm rồi nhưng cho đến giờ và cả sau này, trước khi nhắm mắt xuôi tay thì không bao giờ tôi có thể quên được những kỷ niệm đẹp đẽ và hiếu động về tuổi thơ của mình. Ngày ấy, ngoài giờ học thì chúng tôi, những đứa trẻ của đường phố, dù là con trai hay con gái bao giờ cũng có thời gian để chơi những trò chơi của mình. Con gái thì nhẩy giây, chơi lò cò, chơi ô ăn quan còn con trai thì chơi xèng, chơi bi, chơi khăng, chơi trốn đuổi, đi đổ dế, bắt ve sầu, chơi đánh trận giả, ... . Những ngày cuối tháng 5 là lũ trẻ chúng tôi đã bồn chồn không yên chỉ đợi đến ngày được xếp sách vở vào một xó để rồi được chơi xả láng đến tận cuối tháng 8. Thỉnh thoảng nhà trường lại tập trung chúng tôi lại để làm một việc công ích nào đó như thu gom giấy vụn, sắt vụn hoặc cả lớp đi cắm trại vài ngày ở một địa điểm nào đó ven Hà Nội. Những đứa nào có Bố Mẹ làm việc ở cơ quan nhà nước thì được Bố Mẹ đăng ký cho đi nghỉ biển một tuần do Công đoàn của cơ quan tổ chức và thường là sau những đợt đi như vậy thì đứa nào cũng có thêm vài đứa bạn mới. Nếu những ngày cuối tháng 5 bọn trẻ chúng tôi đã háo hức chờ đến lúc bọn tôi sẽ được tung hoành tự do như thế nào thì những ngày cuối tháng 8 chúng tôi lại háo hức chờ ngày khai giảng để được kể cho nhau nghe những “ chiến tích “ mà mình đã lập ra trong những tháng hè.

    Ngày nay, khi nhìn thế hệ trẻ thì tôi gần như không nhìn thấy nét mặt vô tư, vui vẻ và hồn nhiên như lũ trẻ chúng tôi thời trước. Có thể hơi quá nhưng tôi có cảm tưởng rằng trẻ em bây giờ không có tuổi thơ. Đối với chúng nó thì đi học không còn là niềm vui, thích thú nữa mà là một nhiệm vụ mà Bố Mẹ chúng và Xã hội đặt lên đôi vai nhỏ. Học, học và lại học. Từ thứ hai đến thứ sáu chưa đủ thì tận dụng cả thứ bẩy, chủ nhật và mấy tháng hè. Lũ trẻ bây giờ đâu còn hiếu động như chúng tôi ngày ấy. Vỉa hè, nơi trước đây chúng tôi đã có thể chơi đủ mọi trò đã bị chiếm đoạt bởi các quán vỉa hè, điểm đỗ xe máy, ... Bố Mẹ của chúng và Xã hội chỉ quan tâm hay nói đúng hơn là chỉ cần bọn nó học giỏi, có điểm cao mà nhiều khi không cần biết là bọn nó có kiến thức thật sự hay không? Bố Mẹ chúng nó thường than phiền là bọn trẻ bây giờ chỉ mải xem tivi, chơi game, ... nhưng đã có người Bố, người Mẹ nào tự đặt cho mình câu hỏi tại sao? Lỗi không phải ở bọn trẻ mà là ở chúng ta, những người lớn và một Xã hội thờ ơ đang theo đuổi những tiêu chí thực dụng của mình.

    Viết ra nhận xét này không phải là tôi muốn “ vơ đũa cả nắm “. Tôi biết có nhiều Cha Mẹ cố gắng giúp, hướng cho con có một tuổi thơ với đúng nghĩa của nó nhưng khi Xã hội không quan tâm, không tạo điều kiện thì sự cố gắng đó không mang lại kết quả lớn. Tôi có thể cam đoan rằng sau này, khi trưởng thành thì lũ trẻ bây giờ sẽ không bao giờ có được những kỷ niệm đẹp về tuổi thơ như bọn tôi và đó quả là một điều đáng tiếc dù rằng chúng không có lỗi. Chúng đang sống trong thời buổi mà chính những người lớn dù vô tình hay hữu ý đã cướp mất tuổi thơ hồn nhiên của chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Chính em cũng cảm thấy điều đó. Thật tiếc là rất nhiều bậc phụ huynh đã coi kỳ nghỉ hè như học kỳ thứ 3, tranh thủ tăng ca học thêm cho con, tranh thủ xin cô tăng buổi, tăng thời gian học. Bọn trẻ nhà em chẳng bao giờ bị ép học kiểu đấy. Tuy vậy chúng cũng chỉ được nghỉ đến giữa tháng 7 là đã trở lại trường để học hè.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.