Trang

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Vượt lên chính mình

 Du xuân mùng 5 tết cùng CLB
Tôi là Vũ Thị Yến, hội viên CLB DSNL. 
Tôi bị tai biến lần thứ hai, chân đi lại khó khăn, tay phải bị co quắp. Lúc đầu mọi sinh hoạt phải có người giúp. Lúc nào tôi cũng nơm nớp lo sợ bị nằm liệt một chỗ...
Tôi hạ quyết tâm: "Phải cố tập, quyết chiến thắng bệnh tật."
Tôi đã đi lại được tuy rằng chậm chạp và rất vất vả. 
Thế rồi một người bạn giới thiệu tôi tới CLB.
Đến với CLB một thời gian bệnh tình tôi giảm hẳn. Huyết áp giảm, mỡ máu không còn, người tôi thấy nhẹ nhõm, tỉnh táo, trí nhớ tốt hơn, da dẻ sáng ra, ăn ngủ tốt, người tỉnh táo thoải mái...
Thế là Thiền Lửa Tam Muội đã làm "biến đi" nỗi lo của tôi và đem lại niềm hạnh phúc tràn đầy cho tôi và các con cháu tôi.
Mỗi ngày một chút, mỗi ngày một chút, tôi lại cố phấn đấu, niềm vui của tôi bây giờ là bây giờ tôi đã tự phục vụ bản thân và làm được những việc nhẹ trong nhà...
Hôm mùng 5 tết vừa qua CLB tổ chức đi lễ ở đền Mẫu Thượng và đền thờ Bác Hồ ở Ba Vì. Tôi leo lên đền Mẫu cùng cả đoàn sau đó sang đền thờ Bác Hồ. Đền Mẫu cao 748 bậc, còn đền thờ Bác Hồ hơn 1300 bậc, tôi cũng cố leo lên. Thật vất vả, thật mệt... nhưng phải cố gắng lên. Cụ Vân, 85 tuổi, và cụ Thoa, 83 tuổi, cũng leo lên được còn mình... Tôi đã nghĩ vậy, tự động viên mình và đã leo lên được đến đền thờ Bác Hồ trước sự sửng sốt của mọi người.
Xin chân thành cảm ơn Thày luôn khuyến khích động viên. Cảm ơn chị Dư, anh Chuyền đã giúp đỡ, đã cùng chia sẻ những khó khăn vất vả cùng tôi.
Vài dòng chia sẻ cùng các bác, các anh chị em trong CLB. Tôi cũng mong trong CLB ta tất cả chúng ta sẽ cùng cố gắng học tập và cố gắng vượt khó khăn sẽ thu được kết quả.
Chúc tất cả chúng ta sẽ thành công.
Vũ Thị Yến
Lời góp:
Mời xem thêm bài viết "Vượt qua thử thách" của cô Yến TẠI ĐÂY
Cô Yến chuyển cho Thu bài do chính cô tự viết, bằng tay trái. Thu đã đánh máy lại nguyên văn bài viết của cô. Thực sự khâm phục nghị lực của cô. 

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Mỳ ăn liền có nên ăn liền?

 Ảnh minh họa
Mỳ ăn liền rất tiện lợi, chỉ cần ngâm nước sôi là ăn được ngay. Chính vì vậy, nó được sử dụng ngày càng phổ biến. Nhưng ít người biết được rằng, nếu chế biến không đúng cách, gan có thể phải làm việc cả tháng để giải độc cho cơ thể, nếu ăn thường xuyên sẽ gây suy dinh dưỡng.

Tiện nhưng... không lợi
Theo các chuyên gia, hầu hết mì ăn liền ở Việt Nam được sản xuất theo công nghệ chiên (rán) nên khi ở nhiệt độ cao, dầu dễ bị ôxy hóa và nếu dầu được dùng chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ có khả năng tạo ra các chất béo dạng trans fat nhiều hơn. Trans fat làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt, gây xơ vữa động mạch, giảm sự lưu thông của máu, từ đó làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, đột quỵ. Trên thế giới, nhiều nước đã đưa ra quy định về ghi thành phần dinh dưỡng và axit béo bão hòa, axit béo dạng Trans trên mỗi gói mì ăn liền. Ngoài việc chứa Transfat, trong mì ăn liền còn có những chất phụ gia (hành, muối, ớt...) làm ngon miệng nhưng những chất này cay nóng, hoặc quá nhiều muối gây bất lợi cho người tăng huyết áp hoặc có thân nhiệt cao.
Đặc biệt, với những loại mỳ ăn liền được chứa sẵn trong cốc, bát nhựa thì còn nguy hiểm hơn cho sức khỏe vì trong chất liệu làm bát/cốc của các loại mỳ tiện dụng có Polystyrene nhằm tránh tình trạng bị biến hình khi gặp nước nóng. Theo một nghiên cứu, hàm lượng chất Polystyrene có thể gây nguy hiểm cho mỗi kg thể trọng cơ thể trong 1 ngày là 0,001mg. Tuy nhiên, hàm lượng này trong 1 bát/cốc mỳ ăn liền có thể lên tới 0,015mg.
Theo nghiên cứu đã chứng minh, các gói gia vị trong mỳ ăn liền phải qua nhiệt độ cao để tiệt khuẩn, đóng gói chân không, nên các loại vitamin nhóm B, chất sắt... có trong thịt, hay vitamin C, vitamin A... có trong rau thực tế đã bị nhiệt làm cho biến mất. Những gì bạn nạp vào cơ thể chỉ là năng lượng, chất béo, điều này hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe.

Sử dụng sao cho an toàn?
Các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo, việc sử dụng nhiều mì ăn liền thay cơm hoặc quá nhiều/ngày có thể khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin, khoáng chất khiến cơ thể thiếu máu. Khi sử dụng mì ăn liền cần nấu thêm với rau xanh, thịt hoặc trứng để cung cấp đầy đủ chất cho cơ thể. Rau xanh cũng có tác dụng ngăn chặn quá trình hấp thu chất béo vào mạch máu, giảm được nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, chống béo phì...
Để sử dụng mỳ ăn liền được an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn nên thả mỳ ăn liền vào nước sôi trước, chưa cho các gói gia vị vào vội. Đến khi các sợi mỳ bắt đầu rời nhau, bạn dùng đũa tách rời chúng rồi cho ra bát. Sau đó đổ chỗ nước vừa trần mỳ đi, và nấu một nồi nước sôi khác để cho các gia vị vào. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho 1/3 - 1/2 lượng gia vị và cho thêm trứng gà cùng rau xanh vào nấu chín rồi đổ lên trên mỳ.
Cách này dù hơi rắc rối nhưng giúp bạn không ăn phải chất dầu và chất BHT có trong mỳ ăn liền (chất ổn định chống lên men thực phẩm có trong dầu), là chất gây ung thư, có thể dẫn đến bệnh gan, nhiễm sắc thể dị thường, hoặc làm suy giảm chức năng sinh sản; sợi mỳ cũng không bị mềm nhũn.
Bạn chỉ nên ăn liền khi không có điều kiện nấu và nên hạn chế sử dụng thường xuyên.
Bác sĩ Huy An
Suckhoe-doisong

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Chúng ta đang yêu con hay phá hủy cuộc đời chúng?

 Tương Giang (dịch)

 Ảnh minh họa
Bạn có thể cho con bạn sống trong một căn nhà rộng, ăn những bữa ăn ngon, học đàn dương cầm và xem một máy TV lớn. Nhưng khi bạn ra sân cắt cỏ, hãy để cho con bạn nhúng tay vào để biết sự cực nhọc khi phải làm việc ấy.

Một cậu thanh niên có trình độ học vấn cao, thành phần ưu tú, đi xin một công việc trong ngành quản trị tại một công ty lớn. Anh qua khỏi chặng phỏng vấn đầu tiên. Người Giám đốc phụ trách cuộc phỏng vấn cuối cùng và sẽ là người quyết định có nên mướn cậu hay không. Ông ta khám phá ra trong học bạ của cậu thanh niên là các điểm số từ những năm trung cho đến cao học, anh thanh niên đều đạt điểm xuất sắc. Không có năm nào xuống thấp.
Người Giám đốc hỏi "Thế anh có lãnh học bổng gì không?"
Cậu trả lời "Không".

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Các lý giải về ngoại cảm và vong linh

 Ảnh minh họa
Bộ ảnh chúc Tết Thầy Cô  đang thu hút sự chú ý do bởi một số bức ảnh, nhất là những bức ảnh chụp trong phòng thiền của CLB, có những vòng tròn ánh sáng. Có một số ý kiến cho rằng rất có thể đó là các vong linh xuất hiện. Thu cũng đã có ý kiến của riêng mình vì cho là các vong không xuất hiện nơi có trường năng lượng (dương) mạnh. Có ý kiến lại cho rằng có thể đấy là "các vong linh tổ tiên ông bà nhà Thầy hay là những người tu luyện đạt quả vị cao ở những không gian khác". Phòng thiền và phòng thờ ở đối diện nhau, vì vậy Thu sẽ không có ý kiến nữa kẻo bị coi là "võ đoán". Xin đưa đường dẫn để mọi người xem và tự có kết luận của riêng mình. Về cõi Tâm Linh còn rất nhiều điều bí ẩn mà các nhà khoa học cũng như các chuyên gia nghiên cứu về Tâm linh cũng chưa đưa ra được kết luận cụ thể. Trang có 4 bài viết của các tác giả khác nhau và khá dài. Hy vọng mọi người có thể tìm thấy điều gì đó để chiêm nghiệm và xin phép được cắt cuộc tranh luận tại đây. CLB của chúng ta học thiền để rèn thân, rèn tâm chứ không phải đi sâu vào tìm hiểu các hiện tượng kỳ bí của cõi Tâm linh. Mong mọi người hiểu. 

Mời đọc bài về Các lý giải về ngoại cảm và vong linh TẠI ĐÂY

và bài Ánh sáng vi tế trong thiên nhiên TẠI ĐÂY

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

CHÚC TẾT THÀY CÔ TẾT TÂN MÃO

Theo phong tục “mùng một tết Cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết Thày”. Chiều mùng 3 Tết mọi người tập trung đến nhà Thày để chúc tết Thày Cô. Thày cô và mọi người vui vẻ lắm. “Lễ vật” là tình cảm, là lòng biết ơn Thày Cô, là những lời chúc mọi người, mọi gia đình năm mới có sức khỏe, hạnh phúc; chúc cho CLB ngày càng phát triển. Thày Cô chúc tết mọi người và còn có quà mừng tuổi cho mỗi người.

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Tận thấy đất Phật Lâm Tỳ Ni

(Bài và ảnh: Nguyễn Thị Khánh Huyền)
 Việt Nam Phật quốc tự ở đất Phật Lumbini
Lumbini (Lâm Tỳ Ni) thuộc Vương quốc Nepal nằm dưới chân nóc nhà thế giới Himalaya được xem là nơi sinh hạ của Đức Phật. Đến Lumbini vào ngày cuối năm, tôi như được trở lại làng quê Việt Nam những năm 1990.
Những bộ sà-ri rực rỡ màu sắc, quần áo trẻ em phơi trên mái lợp rơm lụp xụp hai bên đường ở đất Phật tạo ra sự bình yên đến lạ. Phương tiện đi lại chủ yếu ở Lumbibi là xe đạp, nhà giàu mới có xe máy.

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

Một bài thơ hay

 Nguồn ảnh: Internet
Ở Câu lạc bộ chúng ta nhiều người biết và thích bài thơ "Còn gặp nhau". Bài thơ đã được in trong quyển Kỷ yếu 5 năm thành lập CLB. Khi đó do chưa có đủ thông tin nên chỉ ghi "sưu tầm". Hôm qua tình cờ Thu biết được tác giả của bài thơ là nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, một trong những nhà thơ nổi tiếng của xứ Huế. Xin được giới thiệu một bài thơ nổi tiếng khác của bà, bài thơ "Hãy cho nhau". Cảm ơn anh Trần Quang Trung, người đã gửi cho Thu bài thơ này.

Hãy cho nhau
Tôn Nữ Hỷ Khương
Một cơn gió nhẹ thoảng qua
Dễ đưa ta đến lìa xa cõi đời
Để kết thúc một kiếp người
Mong manh như giọt sương rơi đầu cành!

Thế mà cứ mãi quẩn quanh,
Ghét ghen, sân hận, tranh dành, hơn thua.
Đang là bạn, hóa ra thù,
Đang thân thiết, bỗng thờ ơ lạnh lùng.

Cùng trong cõi tạm sống chung
Chơi vơi bể khổ - mênh mông đất trời

Hãy cho nhau những nụ cười,
Hãy cho nhau trọn tình người - niềm vui
Hãy cho nhau vị ngọt bùi,
Hãy cho nhau vạn ngàn lời yêu thương,
Tròn câu hiếu đạo, cương thường.

Đọc thêm về nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương TẠI ĐÂY.

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Bộ ảnh Du Xuân 2011


Bộ ảnh được ghép từ ảnh ở máy của Thầy và anh Nghĩa.

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Du xuân

Hẹn nhau khởi hành vào 5h vậy mà đến 5h20 mới xuất phát được. 3 chiếc xe với 26 hội viên. Như dự định đoàn CLB chúng tôi đi Lễ Đền Thờ Bác Hồ và Đền Thượng trên núi Tản Viên thuộc địa  phận Vườn Quốc Gia Ba Vì.
Đền Thượng thờ thánh Tản Viên (Sơn Tinh) nằm ở độ cao 1227 trên đỉnh Tản Viên của dãy núi Ba Vì.
Từ bãi đậu xe rẽ phải là cổng đền Thượng. Qua cổng, còn phải leo hơn 500 bậc đá nữa mới tới cửa đền chính ở chót vót trên cao. Chính giữa ngôi Tam Bảo là tượng Đức Thánh Tản. Bên tả là thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương) và bên hữu là ban thờ Tam toà Thánh Mẫu (bà mẫu Thượng ngàn). 
Qua sân đền chính, leo thêm vài chục bậc đá nữa tới điểm cao nhất của Đền Thượng. Nơi đây có một chiếc lầu tám góc nhỏ đặt tượng Địa mẫu đứng trên quả địa cầu. Cạnh đó là bệ thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên, Quỳnh Hoa và Quế Hoa Công chúa.  
 Bên bệ thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên
Lễ xong đoàn chúng tôi xuống núi, nghỉ giải lao, ăn sáng. Sau đó đoàn tiếp tục leo Đỉnh Vua, ngọn núi cao nhất của dãy núi Ba Vì, cao 1.296 m, để dâng hương ở Đền Thờ Bác Hồ.
Bức tượng đồng Bác đang ngồi đọc Báo Nhân Dân đặt trên bệ đá ở  nơi đặt bàn thờ trong đền. Trên cao là cờ Tổ quốc, phía dưới về hai bên phải, trái là chuông đồng và khánh đồng. Chặng đường dài gấp đôi nhưng không dốc bằng. Một điều đáng mừng là cả đoàn từ ông Vân 85 tuổi, bà Thoa 83 tuổi, bà Yến (hai lần bị tai biến) đều leo lên đến nơi, không ai bỏ dở giữa chừng.
 Sương mù dày đặc, nước giỏ nhọt như mưa
Sau lễ dâng hương, đoàn xuống núi, nghỉ ăn trưa rồi lên xe xuống bãi 2 để thiền. 16h cả đoàn đã có mặt ở Hà nội. Mọi người đều vui vẻ, phấn khởi. Chuyến du xuân đầu năm tốt đẹp hứa hẹn những chuyến thiền dã ngoại thành công của Câu lạc bộ năm 2011. 
 Thời tiết ở bãi 2 rất đẹp. Nắng nhạt, gió mát. Thiền rất thích!
 Sau buổi thiền. Từ trái sang: bà Hằng, bà Thoa, bà Yến, ông Vân
PS: Đoàn chụp được rất nhiều ảnh nhưng do chưa có thời gian nên chỉ đưa tạm vài tấm để cả nhà ngắm.

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

Tìm hiểu: Quy y? Tam bảo?

1- Quy-y nghĩa là gì?
Quy là trở về; Y là nương tựa, Quy-y là trở về nương tựa nơi mà mình đã vì si mê, phóng đãng lìa bỏ ra đi, như đứa trẻ khờ dại đã rời bỏ cha mẹ để ra đi trong hoan phá, bây giờ biết sự dại khờ do kinh nghiệm khổ đau, quay trở về nương tựa lại dưới bóng hạnh phúc và yêu thương của cha mẹ. Chữ Quy-y nguyên dịch nghĩa là kính vâng hay phục tòng.
2- Tam bảo nghĩa là gì?
Tam bảo là ba ngôi báu: PHẬT, PHÁP, TĂNG.
Ở thế gian, vàng bạc, ngọc ngà và danh vọng là quí báu. Nhưng sự thật, vàng bạc, danh vọng đâu có cứu được con người khỏi khổ, sống, già, bịnh, chết, mà lắm khi còn làm cho con người thêm khổ nữa! Còn Phật, Pháp, Tăng thì có đủ năng lực dắt dẫn con người ra khỏi những cái khổ nói trên. Bởi thế, người đời mới tôn sùng Phật Pháp, Tăng là ba ngôi báu (Tam Bảo).
a) PHẬT: Chữ Phật do chữ Phạn Bouddha phiên âm ra. Tàu dịch là Giác Giả nghĩa là: Bực đã giác ngộ sáng suốt hoàn toàn về ba phương diện: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
b) PHÁP: Pháp là do chữ Phạn Dharma mà dịch nghĩa ra. Pháp là phương pháp tu hành mà Phật đã phát huy ra để diệt trừ mọi mê muội, khổ đau và chứng được quả Phật. Ba Tạng Kinh Ðiển đều gọi chung là Pháp.
c) TĂNG: Tăng hay Tăng già là do chữ Phạn Shanga mà phiên âm ra; Tàu dịch là: Hòa hợp chúng, nghĩa là một đoàn thể tu hành từ bốn người sắp lên, cùng nhau sống chung một chỗ, đồng giữ giới luật của Phật, đồng chia sớt cho nhau một cách hòa thuận những gì đã thâu nhận được, từ vật chất đến tinh thần.
3- Quy-y Tam-bảo là thế nào?
- Quy-y Tam-bảo là trở về nương tựa ba ngôi báu: PHẬT, PHÁP, TĂNG.
Tại sao phải Quy-y Phật?
- Vì Phật là đấng hoàn toàn sáng suốt, từ bi vô lượng, phước huệ vô biên, đức hạnh viên mãn;
- Vì Phật là người dẫn đường vĩ đại nhất, đã có cái kinh nghiệm bản thân thoát ra ngoài vòng sanh tử để chứng Ðạo.
Tại sao quy-y Pháp?
- Vì chỉ có phương pháp của Phật là đầy đủ công năng để đưa chúng ta qua khỏi bể khổ, đến bờ giải thoát.
Tại sao lại quy-y Tăng?
- Vì Tăng là người đã hy sinh gia đình, tiền của, danh vọng... để tình nguyện theo Phật dắt dẫn chúng sanh trên đường Ðạo.
(Tìm hiểu & sưu tầm)

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

TẬP THƠ CÂU LẠC BỘ NĂM 2010

 (Nguồn ảnh: Internet)
Câu Lạc Bộ DSNL có những hội viên hay làm thơ và làm thơ hay. Khi chưa có blog mọi người thường được thưởng thức các bài thơ do hội viên sáng tác hay sưu tầm vào những dịp như Lễ Tưởng Niệm ngày mất của Thầy Tổ, Lễ Kỷ niệm 5 năm ngày Thành lập CLB, hay những lúc trên xe ô tô đi Thiền dã ngoại. Các bác, các chị không những có tài "ứng khẩu thành thơ" mà lại có giọng ngâm thật truyền cảm và phong cách biểu diễn khá chuyên nghiệp. Từ ngày có blog, các bài thơ được đăng lên để chia sẻ với tất cả bạn đọc trong và ngoài CLB. Có những bài thơ để lại ấn tượng khá sâu sắc với bạn đọc như chùm thơ của bà Phan Thanh Hòa (tuổi đã ngoài 80); bài "Kỷ niệm" của bác Trần Văn Thọ và Ngô Kim Dư nhân dịp chia tay chị Hiền về miền nam ăn Tết; bài "Lời tri ân" của tác giả Bạch Liên (bút danh của chị Nguyễn Thị Hiền) tặng Thầy và các cựu chiến binh nhân ngày 22/12; bài "Chuyện về già" của chị Nguyễn Thị Hiền tặng vợ chồng anh chị Nghĩa - Tân đợt anh Nghĩa đi viện; bài "Công Thầy" của vợ chồng bác Thọ - Dư và bài "Tặng Thầy Cô" của bà Vũ Thị Yến (đồng tác giả là U) tặng Thầy Cô nhân ngày 20/11; bài "Câu chuyện hôm nay" của tác giả Bạch Liên là một câu chuyện bằng thơ kể lại một cách sinh động đợt thiền dã ngoại tháng 10/2010 của CLB...và còn nhiều những bài thơ hay khác. Nhân dịp Tết cổ truyền xin được tập hợp lại thành Tập Thơ CLB để tặng những người yêu thơ trong và ngoài CLB.

Mời đọc Tập Thơ TẠI ĐÂY.

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

Chúc Mừng Năm Mới



Chúc toàn thể hội viên Câu Lạc Bộ DSNL cùng bạn đọc trang nhà bước sang năm Tân Mão tràn đầy sức khỏe, bình an và hạnh phúc.
Ban Chủ Nhiệm CLB DSNL

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

TẾT ĐẾN

NĂM MỚI XIN CHÚC CẢ NHÀ VUI VẺ SỨC KHỎE DỒI DÀO























hoa đại tướng quân




Vạn lộc (hoa cúng)







Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

BÀI KHẤN NGUYỆN

Bài văn khấn này Thầy Chủ nhiệm CLB xin của một nhà sư từ trước Tết Canh Dần. Hôm vừa rồi Thầy nói có thể sử dụng Bài văn khấn này cho tất cả các năm chỉ cần thay tên năm là được. Không biết các hội viên khác trong CLB thế nào, suốt cả năm vừa rồi, mỗi lần dâng hương tại gia là Thu lại đọc Bài văn khấn này. Thu thấy Bài văn khấn rất hay. Xin đăng lại để giới thiệu với những hội viên mới.
♦ ♦ ♦
(Bấm vào chữ Đọc thêm hoặc vào tiêu đề để xem toàn bộ Bài văn khấn)