Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Tưởng niệm ngày Thày Tổ ra đi

Hai bốn tháng mười năm nay,
Tám sáu năm trước ngày Thày thoát sinh.
Cám ơn Thày Tổ chúng mình,
Mang Lửa Tam Muội, hồi sinh bao người.
Tăng thêm sức khỏe tuyệt vời,
Đem lại hạnh phúc, mọi người nhớ ơn.
Chúng con biết nói gì hơn,
Cùng nhau luyện tập, sớm hôm nhớ Thày.
Trên cao, chín lớp tầng mây,
Xin Thày chứng giám lòng "thành" chúng con.
Hà nội, ngày 24 - 10 -2010
Phan Thanh Hòa
 Hai vợ chồng bác Hòa đang chơi bóng bàn ở CLB Thăng Long.

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Bài thu hoạch

Tôi là Ngô Thị Kim Dư, 65 tuổi và chồng tôi là Trần Văn Thọ, 74 tuổi, hiện ở tại khu tập thể công ty CKHN. Chúng tôi đến CLB DSNL từ ngày 17/7/2010. 
Ngay lần đầu đến với CLB chúng tôi đã cảm nhận được không khí thoải mái. CLB như một gia đình. Mọi người đều vui vẻ, nói năng nhẹ nhàng, từ tốn. Lúc đầu chúng tôi thấy ngạc nhiên vì có nhiều bác cao tuổi trông khỏe khoắn và rất tự tin, sau mới biết là các bác đã trải qua nhiều căn bệnh hiểm nghèo và nhờ thiền Thu Lửa Tam Muội đã đỡ được nhiều. Cứ đến sáng thứ 7 hàng tuần đến lớp được Thầy hướng dẫn, chỉ bảo ân cần, lại được các bác, các bạn đã học từ trước giúp đỡ truyền thêm cho các kinh nghiệm luyện tập nên chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn. 
Nhớ lại buổi đầu đến lớp, khi Thầy hướng dẫn ngồi thẳng lưng, tĩnh tâm để tập, chúng tôi đã thấy 2 chân rất nặng, như bị nam châm hút, 2 tay thì như bị kim châm đốt, gáy mỏi, lưng đau. Thế rồi ngày một, ngày hai, được Thầy và các bác, các bạn động viên, chúng tôi kiên trì luyện tập, càng luyện càng thấy hay, cứ mệt mỏi tập lại hết mệt.  
Ngày 28/8 Thầy Cô tổ chức đi thiền dã ngoại ở Côn Sơn. Sáng 5h leo núi để thiền mà tâm trạng chúng tôi lo âu khó tả vì anh Thọ mới mổ tim, không hiểu có đi được không, sợ lại trở thành gánh nặng, làm phiền đến Thầy Cô và mọi người. Từng bậc thang, từng bậc thang một là cả một thử thách, đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi đi xa nhà kể từ sau khi nhà tôi mổ. Cứ cố gắng từng bước một, rồi chúng tôi cũng lên đến được chỗ thiền. Thầy luôn động viên và theo dõi để hỗ trợ khi cần thiết. Buổi thiền đầu tiên trên núi diễn ra êm ả, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.  
Chiều về tập bài Thiền Rũ Sạch Bụi Trần. Chúng tôi không sao quên được cái cảm giác đưa 2 cánh tay ngang ra, hai bàn tay úp vào tai. Hai tay run, mỏi và đau không chịu nổi, ấy vậy mà cô Thoa, cô Yến ngồi bên cạnh vẫn tập tốt, nhìn các cô chúng tôi cố gắng thế là cũng vượt qua được. Được Thầy Cô lo lắng cho chu đáo, chúng tôi chỉ việc chuyên tâm vào tập luyện. Chẳng mấy chốc 3 ngày dã ngoại đã trôi qua.  
Về đến nhà chúng tôi cảm thấy khỏe lên, vui vẻ, nhớ lại cảnh đi dã ngoại với bao kỷ niệm. Chúng tôi vừa được đi luyện thiền, vừa được đi vãn cảnh chùa, ngắm danh lam thắng cảnh, thưởng thức không khí trong lành, lại học thêm được cách chống say khi đi ô tô.  
Từ hôm đi dã ngoại về chúng tôi càng thêm tin tưởng, luyện tập đều đặn ở nhà và luôn mong ngóng đến ngày thứ 7 để được đến lớp. Ngồi thiền ở lớp thu được nhiều năng lượng và đến lớp không khí thật vui vẻ, cảm thấy mình trẻ ra. 
Đợt vừa rồi, chồng tôi bị đau 1/2 người bên trái, chúng tôi cũng lo là do tim, vậy mà khi biết tin, Thầy phát công chữa bệnh từ xa, sức khỏe phục hồi nhanh. Khi thấy đỡ, nhà tôi liền xin ra viện ngay để đến lớp, để được Thầy và mọi người hỗ trợ thêm năng lượng. Nhà tôi đã cảm thấy khỏe và thoải mái hơn nhiều.  
Cám ơn Thầy Tổ Dasira Narada đã sáng lập ra môn phái Thiền DSNL, cám ơn Thầy, Cô đã nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho chúng tôi luyện tập. Chúng tôi sẽ cố gắng tu luyện, theo gương các bác đi trước để sức khỏe mỗi ngày một khá hơn, sống vui. hòa nhập trong tiếng cười của Đại Gia Đình CLB DSNL.
Hà nội ngày 20/10/2010
Trần Văn Thọ - Ngô Thị Kim Dư

Bác Thọ mặc áo may ô màu trắng - Bác Dư mặc bộ màu vàng ngồi phía sau.

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Cảm nhận sau 3 tháng tập Thiền Lửa Tam Muội

Tôi là Đinh Lê Vân Sơn bị bệnh ung thư tuyến giáp, đã phẫu thuật đến nay là 3 năm. Sau khi mổ xong thì do tuyến giáp đã bị cắt nên nội tiết tố trong người bị thay đổi, nên tôi bị các bệnh khác tấn công như huyết áp cao (huyết áp tối thiểu), mỡ máu cao, u tiền liết tuyến, nang thận trái. Người lúc nào cũng mỏi mệt, hay buồn ngủ, hay bị sặc nước bọt, giọng nói bị khàn do mổ u tuyến giáp, nói năng rất khó.
Ngày 17/7/2010 qua người quen giới thiệu tôi được Thầy Chủ nhiệm CLB nhận vào học đến nay đã 3 tháng. Tôi thấy sức khỏe được nâng lên rõ rệt, không còn sặc nước bọt nữa, nói năng đã rõ tiếng hơn. Không còn hiện tượng buồn ngủ nữa, thấy yêu đời hơn.
Ngoài việc tăng cường sức khỏe cho mình, tôi còn áp dụng những điều đã được học để chữa bệnh giúp người. Đó là chữa bệnh bằng các phương pháp:
- Vẽ quẻ dịch: Tôi đã dùng quẻ dịch để chữa những bệnh đơn giản như đau bả vai, đau đầu cho người nhà rất hiệu quả, chỉ một lúc sau là khỏi ngay.
- Ngũ lục công phu: Chữa bệnh sổ mũi cho con gái, rất công hiệu sau khi bỏ tay ra thì thấy con gái nói hết tịt mũi rồi. Trong khi chữa thì con gái nói con thấy nóng cổ, vai, mặt.
Tôi đã chữa bệnh cho một người bị cơn đau ngực chạy từ đằng trước ra đằng sau, không ngồi dậy được, kể cả khi đổi tư thế cũng rất đau. Khi đến, tôi cũng không nghĩ mình có thể chữa được cho bệnh nhân đó. Nhớ lời Thầy dặn, tôi tin tưởng và mời Thầy Tổ về chữa bệnh. Tôi đặt tay vào người bệnh nhân đó khoảng 10 phút sau đó ra về. Hôm sau thấy bệnh nhân nói lại, khi tôi về khoảng gần 1 tiếng thì thấy có một luồng khí nóng chạy trong người và bệnh nhân thấy dễ chịu ngồi dậy được, các cơn đau đã bớt nhiều.
- Phát công chữa bệnh từ xa: Có lần một người bạn gọi điện bảo tôi đến chữa bệnh vì bị cảm nên ho và thấy khó chịu trong người, nhưng vì đường xa nên tôi đã mạnh dạn bảo người bạn giữ điện thoại và tôi đã mời Thầy Tổ về để phát công chữa bệnh từ xa. Lúc đầu tôi cũng không biết mình có khả năng làm được không, nhưng thật kỳ lạ, sau khi khấn Thầy Tổ vừa rứt lời tôi thấy đầu bên kia nói thấy nóng rực ở đầu và ngực rồi, tôi bảo cố gắng đưa luồng khí nóng đó xuống chân đi, đầu dây bên kia nói không thể xuống được nó chỉ dừng ở ngực thôi. Tôi bèn bảo họ chờ một tý để tôi xin Thầy Tổ cho năng lượng, và vừa dứt lời khấn xong thì thấy đầu bên kia nói luồng khí nóng đã xuống bụng rồi, nhưng không xuống được chân. Tôi lại bảo chờ để tôi xin Thầy Tổ năng lượng, và cứ như có phép tiên vừa khấn xong thì thấy đầu dây bên kia đã nói xuống đến đùi, đến chân rồi. Thật sự lúc đó tôi rất vui sướng không gì có thể tả nổi vì thấy mình mới học có hơn 1 tháng mà đã làm được thế thì thật là kỳ diệu. Sau đó tôi có hỏi Thầy Chủ nhiệm CLB, thì Thầy bảo không có gì là lạ cả vì năng lượng của môn chúng ta là sóng, chúng ta không nhìn thấy, nhưng nó di chuyển với tốc độ rất nhanh nên năng lượng của nó rất cao, và quan trọng nhất là có Thầy Tổ DASIRA NARADA đứng bên cạnh trợ duyên rồi.
- Tôi cũng đã châm cứu chữa bệnh từ xa, và cũng thấy có hiệu quả khi châm xong và khấn Thầy Tổ cho năng lượng vào các huyệt đạo đã châm thì hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy có cảm giác lạ, tê tê hoặc nóng ran người lên.
Đấy là tất cả những việc tôi đã làm được sau 3 tháng tập luyện thiền Lửa Tam Muội.
Trong quá trình tập luyện tôi có trao đổi kinh nghiệm với nhiều người học trước tôi thì tôi thấy để đạt được những điều trên mình phải chịu khó mất nhiều thời gian để luyện tập nhưng ta sẽ được nhiều hơn đó là sức khỏe của ta ngày càng tốt lên và cá nhân tôi cũng nhận ra một điều (trong sách Thiền và những vấn đề tu luyện đã nói) đó là công lực và quyền năng của mỗi người nhưng để có quyền năng thì bản thân ta phải tu tâm thật tốt nên những ai mới học cũng đừng lo mình có năng lực thấp thì không thể chữa bệnh cho người khác được vì trong phật pháp có nói một câu: "Tâm đứng đầu các pháp - tâm đứng đầu tâm sử".
Trên đây là nhừng gì tôi đã làm được, xin được trao đổi cùng mọi người với mong muốn ngày càng tiến bộ hơn, giúp ích nhiều cho xã hội. 
(Ảnh: Anh Sơn mặc áo đỏ ngồi thiền trên Ngũ nhạc Linh Từ ở Côn Sơn trong đợt đi thiền dã ngoại cùng CLB tháng 9/2010)
Đinh Lê Vân Sơn
(Bài phát biểu tại Lễ Tưởng niệm Thầy Tổ 24/10/2010)

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Bức tranh


Tôi là Lưu Mai Phương, học viên của CLB DSNL. Sau gần một năm cố gắng luyện tập với sự giúp đỡ của Thầy, Cô và các bác, các anh, chị, tôi đã thu được nhiều điều hay và sức khỏe của tôi ngày càng được cải thiện.
Thông qua các bài giảng của Thầy, tôi đã tìm thấy con đường vui vẻ nhất đó là gạt bỏ tham - sân - si, luyện chữ chân - thiện - nhẫn, và phải luôn ghi nhớ, áp dụng trong từng trường hợp dù là nhỏ nhất. trong cuộc sống. Hiện giờ tôi luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái cả khi ở nhà lẫn khi đến lớp.
Trước đây tôi luôn lo lắng về sức khỏe của mình. Tôi bị bệnh cao huyết áp, tim mạch và rối loạn tiền đình đã 10 năm trời, có lúc tôi phải đổi tới 5 loại thuốc điều trị huyết áp khác nhau. Khi đi lại tôi có cảm giác như đi trên mây, lúc nằm xuống thì thấy trần nhà quay tít, giường thì nghiêng ngả, người như sắp rơi xuống đất. Đến tháng 1/ 2010, Vân, em gái tôi đưa tôi đến lớp học thiền. Sau 10 tháng luyện thiền tôi đã không cần phải dùng đến thuốc điều trị huyết áp nữa, đặc biệt là bệnh rối loạn tiền đình thì đã khỏi hẳn. Tôi không còn  cảm giác chuyếnh choáng nữa. Không chỉ riêng tôi mà nhiều chị em học cùng lớp cũng không còn phải uống thuốc như trước nữa. 
Là một họa sĩ, tôi rất mừng khi thấy mình lại có thể cầm bút vẽ. Bức tranh này là những gì tôi thấy trong khi thiền. Tôi luôn nhớ lời Thầy dặn, đối với người bị bệnh cao huyết áp phải quán tưởng: "Trái tim ta là bông sen đang nở. Hai lòng bàn tay ta là hai đóa hoa sen. Toàn thân ta đang ngồi trong một đầm sen đang nở rộ. Hương sen tỏa ra thơm ngát." Khi ngồi thiền tôi cứ nghĩ tới bức tranh và nhanh thuộc bài hơn. Tôi coi đây như một bài học chứ không phải chỉ là bức tranh và nhờ thuộc bài tôi thiền đạt kết quả.
(Ảnh trên: Bức tranh của chị Phương treo dưới tấm pano. Ảnh dưới: Chị Phương đang giới thiệu về ý tưởng của mình khi vẽ bức tranh.)

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

KẾT QỦA MỘT NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA CLB DSNL

Cứ đến ngày 24 tháng 10 hàng năm, CLB đều tổ chức lễ tưởng niệm ngày mất của Thày Tổ Dashira Narada. Nhân dịp này chúng ta nhìn lại xem một năm qua CLB đã làm được gì và những gì chúng ta còn phải làm tiếp.
Cái được đầu tiên là được lòng tin của mọi người. Có nhiều môn phái khi mở lớp có rất nhiều người tham gia, nhưng theo thời gian số người tham gia cứ giảm dần, giảm dần. Câu lạc bộ của chúng ta khác hẳn: Đến với CLB hoàn toàn tự giác, không ai ép buộc; tập ở CLB hoàn toàn tự nguyện; phần lớn những người đã đến tập là đi tập đều; còn nhiều người có nhu cầu mở thêm lớp mới chúng ta chưa đáp ứng được. Năm qua chúng ta đã mở thêm được 2 lớp mới với tổng số 50 người tham gia. Các lớp mở từ những năm trước liên tục có thêm người xin vào tập. Nhiều địa điểm tập, lớp tập đã quá đông.
Tại sao vậy? Đó là vì CLB đã thực sự đáp ứng được những kỳ vọng của người tập khi đến lớp. Mọi hoạt động của CLB đều vì lợi ích người tập. Không chỉ tập để đẩy lùi bệnh tật mà còn rèn luyện nhân cách, rèn luyện trí tuệ, bản lĩnh…làm cho cuộc sống tươi vui hơn và có ý nghĩa hơn. Thật kì diệu, năm qua có nhiều ca bệnh nặng đã được chữa khỏi hẳn hoặc ngăn không cho bệnh phát triển. Trường hợp bà Thoa, chỉ kiên trì tập mà bệnh sỏi và teo thận, tụy có u nhầy đã được chữa khỏi chỉ trong vòng 1-2 tháng tập mà không dùng bất kì loại thuốc nào. Chị Khuy viêm khớp toàn thân nhiều năm nằm liệt trên giường, được bạn hướng dẫn tập thiền tại nhà, sau 6 tháng đã chống nạng đi lại được. Hiện nay việc đi lại của chị đã khá hơn rất nhiều, đi trong nhà không cần gậy chống nữa. Còn nhiều trường hợp tập mà tan sỏi thận, tập mà người khỏe ra, cảm giác mệt mỏi thường xuyên không còn nữa. Mỗi người đến tập là một câu chuyện dài thú vị về khả năng cải thiện sức khỏe. Chỉ một vài phút ngắn ngủi trên diễn đàn này không thể kể hết được những câu chuyện kì diệu đang từng ngày, từng giờ diễn ra với mỗi người tập.
Một hoạt động khác không thể không nói tới là những đợt đi thiền dã ngoại và thăm viếng các đền chùa. Từ đầu năm đến nay CLB đã tổ chức 7 đợt đi thiền dã ngoại, có đợt đi dài ngày. Mỗi đợt đi đều thật sự bổ ích cho mỗi người, cho nên ai cũng có cảm giác háo hức trước khi đi, tiếc nuối khi trở về, mong chờ đến đợt đi dã ngoại lần sau. Ai không có điều kiện đi thì tiếc ngẩn tiếc ngơ đành ngồi giở xem những tấm ảnh mà hình dung ra những điều thú vị trong đợt đi dã ngoại vừa qua. Mỗi đợt đi thiền dã ngoại, năng lượng của mỗi người thu được bằng cả tháng tập tại nhà. Câu lạc bộ thường đến các nơi “địa linh”, nơi có năng lượng rất cao để thiền. Vị trí (nơi tập) khác nhau, người tập thu được năng lượng khác nhau, bởi vì mỗi địa điểm khác nhau đều có năng lượng cao thấp khác nhau. Mỗi người khi tập cũng nên chú ý vị trí ngồi của mình, nơi đó có năng lượng cao tập kết quả sẽ tốt hơn.
Đến với câu lạc bộ không chỉ có ngồi thiền, mà còn được Thày hướng dẫn cách chữa bệnh. Nhiều người đã trở thành thày thuốc của gia đình, của bạn bè và những người thân. Mỗi buổi sinh hoạt, mỗi đợt đi thiền dã ngoại là dịp để Thày và một số trò (có năng lượng cao) chữa bệnh cho mọi người. Bây giờ không chỉ có Thày chữa bệnh mà còn có cả một đội ngũ trò tham gia chữa. Kết thúc năm 2009 câu lạc bộ rất ít người có năng lượng đạt trên dưới hàng triệu vô cực trở lên; năm nay tuy mới là tháng 10 câu lạc bộ đã có hàng chục người năng lượng đạt hàng chục triệu vô cực trở lên. Số người có năng lượng cao càng đông, chất lượng thiền càng cao. Năng lượng trong cơ thể cao đồng nghĩa với việc bệnh tật trong cơ thể được đẩy lùi; khả năng thích ứng với môi trường tốt hơn. Nhiều cơ thể “hàn thử biểu” chỉ sau vài tháng tập đã không còn bị chi phối bởi thời tiết nữa. Kinh nghiệm cho thấy muốn có năng lượng trong cơ thể cao trước tiên người tập phải tập đều, đúng phương pháp. Ngoài ra, như Thày nói: ai muốn năng lượng tăng nhanh hãy mạnh dạn chữa bệnh cho người khác. Ai cũng biết cụ Vân, anh Thơi, anh Chuyền, chị Lệ và nhiều người khác nữa… năng lượng tăng rất nhanh vì ngoài việc thiền giỏi còn tích cực chữa bệnh cho người khác.
Sở dĩ năm nay chúng ta có được một đội ngũ những người có năng lượng cao cùng Thày tham gia chữa bệnh là do trong năm CLB đã mở lớp nâng cao cho hàng chục người. Được Thày chỉ bảo tận tình, nhiều người đã tiến bộ vượt bậc; vượt qua tự ti, e ngại, mạnh dạn chữa bệnh cho người khác. Càng chữa tay nghề càng cao, năng lượng trong cơ thể tăng càng nhanh. Thật là một mũi tên trúng nhiều đích.
“Hữu xạ tự nhiên hương” những kết quả kì diệu của việc thiền đẩy lùi bệnh tật, kể cả bệnh nan y (ung thư, tiểu đường) đã thuyết phục được trước tiên là con cháu trong nhà, lan đến bạn bè. Nhất là trong năm nay với sáng kiến xây dựng trang Blog của câu lạc bộ; do chị Thu đề xuất và phụ trách, đã gây được tiếng vang không chỉ trong Câu lạc bộ mà còn được hưởng ứng của rất nhiều người ngoài CLB; cả trong nước và ngoài nước. Trang Blog CLB cho đến nay đã có trên 22 nghìn lượt người ở 10 quốc gia trên thế giới truy cập. Trung bình một ngày có từ 150 đến 200 lượt người truy cập. Trang Blog là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tập luyên; nơi giao lưu giữa các album của CLB; nơi hướng dẫn để nhiều người không có điều kiện đến lớp vẫn tập được. Nhiều thông tin văn hóa, xã hội mới được cập nhật kịp thời. Thật thiết thực, phong phú, đa dạng, lại được trang trí đẹp mắt nên được sự hưởng ứng rất cao của nhiều người, nhiều tầng lớp xã hội, có tháng số người tham gia viết bài quá nhiều làm người xem đọc không kịp. Nhờ trang Blog mà nhiều người đã tìm đến sinh hoạt với CLB: như các cháu Phương, Hậu (ở Hải Phòng), Nhiễu (Hải Dương), Dũng (Hà Đông)…và còn nhiều người vì điều kiện cách trở đia lí đã gián tiệp đến với CLB qua trang Blog này.
Hoạt động của CLB ngày càng đi vào nề nếp, CLB đã có đồng phục mang phù hiệu đặc trưng riêng; sắp tới sẽ được phát thẻ hội viên. Càng chăm tập luyện, sức khỏe càng tăng, các hội viên đi sinh hoạt, học tập đều hàng tuần, hàng tháng. Năm qua CLB đã dày công biên tập và cho xuất bản (nội bộ) bộ đĩa thiền và tài liệu nghiên cứu chuyên sâu về thiền. Hàng tháng CLB xuất bản số lượng hạn chế tập san - tập hợp các bài viết đã đăng trên trang Blog CLB để phục vụ cho một số người không có điều kiện vào mạng.
Không chỉ bó hẹp sinh hoạt trong nội bộ mà trong năm CLB đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Chúng ta không thể quên những buổi giao lưu vui vẻ, bổ ích với “Mẹ” Hoa; những buổi nói chuyện chân tình mà sâu sắc của chị Dung – giám đốc trung tâm DSTH Côn Sơn; của sư Hải vv..
Trong năm CLB tham gia nhiều hoạt động xã hội như: Tham gia đi bộ vì hòa bình; tham gia đóng góp từ thiện xây cầu ở Thái Bình…
Năm qua nhờ sự đóng góp tự nguyện của mọi người trong CLB, đã mua sắm thêm được 1 bộ loa, amply, đầu VCD và màn hình vô tuyến. Những trang thiết bị trên đã thiết thực phục vụ cho học tập và giải trí.
Ngoài luyện tập để đẩy lùi bệnh tật, Câu lạc bộ còn tham gia nhiều hoạt động …trong điều kiện đa số thành viên tuổi đã cao, nhiều bệnh tật quả thật đó là những đóng góp không nhỏ cho gia đình và xã hội. Chúng ta trân trọng và tự hào những thành tích mà CLB đã đạt được.
Tuy vậy mỗi người chúng ta hãy tự hỏi xem bản thân ta đã tu tập thế nào. Có phải nhiều người còn băn khoăn, tại sao năng lượng trong cơ thể mình tăng chậm? Tại sao cùng tu luyện mà bạn lại tăng tiến hơn mình? Tại sao bệnh tật trong ta không được đẩy lùi…bao nhiêu câu hỏi, bao điều băn khoăn…Xin hãy buông bỏ những băn khoăn đó đi, hãy xem đó là những điều bình thường. Hãy kiên trì tu luyện theo hướng “Chân - Thiện - Nhẫn” nhất định chúng ta sẽ thành công.
Nhân dịp này, CLB chân thành cảm ơn Trung tâm DSTH Côn Sơn, nơi đã giúp đỡ, tạo điều kiện ăn, ở và nơi tập luyện cho CLB nhiều năm qua. CLB thực sự ghi nhận và coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình.
Hà Nội 24 tháng 10 năm 2010
(Bản báo cáo tại Lễ tưởng niệm ngày mất của Thầy Tổ Dasira Narada)

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Một số hình ảnh tại buổi lễ tưởng niệm

Tiết mục đơn ca nữ của chị Hồng Nhung
Tiết mục đơn ca nam của Tiến Quyết
 Toàn cảnh hội trường
 Tiết mục đơn ca nữ của chị Mai Phương
Lắng nghe Báo cáo tổng kết của CLB
 Anh Trần Nghĩa đọc Báo cáo Tổng kết
  Chị Trần Thị Khuy chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh viêm đa khớp dạng thấp
 Anh Đinh Lê Vân Sơn chia sẻ việc điều chỉnh sức khỏe sau khi mổ u tuyến giáp nhờ thiền
 Bà Phùng Kim Đính chia sẻ kinh nghiệm điều chỉnh bệnh cao huyết áp

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Lễ tưởng niệm

Hôm nay CLB tổ chức lễ tưởng niệm ngày mất của Thầy Tổ Dasira Narada. 
Thời tiết đẹp như chiều lòng người, không nắng gắt, không mưa phùn, nắng hanh nhẹ, gió mát vừa đủ để chúng tôi diện bộ đồng phục mới của CLB mà không cần áo đơn, áo kép hay bị vã mồ hôi. Các hội viên và khách có mặt đúng giờ. 

  Tam ca giao duyên mời trầu
Mở đầu là chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn" do lớp trưởng Bích Thủy phụ trách. Các tiết mục ngâm thơ của chị Hiền, chị Loan, đơn ca của chị Hoàng Vân, Tiến Quyết, chị Mai Phương, chị Hồng Nhung, tiết mục tam ca đều được vỗ tay nhiệt liệt. 
Chị Hiền ngâm bài thơ "Cám ơn Thầy Tổ Dasira" do chị sáng tác
Đúng theo sắp xếp của "Ban tổ chức" 9h Thầy chủ nhiệm Câu lạc bộ khai mạc, giới thiệu khách mời, tuyên bố lý do, giới thiệu về tiểu sử của Thầy Tổ và Pháp môn thiền Thu Lửa Tam Muội. Sau đó mọi người trang nghiêm 1 phút mặc niệm tưởng nhớ Thầy Tổ. 
Anh Nghĩa thay mặt CLB báo cáo về những việc đã làm được của CLB trong năm vừa rồi. Phải nói năm vừa rồi là năm có nhiều sự kiện đáng nhớ với CLB. Cả Thầy, Cô và các trò đã cố gắng rất nhiều để có được một CLB ngày càng phát triển theo đúng tôn chỉ vạch ra ban đầu khi thành lập CLB. 

Anh Nghĩa đọc Báo cáo tổng kết
Phần tiếp theo là phần giao lưu - chia sẻ. Có thể nói đây là phần rôm rả và sôi nổi nhất. Mọi người được nghe chị Khuy, anh Sơn, bác Sâm, anh Bình, bà Đính, bà Hòa, bác Lan, vợ chồng bác Thọ - Dư chia sẻ những kinh nghiệm chữa bệnh và cảm tưởng của mình. Chị Phương, họa sĩ, chia sẻ cảm xúc của mình khi chị vẽ bức tranh Đức Thầy Tổ đang ngồi trên một đầm sen, dựa trên sự quán tưởng: "Trái tim ta là bông sen đang nở, hai lòng bàn tay ta là đóa sen, cả thân thể ta đang ngồi trong một đầm sen ngát hương." Chính nhờ có sự quán tưởng này trong khi thiền, chị đã tự điều chỉnh được căn bệnh cao huyết áp và đến nay chị đã hoàn toàn không cần dùng đến thuốc huyết áp hàng ngày nữa. Ông Minh, chủ nhiệm chi hội y học quốc tế ngữ lên có đôi lời với CLB. 
Đúng 11h chúng tôi thưởng thức bữa cỗ chay, 20 mâm cỗ vừa đủ người, ngon miệng và thật vui vẻ.

Tất cả chúng tôi đều tin tưởng rằng Thầy Tổ thấu được sự nỗ lực, cố gắng của cả CLB cũng như của mỗi học viên chúng tôi và luôn phù hộ, độ trì cho chúng tôi có niềm tin, có nghị lực, kiên nhẫn vượt qua chính mình để vui, khỏe, sống có ích cho đời.

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

KỸ NĂNG SỐNG

Có câu chuyện về hai nhà họ Trương họ Lý.
Một hôm, người bên nhà họ Lý qua nhà họ Trương hỏi : “Sao mọi người nhà anh sống với nhau vui vẻ, hài hòa rất là hay; còn nhà tôi năm ba bữa là cãi nhau, nhà anh có thuật sống gì hay vậy?”.
Anh họ Trương nói: “Đâu có gì lạ! Mọi người trong nhà tôi luôn thấy mình là người xấu, còn nhà anh ai cũng thấy mình tốt nên mới như vậy”.
Anh họ Lý ngạc nhiên: “Là người tốt tại sao lại cãi vã”.
Họ Trương mới nói: “Ví như có một chén trà để trên bàn, một người đi qua vô ý đụng cái bàn, bàn chao làm rơi vỡ chén trà. Người nhà của anh không nhận lỗi, mà còn lớn tiếng trách: “ Ai để chén trà không ý tứ, phải để vào trong thì đâu có bể ?”. Người để chén trà cũng không chịu thua, cãi lại: “ Tôi để đó đâu có sao, tại anh vô ý làm bể, còn trách”.
Vì ai cũng thấy mình tốt, mình phải nên mới xảy ra cãi nhau. Còn nếu là người nhà của tôi khi gặp sự việc như vậy sẽ nhỏ nhẹ xin lỗi: “Tôi lỡ vụng làm đổ chén trà, thành thật xin lỗi”. Người để chén trà nghe vậy, cũng sẽ nói: “Cũng không thể trách anh, do tôi sơ ý để chén trà ở gần mép bàn nên mới bị đụng đổ. Đây là lỗi của tôi”. Hai người cùng nhận lỗi hết nên không cãi vã, trong nhà luôn an vui và tốt đẹp. Còn nhà anh ai cũng tốt thì lỗi về phần ai ?
Đây cũng là một kinh nghiệm sống, lỡ gặp chuyện như vậy thì chúng ta cứ nhận lỗi không trách ai. Phật tử hiểu và sống được thì sẽ thấy an vui. Nếu khi có lỗi mà không nhận lỗi thì đó là nguy hiểm, khiến người kia tức giận thành ra cãi vã, tranh chấp nhau cũng từ chỗ đó.
Nếu hai người đều đúng mà hai cái đúng chạm nhau thì tóe lửa, rõ ràng là như vậy. Nên phải nhận lỗi, tập nói lời xin lỗi, đó là yếu chỉ để sống hòa hợp, vui vẻ. Đây là những bài học thực tế, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa đó để tập sống hòa hợp. Muốn được vậy thì phải thường tự kiểm tra mình đừng lo kiểm tra người.
Nhờ thường tự kiểm tra mình mới thấy được chỗ yếu, chỗ sai để mà tự sửa.
Có ông bác sĩ Triệu là Phật tử, thường lên tòa diễn giảng. Hôm đó, giảng xong ông lái xe về nhà, vừa lái ra cổng thì bị chiếc xe taxi xông tới đụng vào xe ông. Rõ ràng anh tài xế taxi có lỗi, nhưng mà anh này còn mắng to: “Bộ ông muốn chết sao mà chạy như vậy?”. Bác sĩ Triệu tức vì theo luật đi đường thì anh taxi lỗi, đã vậy lại còn lớn tiếng chửi, bác sĩ đáp trả: “Chính anh mới muốn chết”. Tài xế taxi thách thức: “Ông ra đây!”. Bác sĩ nói: “Ra thì ra chứ sợ gì”. Ngay lúc ông sắp mở cửa bước ra khỏi xe, liền thấy nhóm học viên trong hội trường mà ông vừa diễn giảng ra tới, thấy thầy vừa giảng rất hay mà sao mới đây lại sừng sộ như vậy. Bác sĩ Triệu ngay đó tự kiểm lại mình, thấy hổ thẹn, liền đổi thái độ. Hướng về anh tài xế kia: “Thôi tôi xin lỗi anh, đúng là tôi sai rồi”. Anh tài xế ngạc nhiên, nhưng cũng trở lại khiêm tốn, nắm chặt tay bác sĩ: “Đây đúng là lỗi của tôi, chứ không phải ông”. Hai người vui vẻ bắt tay nhau rồi đi.
Các Phật tử thấy chiến trường sắp nổ nhưng mỗi người sớm biết xoay lại, biết nhận lỗi, chỉ cần chịu hạ mình thấp một chút là có thể xong việc. Còn ai cũng tự cho mình là trên, không chịu nhận lỗi nên mới sinh ra chuyện không vui, không tốt.
Chúng ta khéo tập nói được lời xin lỗi là đã giải quyết được bao nhiêu chuyện rắc rối. Chỉ cần một câu nói thôi. Quý Phật tử nào kinh nghiệm sẽ rõ. Nếu đã lỡ làm chuyện có lỗi mà thực tâm xin lỗi thì người kia họ cũng sẽ bớt giận; cũng như ai lỡ làm mình buồn giận mà họ xin lỗi thì mình cũng sẽ bớt buồn.

Như vậy, chỉ một lời xin lỗi thôi mà có thể chuyển họa thành phúc, chuyển rắc rối thành êm đẹp, vậy tại sao chúng ta không dám nói lời xin lỗi, trong khi không tốn công, tốn tiền tốn bạc gì hết? Xét lại thì chỉ vì lòng tự ái mà ra, do tự ái là hàng rào cản nên mới không dám nói. Người học đạo cần phải vượt qua, đó cũng chính là một cách để tự thắng mình.
(Hoàng Vân sưu tầm)

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Trao đổi

Thời tiết đang chuyển mùa. Mùa thu đang dần qua, mùa đông chưa tới, đang để lại dấu ấn đặc trưng của nó: đêm rét, sáng lạnh, trưa nóng, chiều mát, trời chợt mưa, chợt nắng đã làm cho các loại bệnh phát triển và làm cho cơ thể của con người ta chưa thích nghi kịp với thời tiết sẽ bị ốm, cảm, ho... Đối với các thành viên của câu lạc bộ DSTN thì chắc chắn ít bị ảnh hưởng của thời tiết, nhưng đối với những người xung quanh ta thì ít nhiều cũng đều bị "dính chưởng" cả, và các "bác sỹ" tình nguyện của CLB DSTN chắc chắn sẽ bận rộn lắm. Xuất phát từ ý nghĩ muốn giúp cho các "bác sỹ" đỡ bị bận rộn phát công chữa bệnh hơn, Hoàng Vân xin góp một vài kinh nghiệm để vượt qua được thời gian chuyển mùa này.
Trước tiên là cách mặc đồ khi đi làm hoặc đi ra khỏi nhà trong cả ngày: HV hay gọi là cách mặc theo kiểu "bóc hành", tức là mặc sao cho sáng đi thì thấy ấm, không bị lạnh, có thể mặc áo khoác có khóa kéo tới cổ, hoặc có khăn mỏng, nhỏ quàng kín cổ. Tới trưa trời nóng, có thể cởi bỏ đồ dần dần sao cho áo trong cùng là áo mát. Rồi khi chiều xuống, trời chuyển se lạnh, ta lại mặc áo vào. Với kiểu mặc "bóc hành" này, HV hay áp dụng cho các chuyến đi chơi xa, đi tham quan, leo núi hoặc đi công tác chuyển vùng.
Đây là mùa dễ làm cho cơ thể người ta hay bị cảm gió, cảm lạnh đột ngột nhất nên trong nhà lúc nào cũng nên có một chai (lọ hoặc hũ) rượu ngâm gừng tươi. Gừng vàng cũng tốt, tốt nhất là mua được gừng đen cùng với củ địa liền (bán nhiều ở Yên Tử vào mùa xuân). Gừng, địa liền mua về rửa sạch, để ráo nước rồi giã nát cho vào ngâm với rượu trắng. Sau vài ngày là dùng được. Lượng gừng phải đủ sao cho trong chai, gừng phải chiếm 2/3 lượng rượu.
Khi bị cảm lạnh, đau người ê ẩm, sợ gió, người lúc nào cũng ớn lạnh: uống một chén hạt mít rượu gừng đã được đun nóng; lấy bã gừng gói vào vải, chấm với rượu ngâm gừng hâm nóng đánh gió khắp người, từ trên trán xuống đến hai lòng bàn tay, hai lòng bàn chân.
Nên để một chai nhỏ rượu gừng trong nhà tắm, sau khi tắm xong nên đổ một ít rượu ra tay, xoa hai bả vai, gáy, trước cổ ngực và trán, tránh bị trúng phong (phải gió) khi ra ngoài đường. Đối với trẻ nhỏ, pha 01 chén hạt mít rượu gừng vào chậu nước tắm (chậu nước tráng mình), tránh gió cảm.
Bị cảm lạnh thường hay kèm đi ngoài phân lỏng.
Trong trường hợp bị đi lỏng, nhiều người chưa tìm nguyên nhân mà đã vội dùng ngay Béc bê rin để cầm lỏng, đó là điều không nên làm, mà trước tiên phải uống ngay bù nước (orezon), sau đó nhanh chóng xem xét nguyên nhân:
(1) Có do ăn uống phải thức ăn không an toàn VSAT TP hay không? Nếu do nguyên nhân này thì uống béc bê rin hoặc các loại thuốc "cầm" đi lỏng ngay rất không tốt, mà nên để "đi" cho hết chất độc trong người, trong lúc đó ta vẫn tiếp tục bù nước, sau đó nếu cần hãy uống thuốc. Nếu kèm theo sốt thì cần phải đi bệnh viện, còn nếu không sốt, thì bệnh sẽ tự khỏi.
(2) Nếu nguyên nhân không phải do thức ăn đồ uống, không sốt, mà cảm thấy ớn lạnh, sợ gió, đau bụng đi ngoài thì đó là đi ngoài do cảm lạnh. Trong trường hợp này cần uống ngay nước chè gừng nóng, có thể uống 2 cốc liền nhau. Có một loại chè gừng của Singapore bán ở các siêu thị rất ngon, tiện lợi, chỉ cần xé bọc, đổ ra cốc nước nóng là uống liền, chữa cảm lạnh, tụt huyết áp rất tốt. Sau đó dùng rượu gừng đánh gió như trên đã trình bày.
Một chút kinh nghiệm mà Hoàng Vân được truyền dạy, nay xin được phổ biến. Đây là cách chữa bệnh đối với người có huyết áp bình thường hoặc hơi thấp, còn đối với người có huyết áp cao xin mọi người lưu ý thêm các bài thuốc khác để tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Ngày 20/ 10



Nhân ngày Phụ Nữ Việt Nam, xin gửi tới các bà, các mẹ, các chị, các em những đóa hoa tươi thắm nhất cùng lời chúc sức khỏe.
Câu lạc bộ DSNL

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

Xoa bóp phòng cảm lạnh

Cơ thể được bảo vệ khỏi tà khí bên ngoài nhờ da, lông và vệ khí. Nếu ta yếu mệt, chức năng của hệ thống nói trên sẽ suy giảm, tạo điều kiện cho tà khí xâm nhập. Điều này ảnh hưởng xấu đến các kinh lạc và dẫn đến cảm lạnh, nhất là khi trời đột ngột trở lạnh hoặc mưa.
Theo học thuyết Kinh lạc, việc châm cứu, xoa bóp một số huyệt nhất định trên cơ thể sẽ thúc đẩy sự lưu thông khí huyết, từ đó làm tăng sức đề kháng với bệnh tật. Để phòng ngừa bệnh cảm lạnh, bạn có thể thực hiện 4 động tác sau:
 huyệt Nghinh hương
Động tác 1: Đan các ngón của hai bàn tay vào nhau, hai ngón tay cái tự do, xát phần gan 2 ngón tay cái với nhau cho tới khi nóng lên. Vẫn giữ nguyên tư thế của bàn tay, dùng hai ngón cái xát từ trước trán, phần gốc mũi sang hai bên thành và cánh mũi, tới huyệt nghinh hương (điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi má). Xát khoảng 15-20 lần cho đến khi vùng đó nóng lên. Lực xát vừa phải, đừng mạnh quá để không gây tổn thương da.
Động tác này có tác dụng tăng lưu thông khí huyết vùng mũi, làm ấm không khí đi qua mũi, ngăn ngừa khí lạnh xâm nhập gây bệnh.
 huyệt Hợp cốc
Động tác 2: Day huyệt hợp cốc bên trái khoảng 15 lần bằng đầu ngón tay cái của tay phải, sau đó đổi tay để day huyệt hợp cốc bên kia. Day vừa phải, có cảm giác tê tức là được.
Cần xác định thật đúng vị trí huyệt hợp cốc: Xòe rộng ngón cái và ngón trỏ, đặt nếp gấp đốt 1-2 của ngón cái bên kia vào mép da căng giữa hai ngón, áp đầu ngón cái đó xuống khoảng giữa hai xương đốt bàn tay. Đầu ngón cái ở đâu, chỗ đó là huyệt hợp cốc, ấn vào có cảm giác tê tức là đúng.
Việc day hợp cốc có tác dụng đuổi tà khí gây bệnh ở phần biểu, phần nông của cơ thể ra ngoài.
Động tác 3: Xát hai lòng bàn tay vào nhau cho nóng lên, áp vào mặt từ trước trán, xát xuống dọc theo hai bên mũi tới hàm dưới; sau đó xát vòng sang hai bên mặt, má (lòng bàn tay phải áp sát da mặt). Khi tới vành tai, dùng ngón cái và ngón trỏ để xát, kéo nhẹ hai vành tai ra ngoài cho tới khi nóng đỏ lên. Làm từ 15 đến 20 lần.
Động tác xát mặt giúp tăng cường tuần hoàn tại chỗ. Theo Đông y, tai là nơi hội tụ của các đường kinh nên việc xát và kéo vành tai cũng có tác dụng bảo vệ sức khỏe.
Động tác 4: Day huyệt nghinh hương hai bên với lực day vừa phải để tăng luồng không khí qua mũi. Động tác này giúp phòng và chữa tình trạng ngạt, tắc mũi do lạnh rất hiệu quả.
Lưu ý: Để việc xoa bóp có hiệu quả cao, cần thực hiện đều đặn hằng ngày. Trước khi xoa, phải rửa tay sạch sẽ, cắt gọn móng để tránh gây tổn thương, nhiễm trùng da.
ThS Phạm Đức Dương
(Sức Khỏe & Đời Sống)
(Nguồn ảnh: Internet)

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

CÂU CHUYỆN HÔM NAY

Về đây được sống với thiên nhiên
Cỏ cây hoa lá cũng học thiền
Cùng ta hòa nhập vào vũ trụ
Tâm hồn thanh thản giữa vô biên.

Từng bước lần theo “giấc mơ tiên”
“Nu na nu nống” chẳng mất tiền
Khí huyết lưu thông, người thêm khỏe
Nhẹ nhàng, đơn giản, thật diệu huyền.

Đợt này lớp chia hai nhóm thiền
Những người sức yếu với cao niên
Luyện công nơi cũ – nhà NGUYỄN TRÃI
Thiền xong đều khỏe về trước tiên.

Nhóm lên NGŨ NHẠC còn “thanh niên”
Sức khỏe khá hơn được ưu tiên
Đùa vui chốc lát quên mệt nhọc
Xin Thầy đừng phạt, chốn thanh thiên!

Thứ bảy, Côn Sơn đêm bình yên
Mọi người ngon giắc sau buổi thiền
Tiếng gà eo óc hai giờ sáng
Tin dữ - côn trùng cắn học viên.

Tầng dưới quan tâm ới tầng trên
Cô HUỆ, cụ THOA, mọi người lên
Được tin thầy Thường liền có mặt
Nhà sàn xao động cả bốn bên.

Khấn xin THẦY TỔ sau phát công
Thầy dùng năng lượng - phép thần thông
Cùng ba đệ tử: THOA - CHUYỀN - NGHĨA
Chữa côn trùng cắn bằng tay không.

Mọi người thăm hỏi càng thêm đông
Không biết chữa bệnh chỉ đứng trông
Ta ngồi thiền định xin THÀY TỔ
Gia hộ độ trì xua bão giông.

Chị Vân đã đỡ, môi ửng hồng
Mồ hôi vã vợi như ngồi xông
THẦY cười, “đệ tử” thêm tích cực
Nguy kịch qua rồi, trời rạng đông.

Chị Dung giám đốc rất cảm thông
Giúp Câu lạc bộ chẳng quản công
Câu chuyện hôm nay thành kỷ niệm
Tình người nhân ái quá mênh mông.

Sáng sớm tinh mơ lại lên đường
Tiết thu trên núi lạnh hơi sương
Trẻ già đua sức cùng leo dốc
Hơi thở, hoa rừng quyện mùi hương.

Đền cụ NGUYỄN ĐÁN tọa Đông phương
Trời đất giao hòa thuận âm dương
Sau thiền ai nấy đều thoải mái
Cảm tạ ơn Người qua khói hương.

Gặp lại, chia tay, thêm vấn vương
Nghe mảnh đất này như cố hương
Côn Sơn ơi tạm xa nhau vậy
Ra về mang nặng nỗi nhớ thương.
Côn Sơn 19-9-2010
Bạch Liên

CÁM ƠN THÀY TỔ DASIRA


Bác Thoa hay đùa gọi là Ma
Xin tạ ơn Thầy Dasira
Đã cho con thấy bao điều lạ
Đất trời, vũ trụ quá bao la.

Không hiểu vì sao cứ bay xa
Tới phương trời lạ, đẹp, đầy hoa
Đôi khi lo sợ “về” không kịp
“Thu vòng tiềm sinh” vọng từ xa…

Ngày đầu thực tập mở luân xa
Quên lời Thầy dặn, học qua loa
Mở luân xa bốn – tim đau nhói
Đã lĩnh đủ điều … để ngộ ra.

Cám ơn Thầy Tổ Dasira
Sáng lập môn thiền mở luân xa
Đã đến Việt Nam lưu truyền lại
Điềm lành may mắn – vận nước nhà.

Thiền Lửa Tam Muội đang lan xa
Thầy Hùng được biết, nhân rộng ra
Cô Huệ, Thầy Thường cùng theo học
Gây dựng lớp thiền bảy năm qua.

Hiệu quả ngồi thiền tiếng đồn xa
Bao người bệnh nặng đã vượt qua
Hết đau, người khỏe, vui, trẻ lại
Cuộc đời bi đát – lại nở hoa.

Chẳng biết cơ duyên hay tình cờ
Lớp thiền chi hội ESPERANTO
Tại Bùi Xương Trạch, Thầy chủ nhiệm
Ngày càng phát triển, vui từng giờ.

Công ơn THẦY TỔ chẳng bến bờ
Ngồi thiền, khỏi bệnh ngỡ như mơ
Mỗi ngày thêm khỏe, yêu cuộc sống
Thắp nén tâm nhang, con tôn thờ.
Hà Nội 12 – 7 – 2010
Bạch Liên

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

CÁCH TẬP NGỒI KIẾT GIÀ

Chị Thu tập ngồi kiết già được nhờ nghị lực, tính kiên trì và cả năng khiếu bẩm sinh nữa. Xem bài viết “Tôi ngồi kiết già” thấy quá trình tập để ngồi kiết già của chị Thu diễn ra không lâu lắm, ngồi bán già rồi chuyển sang ngồi kiết già được ngay thế là quá giỏi, quá có năng khiếu rồi. Tôi thấy nhiều người phải kiên trì tập hàng năm trời mới ngồi được kiết già ở mức đưa được hai chân chéo lên; rồi cũng phải hàng năm trời mới thực sự ngồi kiết già đúng và không đau đớn.
Muốn ngồi được kiết già thì khớp háng, khớp đầu gối, khớp cổ chân phải mềm (mềm dẻo) (từ chuyên môn gọi là khớp được mở); lưng phải thẳng (Trục Tí Ngọ thẳng – trục tí ngọ là đường thẳng nối từ LX7 xuống LX1). Người muốn ngồi được phải kiên trì tập cho các khớp trên mềm ra.
Khi ngồi thẳng lưng , hai bàn chân úp vào nhau, gót chân kéo sát vào người, hai đầu gối sát sàn. Như vậy khớp háng của bạn đã được mở (mềm).
Ngồi thẳng lưng, gác một chân lên đùi chân kia mà đầu gối chân gác lên chạm đất, thế là khớp đầu gối đã mở (mềm)
Hàng ngày quay khớp cổ chân nhiều lần cho thật dẻo, sao cho khi bị tì mạnh và lâu cũng không đau đớn thế là được
Đến lúc này bạn mới bắt đầu tập ngồi bán già và dần dần tập đến ngồi kiết già.
Như bài chị Thu viết, nếu không kiên trì, chịu đưng đau đớn, không tập đến cùng thì không bao giờ có thể ngồi được.
Bạn hãy xem lại bài “Tác dụng của ngồi kiết già” củng cố thêm quyết tâm, trước tiên bạn hãy tập phân đoạn sau khi đã mở các khớp thì tập ngồi dần, chắc chắn bạn sẽ ngồi được.
Bạn hãy tập ngay từ hôm nay nhé. Chúc thành công.

Người bệnh có thể tự mình làm giảm nhanh cơn cao huyết áp

Lương y Võ Hà
Được xem là cao huyết áp khi chỉ số huyết áp cao hơn 14cmHg và chỉ số huyết áp dưới lớn hơn 9cmHg. Cao huyết áp với hệ quả tai biến mạch máu não và những di chứng của nó luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người lớn tuổi. Ngày nay, mặc dù y học đã có những bước tiến vượt bậc, các triệu chứng này hiện vẫn gây tốn kém nhiều công sức và tiền của cho xã hội.
Tuy nhiên có một điều mà ít người quan tâm là với một số động tác đơn giản của y học dân gian, người ta có thể làm giảm cơn cao huyết áp đang phát triển để khống chế phần lớn những tác hại của nó hoặc ít ra có thể ngăn chận những diễn biến xấu hơn trong khi bệnh nhân chờ được chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở chuyên môn cần thiết.
Huyết áp cao có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó việc điều trị dứt điểm cần sự chẩn đoán và thời gian thích hợp. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến một phương pháp đơn giản mà người bệnh có thể tự thực hiện để "cắt cơn" cao huyết áp, giải tỏa kịp thời nguyên nhân gây ra tai biến về não trước khi được sự chăm sóc của thầy thuốc.
Theo y học cổ truyền, triệu chứng huyết áp cao là một tình trạng khí nghịch do tình chí hoặc do yếu tố lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo hỏa) gây ra. Giải quyết triệu chứng này đồng nghĩa với việc giáng khí, làm cho khí đang lưu chuyển ngược lên đầu sẽ hướng xuống phía dưới và tỏa ra lớp da ngoài của cơ thể.
NHỮNG ĐỘNG TÁC CỤ THỂ GỒM:
1. Vuốt ấm hai vành tai
Dùng ngón cái và ngón trỏ của mỗi bàn tay vuốt dọc vành tai cùng bên, từ trên xuống dưới khoảng 9, 10 lần. Vành tai và cột sống có những điểm phản xạ tương ứng với nhau, do đó vuốt ấm vành tai cũng là tác động vào cột sống lưng, vừa có tác dụng điều hòa thần kinh giao cảm, vừa kích thích sự lưu thông khí huyết ở phần vệ khí do kinh bàng quang phân bố dọc hai bên sống lưng (nếu có người thứ hai bên cạnh có thể nhờ người này trực tiếp ngồi sau lưng dùng bàn bay tay phải vuốt dọc sống lưng từ trên gáy xuống đến tận thắt lưng để gia tăng thêm tác dụng).
2. Vuốt dọc hai bên mũi
Mỗi bàn tay vuốt một bên mũi, vuốt đều hai bên cùng một lúc. Dùng ngón tay trỏ vuốt từ ấn đường (điểm giữa hai đầu chân mày) xuống dọc theo hai bên mũi qua khóe miệng đến tận chót cằm. Vuốt chậm, nhẹ và làm không dưới 15 lần.
Kích thích huyệt ấn đường có tác dụng làm phóng thích chất endorphine nội sinh có thể làm cho an thần, hạ huyết áp và giáng khí. Vuốt dọc theo hai bên mũi xuống cằm là tác động vào hai kinh dương minh. Học thuyết kinh lạc của y học cổ truyền cho rằng kinh dương minh là kinh dương, tập trung nhiều huyết khí, huyết; có chức năng quan trọng nhất trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài. Động tác này làm gia tăng sự lưu thông khí huyết ở phần vệ khí, gây ấm người và làm nhẹ áp lực lên thành mạch.
3. Vuốt dọc hai chân mày
Dùng hai ngón tay trỏ và giữa vuốt từ ấn đường đi dài theo xương chân mày ra thái dương đến tận mí tóc ở phía ngoài đuôi mắt. Vuốt mỗi bên khoảng 10 lần. Vùng chân mày và hai cánh tay có những điểm phản xạ tương ứng nhau, do đó động tác này ngoài việc giải tỏa sự sung huyết tại những huyệt vị thường bị tắc nghẽn ở vùng trán còn làm cho khí huyết lưu thông ra hai cánh tay và bàn tay để giúp nhẹ áp lực ở đầu.
4. Ngồi hoặc nằm thư giãn
Ngồi thoải mái, lưng tựa ghế hoặc nằm xuổng thư giản hít thở điều hoà, tư tưởng tập trung vào mười đầu ngón chân. Theo y học cổ truyền thì thần ở đâu khí ở đó, do đó khi tập trung ý nghĩ tại vùng bàn chân, khí trong cơ thể từ phía trên đầu sẽ lưu chuyển về hướng bàn chân nên có tác dụng hạ khí. Việc tập trung tư tưởng càng tốt, hiệu quả hạ khí càng cao. Động tác này phải kéo dài hơn 10 phút. Trên thực tế, có nhiều người có khả năng thư giãn và tập trung tốt trong khi thực hành đến bước 4 đã từ từ rơi vào giấc ngủ.
Mỗi khi cảm nhận được những dấu hiệu huyết áp tăng cao như căng, nặng ở vùng thái dương, đau đầu, mờ mắt, mắt đỏ..., người bệnh nên ngồi xuống, tập trung tinh thần thực hành lần lượt 4 động tác trên. Bình tĩnh và tự tin là yếu tố cần thiết trong quá trình thực hiện các động tác. Sau khoảng 15 phút thực hành, bệnh nhân có thể cảm thấy bớt đi cảm giác khó chịu ở vùng đầu, nhịp đập của tim sẽ chậm lại, tay chân sẽ ấm lên. Đó là lúc huyết áp đã hạ bớt.
Ngoài việc áp dụng đã hạ huyết áp, thực hiện những động tác trên còn là một biện pháp dưỡng sinh tốt để ổn định thần kinh, gia tăng việc lưu thông khí huyết trong cơ thể, giúp giữ thể trạng tốt.
Trường hợp thực hành để giúp giữ gìn sức khỏe, riêng giai đoạn 4 nên tập trung tư tưởng tại vùng đan điền (dưới rốn khoảng 3 phần) thay vì tập trung ở 10 đầu ngón chân.
(Nguồn: ykhoanet.com)

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Tập ngồi kiết già

Khi mới đi học thiền, cũng như các bác trong Câu lạc bộ, tôi thường ngồi ghế. Được một thời gian, tôi bắt đầu tập ngồi bán kiết già. Vì sao lại là ngồi bán kiếp già? Vì tôi biết ngồi thiền tư thế kiết già là tư thế đẹp nhất và vững chắc nhất, và tôi cũng biết rõ ích lợi của việc ngồi thiền tư thế kiết già.   Nếu đang quen ngồi ghế mà chuyển ngồi kiết già ngay thì thật là khó, vì vậy tôi tập ngồi tư thế bán kiết già trước. Nói và nghĩ thì có vẻ đơn giản vì bình thường tôi cũng có thể ngồi bắc một chân được như vậy, nhưng đến lúc ngồi thiền mới thấy là cả vấn đề. Phải ngồi làm sao cho lưng thật thẳng, đầu thẳng, hai tay để sao cho đúng tư thế và đặc biệt là cố gắng để không được cựa quậy trong suốt một giờ, đấy là tối thiểu, vì trong chương trình tập luyện của chúng tôi có bài thiền 81 phút, có bài 90 phút.
Những buổi đầu ngồi thiền bán kiết già, chân tôi tê dại, nhiều lúc mất cảm giác. Có những lúc chỉ mong nhanh nhanh chóng chóng đến câu "Xả thiền" của Thầy. Nhiều lúc tôi cảm thấy mình khóc đến nơi vì mỏi quá, tê quá. Có lúc đã nghĩ, sao mà mình lại chọn tư thế ngồi khó thế này, khổ thế này, sao mình không ngồi ghế giống mọi người cho đơn giản. Nghĩ vậy mà không làm vậy bởi tôi biết rằng nếu tôi không vượt qua được thử thách này thì vĩnh viễn không bao giờ tôi có thể ngồi thiền ở tư thế kiết già, là tư thế tôi hằng mơ ước.
Cứ thế, cứ thế, rồi dần dần các triệu chứng tê mỏi giảm dần. Tôi cứ thay đổi chân, lúc bắc chân phải lên trước, lúc bắc chân trái lên trước. Khi đã quen, tôi thấy tư thế ngồi này thật thoải mái.
Đến lúc này tôi mới chuyển sang ngồi kiết già. Lúc đầu chưa kéo được chân lên cao, mắt cá chân vẫn hơi chạm xuống sàn nhà. Sau đó mỗi tuần lại kéo cao chân lên thêm một chút, từng tí, từng tí một. Có những lúc cảm giác như có một sợi dây thừng trói chặt hai chân lại với nhau. Tê, đau, mỏi, nhức, nhiều lúc cố không được lại trở về tư thế bán kiết già. Lúc đầu đến lúc xả thiền phải dùng tay để kéo hai chân ra, sau này dần dần tự gỡ từng chân ra được. Đến nay, khi xả thiền hai chân có thể tự duỗi ra, xả thiền xong là đứng lên là chạy đi chạy lại được ngay.
Ngồi kiết già cho ta cảm giác vững chắc hơn ngồi thiền trên ghế, người khó bị chao đảo và một điều khá quan trọng là tạo tư thế lưng thẳng thật dễ dàng. Khi ngồi thiền ở tư thế kiết già có cảm giác thu năng lượng vào nhiều hơn vì cả tư thế ngồi tạo ra một hình khối giống như chiếc kim tự tháp. Và cũng có lẽ do bởi tư thế khiến ta phải tập trung cao độ hơn nên việc nghĩ lung tung cũng được hạn chế.
Đến giờ, nhiều hôm tôi ngồi một tiếng mà chỉ cảm thấy như vừa ngồi chừng 15 - 20 phút, người nhẹ nhàng. Nhiều lúc cũng cảm thấy phấn khởi, ấy vậy mà vẫn bị anh Nghĩa chê: "Thu phải tập ngồi đều cả hai chân, lúc bắc chân nọ, lúc bắc chân kia, có như thế mới cân bằng." Nghĩ mà ngại, vì tôi biết rằng lại một thử thách mới bắt đầu. Chắc cũng phải hạ quyết tâm.

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

Bài thơ Hà Nội (Hoàng Anh Tuấn )

Em Hà Nội hàng Đường trong giọng nói
Để hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một trường thi lãng mạn
Thơ thuở bé khắc ghi tình ngõ Trạm
Hàng Cỏ ơi, nét thảo có mờ phai
Theo gót chân em từng bước hàng Hài
Yêu hàng Lược chải mềm hương mái tóc
Thương dĩ vãng chiều Cổ Ngư trốn học
Hồn ngây ngô theo điệp khúc hàng Đàn
Hàng Guốc trưa hè gõ nhịp bình an
Khi hàng Nón quay nghiêng che mắt thỏ
Anh lúng túng cả Đồng Xuân xấu hổ
Gió mơn man hàng Quạt, áo đong đưa
Đây hàng Khay anh đưa tặng bài thơ
Em hốt hoảng chợ Hôm vừa tắt nắng
Thơ bay lạc, hồn anh là hàng Trống
Nghe hàng Gai cùng mũi nhọn buồn đau
Ôi hàng Ngang tội nghiệp mối tình đầu
Anh hờn giận mơ hàng Buồm lãng tử
Em Hà Nội dáng Sinh Từ thục nữ
Tìm đến anh hàng Giấy mỏng tương tư
Nghe khơi buồn sông Tô Lịch ngẩn ngơ
Thơ giàu có như thương về hàng Bạc
Hàng Vôi đó nồng nàn trong ngây ngất
Ý hàng Đào chín mọng trái môi chia
Xin hàng Than rực cháy lửa đam mê
Khi quấn quít trong ái ân Hà Nội. 


(Nguồn ảnh sử dụng trong clip được lấy từ Internet)

Ngày giải phóng thủ đô trong ký ức nhà văn Băng Sơn


Cờ, hoa, khẩu hiệu tràn ngập đường phố, nhiều nhất là khu vực hồ Gươm. Cả chục nghìn người đổ ra đường, nụ cười luôn nở trên môi. Họ đàn, hát và hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm... Nhiều nơi trong thành phố dựng cổng chào đón đoàn quân...
 Nhân dân Hà Nội mừng đón bộ đội về Giải phóng Thủ đô
Trước đó vài hôm, các gia đình đã may sẵn cờ đỏ sao vàng, treo ảnh Hồ Chủ tịch và lập bàn thờ tổ quốc trong nhà. Không ai bảo ai, mọi người cùng quét dọn đường phố. Tôi cùng bạn bè thành lập một nhóm kịch tập suốt ngày đêm, mong ngóng đến ngày đón đoàn quân trở về. Giới học sinh, sinh viên tập hát bài Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Hà Nội giải phóng (Đỗ Quyên)... Nhiều người tập hát hăng quá khản cả giọng. Người Hà Nội chuẩn bị những thùng nước vối, nước chè xanh mời bộ đội.
 Mùng đón anh bộ đội Cụ Hồ.
Thời tiết mùng 10 nắng hanh, rất đẹp. Hà Nội như bừng tỉnh sau nhiều năm bị chiếm đóng. Ngay từ sáng, người dân thủ đô diện những bộ quần áo đẹp nhất đứng dọc hai bên đường. Các chị, các bà mặc áo dài đủ màu, học sinh, sinh viên mặc quần áo trắng, công nhân mặc quần áo xanh, ai cũng cầm một lá cờ hoặc hoa tươi, đứng chờ đoàn quân chiến thắng trở về.
 Cả Hà Nội hân hoan chào đón
Tiếng nhạc hùng tráng của bài ca Tiến về Hà Nội vang lên khi đoàn quân của Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội. Các anh đầu đội mũ có phủ lưới, xung quanh buộc vào đó những mảnh vải nhỏ màu xanh để ngụy trang, chân đi giày bata. Thỉnh thoảng lại có một anh bộ đội khoác trên vai chiếc đàn guitar hay arcordeon. 
 
Trung đoàn Thủ đô trở về 
Dòng người bên đường bỗng trở nên náo động hơn, họ vẫy hoa, hát theo tiếng nhạc và hô vang khẩu hiệu. Có những bác cao tuổi ôm chầm lấy anh bộ đội mừng mừng, tủi tủi như gặp lại đứa con xa nhà lâu ngày. Nhiều người xúc động không cầm nổi nước mắt. Lúc đó tôi đứng trong rừng người nhìn bộ đội đi qua lòng dâng lên cảm xúc tự hào, hạnh phúc và niềm vui trào trong lồng ngực. Tiếng pháo nổ giòn xen lẫn những điệu nhạc của những bài ca cách mạng vang lên trên các đường phố. 
 
Dân chúng ùa ra đường
Trưa hôm ấy, gia đình tôi cũng như nhiều nhà khác làm một bữa cơm thịnh soạn với những chén rượu ăn mừng ngày giải phóng. Mọi người đều hân hoan nói cười, kể lại những ngày Hà Nội nhộn nhạo và bất an trước đó, vui với không khí náo nhiệt trong mấy ngày quân giải phóng tiếp quản.
 
Đến khoảng 15h chiều, tại Nhà hát lớn thành phố vang lên một hồi còi dài, người dân đổ về đây nghe Chủ tịch Uỷ ban Quân - Chính thành phố đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào thủ đô nhân ngày giải phóng.
Không khí tưng bừng còn kéo dài vài ngày sau đó. Văn công bộ đội biểu diễn cho người thủ đô ở các sân khấu ngoài trời với những tiết mục: múa hò kéo pháo, múa son đố mì, múa sạp, hát bài Giải phóng Điên Biên, Đường lên Tây bắc... Các văn nghệ sỹ lớn theo kháng chiến trở về như Hoàng Vân, Thế Lữ, Phạm Văn Khoa, Thương Huyền, Trần Thụ, Mai Khanh... trực tiếp tham gia. Dân Hà Thành bị cuốn hút bởi các hoạt động văn nghệ được mang về từ chiến khu.
Đến giờ mỗi khi nhớ lại ngày lịch sử trọng đại này, trong tôi không khỏi bồi hồi và hạnh phúc như đang vui cùng đoàn quân chiến thắng ấy.
Băng Sơn
 (Nguồn ảnh Internet)
NGƯỜI HÀ NỘI
Trình bày: NS Văn Vượng