Trang

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Nghe Phật dạy về tình yêu

Này người trẻ, bạn có biết Phật dạy như thế nào về tình yêu? Tôi đã may mắn tham dự một buổi pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh về tình yêu: Mối quan hệ giữa yêu thương và hiểu biết, tình yêu từ bi hỉ xả, tình yêu và tình dục. Ông gọi đó là “yêu thương theo phương pháp Phật dạy”.
Trước khi bắt đầu bài thuyết pháp của mình tại Tổ Đình Trung Hậu - Vĩnh Phúc, Thiền sư Nhất Hạnh đã mời các bạn trẻ ngồi lên trên, để có thể nghe thật rõ. Ông muốn nói về tình yêu, bản chất tình yêu nhìn từ góc độ Phật giáo.
Miệng mỉm cười, ông đã kể một câu chuyện tình yêu, giản dị thôi nhưng hàm ý sâu sắc: "Có một chàng trai ở vùng California - Mỹ, rất đẹp trai, học giỏi, tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng, có nhiều bạn gái xinh đẹp. Chàng trai sống với mẹ, người mẹ biết trong các cô gái ngưỡng mộ con mình, có một cô gái không xinh nhất, cô không trắng, không cao lắm nhưng được chàng trai đặc biệt chú ý. Ngạc nhiên, người mẹ hỏi con trai: "Vì sao con lại thích cô gái ấy, cô ta đâu có gì nổi bật?" "Cô ấy hiểu con" - chàng trai trả lời đơn giản.
Chàng trai học ngành công nghệ thông tin nhưng rất hay làm thơ. Mỗi lần chàng đọc thơ, cô gái nọ lắng nghe rất chăm chú và có những nhận xét sâu sắc, trong khi những cô gái xinh đẹp kia không để ý gì đến. Chàng trai đã chọn người yêu không vì vẻ đẹp bề ngoài, mà bởi sự lắng nghe và thấu hiểu.
“Đạo Phật cũng dạy như vậy, có hiểu mới có thương, tình yêu phải làm bằng sự hiểu biết”, Thiền sư kết luận.
Muốn thương phải hiểu.

Tình yêu phải làm bằng 
sự hiểu biết. Ảnh: Internet
Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.
Mỗi người có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng, nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời.
Nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau. Chuyện đó vẫn thường xảy ra.
Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ “đói” thương, “đói” hiểu. Họ thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.
Vậy nên, “có hiểu mới có thương” là nguyên tắc chọn người yêu, chọn chồng/vợ theo quan điểm Phật giáo. Dù người ta có đẹp, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời. Hôn nhân có thể mở ra những con đường hoa hồng, có thể mở ra cánh cửa tù ngục. Chọn vợ, chọn chồng là một sự mạo hiểm lớn. Hãy cẩn thận, nếu không muốn chọn án tù chung thân cho cuộc đời mình.
Chọn người hiểu và thương mình - hãy nhớ - đó là nguyên tắc tìm người tri kỷ trong cuộc đời.
Bốn yếu tố của tình yêu: Từ bi hỉ xả
Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc. Tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả.

Tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: 
Từ, bi, hỉ, xả  - Ảnh: Internet
Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc, mỗi ngày.
Bi” là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.
Như vậy, “từ bi” theo Phật dạy là khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực. “Từ bi” trong tình yêu không phải tự dưng mà có. Phải học, phải “tu tập”. Cần nhiều thời gian, để quan sát, để lắng nghe, để thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu, để giúp người ta vượt qua, tháo gỡ, bớt khổ đau, thêm hạnh phúc.
Hỉ” là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng yêu, càng vui, niềm vui lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.
Xả” là không phân biệt, kì thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Không thể nói đây là vấn đề của em/ anh, em/ anh ráng chịu. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hoá nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.
Này người trẻ, bạn nghĩ về tình yêu của mình đi, có “từ bi hỉ xả không”? Bạn hãy can đảm tự hỏi mình rằng “Người yêu ta có hiểu niềm vui nỗi khổ của ta không? Có quan tâm đến an vui hàng ngày của ta không? Người ấy có nâng đỡ ta trên con đường sự nghiệp không?...” Và tự hỏi lại mình, liệu bạn có đang thành thực với tình yêu của mình?! Liệu tình yêu của bạn đã đủ “từ bi hỉ xả”?!
Tình dục và tình yêu
Phật giáo quan niệm như thế nào về tình dục trong tình yêu? Không phải ngẫu nhiên mà vị thiền sư tôi được hạnh ngộ bắt đầu vấn đề này bằng cách bàn về “thân tâm” trong truyền thống văn hoá Á Đông.
Trong truyền thống văn hoá ta, thân với tâm là “nhất như”, tức là nếu ta không tôn kính thân thể người yêu thì cũng không tôn kính được tâm hồn người ấy. Yêu nhau là giữ gìn cho nhau, kính trọng nhau. Khi sự rẻ rúng xem thường xảy ra thì tình yêu đích thực không còn.
Thân thể ta cũng như tâm hồn ta. Có những nỗi niềm sâu kín trong tâm hồn, chúng ta chỉ chia sẻ với người tri kỉ. Thân thể ta cũng vậy, có những vùng thiêng liêng và riêng tư, ta không muốn ai chạm tới, ngoài người ta yêu, ta tin, ta muốn sống trọn đời, trọn kiếp.
Trong tình yêu lớn và cao quý, bất cứ lời nói và cử chỉ nào cũng phải biểu lộ sự tương kính. Người con trai phải tôn trọng người con gái mình yêu, cả thân thể lẫn tâm hồn. Người con gái biết giữ gìn, cũng là biết làm người yêu thêm tương kính, nuôi dưỡng hạnh phúc lâu dài về sau.
Bạn muốn thương yêu theo phương pháp Phật dạy chăng? Hãy hiểu, thương và tương kính người yêu của mình, cũng chính là đem hạnh phúc đến cho người và cho mình vậy!
(Nguồn: Dân trí)

9 nhận xét:

  1. Bài hay! Hồi trẻ chắc thầy TNH yêu dữ lắm nên mới giảng giải được về tình yêu một cách thâm túy, sâu sắc thế này chứ nhỉ?
    Tôi đọc sách(lại sách!)thấy có câu này "Điều ràng buộc duy nhất của TÌNH YÊU chính là...TÌNH YÊU" các bạn ngẫm xem.
    TM

    Trả lờiXóa
  2. @ A Thanh Minh: Em thấy hay nên mới đăng đấy ạ. Em nhất trí hoàn toàn với câu anh đưa ra để...ngẫm. :-)

    Trả lờiXóa
  3. Lâm Phúc bàn:
    Hoan hô bài này vì đã đề cập tới 1 vấn đề cốt lõi trong đời sống gia đình.
    Toi đồng ý quán điểm muốn có tình yêu phải có sự hiểu biết tường tận về nhau và từ đó thương nhau.
    Băng kinh nghiệm sống, tôi thấy muốn có sự hiểu biết và thương nhau, phải có đủ các yếu tố sau đây:
    - Có sự đồng cảm trong suy nghi và hành động. Có người nói thì rất hay, suy nghi rất đúng, nhưng không làm gì cả. Các cụ có câu: Nói như rông leo, làm như mèo mửa! Loại người này có đồng cảm được trong suốt cuộc đời của bạn được không?
    - Có sự tương đồng về thể lực. Có nhiều cặp vợ chồng lúc trẻ tuổi yêu nhau lắm! Sông lâu, sức khoẻ phân hoá quá đỗi, không còn tương đồng về mặt thể lực, làm gia đình tan vỡ, hoặc ông sống một nơi, bàô sống một nẻo. Như vậy có hạnh phúc không? Các cụ có câu: Lây chông xem tông, lấy vợ xem giống là cũng có ý nói về điều này.
    - Có sự đồng điệu về tác phong, lối sống. Vợ là người chí thú làm ăn, nuôi con ăn học. Chồng là người chỉ thích giao du bạn bè, xuốt ngày la cà đàn đúm bỏ mặc việc nhà cho vợ con...Vợ chồng như thế có hạnh phúc không?
    - Cuối cùng, vợ chồng phải có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập ổn định. Tay mình phải làm ra, tạo ra những điều kiện vật chất để gia đình tồn tại, dù nghèo, dù giầu...Có thế mới có cơ sở bình đẳng trong quan hệ gia đình.
    .....
    Vợ chồng phải có nhưng điều cơ bản đồng điệu, thì mới có cơ sở tôn trong nhau và thương yêu nhau xuốt đời. Mặc cho sóng gió cuộc đời, vẫn vui vẻ bên nhau cùng chung tay xây hạnh phúc. Lúc đó, tình yêu đã tấm đượm lòng tôn trọng và biết ơn lẫn nhau. Đó là cơ sở cho lòng chung thuỷ của cuộc sống vợ chồng.Đó là tình yêu đích thực: Có say đắm! Có biét ơn! Có tôn trọng, có trách nhiệm, và cuối cùng kết lại là lòng chung thuỷ.

    Trả lờiXóa
  4. Bác Tùng ạ!Cháu bái phục kiến thức và sự hiểu biết của bác
    Tình yêu là một đề tài lớn từ xưa nay, từ Vua đến dân Khó ai thoát và cưỡng lại được tình yêu
    Nếu Tình yêu thật sự và chân chính thì cháu nghĩ con người có thể vượt qua khó khăn để đến được với tình yêu, đến với người mình yêu. Nếu như hai trái tim cùng một nhịp đập, cùng hướng về nhau

    Còn không: “Yêu nhiều khổ nhiều” Tốt nhất cái gì không thuộc về mình thì từ bỏ đỡ đau khổ: “ Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra đối với mình”

    Mà theo cháu nghĩ trong tình yêu tốt nhất đừng nên cân nhắc “ Bên tình, bên tiền bên nào nặng hơn” Thì mình có quyết định đúng đắn được
    Và điều nữa bác a!"Hãy nghiêm khắc với bản thân mình và khoan dung độ lượng với người khác" Thì Tình yêu và cuộc sống mới hạnh phúc được

    Bác Tùng a! Cuộc sống mà “Tình yêu chận chính và chân thành nó thi vị và nó mạnh mẽ lắm ” Cháu đúc kết kinh nghiệm thực tế từ cuộc sống xung quanh cháu và được nghe kể lại từ rất nhiều cuộc sống bên ngoài và báo chí, ti vi…nói về tình yêu rất nhiều

    Trả lờiXóa
  5. Phật pháp là vấn đề lớn mà tôi như một học sinh "vỡ ruột" đang mở mắt tìm hiểu.Vậy nhưng tôi nghĩ với đời thường tình yêu tồn tại được phải hội đủ "từ, bi, hỉ, xả" không chỉ dành riêng cho lớp trẻ đi tìm " một nửa " của mình mà còn hợp lý cả với các tầng lớp "ván đã đóng thuyền".Thời gian làm phôi pha hình dáng con người nhưng nếu còn "từ, bi, hỉ, xả" thì hai nửa vẫn là của nhau!

    Trả lờiXóa
  6. @ Chị Hiền: Em thích nhận xét này của chị quá. Rất hay và có ý nghĩa. :)

    Trả lờiXóa
  7. Cuộc sống Từ, Bi, Hỷ, Xả là điều đáng làm, đáng hoan nghênh. Từ, Bi, Hỷ, Xả đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ mới phát huy tác dụng. Từ, Bi, Hỷ, Xả không đúng lúc,không đúng nơi, không đúng chỗ trở thành ngu muội,thành sầu bi
    Trong cuộc sống cố gắng sống " Mình không lợi dụng ai và không ai lợi dụng được mình"

    Trả lờiXóa
  8. @ Vân: Vậy mà cô nghe trong bài giảng pháp của Thầy Tịnh Không. Thầy khuyên hãy để cho người khác lợi dụng mình vì như thế có nghĩa là con người mình còn có giá trị. Nếu như chẳng ai buồn lợi dụng mình thì mình chẳng còn giá trị gì cả. Thầy phân tích nhiều cái có lý và rất hay. Thực ra cô cũng nghĩ rằng nếu mình có thể giúp được ai cái gì thì cứ làm. Sống như vậy sẽ thật vô tư.

    Trả lờiXóa
  9. Cô Thu a! Cháu đồng ý với ý kiến của cô. Con người ta không vô tư sống sao có thể trường tồn đến ngày nay.

    Thầy khuyên hãy để cho người khác lợi dụng mình vì như thế có nghĩa là con người mình còn có giá trị. Nếu như chẳng ai buồn lợi dụng mình thì mình chẳng còn giá trị gì cả
    Đúng vậy cô thu a!
    Hãy để cho họ lợi dụng mình bởi vì mình còn có giá trị và có tác dụng. Cuộc sống cái gì cho phép lợi dụng và cái gì không được phép lợi dụng. Người hiểu biết sẽ biết mình cần phải ứng xử như thế nào
    Và điều nữa cô a!
    Cuộc sống Từ, Bi, Hỷ, Xả là điều đáng làm, đáng hoan nghênh. Từ, Bi, Hỷ, Xả đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ mới phát huy tác dụng. Từ, Bi, Hỷ, Xả không đúng lúc,không đúng nơi, không đúng chỗ trở thành ngu muội,thành sầu bi

    Cô thu a! cô hãy ngẫm và chiêm nghiệm cuộc sống cô sẽ hiểu ý của cháu và hiểu cháu

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.