Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Cảm lạnh theo đông y: quan điểm & điều trị

BS. LÊ QUYÊN
CẢM LÀ GÌ?
Thuật ngữ "Cảm" theo Ðông y để chỉ những tình trạng bệnh lý gây ra bởi sự xâm nhập của các yếu tố thời tiết, khí hậu bất thường vào cơ thể. Yếu tố thường gặp nhất là lạnh, và những rối loạn cơ thể do nhiễm phải khí lạnh được gọi là cảm lạnh. Ðông y gọi cảm lạnh là "Thương hàn" (khác với bệnh Thương hàn (Typhoid) của Tây y.)
Trương Trọng Cảnh, tác giả bộ sách nổi tiếng Thương hàn luận, cho rằng vào mùa đông, hàn khí (khí lạnh) lưu hành, nếu cơ thể suy yếu thì chính khí không thể đối kháng được hàn tà, do đó hàn khí sẽ xâm nhập vào kinh lạc và tạng phủ gây ra bệnh thương hàn. Chính khí, tức khí dương (hay còn gọi là khí thái dương), là năng lực tự vệ của cơ thể con người chống lại tất cả mọi sự tấn công của những biến chuyển khí hậu, thời tiết bên ngoài (gió, mưa, lạnh, nóng, khô...). Khí dương này ở trên bề mặt da vào ban ngày và lui vào trong tạng phủ vào ban đêm. Do đó, người ta dễ nhiễm lạnh nếu nằm ngủ suốt đêm trước quạt máy, nơi có gió lùa hoặc trong môi trường quá lạnh.
Khí dương (hay khí thái dương) trong cơ thể do 2 kinh mạch thống lĩnh là kinh Túc thái dương bàng quang và Thủ thái dương tiểu trường. Sự phân bố của 2 kinh này chi phối toàn bộ phần sau cơ thể, được xem như hàng rào ngoài cùng để bảo vệ cơ thể. Khi khí lạnh phá vỡ được hàng rào này và xâm nhập vào cơ thể, các triệu chứng đầu tiên thường là ớn lạnh dọc xương sống, đau nhức cổ gáy, nhức đầu vùng đỉnh và sau gáy, đau ngang thắt lưng, lạnh 2 bàn chân.

VÌ SAO BỊ CẢM LẠNH?
Dĩ nhiên thủ phạm chính là khí lạnh, nhưng như đã nói trên, khí lạnh chỉ xâm nhập cơ thể và gây bệnh được khi khí dương của cơ thể suy yếu hoặc khi khí dương "chìm" vào trong. Một số yếu tố thuận lợi làm giảm sức chống đỡ của cơ thể là:
- Lao lực hoặc lao tâm: Làm việc quá sức mà không để ý đến sức khỏe hoặc không có điều kiện bồi dưỡng cơ thể đúng mức sẽ làm khí dương bị phân tán, suy yếu.
- Ăn uống lạnh: Ăn uống quá nhiều đồ lạnh làm cơ thể bị khí lạnh tấn công từ bên trong, do đó khi gặp khí lạnh bên ngoài thì không đủ sức chống đỡ.
- Lo buồn thái quá: Lo nghĩ, buồn bực quá nhiều làm ăn uống kém nên cơ thể suy mòn, khí dương suy giảm.
- Ban đêm khí dương lui vào sâu trong cơ thể (đã nói ở phần trên). Thời gian dễ bị cảm lạnh nhất là từ 11 giờ khuya đến khoảng 3 giờ sáng.

VÀI PHƯƠNG PHÁP ÐƠN GIẢN ÐIỀU TRỊ CẢM LẠNH
1. Ðánh gió
Mục đích là đem khí nóng vào cơ thể ngay trên kinh thái dương để cho thấm qua da.
Vật liệu gồm 1 đồng xu tròn (hoặc 1 muỗng bằng kim loại) cạnh tròn, không bén và 1 chai dầu (cù là, dầu nóng...). Có thể dùng 1 củ gừng tươi thay thế cho dầu.
Bắt đầu bôi dầu và dùng tay chà xát dọc 2 bên cột sống, cổ, vai rồi dùng cạnh của đồng xu hoặc muỗng đánh vào vùng đó theo chiều hướng lên hay xuống cũng được. Gọi là "đánh" nhưng thật ra là cạo nhẹ nhiều lần cho mặt da nóng lên. Như đã nói, đây là vùng chi phối của 2 kinh Thái dương trong cơ thể.
"Ðánh" gió đến lúc nào thì ngưng? Thường đánh cho đến khi cơ thể mất cảm giác ớn lạnh, đau nhức cổ gáy. Ða số người dân hiện nay thích đánh gió cho đến khi lưng bầm tím vì cho như thế là "có gió", bầm tím bao nhiêu càng hiệu quả vì "gió" bị trục ra ngoài càng nhiều(!). Ðây là quan niệm sai lầm vì khi bị nhiễm lạnh, cơ thể chúng ta sẽ đáp lại bằng một loạt các chuỗi phản ứng làm những Mastocyte (dưỡng bào) bị vỡ, phóng thích ra một số chất hóa học, trong đó có chất Histamin. Chất này gây ra một số triệu chứng của sự dị ứng và làm tăng tính thấm của các mao mạch dưới da. Do đó, khi đánh gió ta đã vô tình làm vỡ các mao mạch này, gây chảy máu. Vết bầm "có gió" chính là sự xuất huyết dưới da.
Nếu dùng củ gừng tươi, ta nên chọn củ to, rửa sạch, cho vào cối giã nhuyễn (cả vỏ), vắt nước cốt lên vùng cần đánh gió rồi dùng bã chà xát cho đến khi người nóng lên. Dùng khăn khô lau sạch bã gừng. Vùng cơ thể được chà xát sẽ nóng ấm lên rất dễ chịu mà sau đó vùng da tại chỗ lại không bị lạnh như một vài loại dầu nóng khác.
Khi nào không nên đánh gió? Vì mục đích đem sức nóng vào cơ thể nên phương pháp này không thể dùng trong trường hợp cảm nắng, trúng nắng. Nếu làm có thể gây nguy hiểm.
2. Xông hơi
Vật liệu: Một nắm lá "xông" có bán ở tất cả các chợ, gồm lá sả, lá bưởi, lá ngũ trảo, kinh giới, ngải cứu... Ða số những loại lá này đều có chứa các tinh dầu cay, nóng.
Cách làm: Rửa sạch các loại lá, bỏ vào nồi đậy kín, đun cho nước sôi khoảng 5-10 phút, nhắc xuống để trước mặt người bệnh đang ngồi, trên có trùm một cái mền để giữ hơi. Trong lúc xông, người bệnh nên thở chậm và sâu vì tác dụng chủ yếu khi xông là tác dụng qua đường hô hấp... Mồ hôi sẽ ra từ từ, bắt đầu từ trán, cổ, gáy, sau đó đến lưng, ngực, bụng. Nên ngừng xông khi thấy trong mình đã nhẹ bớt, hết cảm giác sợ lạnh, sợ gió. Dùng khăn khô lau mồ hôi, thay quần áo khô rồi nằm nghỉ.
Lưu ý khi xông: Chỉ nên cho mồ hôi ra từ từ, rươm rướm trên da. Do đó, khi xông nên mở nắp nồi từ từ. Không bao giờ lạm dụng xông nhiều lần vì sẽ làm mồ hôi thoát ra nhiều, khiến cơ thể mất một lượng nước lớn trong thời gian ngắn mà không bù lại kịp. Cũng cần lưu ý khi nấu nước xông: Không nên để sôi quá 15 phút vì sẽ làm các chất tinh dầu (thành phần tác dụng chính trong một nồi xông) bay hơi hết.
Trường hợp nào không nên xông?
- Khi bị cảm sốt và ra mồ hôi nhiều.
- Khi cơ thể quá yếu: Theo YHCT, khi cơ thể quá suy nhược là tình trạng dương khí yếu. Nếu bị cảm mà xông ra nhiều mồ hôi sẽ càng làm thoát khí dương ra ngoài, khiến cơ thể suy kiệt hơn.
3. Cháo giải cảm
Ðơn giản nhất là một tô cháo trắng nấu loãng, thêm một ít rau thơm như tía tô, kinh giới, quế hoặc vài lát gừng tươi. Có khi chỉ cần xắt vài lát hành ta, thêm ít hạt tiêu là đã thành một tô cháo giải cảm.
Năm 1978, nhà nghiên cứu Marvin Sackner đã lưu ý đến món thuốc dân gian này và chứng minh rằng: Hơi nước bốc lên từ tô cháo có tác dụng làm giảm sung huyết vùng mũi tốt hơn là hơi nước bốc lên từ một ly nước sôi. Tác dụng này chỉ có khi thêm vào tô cháo những "nguyên phụ liệu" như đã nói trên.
Lưu ý tác dụng của các loại rau kể trên có được nhờ thành phần chính là tinh dầu. Do đó, nên ăn khi cháo còn nóng và trong lúc ăn nên "tranh thủ" hít hơi nóng bốc lên từ tô cháo càng nhiều càng tốt, bởi vì lúc này, tô cháo còn có tác dụng như một nồi xông nhỏ. 
(Nguồn: ykhoanet.com)

8 nhận xét:

  1. Hay thế. Cứ tưởng là đơn giản mà chính rất nhiều chi tiết lâu nay ta đã vô tình bỏ qua, ví dụ như đun nồi lá xông, ta hay đun lâu lâu cho thơm cả nhà nữa chứ!!!. Hoặc bận việc hay tắm khuya...
    Cám ơn Thu đã có bài bổ ích.

    Trả lờiXóa
  2. @ Chị Vân: Mọi khi em đun lá xông cũng hay để lâu lâu cho sôi kỹ.

    Trả lờiXóa
  3. Theo dân gian, trước khi xông, ta múc ra 1 bát nước lá xông, đậy lại, xông xong ta uống bát nước đó với mục đích bù lượng nước đã bị thoát ra khỏi cơ thể theo đường mồ hôi.

    Trả lờiXóa
  4. Trước đây đúng là hơi bị hắt hơi sổ mũi ở cơ quan bọn chị cứ đè nhau ra mà "đánh gió" cạo cho tím bầm cả lưng lên mới thôi. Cho gió "chạy" hết đi mà , đọc bài này mới thấy là mình sai và buồn cười thật. Cảm ơn Thu nha.

    Trả lờiXóa
  5. Nhưng mà thực tế chỉ khi bị trúng gió thì mới chỉ cạo gió nhẹ thôi(không phải cạo nặng tay) là "lên gió" ngay và biết là trúng gió. Chứ có nhiều khi cạo chán chê mà chẳng "lên được gió". Kỳ vậy.

    Trả lờiXóa
  6. Cũng đúng, hay là ta lấy gừng sát như đánh gió vậy, liệu "gió" có lên không HV nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  7. Chị ơi, chả cần đến gừng hay dầu gió đâu, chị chỉ cần phát công rồi cạo gió là cũng "bắt" được gió đấy. :)

    Trả lờiXóa
  8. Theo kinh nghiệm của HV thì cứ rượu gừng đun nóng, đánh gió khắp người, xuôi từ trên xuống (chỉ đối với cảm lạnh), thế là ổn. Đánh gió xong cảm thấy nhẹ người ngay, sau đó kèm bát cháo hành và tía tô, thêm quả trứng gà tươi nữa. Nồi nước xông bổ sung nữa thì càng hiệu quả "đuổi" gió.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.