Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

ĂN TRONG CHÁNH NIỆM

Tuy chưa có duyên đi Côn Sơn cùng Câu lạc bộ, nhưng Hoàng Vân biết các thành viên trong câu lạc bộ tương lai sẽ được thưởng thức những bữa ăn trong chánh niệm tại Côn Sơn. Nhân đọc  "Quyền lực đích thực " của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hoàng Vân xin trích dẫn một đoạn của tác phẩm để chúng ta cùng tham khảo.

ĂN TRONG CHÁNH NIỆM
Trích  "Quyền lực đích thực " của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Ăn trong chánh niệm là một thực tập rất tuyệt vời. Khi ăn, ta chỉ chú ý vào hai chuyện: thức ăn và mọi người xung quanh, không bận tâm về quá khứ hay tương lai, dự án hay lo âu.
Ta ăn thế nào để có được niềm vui và hạnh phúc khi ăn. Khi gắp lên một miếng thức ăn, ta ý thức về nó, ta nhìn cho rõ để thấy rằng đây là tặng phẩm của đất, trời và công phu lao tác. Sau đó ta đưa thức ăn vào miệng và nhai thật kỹ trong chánh niệm.
Khi gắp một miếng cà rốt, tôi luôn có mặt cho miếng cà rốt, nhìn rõ miếng cà rốt. Tôi gắp miếng cà rốt với tất cả thân tâm tôi. Nếu tâm đang bận về quá khứ hay tương lai, về dự án hay lo âu thì tôi đâu có thể biết rõ là tôi đã đưa miếng cà rốt vào miệng. Cũng như khi mở cánh cửa hay thắp một nén hương, tôi đầu tư một trăm phần trăm (100%) vào việc đóng cửa hay thắp hương.
Mời bạn cùng ăn trong chánh niệm với tôi. Trước khi bỏ miếng cà rốt vào miệng, bạn có thể nói thầm "cà rốt" như bạn đang gọi thầm tên người thương, và khi ấy miếng cà rốt sẽ hiện ra rõ ràng hơn. Bỏ miếng cà rốt vào, bạn biết là mình đang bỏ miếng cà rốt vào miệng, nhai miếng cà rốt, bạn biết mình đang nhai miếng cà rốt, bạn không nhai dự án, buồn đau, quá khứ hay tương lai.
Chỉ nên làm một việc thôi. Khi gắp miếng cà rốt như thế bạn sẽ có tuệ giác về miếng cà rốt. Bạn sẽ thấy trong đó tất cả những gì đã làm nên miếng cà rốt: đám mây, ánh nắng, trái đất... Miếng cà rốt đại diện cho cả vũ trụ. Bạn mỉn cười với miếng cà rốt, không tốn nhiều thì giờ, chỉ một giây đồng hồ thôi. Có niệm và định, bạn có thể đạt tuệ giác về tự tính của miếng cà rốt.
... Miếng cà rốt cũng là máu thịt của vũ trụ. Nếu biết cách tiếp nhận, bạn sẽ được ân phước của sự sống chân thực. Nhưng nếu bạn ăn miếng cà rốt trong thất niệm, sự sống không hiện hữu. Nếu bạn bị suy tư, buồn giận cuốn hút thì miếng cà rốt không còn là sứ giả của vũ trụ nữa.
...chúng ta không thể tập trung vào thức ăn nếu vừa ăn vừa nói chuyện, và không biết trân quý sự có mặt của những người ăn cùng. Ý thức được sự hiện diện của thức ăn và của những người có mặt giúp ta thực tập sâu hơn. Sự im lặng có thể rất hùng tráng. Im lặng giúp cho ta có mặt một trăm phần trăm (100%).
Để thưởng thức món ăn, ta nên ăn thật chậm. Nhai ít nhất 30 lần trước khi nuốt. Khi nhai, ta thở và buông thư, có mặt thật sự bây giờ và ở đây...
Đã có người tổ chức những bữa ăn trưa im lặng và chánh niệm tại nơi làm việc. Mọi người cùng ngồi ăn im lặng trong mười hay mười lăm phút rồi mới nói chuyện, tất cả đều rất thích thú.

6 nhận xét:

  1. Chị nói đến Côn Sơn làm cho em lại nhớ Côn Sơn. Tối thứ 7 Dx nhắn tin về: "Hay lắm chị ạ! Ở đây rất phù hợp để thư giãn. Tiếc quá chị không đi được." Dx mới lên lần đầu mà còn thấy thế. Đợt nào không đi được là em lại thấy tiếc. Hôm qua anh Chuyền qua nhà bảo đợt thiền dã ngoại này có nhiều cái hay.

    Trả lờiXóa
  2. Chánh niệm có thể xuất hiện nếu trong suy nghĩ và hành động chúng ta ý thức được sự tồn tại và chấp nhận thực tại, giũ bỏ việc tránh né những cảm xúc khó chịu, kinh nghiệm đau đớn.
    “ Chánh niệm là một đặc tính của ý thức, có khả năng tiếp xúc trực tiếp với những khinh nghiệm của ta, đối diện chúng thẳng mặt, không để bị bóp méo hoặc làm sai trật bởi những tham muốn, sân hận và si mê. Thói quen tham muốn thường thúc đẩy ta cố gắng vô vọng, muốn làm sao để giữ cho những kinh nghiệm dễ chịu được tồn tại mãi. Thói quen sống theo tâm sân hận và sợ hãi khiến ta tránh né những kinh nghiệm đớn đau, như thể là ta có khả năng ngăn chặn chúng được vậy. Và thói quen sống theo sự si mê đã khiến chúng ta trở nên thất niệm, xa rời giây phút hiện tại, khi những kinh nghiệm của ta không đặc biệt dễ chịu mà cũng không khó chịu.
    Nếu chúng ta cộng hết những giây phút ta không thể kinh nghiệm sự sống của mình trọn vẹn, vì sự tham muốn và dính mắc khiến ta không thật sự có mặt, vì sự sân hận và ghét bỏ khiến ta xa cách, vì sự si mê khiến ta lạc lối. Và những giây phút của chánh niệm khi ta thực sự biết sống chỉ là một con số rất nhỏ nhoi. Đó là lối sống vô cùng giới hạn và rất tội nghiệp.”
    ( Trích trong Trái tim thiền tập – Sharon Salzberg)

    Trả lờiXóa
  3. @ NguyenHoang: Chào bạn. Hôm trước mình đọc lướt qua comment nhanh quá, không nhận ra bạn là khách ghé qua.
    Mình cũng đồng ý với quan niệm "đối diện với những tham - sân - si trong con người mình chính là cách tốt nhất để giúp rũ bỏ nó. Và chỉ khi nào bạn thực sự giải quyết được vấn đề tồn tại trong con người bạn lúc đó chúng ta mới có được chánh niệm."

    Trả lờiXóa
  4. @HồngThu: Có thể giúp giải nghĩa từ Tham - Sân - Si và xin hỏi có cách nào diệt trừ ba thứ nầy được không?

    Trả lờiXóa
  5. @ Nặc danh: Không thể trong vài ba câu để trả lời câu hỏi của bạn. Đợt này mình đang rất bận. Bạn có thể search trên google để tìm câu trả lời hoặc ngay trong blog của CLB cũng có những bài đề cập đến vấn đề này. Rất mong bạn thông cảm.

    Trả lờiXóa
  6. @HồngThu: Cám ơn câu trả lời. Qua bài mình muốn mình cùng tất cả mọi người hiểu rõ bản chất của Tham - Sân- Si hơn để nhận diện ra nó và cách diệt trừ ba thứ này nói nhẹ nhàng hơn để con người ta đỡ vương vào vòng luẩn quẩn của ba thứ này

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.