Trang

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Hà Nội - Một thời để nhớ

Tiếng chuông leng keng của tàu điện Hà Nội dường như đã là ấn tượng không thể quên của những ai từng sinh sống ở Hà Nội cho tới trước năm 1992 là năm tàu điện ngừng hoạt động. Hình ảnh bác lái tàu điều chỉnh cần lấy điện bằng sợi dây thừng dài ngoằng ở cuối toa xe, ra sức đuổi lũ nhóc con bám vào toa xe, nhảy lên, nhảy xuống mà không quan tâm đến an tòan là hình ảnh thật khó quên.
Nhớ cái dáng đoàn tàu, hai hoặc ba toa, sơn màu đỏ, trên nóc có cái cần sắt vắt cong, có một ròng - rọc, ấn vào dây điện được mắc ở trên, song song với đường tàu...
Chiếc đầu tàu thường có hai máy ở hai đầu. Mỗi khi đến ga cuối, người phụ tàu (thường là người bán vé) lại xuống quay cái cần xe đúng 180o, từ ngược thành xuôi, hoặc xuôi thành ngược, tháo móc nối toa, quay đầu rồi lại nối lại thành cho toa sau, để đi theo chiều ngược lại...
Tàu điện Hà Nội ngày ấy có mấy tuyến: Bạch Mai - Bưởi; Kim Liên - Yên Phụ và Bờ Hồ - Hà Đông... Tuyến Kim Liên - Yên Phụ thường chỉ mắc hai toa, còn tuyến Bờ Hồ - Hà Đông thường mắc ba toa.
Trong toa là hai dãy ghế dài. Những chuyến tàu đông, người lên sau thường phải đứng. Những ô cửa sổ, có cửa chớp kéo lên, kéo xuống được dọc theo toa... Hai đầu toa là lối lên xuống, mỗi lối có hai bậc, có tay vịn mạ kền bóng ngời, để mọi người dễ đi vào hoặc xuống tàu...
Người bán vé có cái cặp bằng da, trên để những xấp vé dài khoảng hai ngón tay khép lại. Khi nhận tiền xong thì xé vé, đưa cho người đi tàu và lưu cuống lại... Ông ta thường ít nói, nhìn thấy ông là lấy tiền ra rồi cầm vé. Có ai hơi mải chuyện hay lơ đãng là ông vỗ vai nhẹ một cái là khách hiểu ý ngay...
Tiếng leng keng đó là một phần trong miền nhớ của người thủ đô - cũng như tiếng rao đêm - gợi lên những kỷ niệm một thời ngược xuôi phố phường với bao buồn vui lẫn lộn. Tàu điện đã hiện diện ở Hà Nội ngót nghét một thế kỷ. Biết bao lớp người đã dùng tàu điện làm phương tiện đi lại, không chỉ người ở nội thành mà cả bà con ngoại thành ven đô. Họ nhờ tàu điện mà chuyển vận vào nội thành cơ man nào là lương thực, thực phẩm vừa nhanh vừa đỡ mệt mỏi. Đáng nhớ nhất là bất cứ toa nào và đi về đâu, đều có những người quảng cáo bán rong các thứ thuốc cao đơn hoàn tán: thuốc cam Hàng Bạc, thuốc ho bà lang Trọc, dầu cù là... rồi những người hát xẩm, vừa kéo nhị vừa hát để xin tiền, có cả bọn lưu manh ăn cắp hoặc cướp giật nhảy tàu như làm xiếc. Người mất của và cả người người bán vé chỉ biết nhìn theo.

Một số ảnh về tàu điện Hànội




Đây là một đoạn phim tư liệu ngắn do Martin Rickitt quay cảnh tàu điện và xe buýt chạy điện ở Hà Nội vào năm 1989.



Xem thêm tư liệu về tàu điện TẠI ĐÂY
(Sưu tầm và biên soạn) 

2 nhận xét:

  1. Ngày bé Thu rất thích đi tàu điện. Cái cảm giác ngồi trên tàu điện khi đó sao mà thư thái thế. Tàu chạy dọc các con phố, tha hồ mà ngắm người qua kẻ lại.

    Trả lờiXóa
  2. Tàu điện ư? Nhớ lắm vì nhà HVan ở ngay ngã tư Quán Thánh - Hàng Bún, leng keng suốt ngày. Mẹ kể có lần khi HVan còn bé, mẹ để con ở nhà một mình, cắp cái nón đi xe điện ra chợ Đồng Xuân mua gạo, lúc ngồi xuống ghế bỗng thấy... mát lạnh, hóa ra mẹ vội nên mặc phải cái quần thủng đít (xin lỗi nhưng không biết phải tả thế nào cho phải), thế là suốt thời gian đi chợ mẹ cứ phải úp cái nón để che chỗ thủng. Có lần HVan thấy một chị chán sống, chạy theo tàu điện, tay cứ đập vào thành tàu khóc lóc, kêu mình muốn tự tử nữa chứ. Tuổi thơ nhiều chuyện kể được, nhưng mà mất thời gian của mọi người... Hồi đó, thấy các anh chị nhảy tàu lên, xuống khi tàu vẫn chạy, mình phục lắm nhưng mà sợ lắm, giỏi.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.