Vào năm 2004, các huấn luyện viên thể thao, khí công, y tá và bác sĩ nhắc nhở phải gia tăng vận động qua qua sự tập luyện và họ đề ra hai phần quan trọng: tập luyện Thân và Tâm, cũng gọi là huấn luyện chức năng.
Trước đây người ta chỉ chú trọng đến tập cho thân thể, không nói đến tinh thần. Họ chú trọng đến tập từng bộ phận một cho mạnh như tập tạ cho mạnh tay, tập đạp cho mạnh chân, tập kéo cho mạnh bắp thịt. Giờ đây họ được nhắc nhở phải tập để cơ thể có một sức mạnh toàn diện do sự phối hợp tốt đẹp của tất cả các phần trong cơ thể như đầu, cổ, xương sống, tay, chân, gân, bắp thịt khi cử tạ, chạy bộ, vận động tay chân và thân thể, v.v.
Họ nhắc nhở đến Tâm khi tập luyện vì nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy nếu Tâm họ duy trì được sự trong sáng và chú tâm thoải mái khi tập thể thao thì kết quả gia tăng bội phần. Nói khác đi, người ta đã chú ý đến yếu tố chánh niệm, chú tâm thoải mái, và định tâm, tâm vắng lặng, trong sáng và vững vàng khi tập thể dục, thể thao, yoga hay các hình thức vận động cơ thể khác.
Thiền là trở về với sự chú tâm thoải mái, sự vắng lặng, tỉnh thức, vững vàng và linh động của tâm. Yếu tố thiền càng lúc càng được các bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên viên tâm thần, huấn luyện viên vận động, các nhà giáo dục khích lệ thực hành. Thiền được áp dụng trong sinh hoạt hàng ngày làm gia tăng phẩm chất đời sống. Bác sĩ Dean Ornish, chuyên gia tim mạch ứng dụng phương pháp chữa trị bệnh tim mạch không phụ thuộc vào thuốc men đã đem chương trình tập Thiền, Yoga, đi bộ và biểu lộ tình thương cùng sự chú tâm thoải mái về những cảm xúc của mình. Đó là huấn luyện thân và huấn luyện tâm để đi đến sự hợp nhất thân tâm.
Thân và Tâm không phải là hai thực thể tách lìa: hai thứ có mặt tuy bề ngoài (tướng) khác nhau như Tâm thì không có hình tướng, không bị giới hạn bởi không và thời gian nhưng Thân thì có hình tướng, có màu sắc, có mùi vị hay cử động. Nhưng Thân và Tâm là một thực thể; nói khác đi, về mặt nhận thức, chúng ta thấy rõ ràng Thân và Tâm khác nhau, nhưng về mặt thực thể chúng vốn không phải là hai thứ khác biệt mà cùng lúc có mặt và cùng biểu lộ theo hai cách, cùng tác động lẫn nhau nhưng không ở ngoài nhau, không tách ra làm hai thứ Thân và Tâm riêng biệt: Chúng cùng biểu lộ dưới hai hình tướng khác nhau và đồng thời ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau. Nói một cách giản dị: niềm vui, nỗi buồn, ưa, ghét, sướng khổ, thương giận, hạnh phúc, đớn đau, đau bụng, nhức lưng vừa biểu lộ nơi Thân và vừa biểu lộ nơi Tâm. Như thế, sự chữa trị bệnh tật, sự phát triển sức khỏe có tính cách toàn diện: Tâm có thể tạo ra bệnh tật nơi Thân, Thân có thể làm cho Tâm mất quân bình. Do đó, bệnh nhân phải thực hành chánh niệm để nhìn sâu vào cội nguồn của Thân và Tâm để chữa trị tận gốc và phát triển sức khỏe.
Các cuộc tìm hiểu hiện nay về Thân-Tâm trong ngành Y Khoa và Tâm Thần Học, có lẽ đã giới hạn trong quan điểm trên, và đã tạo ra một sự hứng khởi khắp nơi tại Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới. Đó là sự ứng dụng các khám phá mới mẻ nhất của ngành y khoa hiện đại đối với sự liên hệ mật thiết của Thân và Tâm trong vấn đề tạo ra sức khỏe và niềm an vui cùng phối hợp với thuốc men trong việc chữa trị hầu như tất cả các thứ bệnh tật. Trong sự hào hứng này, nhiều chuyên viên sức khỏe thể chất, tinh thần và tổ chức cộng đồng gồm các bác sĩ, y tá, tâm lý gia, tác viên xã hội đã nghiên cứu về sự lợi ích của Thiền, khí công, thái cực quyền và Yoga. Nhiều người không chỉ nghiên cứu mà còn chính mình thực hành và áp dụng vào việc điều trị bệnh nhân.
Hoàng Vân sưu tầm
Luyện tập bất cứ môn gì mà tâm không tịnh thì chẳng đạt được kết quả tốt đâu chị nhỉ. :)
Trả lờiXóa