Trang

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Nhân đọc một gợi ý trên trang BTT

"Hôm nay con làm bài chưa tốt, nếu cô cho con điểm kém, về mẹ có mắng không?"
"Mẹ con sẽ phạt không cho con xem hoạt hình sau giờ ăn tối."
"Thế thì cô sẽ cho con về nhà làm lại bài này tới buổi sau cô chấm cho điểm nhé."
"Vâng, con cảm ơn cô."

"Em ơi, trẻ con học lúc thế này thế khác. Mình ngày xưa cũng thế. "
"Nhưng nó mải chơi lắm chị ạ. Em phải phạt cho nó nhớ."
"Nếu em cứ phạt con như vậy vô tình sẽ tạo áp lực cho con, làm cho nó sợ học. Rồi nó sẽ học theo kiểu đối phó. Mình phải làm thế nào cho con thấy thích học thay vì chạy theo điểm số."
"Vậy làm thế nào hả chị?"
"Việc học là cả một quá trình, chứ không chỉ ngày một ngày hai. Mình phải giúp con thấy được kiến thức con có được mới là quan trọng. Con chưa làm được thì con sẽ làm lại cho bằng hiểu. Nếu em cứ phạt con chị sẽ cho cháu toàn điểm 9, 10."
"Vâng, em nghe lời chị."

"Hôm nay học ở trường thế nào hả con?"
"Toán 1 tiết con bị 4. Bài khó mẹ ạ."
"Thế điểm các bạn khác trong lớp thế nào?'
"Cao nhất là 6, phần lớn là 4,5."
"Lần sau cố gắng hơn nhé."
"Vâng ạ."

"Chị định cho Bi học trường nào?"
"Mình xin cho cháu học trường ngay gần nhà. Đỡ vất vả."
"Sao chị không xin cho cháu lên học Kim Liên? Trường ấy dạy tốt lắm."
"Mình có xin cho con được vào học lớp đầu khối không? Trường KĐ là trường chuẩn, cơ sở vật chất tốt, mỗi lớp có tối đa là 40 cháu. Trong khi đó Kim Liên các lớp thường là 60 cháu, chưa kể đi đưa về đón, nắng mưa, tắc đường."
"Nhưng em sợ chất lượng dạy không bằng."
"Ở đâu cũng có giáo viên dạy thế này thế khác. Cái quan trọng là về nhà mình phải kèm cặp, nhắc nhở con thường xuyên , rèn ý thức học tập cho con và đừng tạo áp lực cho con một cách quá mức."

Vậy vấn đề ở đây là thế nào? Chính người lớn chúng ta là những người đã vô tình tạo áp lực cho chúng ta và cho các mầm non tương lai. Chúng ta cứ ảo tưởng rằng chỉ có vào trường chuyên, lớp chọn, trường điểm thì con cháu chúng ta mới có cơ hội thành đạt trong tương lai. Chúng ta quên mất rằng kiến thức ở trường tuy quan trọng nhưng không phải là tất cả để trẻ trưởng thành trong tương lai. Chúng ta quên mất việc hình thành kỹ năng sống cho con, dạy con biết cái gì là nên, cái gì là không nên, dạy con biết cách tự vận động, biết cách hòa nhập với cuộc sống xung quanh, biết cách vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Chúng ta bằng mọi cách xin cho con được vào lớp điểm, trường tốt và coi thế là đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta quên mất đôi khi con trẻ vất vả khổ sở như thế nào khi vào ngồi trong một lớp chuyên mà lúc nào chúng cũng phải với cho bằng chúng bạn, và thay vì muốn trở thành nhà thiết kế thời trang chúng cứ nhất định phải học chuyên Toán hay chuyên Lý để giải quyết khâu "oai" của cha mẹ chúng. Chúng ta cũng vô tình tạo áp lực cho nhà trường. Thay vì mỗi lớp chỉ dạy 50 cháu, nay chen chúc tới 60 cháu trong một lớp. Rồi thì các loại sổ vàng, "quan hệ" này nọ, phong bì to nhỏ. Chính chúng ta đã làm khó cho nhà trường, cho các thầy cô.

Có một cô giáo dạy giỏi cấp thành phố ở một trường điểm ở Hà nội tâm sự với tôi rằng: "Mình thương bọn trẻ quá. Nhẽ ra chúng chỉ cần học theo chương trình là đủ nhưng chỉ vì phụ huynh nộp đơn nhiều quá đâm sinh ra phải sơ tuyển. Thế là chúng lại phải học phụ đạo trong khi nhẽ ra được nghỉ hè. Nhiều đứa, bố mẹ thuê gia sư dạy trước ở nhà, đến lúc vào năm học chỉ ngồi nghịch vì được học trước hết rồi. Lớp đông quá chỉ khổ giáo viên. Bọn mình dù dạy giỏi đến đâu cũng không thể bao quát hết được cả 60 cháu."

Nhiều phụ huynh than phiền với tôi rằng con em mình nhiều bài vở quá, học hành vất vả quá, bài nâng cao nhiều và khó quá, nhiều khi bố mẹ cũng chẳng làm được. Ờ thì cái sự chuyên, chọn, điểm thì nó phải thế. Đấy là sự lựa chọn của các vị cơ mà. Chỉ khổ nhiều cháu học nhiều quá chả biết làm việc nhà, chẳng có khái niệm giúp đỡ bố mẹ, chẳng có thời gian chăm sóc ông bà. Lúc nào cũng học - học và học, hết cua nọ đến cua kia.

Cuối cùng thì trường làng trông đợi vào các khoản hỗ trợ của phụ huynh để nâng cấp cơ sở vật chất, thì phụ huynh lại mang con chạy đi. Các trường đã to lại càng to, đã giàu lại càng giàu, các thầy cô đã vất vả lại càng vất vả. Và thử hỏi có phải tất cả các cháu chuyên, chọn đều trưởng thành không?

(Bài viết của Thu đăng trên blog ở Facebook ngày 11/7/2010, lúc 19h43)

2 nhận xét:

  1. Con chị thu chắc sướng lắm nhỉ! Mẹ vừa là cô giáo, vừa tâm lý thế còn j.

    Trả lờiXóa
  2. Bọn trẻ nhà mình tự giác nên mình không phải ép các con.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.