Trang

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

An trú trong hiện tại

 Ảnh minh họa
(Nguồn ảnh: Internet)
An trú trong hiện tại là lời dạy của Phật khi Ngài nói: “Sự sống chỉ có mặt trong hiện tại nên tâm ý con người phải luôn an trú trong hiện tại”. Theo lời dạy của Ngài thì quá khứ đã qua trong khi tương lai chưa tới, con người muốn thoát khổ thì những tu tập hay công việc thường ngày của họ phải biết tập trung vào hiện tại, vào chính ngày hôm nay.
Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu cũng đã nói: Đừng lo lắng cho ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó”. Lời dạy của các Ngài có nhiều điểm giống nhau, nhưng dường như đều trái với lẽ thường tình mà con người vẫn thực hành: đó là tích cốc phòng cơ, để dành tiền của cho ngày mai khỏi lo đói nghèo hay đau yếu. Tại sao vậy?
Lý giải điều này là một thách thức lớn vì biết phòng xa là một đức tính tốt. Phòng xa để có thể tự lo cho bản thân, không trở thành gánh nặng cho người khác; phòng xa để có thể giúp người khác sau này… nhưng ít người hiểu rằng biết tập trung cho hiện tại cũng là một cách phòng xa.
Xin nói chuyện dễ hiểu trước: Sống tốt với mọi người thì khỏi để dành tiền xây hàng rào hay thuê vệ sĩ vì đã được mọi người yêu mến, che chở. Chú tâm vào công việc mỗi ngày thì khỏi lo thất nghiệp vì người chủ hoặc sếp đã hài lòng với thành quả rõ ràng của mình. Bây giờ đến chuyện khó hiểu: Cứ giúp người nghèo thật nhiều thì không phải lo ngày mai thiếu thốn vì đã làm theo những gì Chúa và Phật đã dạy!
Có người tin, có người không tin. Có người tin nhưng không làm theo nổi. Chúng ta tôn trọng tất cả lựa chọn đó và chân thành nghĩ rằng mọi người đều muốn tốt với nhau. Ở đây tôi chỉ xin nêu vài ý vì sao chúng ta nên tin vào việc thiện, và muốn chia sẻ suy nghĩ về tích cốc phòng cơ như sau:
- Tích trữ bao nhiêu thì đủ? Câu trả lời sẽ rất khác nhau từ mỗi người. Có điều này cần suy nghĩ: trong khi nhiều người trong chúng ta chưa phải sử dụng đồng tiền cuối cùng để mua thực phẩm nuôi sống bản thân, thì những người khốn khó đang thiếu cả đồng tiền đầu tiên để mua một bữa ăn trước mắt.
- Tương lai là gì? Câu trả lời cũng sẽ rất khác nhau. Có điều này cần suy nghĩ: bản thân ta không biết sống chết giờ nào thì không thể tính ra số tiền cần phải để dành. Còn con cái chúng ta cần được hướng thiện sớm để cuộc đời chúng được bình an chứ không phải một tài khoản đầy tiền sớm.
Vậy nên, an trú trong hiện tại chính là mang lại bình an cho người khác ngay ngày hôm nay. Bạn hãy làm đi rồi cảm nhận những gì mình thu lại được. Đó là sự bình an trong tâm hồn, là tình thương của người khác dành cho.
Đừng lo lắng cho ngày mai. Mà nếu muốn lo cho ngày mai thì cách lo tốt nhất là giúp người khác trong ngày hôm nay.
 ( Nguồn: Blog nguoitoicuumang)
Lời góp: Một suy nghĩ gần như phổ biến là "dành dụm tiền phòng khi ốm đau". Cũng chính bởi suy nghĩ này rất nhiều người nhịn ăn, nhịn mặc, lao động quần quật, chẳng dám tiêu, chẳng muốn giúp ai. Họ bào mòn sức khỏe của mình lao động vất vả suốt cả năm để rồi tiêu hết sạch số tiền dành dụm chỉ trong một lần đi viện. Nếu chúng ta thử làm ngược lại, thay vì tích góp tiền để chữa bệnh, chúng ta sẽ "tích góp" sức khỏe để có tiền giúp đỡ mọi người.

25 nhận xét:

  1. Bài này nên để vào mục "Phật pháp" thì đúng hơn, vì đúng như lời Phật dạy vậy, hãy sống tốt cho ngày hôm nay, cho giờ này ta đang ở đây, vì "thân là vô thường" mà, và vì cuộc sống là vô thường nên ta hãy yêu tất cả những gì có xung quanh ta. Các cụ ngày xưa có một câu nói thế này: "có biết sống được đến ngày mai không mà để củ khoai đến tối". Câu nói này đâu có chỉ đúng củ khoai mà thôi, mà là một lời răn ta hãy biết sống trong thực tại, vì ngày hôm qua thì qua rồi, không bao giờ lặp lại nữa, còn ngày mai thì chưa tới. Và biết đâu ngày mai tới ta sẽ không còn được thấy hoặc gặp người mà ta vừa mới nói chuyện với trong ngày hôm nay?

    Trả lờiXóa
  2. Chị à. Em cũng có suy nghĩ như vậy. Đi chợ em rất sợ nợ tiền, vì chỉ sợ "lỡ ra ngày mai mình không gặp họ nữa" thì sao. Nói nhỡ một câu làm cho ai đó không vui thì day dứt khổ sở. Lúc nào em cũng chỉ tâm niệm sống thế nào để mình không phải day dứt về những điều mình đã nói hoặc đã làm, để lỡ bất chợt có "đi" là "đi" được thẳng một mạch luôn. :))

    Trả lờiXóa
  3. Tích góp tiền của cho mai sau là thói quen , bản tính muôn đời của người dân Việt . Bây giờ muốn buông bỏ thì rất khó .Vẫn biết rằng "có sống được đến mai không " nhưng "củ khoai" vẫn phải để dành đến tối lỡ ra có đói lòng .

    Trả lờiXóa
  4. Chị ơi, tích vẫn tích, góp vẫn góp, nhưng giả sử cả nhà mình no rồi, có người ăn xin đến, nhà còn thừa một củ khoai, chị có cho không. Em chắc là chị vẫn cho, phải không?

    Trả lờiXóa
  5. UH ! Không phải chị , em hay một ai đó, mà bản chất dân ta là như vậy , sẵn lòng chia sẻ , sẵn lòng đùm bọc . Chỉ một số ít nào đấy thôi là biến chất , coi đồng tiền là trên hết

    Trả lờiXóa
  6. Luôn niệm về cái chết là cách mà người dân Tây Tạng vẫn thường áp dụng, nên thấy họ lúc nào cũng chậm rãi, khoan thai, ít khi có bạo động xảy ra.

    Trả lờiXóa
  7. TTT: riêng niệm về cái chết HV cũng đã được nghe và đọc, thấy tâm đắc lắm. Về vấn đề này không phải ai cũng có thể tiếp nhận được, chỉ khi bức màn vô minh được kéo lên mà thôi, cần biết nhìn vào sự thật và chấp nhận sự thật (cười tươi).

    Trả lờiXóa
  8. Chị chỉ cần quát sát các niệm từ khi hình thành, lan tỏa rồi hoại diệt là chị đang niệm "chết" đấy, bởi cái tôi không nằm ngoài các ý niệm trong tâm, từ các niệm rối rắm ta mới dần thấy được bản lai diện mục của mình, ngoài chúng sinh không có Phật là vậy.

    Cái thấy đó mới là bước đầu đặt chân vào nhà Thiền, sau đó còn phải đoạn trừ tập khí lâu đời thì bức màn vô minh mới được kéo lên hết. -)

    Trả lờiXóa
  9. Vạn vật có sinh, ắt có diệt. Khi mình cất tiếng khóc chào đời thì cũng chính là lúc bắt đầu một cuộc hành trình đến cái "chết". Hiểu được như vậy thì "chết" cũng đâu có gì là đáng sợ, điều đáng sợ là mình sống như thế nào. "Sống mà như đã chết" hay là "Chết mà như vẫn còn đang sống".

    Trả lờiXóa
  10. Đúng cô Thu ạ! có câu ngạn ngữ " khi ta chào đời cất tiếng khóc và hãy sống sao khi ta chết mọi người khóc vì ta"

    Trả lờiXóa
  11. Khi chào đời ta khóc, mọi người cười, hãy sống sao để khi ta chết, mình ta cười, mọi người khóc.
    TTT: Bức màn vô minh chỉ cần được kéo lên một tí ti thôi đã là có
    "thấy" rồi. Rồi kéo dần, kéo dần lên. Chứ để kéo lên hết thì HV e rằng cần phải có thời gian vì trừ tập khi lâu đời đâu phải việc làm ngày một ngày hai phải không ạ.

    Trả lờiXóa
  12. Từ khi bước chân vào THIỀN, HV mới bắt đầu hiểu được một phần nào các câu hát trong các bài hát của TRỊNH CÔNG SƠN. Ngày xưa làm sao mình hiểu được tại sao lại "Tin buồn từ ngày mẹ cho ta làm kiếp người" ?

    Trả lờiXóa
  13. NHV: Chứ để kéo lên hết thì HV e rằng cần phải có thời gian vì trừ tập khi lâu đời đâu phải việc làm ngày một ngày hai phải không ạ

    Vâng, Tâm Thiền chính là nói như vậy, ta phải thấy được bản lai diện mục của mình trước rồi việc đoạn trừ tập khí mới bớt khó khăn.

    Trả lờiXóa
  14. Em không hoàn toàn nghĩ như mọi người. Sự giác ngộ của Phật Pháp kỳ diệu lắm. Một khi màn vô minh đã được kéo lên là ta hiểu được ngay. Có khi chỉ trong tích tắc mình "ngộ" ra ngay 1 vấn đề, còn nếu "cố tình" u mê thì có nói thế, nói nữa cũng không tài nào hiểu được.
    Lại nữa, em muốn khi mình "đi" mình cười và mọi người không khóc. Nếu mọi người khóc thì mình quyến luyến ngoái lại, lỡ bước "lạc đường", hay lỡ "chuyến đò" thì gay. Em muốn mọi người hiểu rằng thực ra cái chết chỉ như là một giấc ngủ dài thôi, và con người ta chuyển từ dạng tồn tại này sang dạng tồn tại khác. Chỉ cần mọi người nhớ đến là mình đã hiện hữu rồi. Cho đến bây giờ em vẫn cứ nghĩ là Bố Mẹ vẫn còn sống, chẳng qua mình không nhìn thấy Bố Mẹ bằng mắt trần thôi. Đến một ngày nào mình mở được "Thần Nhãn" là mình sẽ thấy được.

    Trả lờiXóa
  15. HT: Một khi màn vô minh đã được kéo lên là ta hiểu được ngay. Có khi chỉ trong tích tắc mình "ngộ" ra ngay 1 vấn đề, còn nếu "cố tình" u mê thì có nói thế, nói nữa cũng không tài nào hiểu được.

    Đúng là có những khoảnh khắc làm ta trực nhận bản tâm thanh tịnh bất biến của mình, như nhìn hoa rơi, lá rụng, nghe một âm thanh,hay ngửi một mùi hương...

    Khi niệm khởi lên liền buông không dính mắc, không đối thoại với nó là ta không chấp, không còn u mê, nên sống được với từng khoảnh khắc quý báu của hiện tại.

    Trả lờiXóa
  16. TTT: thật quý giá. Mong được chỉ bảo nhiều hơn nữa.
    HV yêu âm nhạc, nghe một bản nhạc hay, HV đắm vào đó, thoát ra khỏi cuộc đời hiện thực này, như muốn bay, muốn quay, muốn nhảy múa để thỏa với cảm nhận của mình về bản nhạc đó. Như vậy có phải là quá "dính mắc" không? Là đã "đối thoại với nó" không?
    HT: Theo chị "cười" và "khóc" ở đây theo nghĩa cao cả hơn Thu ạ, không phải cười và khóc của người trần tục bình thường, cứ nghĩ kỹ mà xem.

    Trả lờiXóa
  17. @ Chị Vân: Em thì nghĩ, khi mà những người thân của mình hiểu được đạo Phật một cách sâu sắc, hiểu được luật luân hồi, hiểu được sự vô thường thì sẽ không có tiếng khóc. Em thích được "ra đi" trong sự "yên tĩnh" để được cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm, thanh thản, để thấy rằng mình đã làm tròn bổn phận của một kiếp người.

    Trả lờiXóa
  18. Cháu gửi tặng cô Thu, Cô Vân Cùng Chị Thiền Tịnh Tâm. cháu cóp ở trên mạng xuống

    Con người từ khi sinh ra và lớn lên, đã trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống, phải đấu tranh chống chọi với những nguy cơ gây tổn hại đến mình, để có được ngày hôm nay.
    Tôi được hình thành từ tình yêu của Cha và Mẹ, sau 9 tháng mười ngày được Mẹ bao bọc nuôi dưỡng trong bụng̣. Đến ngày tôi chào đời, tôi cứ im thin thít,̉ bác sĩ phải vỗ vào mông tôi để tôi khóc lên tiếng khóc đầu đời. Và Tôi chào đón cuộc đời này bằng tiếng khóc oe oe.
    Và cứ thế, mỗi khi tôi đói tôi cũng khóc, tôi vòi vĩnh gì đó cũng khóc, tôi mắc ... cũng khóc, không có ai tôi cũng khóc......... Khi nghĩ đến thời điểm này tôi mới tự hỏi rằng: tại sao từ khi sinh ra việc tôi biết đến đầu tiên là khóc? Và giờ đây với những gì đã trải qua, tôi mới biết được rằng: cuôc đời đã cảnh báo cho ta biết, cuộc đời này không hoàn toàn như ta mong muốn đâu. Khóc có phải là một năng lực tạo hóa đã tặng riêng cho chúng ta, nên từ khi sinh ra ta đã phải tập khóc, để có thể khóc cho những ngày tháng sau này. Nhưng càng lớn lên thì ta càng ít khóc, do đâu thế? Vì người ta thường bảo rằng khóc làm cho con người mình trở nên yếu đuối trước mặt người khác. Khóc làm cho người đàn ông chẳng còn là đàn ông. Và một số nguyên nhân nào đấy mà con người trưởng thành thường trốn chạy trạng thái cảm xúc này. Họ cố tình dấu đi cảm xúc của mình, họ tự lừa dối bản thân họ, để rồi cứ ôm khư khư trong lòng những nổi niềm.
    Trong kinh phật thường bảo rằng: đời là bể khổ. Nếu trên đời này không có cái cảm giác gọi là khổ thì chẳng bao giờ con người biết được cái cảm giác hạnh phúc. Có trải qua những cái khổ ta mới trưởng thành hơn, mới nhận thức được những điều giá trị hơn. Cứ thử nghĩ rằng khi ta vui vì một điều gì đó, cái cảm giác đó chỉ đến trong giây lát rồi tan biến mất. Nhưng khi một lần ta đau khổ, thì nỗi đau ấy ta không thể nào vứt đi được nó sẽ mãi đi theo ta đến hết cuộc đời. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao thế không? Tôi thì nghĩ như vầy, chính cái cảm giác đó, vẫn luôn giữ mãi trong lòng để luôn nhắc nhở ta rằng ta đã từng như thế. Thường thì con người thường tự tạo một cảm giác giả tạo để quên đi những nỗi đau trong cuộc đời, họ có thể nói là họ đã quên nó rồi nếu một ai hỏi tới, nhưng sự thật rằng họ chưa bao giờ có thể quên được những cảm xúc đó, họ càng trốn chạy thì nó càng đeo đuổi cho đến khi phải hiểu được rằng ta không thể trốn chạy nó, ta phải chấp nhận nó, để ta nhớ được rằng ta đã từng bị đau như thế nào, ta phải đón nhận nó như thế nào.

    Trả lờiXóa
  19. Cô Thu à! nội dung tiếp theo ở trên

    Những trải nghiệm trong cuộc sống thường vô tận lắm, đôi khi chỉ những việc làm đôi khi là rất nhỏ chẳng khiến ta để ý, đôi khi nó lại quá to lớn với sức gánh vác của ta, cũng đôi khi trải nghiệm đó do những người khác đem đến cho ta. Dầu là trải nghiệm như thế nào, thì tất cả những điều đó ít nhiều cũng để lại trong ký ức ta một khoảnh khắc. Dẫu vui, dẫu buồn, dẫu hạnh phúc, dẫu sung sướng, thì ta cũng nên trân trọng những trải nghiệm ấy. Có thể ngày hôm nay nó sẽ làm cho bạn buồn thật buồn, đau thật đau, nhưng rồi ngày mai, ngày sau và ngày sau nữa ta mới thấy ý nghĩa cũng như giá trị của những ký ức đó.
    Nếu những ai trưởng thành chưa từng một lần khóc, có thể vì ngại ngùng khi khóc trước một ai, hay không dám khóc vì ta đã là người lớn, hoặc không thể khóc đươc vì ta vốn vô tình trước thế thái dân tình. Nếu đã từng vì một trong những lý do như thế, thì nay hãy từ bỏ suy nghĩ ấy đi, để được một lần khóc cho thỏa thích. Khi ta khóc ta như trở về với thời thơ ấu, khóc vì những lý do mục đích không rõ ràng. Hãy khóc thật lâu thật hết sức, khóc như thể chưa từng được khóc. Khóc để chấp nhận rằng đời là bể khổ, khóc để vinh danh cho những gì ta từng trải, khóc như để tưởng niệm cho những sai lầm ta đã từng mắc phải, khóc vì niềm hạnh phúc lớn lao mà ta có trong đời.

    Trả lờiXóa
  20. NHV: thật quý giá. Mong được chỉ bảo nhiều hơn nữa.

    Tâm Thiền chỉ nói những gì mình nhận hiểu và trải nghiệm được chị à.

    Gửi HTHV: Chào bạn, Tâm Thiền xin đính chính một chút,Tâm Thiền không phải là chị :D !

    Để nhận được bản tâm đôi khi ta phải chịu những cuộc giải phẫu đau đớn, để rồi sau cơn mưa trời lại sáng, ta sẽ nhìn mọi việc như nó là, như như bất động, không tăng không giảm.

    Xin gửi đến mọi người bài thơ của Đại Đức, Giảng sư Thích Tâm Thiện:

    "Khi vui chẳng muốn vui hơn
    Khi buồn đủ sức để buồn trôi qua."

    Trả lờiXóa
  21. @Thiền Tịnh Tâm. Dạ vâng. Tại em không biết. Được đọc bài nhận xét của Thiền tịnh tâm cùng cô Thu, Cô Vân và của các Cô... thật là vô cùng quý báu và bổ ích đối với em Hải Vân. và được biết thêm sự từng trải và đúc kết cuộc sống của mỗi người. Đọc xong em thấy mình vỡ ra

    Trả lờiXóa
  22. @TTT. Em học lâu rồi cũng có thể gọi là học viên kỳ cựu lâu đời của lớp thế mà em vẫn chưa biết về TTT. Nên em mới nhầm và tưởng là chị. Bởi vì em không biết. Em mà biết TTT thế nào em cũng trao đổi cùng học hỏi TTT. Cám ơn nhiều!

    Trả lờiXóa
  23. @ Hải Vân: TTT là bạn đọc blog thôi, không phải hội viên của CLB.

    Trả lờiXóa
  24. HT: trong cuộc đời mình cũng có nhiều cuộc chia tay lắm chứ, có những cuộc chia tay làm mình cảm động rơi nước mắt. Hãy tưởng tượng, khi ta nhắm mắt xuôi tay, trong cuộc chia ly, mọi người đều khóc vì phải chia tay với ta - một con người tốt bụng biết bao, đáng quý biết bao và phải đợi một thời gian dài nữa may ra mới gặp được nhau, được vậy thì ta cũng đáng "cười" lắm chứ.
    TTT: ADIDAPHAT, HV rất thích những câu thơ mà TTT đã đăng. Nếu có thể hãy cho HV đọc tiếp nhé. Email của HV chắc TTT biết rồi.

    Trả lờiXóa
  25. Đúng thế! Cô Vân buồn rơi cả nước mắt. Nỗi buồn khôn xiết, khôn nguôi. Nếu không phải chia tay là mình có người chia xẻ, tâm sự, bảo ban và chỉ bảo, có lời khuyên, lời động viên và hò reo nhảy múa, hát hò để thể hiện tâm trạng tình cảm của mình đối với người mà mình tin tưởng, tin cậy, tin yêu. Nhưng cũng phải đối diện với sự thật cùng hiện thực và phải dũng cảm vượt qua nó để mà sống hướng về tương lai, hướng về phía trước và hướng về ngày mai. Cơ bản bố mẹ sinh ra vẫn là người bình thường và sống hướng và làm điều tốt điều thiện và sống có ích là mãn nguyện lắm rồi cô ạ. Sống nương tựa vào phật pháp để tâm mình vô tư trong sáng và thánh thiện.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.