Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

NĂM MỚI NÓI CHUYỆN TÂM LINH

Năm mới dương lịch thì đã tới, âm lịch thì sắp sang, nên tôi xin chia xẻ đôi điều cùng bạn đọc vấn đề này, 1 vấn đề tôi đã để tâm tìm hiểu hơn 10 năm nay, nhất là vừa qua CLB chúng ta lại được nghe nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã nói chuyện…Nội dung buổi nói chuyện đó, có điều tôi muốn thảo luận, chia xẻ vì năm hết tết đến, nhà nào chẳng đi thăm mộ gia tiên, cúng giỗ gia tiên, hướng tâm về những người đã khuất để tròn chữ hiếu.
1. Tôi để tâm tìm hiểu việc người chết có còn tồn tại ở 1 thế giới nào đó không kể từ năm 1998, khi mẹ tôi vừa qua đời đột ngột, chẳng kịp dặn dò con cháu gì. Hôm trước bà còn ở Hà Nội nhà tôi, hôm sau về Hải Phòng. Sáng dậy còn đang chuyện trò với các con thì đi luôn, chưa kịp dặn dò gì cho con cháu. Đó là lý do chính chúng tôi tìm đến nhà ngoại cảm để xem liệu có được gặp mẹ không, mẹ có dặn dò gì con cháu không….Rồi đi xem nơi này nơi kia để kiểm chứng thông tin có xác thực không, kể cả đến nhà ngoại cảm nổi tiếng Nguyễn Thị Phương ở Hàm Rồng, Thanh Hoá…Kể cả các thông tin của GS Trần Phương nhờ thầy Nguyễn Văn Nhã tìm em gái bị giặc Pháp giết thả trôi sông từ năm 1950, rồi các thông tin của Bộ Môn Cận Tâm lý tìm mộ liệt sỹ, thông tin về “ Cô Năm Nghĩa” mời gặp Bác Hồ với các sỹ quan QĐND và các nhà nghiên cứu khoa học…
Trải qua nhiều năm tìm hiểu và trải nghiệm, tôi và gia đình rất tin tưởng rằng người đã khuất vẫn còn tồn tại xung quanh ta, rất quan tâm tới người sống chúng ta.
2. Điều thứ hai tìm hiểu là nếu người đã khuất còn tồn tại, thì họ có vai trò gì, quan trọng như thế nào với người đang sống? Người sống phải cư xử như thế nào cho tròn chữ hiếu với người đã khuất?....
3. Điều thứ ba tìm hiểu là Đạo Phật nói về việc này như thế nào?

Chuyện tìm hiểu hơn 12 năm thì rất dài, tôi chỉ xin tóm tắt một số điều thu lượm được để chia xẻ cùng bạn đọc, chuyện như sau:
Người đầu tiên chúng tôi có duyên được gặp gỡ không phải là mẹ, là cha như mong muốn, mà lại là 1 cụ tổ đời thứ tư! Cụ nói: “Những người các cháu muốn gặp ta chưa cho về…Ta về hôm này vì muốn giáo huấn cho cháu và dòng họ biết điều phải tu lo…”. Thế rồi cụ dạy những điều cơ bản mà xưa nay chúng tôi còn sơ mơ, chàng màng. Cụ dạy việc chăm lo mồ mả gia tiên dòng họ phải thế nào, thế nào. Cụ dạy việc thờ cúng trong nhà phải thế nào, thế nào, trong đó có việc rất quan trong là dòng họ có bà tổ cô rất linh thiếng, tên bà là thế này, phải biết có bát hương riêng và bông hoa trắng cúng bà ấy…Cụ lại dạy năm nay (1998), tôi sẽ có 1 tin mừng và 1 tai nạn giao thông, phải cẩn thận.
Cuối cùng cụ dặn: Cho tôi 1 năm kiểm chứng lời cụ dạy. Nếu thấy đúng, làm tốt lời dạy bảo, thì lần sau gặp lại sẽ cho các bậc dưới về nói chuyện với con cháu.
Chưa đầy 1 năm sau, các lời cụ tổ 4 đời dạy đều đúng cả: Đầu tiên là bà tổ cô tên là thế này…Khi tôi thông báo việc này với họ tộc, thì người trông coi nhà thờ họ ở Xã Phượng Cách, Quốc Oai, Sơn Tây cũ nói: Trong bia đá nhà thờ có khắc tên bà này. Nhưng từ khi tôi sinh ra đời, trong họ, kể cả bố mẹ tôi có ai nhắc tới bà này đâu, lại càng không ai cúng giỗ bà ấy….Nhà ngoại cảm thì ở tận Quảng Yên, quê tôi thì tận Sơn Tây, chẳng ai biết ai, mà sao nói đúng tên bà tổ cô dòng họ tôi thế? Chuyện này làm chúng tôi sởn gai ốc!
Thế rồi chuyện báo năm ấy (1998) tôi có tin mừng của sự thành đạt, laị có tai nạn giao thông đúng 100%! Thế là tôi tin, bèn đi gặp lại gia tiên lần thứ hai, thứ 3, rồi đi nhờ cô Phương ở Hàm Rồng…để kiểm chứng thông tin cho chắc ăn!
Từ đó, khi lòng tin đã củng cố, tôi năm nào cũng không dưới 1 lần đi gặp gia tiên. Có lần đi gặp cha mẹ, lại đột nhiên thằng con trai thứ hai chết yểu của chúng tôi trở về nói chuyện, dặn dò bố mẹ rất sinh động…lại có lần khi bố tôi đang nói chuyện với các con các cháu, bà chị dâu nhà ngoại về cứ xin cụ Hà (bố tôi) cho được gặp cô chú Tùng-Hiền để dặn dò chồng con mấy điều quan trọng. Chị nói rằng rất quí chúng tôi, nên cứ theo chúng tôi đi để nhờ sang lời cho chồng con chị ấy, mặc dù trong chuyến đi, chúng tôi không hề mời chị ấy….Chị ấy theo chúng tôi vì trên bàn thờ gia đình, theo lời dạy bảo của Đạo Phật, chúng tôi để tâm thờ cả bên nội lẫn bên ngoại, không có phân biệt. Cho nên khi khấn khứa gia tiên bên nội, thì bên ngoại cũng biết, cũng chứng tâm cho chúng tôi….

Cuối cùng, so những điều hiểu biết tâm linh kể trên với giáo lý nhà Phật thì có gì sai khác nhau không?
Trong bài giảng về kinh, lễ Vu Lan, Hoà Thượng Thích Thanh Từ có nói Đạo Phật rất tôn trọng đạo hiếu của con cái với cha mẹ. Cụ viết rằng :
Đức Phật dậy: Phụ Mẫu tại gia như Phật tại thế
Hiếu vi vạn hạnh chi tiền.
Nghĩa đen là: con cái phải coi cha mẹ mình như Phật trong nhà. Chữ hiếu đứng đầu vạn đức hạnh trong đời.
Lời giảng đó làm sáng tỏ 1 điều rõ ràng: Đạo làm người phải tôn trọng hiếu hạnh. Hiếu hạnh với cha, mẹ, họ hàng là đạo đức số 1 trong các đức hạnh.
Mở rộng ra theo lời giảng của cụ tổ 4 đời chúng tôi, thì đạo hiếu không những phải cư xử đúng với người sống, mà cả với người đã khuất. Người đã khuất thì mồ mả phải được chăm lo tử tế, mộ mất thì phải làm mộ giả phụng thờ. Giỗ chạp, ngày rằm, mùng một phải lên nhang tưởng nhớ. Theo đó, chúng tôi đã làm mộ giả cho thằng con nhỏ 12 ngày tuổi của chúng tôi chết 1972 khi B52 đang đánh phá Hà Nội, mộ giả cho 2 em trai chết trẻ hồi kháng chiến chống Pháp 1952, 1954 ở Thái Nguyên mà mộ của họ đã thất lạc vì không chú ý chăm lo, nghĩ sai rằng chết là hết, thằng nhỏ chết rồi thì thôi…

Chúng tôi đã làm theo những lời chỉ dạy của cụ tổ 4 đời, của bà tổ cô dạy bảo sau này về dạy bảo chi tiết mọi điều từng năm, cảm thấy cuộc sống ngày càng bình yên tới ngày nay. Mỗi năm đi gặp gia tiên không dưới 1 lần, điều hay nên làm, điều dở nên tránh, và tránh như thế nào gia tiên đều về mách bảo cho cả.

Những điều tôi tâm sự trên đây, lại trái chiều với lời thầy Nguyễn Văn Nhã nói chuyện hôm vừa rồi, vì thầy khuyên: Không nên đi gặp người đã khuất làm gì (gặp ma!), chỉ nên tu Phật về cõi Tây Phương Cực Lạc. Tôi nghĩ: Muốn tu về cõi Tây Phương theo Phật, thì 1 trong các điều phải tu là phải làm tròn chữ hiếu theo lới Phật dạy. Chữ hiếu đối với cả cha mẹ khi còn sống, cũng như khi đã khuất. Đó là điều tôi muốn bạn đọc bằng trải nghiệm của mình, cùng chia xẻ vấn đề quan trọng này.

Trên đây là những trải nghiệm của chúng tôi xin chia xẻ cùng bạn đọc trong Câu Lạc Bộ nhân dịp đầu năm. Có gì bạn đọc chưa cùng quan điểm, xin được lắng nghe ý kiến mọi chiều nhé. Xin cám ơn bạn đã đọc bài này và chia xẻ cùng chúng tôi.

8 nhận xét:

  1. Bài anh viết hay lám, tôi cũng có những băn khoăn như anh và cũng được giải tỏa một phần bằng những việc tâm linh gia đình tôi đã trải qua. tháng 10/2010 gia đình tôi đi cầu siêu (ông bà, cha mẹ...) 1 tuần ở số 1 Đông tác. Sau đó áp vong, theo cô đồng "các cụ về đông đủ cả; vui vẻ lắm, các cụ siêu thoát cả rồi". Gia đình tôi mừng lắm. Năm nào gia đình tôi cũng tạ mộ cuối năm, cũng cúng bái tổ tiên...nay thày nói không gọi tổ tiên về, không nên quy tập để xây mồ mả thật to...Tôi phân vân lắm.
    Theo tôi việc tìm mồ mả người thân đã mất, quy tập xây cất là việc làm tốt; vừa là báo hiếu vừa là giáo dục con cái nhớ về tổ tiên. Có lòng yêu kính ông bà cha mẹ mới có tình yêu tổ quốc; mới biết ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

    Trả lờiXóa
  2. Về tâm linh, thực sự rất nhiều "kênh". Bản thân tôi cũng đã được tiếp xúc với nhiều thông tin từ rất nhiều chiều, và bấy lâu nay bản thân cứ tiếp nhận và chiêm nghiệm vậy thôi.
    Còn thực hiện thì thấy việc gì ta làm mà từ xưa đến nay các cụ vẫn làm và đã dạy ta, mà không làm hại đến ai thì ta cứ làm. Đặc biệt là việc báo hiếu. Ta làm không những để cho ta, mà còn làm gương cho con cháu của ta.
    Một năm gia đình tôi xuống thăm mộ ông bà ít nhất 3 lần, đó là dịp cuối năm mời các cụ về ăn Tết, dịp giỗ mời các cụ về với con cháu và dịp Tết Thanh Minh, sang sửa phần mộ của các cụ. Mặc dù có người bảo tôi quấy quả các cụ quá, nhưng tôi không nghĩ thế, tôi biết là ông bà tôi bằng lòng. Có lần hai vợ chồng viếng mộ về còn có đôi bướm bay theo, tiễn cả một quãng đường. Có lần suốt dọc đường từ mộ về tôi buồn ngủ rũ ra, về đến nhà lăn ra ngủ ngay, và thế là ông tôi về, mỉm cười hiền từ. Thật ấm lòng.

    Trả lờiXóa
  3. Em cũng nghĩ như chị Vân, anh Nghĩa. Việc mình tưởng nhớ, thăm mộ, cúng giỗ là điều nên làm và cũng là để giáo dục ý thức cho con cháu. Em hiểu ý của nhà ngoại cảm Nhã là không nên quá "sa đà" vào những việc như thế. Là những người học và nghiên cứu về tâm linh, chúng ta đều hiểu rằng mọi việc còn do bởi chữ "nhân quả", chữ "nghiệp" vì vậy, mỗi cá nhân nên cố gắng tu nhân tích đức, đừng nên quá trông chờ vào những việc như áp vong, gọi hồn, giả sử khi gặp thầy "dỏm" thì lợi bất cập hại, và ngay cả có là thầy giỏi đi chăng nữa thì việc áp vong quá thường xuyên cũng là việc "quấy quả" các cụ, vì theo thuyết nhà Phật, chính các cụ cũng còn nhiều việc phải làm. Thu nói thế chắc mọi người cũng hiểu.

    Trả lờiXóa
  4. Sơn Tung nói:
    Hoan hô các bạn đã đọc và chia xẻ. Tôi thấy hàng năm đi thăm mồ mả, gặp gỡ người thân đã khuất rất bổ ích, vì như các bạn nói:
    - Cho con cháu mình có thức cội nguồn.
    - Được các cụ chỉ bảo điều hơn lẽ thiệt trong năm...
    - Tự nhiên thấy cái chết chẳng có gì đáng sợ cả,người sống và " người chết" vẫn giao lưu rất tình cảm với nhau bình thường. Cái gọi là chết chỉ là sự chuyền đổi sự tồn tại từ dạng này sang dạng khác, rồi có thể sẽ luân hồi lộn kiếp như Đạo Phật day, hoặc khéo tu thì về cõi Phật khỏi phải kiếp luân hồi...

    Trả lờiXóa
  5. Thực ra rất nhiều người đi "gặp" các cụ (đi áp vong, gọi hồn) chẳng phải vì để cho con cháu có ý thức cội nguồn hay để "xem" các cụ có cần giúp đỡ gì không mà chủ yếu để xem vận hạn cho mình và gia đình. Cá nhân Thu không thích điều này vì lẽ cha mẹ đã vất vả cả cuộc đời vì con cháu, khi các cụ đã khuất núi, nên để cho các cụ yên nghỉ, không nên vì "cái tôi" của mình mà cứ năm nào cũng "quấy quả, làm phiền" các cụ. Các vị cứ hình dung như khi đã nghỉ hưu rồi vẫn bị cơ quan triệu đến bắt làm việc ABC thì có bực không. Thêm nữa, là những người luyện thiền chúng ta đều biết việc vào những nơi có nhiều âm khí là nên chăng, nhất là khi "vong" lại có thể dễ dàng "áp" (nhập) vào. Vì vậy quan điểm của Thu, mình nên hiếu nghĩa với cha mẹ khi người còn sống và nên tưởng nhớ đến người khi người đã khuất, còn để tránh vận hạn, có được "điều hơn lẽ thiệt", phải do mình tự tu, tự cố gắng, phấn đấu, có nghĩa là tự mình phải trả nghiệp, và đó là một cách báo hiếu có nghĩa với các bậc sinh thành.

    Trả lờiXóa
  6. Mỗi người hãy tự thu thập thông tin và xử lý thông tin một cách thông thái, thực hành một cách thành tâm, không vi phạm pháp luật, không làm hại đến cộng đồng. Tôi xin nhắc lại: hiện rất nhiều "Kênh" thông tin về tâm linh, ta hãy sáng suốt thu thập và lặng lẽ chiêm nghiệm. Hãy hành động một cách thông thái. Còn bản thân tôi, tôi luôn cầu xin cộng đồng gia tiên, ông bà của cả 4 họ nhà tôi (2 họ bên chồng, 2 họ bên vợ) giúp tôi mỗi khi tôi khó khăn, thậm chí không có lối thoát, và hầu như tôi đều được các cụ phù trợ cho cả. Kỳ diệu.

    Trả lờiXóa
  7. Thực ra trong đời sống chủ nghĩa duy tâm đang tồn tại song song với chủ nghĩa duy vật.Tâm linh là vấn đề được bàn cãi nhiều ở đây đó nhưng đã được đông đảo nhiều người quan tâm và tin.Bạch Liên tán đồng với ý kiến của anh Sơn Tùng.Người sống cần sống tốt với nhau và cả với người đã khuất cũng cần được nhớ đến .Việc qui tụ mồ mả tổ tiên ,chăm lo giỗ tết thể hiện sự tri ân của con cháu đối với các cụ .Qua đó cũng là sự giáo dục cho các thế hệ sau có ý thức với các thế hệ trước của mình.Tuy nhiên việc có nên gặp gỡ các cụ không thì cũng tùy vào điều kiện cụ thể của mỗi gia đình.Nếu ai đã có dịp dự buổi áp vong của trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thì chắc cũng muốn gặp gỡ các cụ nhà mình ít nhất một lần.

    Trả lờiXóa
  8. Là ông, bà, cha, mẹ, ai chẳng muốn cho con cái mình có một cuộc sống ấm êm, an bình. Ngay bản thân mình đây, thực sự lúc nào mình cũng ngong ngóng, chở che cho con, hôm nào trời quá rét vẫn phải nhắc con mặc ấm, nắng quá nhắc con mang mũ áo cẩn thận .v.v. cho dù nó có lớn đến đâu thì vẫn là nhỏ bé trong vòng tay mình, nó có ở xa thì nhắn tin, gọi điện nhắc nhở. Kể cả mẹ mình còn đang sống đây, nhưng năm nào cũng nhắc năm nay con có sao gì chiếu mệnh, cẩn thận điều gì, nên làm điều gì. Điều đó nói lên rằng, cho dù ở đâu, ông bà cha mẹ mình đều muốn che chở cho con cái, thông báo cho con, cho cháu những điều mà các cụ thấy trước được, còn tránh được hay không còn tùy con đường TU của mỗi người.
    Về vấn đề "áp vong", nhiều trường hợp nhờ "gọi hồn" đã tìm được phần mộ của người nhà, chính vong linh của người đó đã về chỉ chính xác phần mộ ở đâu; nhiều trường hợp đã biết được đích xác nguyên nhân bệnh tật của mình để liệu chữa trị. Phần lớn các gia đình khi đi "áp vong" đều mang theo máy ghi âm, nhưng HV được biết, tại nhà cô Phương ở Hàm Rồng, mỗi lần muốn nhắc nhở ai đó một việc rất riêng, rất tế nhị, cô đều nhắc tắt máy ghi âm và yêu cầu mọi người khác ra ngoài lúc đó các cụ mới chỉ bảo, ví dụ vong chỉ giữ một cô ở lại và bảo: "mày ngoại tình nên chồng mày mới làm ăn thất bát thế" .v.v. và .v.v. Tất nhiên nay gặp, mai gọi là không nên, là quấy quả các cụ, nhưng thực sự khi biết có điều không hay sắp xảy ra với con cháu mình mà không biết làm thế nào để thông báo, HV nghĩ các cụ cũng muốn gặp con cháu lắm.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.