Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

TÔN TRỌNG CHÂN LÝ

Không nói ngắn, chẳng nói dài,
Ngắn, dài, tốt, xấu thảy đều sai.

Tại sao vậy? Ở đời chúng ta luôn luôn phân biệt đây là tốt, kia là xấu, vật này ngắn, vật nọ dài v.v... nhưng cái ngắn dài ấy có cố định không? Nếu lấy một cây hai thước để bên cạnh cây năm thước thì cây năm thước dài, cây hai thước ngắn. Nhưng nếu cây năm thước đứng bên cạnh cây mười thước thì cây năm thước trở thành ngắn, cây mười thước dài. Cứ như vậy mà đổi thay thì cái ngắn dài không có giá trị cố định gì hết. Như vậy nói ngắn, nói dài chỉ là đối đãi tạm thôi, không có lẽ thật. Song ở đời ta đang nói cây này ngắn, cây kia dài, có ai nói ngược lại thì sanh chuyện cãi vã với nhau hoài. Đó là nói cái ngắn dài.

Sang chuyện phải quấy cũng thế. Khi chúng ta cho một vấn đề là phải, người khác bảo quấy liền có đối nghịch, nhẹ thì cãi lẫy, nặng thì đi đến đấu tranh. Ta cho cái nghĩ của mình là đúng, người khác cũng cho cái nghĩ của họ đúng. Hai cái đúng gặp nhau thì chỏi nhau, thành thù địch. Bây giờ muốn hết thù địch thì sao? Phải biết “phải quấy” thảy đều sai, buông hết đi thì hết thù địch. Tại sao? Vì phải ở nơi này mà chưa phải ở nơi kia. Cái phải ở thời gian này không là cái phải ở thời gian khác. Phải quấy còn tùy thuộc vào xứ sở, thời gian, chớ không cố định được.

Thí dụ ở Việt Nam ta hồi xưa thuộc Pháp, ra đường đi tay phải là đúng, đi tay trái là quấy. Nhưng nếu qua Mỹ, Anh thì đi bên trái là phải, đi bên phải là quấy. Như vậy lẽ phải ở chỗ nào? Không có lẽ phải cố định. Còn như ngày xưa chúng ta chịu ảnh hưởng Nho giáo, phụ nữ khuê môn bất xuất, phải ở trong nhà không được đi ra ngoài. Cô nào, chị nào tuân thủ đúng như vậy được xem là thanh khiết, người phụ nữ có tư cách mẫu mực. Nhưng bây giờ phụ nữ ở nhà hoài chắc không có gạo ăn, nên họ cũng phải đi làm. Do đó phụ nữ ngày nay đi làm theo ngành nghề tốt, có lợi cho gia đình, xã hội thì được khen. Thế thì cái phải của ngày xưa với cái phải bây giờ, cái nào đúng?

Nếu chúng ta chấp cái phải cố định thì sẽ sanh cãi nhau. Vì vậy Phật dạy khi nghĩ về vấn đề gì, ta chỉ nên nói đây là cái nghĩ của tôi, đừng nói cái nghĩ của tôi “là đúng”. Cái nghĩ của huynh không phải cái nghĩ của tôi, mỗi người đúng mỗi cách, không có cái tuyệt đối. Hiểu thế thì khỏi cãi. Nên người hiểu tột cùng đúng đắn thì tất cả mọi việc trên thế gian này không còn phiền hà nữa, sống với ai cũng hỷ lạc, vui tươi. Ngược lại cố chấp phải quấy, ai làm khác mình la rầy tức tối thì sẽ khổ hoài. Thiền sư muốn chỉ cho chúng ta đừng lầm mê, đừng cố chấp nên mới dạy như thế.

Trong kinh A Hàm, Phật dạy một câu rất chí lý: Người biết tôn trọng chân lý là khi mình nghĩ điều gì thì nói rằng: “Đây là cái nghĩ của tôi”. Ngang đó thôi chứ không nói đúng, nói sai. Anh nghĩ thế này, tôi nghĩ thế khác, đó là chuyện riêng của mỗi người, đừng khẳng định cái nghĩ của tôi là đúng, của anh là sai. Đó là người biết tôn trọng chân lý.

Hiện giờ tất cả chúng ta sống có tôn trọng chân lý không? Nếu không tôn trọng chân lý tức là không tôn trọng lời Phật dạy. Tu theo Phật mà không tôn trọng lời Phật dạy nghĩa là sao? Tôi nhắc điều này cho tất cả quí vị nhớ, chúng ta tu là phải tìm hiểu, thấy rõ những gì Phật dạy đúng chân lý thì thực hành theo. Đừng cố chấp theo tình kiến riêng tư của mình, vì chấp như thế là sai lầm sẽ dẫn đến đau khổ mà thôi, chứ không được gì cả. Hiểu thế mới có tâm cởi mở rộng rãi, sống với mọi người một cách an vui thoải mái, không có gì buồn phiền giận hờn nhau.

Tìm hay lại hóa người chê vụng,
Bắn sẻ ai dè sói chực ngay.

Ở đời ai cũng muốn tỏ ra mình hay, mình đúng nhưng không ngờ càng tỏ hay đúng thì càng bị người chê vụng chê xấu. Nên Thiền sư nói càng muốn làm hay lại trở thành vụng. Vậy sống thế nào để đừng bị người ta cười chê là quê vụng? Sở dĩ bị chê cười quê vụng là tại mình muốn tỏ ra hay khéo, có tài v.v... Cái thật của mình thế nào mình cứ sống thật thà thế ấy, đừng làm kiểu làm cách. Người quê mùa làm kiểu cách sang trọng chừng nào càng lộ bày cái quê vụng nhiều chừng ấy. Nên sống tự tại, hiền hòa chân thật là hay nhất.

Bắn sẻ ai dè sói chực ngay, nghĩa là con chim đậu trên cành, gã thợ săn nhắm bắn và tin rằng mình sẽ được miếng mồi ngon. Nhưng không ngờ chim vừa rớt xuống đất, chó sói liền chụp tha đi mất. Cũng thế, trên đời này những gì ta ngỡ mình sẽ được, sẽ nắm chắc trong tay, không ngờ lại bị vuột vào tay người khác. Thế gian được đó liền mất đó, không có gì bền chắc, không có gì bảo đảm hết. Nên nhớ ở đời không bao giờ chúng ta được toại nguyện trăm phần trăm, nhiều lắm là năm chục phần trăm, dở hơn là hai chục phần trăm.

Thành công ít, thất bại nhiều thì khổ nhiều hay vui nhiều? Khổ nhiều. Bởi chúng ta muốn toại nguyện nhưng không được nên khổ. Nếu ta đừng đòi toại nguyện thì đâu có khổ. Chim sẻ bay cứ bay, đậu cứ đậu ta đừng bắn nó thì đâu có giận chó sói giật miếng ăn của mình. Ở đời cũng vậy, ta mơ ước, mong đợi điều gì nhưng cái đó không đến với mình, lại đến với người khác. Lúc đó tâm ta ra sao, ưa người kia hay bực tức ganh tỵ với họ? Dĩ nhiên là bực tức khó chịu rồi.

Trong đạo cũng thế, có người vào chùa muốn được thầy thương bạn quý, nhưng ai đó được thương quý hơn mình thì ghét người ta. Tôi nói điều này nhỏ nhỏ thôi, nói lớn sợ người ta cười. Nếu không đặt vấn đề thầy thương bạn mến, ta sống đúng như những gì thật của mình thì có buồn không? Rõ ràng là không. Như vậy Ni chúng sống cho chân thật hòa nhã là đủ rồi, còn chuyện thương ghét không cần quan tâm. Ai thương cũng được, ai ghét cũng được, lúc nào mình cũng thanh thản an vui, đó là hạnh phúc nhất đời. Đòi được thương mà không được thì nhất định buồn, hoặc người khác chiếm phần thì nhất định ta ghét họ. Đó là bệnh, chứ không phải tâm hạnh của người tu.

Chúng ta phải khéo nghe những câu Thiền sư dạy, biết thức tỉnh, sửa mình trên đường tu thì hay biết mấy, không có gì phải bận lòng, không có gì phải buồn bã. Không buồn bã thì đâu có khóc. Lẽ ra người tu thì phải an lạc, không ngờ thỉnh thoảng cũng khóc, đó là vì đòi hỏi, muốn được mà không được. Nên nhớ đừng bao giờ chúng ta mong muốn những gì ở bên ngoài, mà phải tự tu sửa bản thân mình thành người chân chánh là đủ rồi. Chuyện thương ghét không màng, như vậy tu khỏe, được an lành, tự tại. Ngược lại nếu khác đi thì không ổn, không vui. Tóm lại bốn câu này để chỉ cho người tu sống phải khéo, đừng cố chấp mà khổ đau.

Công danh cái thế màn sương sớm, công danh tột cùng rồi cũng như màn sương sớm thôi, sáng thấy nó mờ mờ, đến trưa tan hết không thấy gì. Những người quyền cao chức trọng khi được hưởng sang quý rồi, thời gian sau cũng mất, không có gì vĩnh viễn. Ví dụ như làm Tổng thống là quyền uy tột cùng rồi, nhưng chừng ba bốn năm cũng phải xuống cho người khác lên thôi. Đã biết không có gì vĩnh viễn thì đuổi theo giành giựt làm chi. Chúng ta phải sống chân chánh, thật thà để lòng được bình an, đạo đức được vững bền, không phải khổ. Thế nên ngài Minh Chánh nói công danh ở thế gian này không chân thật, tạm bợ, đã tạm bợ thì theo đuổi tìm kiếm làm gì.

Phú quý kinh nhân giấc mộng dài, dù chúng ta giàu đến độ người nghe phải giật mình nhưng cũng là giấc mộng dài thôi. Ví dụ người bốn mươi tuổi nghĩ tới bảy tám mươi tuổi chết thì thấy như còn xa, nhưng đến khi bảy tám mươi tuổi thì thấy cái chết kề cận một bên, không còn xa nữa. Cho nên dù giàu mấy cũng chỉ là tạm bợ, chứ không phải kế lâu dài. Hai câu này khuyên người thế gian còn mê công danh, ham phú quý nên thức tỉnh, tìm lẽ chân thật vĩnh viễn lâu dài. Người thế gian đối với công danh phú quý còn không màn, không say đắm huống là người tu lại có thể đắm mê sao? Muốn tu phải gác ngoài công danh phú quý mới tu được chứ.
__________________
Con Dập Đầu Lạy Mười Phương Chư Phật
Nguyện Cho Tất Cả Chúng Sinh Mười Phương
Đồng Phát Tâm Tu Hành Niệm Phật
Lâm Chung Đồng Sanh Tây Phương Cực Lạc
Hòa thượng Thích Thanh Từ

9 nhận xét:

  1. Bài này của anh cũng gần ý như bài "Đúng hay sai" trước đây em đăng trong blog cá nhân. Nếu không tỉnh, không hiểu, không giác ngộ được thì còn chìm đắm trong bể khổ.

    Trả lờiXóa
  2. Bài này là của Hòa thượng Thích Thanh Từ chứ.

    Trả lờiXóa
  3. Ừ, thì bài anh đăng. Được chưa?

    Trả lờiXóa
  4. Các bà sang nhà em để vào blog từ sáng sớm, rất cảm kích tấm lòng của anh. Bài của Sư ông Thích Thanh Từ viết để giáo hóa chúng tăng - ni nhưng cũng rất bổ ích cho những người đang học thiền. Em truyền đạt lại nguyên văn đấy. Không thêm, không bớt. :)

    Trả lờiXóa
  5. Đạo nào lý luận mà chẳng hay. Dùng nó tham mưu gỡ rối cho người ta lúc khó khăn lo âu - tăng nghị lực, niềm tin

    Trả lờiXóa
  6. Các anh chị ạ. Khi có những nỗi ưu tư trong lòng thì bài của Hoà Thượng Thích Thanh Từ đọc xong làm cho tâm trí được ổn định và nghĩ về những điều nên làm và không nên làm.Cuộc sống muôn hình muôn vẻ nhưng mình chọn những gì phù hợp với bản thân chứ đừng mơ những gì mà phải bằng mọi giá để đạt được điều đó,lúc đó tâm mới ổn trước mắt lúc nào cũng rực rỡ.

    Trả lờiXóa
  7. @ Tuyến: Từ đọc, nghe, đến hiểu và áp dụng là cả một quá trình. Đọc, nghe đẻ hiểu, để giác ngộ, từ đó tìm ra một cách sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh.

    Trả lờiXóa
  8. Cuoc song la su trai nghiem, duc ket nhung kinh nghiem cuoc song. Cai gi nen lam va cai gi khong nen lam."Con nguoi tro nen thanh thien hon"

    Trả lờiXóa
  9. Nghe các Ngài giảng bao giờ cũng rất dễ hiểu và tất thẩy đều đúng với hiện tại. Nhưng để làm được thì đòi hỏi mỗi người phải có một nỗ lực và quyết tâm ghê gớm.
    Thật có ích khi mỗi ngày được đọc những bài như thế này. Chân thành cám ơn.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.