Một cậu bé có tính xấu là rất hay nổi nóng. Một hôm cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh và nói với cậu bé rằng mỗi khi nổi nóng thì hãy chạy ra đằng sau nhà đóng một cây đinh lên hàng rào. Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng đến 40 cây đinh lên hàng rào. Nhưng dần dần, số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu bé đã biết kiềm chế cơn giận của mình và cậu bé nhận thấy : Kiềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đóng đinh lên hàng rào. Cuối cùng cũng có một ngày, cậu đã không nổi cơn tức giận lần nào trong suốt cả ngày. Cậu nói với cha và ông bảo cậu : “Hãy nhổ một cây đinh ra khỏi hàng rào nếu ngày đó con không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần.”
Thời gian trôi qua, rồi ngày ấy cũng đến, ngày cậu bé tìm cha mình nói rằng đã không còn một cây đinh nào trên hàng rào nữa. Bấy giờ, cha cậu đã dẫn cậu đến bên hàng rào. Ở đó ông nói với cậu bé : "Con của cha, con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn vào những lỗ đinh trên hàng rào. Hàng rào đã không thể phục hồi như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói đó cũng giống như những lỗ đinh này, để lại những vết sẹo trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có nói bao nhiêu lời xin lỗi đi chăng nữa, vết thương đó cũng vẫn còn. Vết thương tinh thần còn đau đớn hơn, in sâu hơn những vết thương trên cơ thể.” Cuối cùng cậu bé cũng hiểu được dụng ý của cha, từ đó về sau thay đổi hẳn mọi tánh khí tật xấu của mình, trở thành con người ôn hòa, khoan dung và rộng lượng.
Trong Kinh Thập Thiện, Đức Phật đã dạy : “ Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai “, chỉ một niệm khởi sân mà kết quả là muôn ngàn chướng ngại nẩy sanh. Cho nên đừng nên vì sự việc nhỏ nhặt mà gây ra chuyện hại người hại mình, tức tối la hét là hành vi của kẻ ngu muội. Tuy chúng ta chưa thể là một người thông minh, nhưng tối thiểu chúng ta cũng đủ trí tuệ ngăn cản mình làm một con người ngu dại. Xem nhẹ hơn mọi sự việc không như ý, đồng thời tìm thấy ích lợi trong im lặng, giác ngộ ý thiền trong cuộc sống. Từ đó chúng ta sẽ cảm nhận cuộc sống không cần phải mệt mỏi như ta tưởng, cũng không phài khốn khó như ta đã gặp.
Những sự việc nhỏ nhặt cũng giống như những hạt cát trong đôi giày đã làm cho bạn khó chịu. Thế thì bạn lựa chọn cách giũ bỏ hạt cát hay vứt bỏ đôi giày ? Chúng ta không thể không mang giày, vì còn con đường dài phía trước, thế thì tại sao chúng ta không chịu giũ bỏ hạt cát !
Hoàng Vân sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.