Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

THÀNH PHỐ, GƯƠNG MẶT, CON NGƯỜI

 Hồ Gươm liễu rủ
Hà Nội là Hà Nội mà Hà Nội cũng là cả nước - Hà Nội trái tim cả nước. Hà nội đã là cả nước từ bao đời nay, kể cả gương mặt hình thành con người Hà Nội.
Tiếng nói Hà Nội - "giọng kẻ chợ" không giống một địa phương nào. Ai đến Hà nội rồi cũng nói giọng Hà Nội. Trong tiếng Hà Nội thấy được hơi hướng các vùng khác nhau trên đất nước. Con người Hà Nội cũng vậy...
Dạo trong thành phố, lúc nào cũng thấy được dáng vẻ, tuổi tác và vui buồn của đời sống thành phố. Cuộc đời Hà Nội nằm trong cuộc đời dân tộc. Sử sách và thiên nhiên, cây thông chùa Láng, búi nứa đền Trại và Hồ Tây, sông Tô Lịch, những di tích trên mặt đất, mỗi bước đi quanh ta đều chi chít những chứng tích của đời người nơi đất gốc...
Một góc đường, một nếp nhà Hà Nội cũng mang dấu thời gian và không gian lịch sử.
Đường phố và tên phố Hà Nội đều mang dấu vết lịch sử. Mỗi cái bảng tên là một trang bài học. Chỉ những tên phố Hà Nội cũng mang được ý nghĩa sâu xa. Hãy trở lại những cái tên, chỉ những cái tên cũng khiến ta thấy được Hà Nội.
Những tên vùng mang bao nhiêu ý nghĩa ấy. Chợ Đuổi, chợ Mơ, chợ Gạo, chợ Hôm... Nhà cửa và thành quách, mọi thứ thành tên phố trước tiên không phải do người đặt mà do đời sống tạo nên: Bến Nứa, Hàng Bè, Hàng Bồ, Hàng Vải Thâm, Hàng Đồng, Hàng Bông, Hàng Bát Đàn, Hàng Chai, Hàng Chĩnh, Hàng Vôi, phố Thợ Nhuộm. Và thức ăn nước uống: Hàng Bún, Hàng Cháo, Hàng Gà, Hàng Khoai, Hàng Muối, Hàng Rươi...
Những tên phố thân thiết với lao động và đời sống. Nếu chúng ta chú ý ra các vùng quanh thành phố, sẽ còn thấy rõ hơn công phu xây dựng lên Hà Nội. Từ cổ xưa đã có Ngọc Hà và các làng ngoại ô Yên Hoa - Yên Phụ ngày nay trồng hoa và cây cảnh, rau thơm các làng Láng, Tứ Tổng trồng dâu nuôi tằm, cam Canh, cam Cáo, đất kẻ Bưởi dệt lĩnh và làm giấy bản, gạo tám xoan Mễ Trì, nếp cái Sấu Giá. trong thành phố thời Pháp thì cũng thành nếp: người Thủ Lệ nghề giặt giũ, làng Thụy và Sù Gạ bán quà vặt, Thanh Nhàn cắp hòm cắt tóc rong, Cổ Nhuế lò khâu, Lai Xá thợ chụp ảnh.
Lao động của ông cha tạo nên thành phố thủ công Hà Nội. Đức tính lao động, truyền thống người Hà Nội.
Xưa kia và bây giờ từ khắp nước đến sinh sống ở Hà Nội thành người Hà Nội. Người gốc Hà nội cổ với nghề thủ công truyền thống, nghề làm ruộng và trồng tỉa vốn thói quen sinh sống tản mạn, rời rạc. Người Hà Nội cũng đã qua bao thế kỷ trong cuộc sống kinh hoàng cũ.
Đèn nhà ai, nhà nấy rạng. Đóng cửa bảo nhau. Sống chết mặc bay. Hay thì ở dở thì bước. Giàu có nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ chợ... Những câu tục ngữ có tính cách ngôn mang nếp nghĩ của một lối sống nhỏ nhoi, chỉ biết mình, Hà Nội cũng đương xa lạ dần.
Người Hà Nội tiếp thu truyền thống của cha ông đấu tranh bỏ đi những thói tục lạc hậu thành phố cũ, tạo cho con người và gương mặt thành phố một vẻ riêng xứng đáng truyền thống và hiện đại.
Phong cách Hà nội, phong cách Hà Nội của chúng ta. Yêu lao động và khoa học, chịu học hỏi. Đối với bản thân và xã hội, con người tạo ra thói quen tự giác và kỷ luật giờ giấc, sống giản dị, có văn hóa, tôn trọng tập thể từ cách đi đứng trên đường cho tới nhà trường, nhà máy, đơn vị. Những đức tính đó, thừa kế vô vàn nét tinh tế, ý tứ, của Hà Nội truyền thống, làm nên lý tưởng phấn đấu nên một con người. Lý tưởng và sự nghiệp bắt đầu từ những việc chắc chắn và cụ thể như vậy với mỗi chúng ta.
TÔ HOÀI
(trích trong bài văn " thành phố, gương mặt , con người " của Tô Hoài )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.