Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Chúng ta đang yêu con hay phá hủy cuộc đời chúng?

 Tương Giang (dịch)

 Ảnh minh họa
Bạn có thể cho con bạn sống trong một căn nhà rộng, ăn những bữa ăn ngon, học đàn dương cầm và xem một máy TV lớn. Nhưng khi bạn ra sân cắt cỏ, hãy để cho con bạn nhúng tay vào để biết sự cực nhọc khi phải làm việc ấy.

Một cậu thanh niên có trình độ học vấn cao, thành phần ưu tú, đi xin một công việc trong ngành quản trị tại một công ty lớn. Anh qua khỏi chặng phỏng vấn đầu tiên. Người Giám đốc phụ trách cuộc phỏng vấn cuối cùng và sẽ là người quyết định có nên mướn cậu hay không. Ông ta khám phá ra trong học bạ của cậu thanh niên là các điểm số từ những năm trung cho đến cao học, anh thanh niên đều đạt điểm xuất sắc. Không có năm nào xuống thấp.
Người Giám đốc hỏi "Thế anh có lãnh học bổng gì không?"
Cậu trả lời "Không".

Người Giám đốc hỏi "Có phải cha anh đã trả mọi học phí phải không?"
Cậu thanh niên trả lời, "Cha tôi đã qua đời khi tôi vừa được một tuổi, chính mẹ tôi là người trả học phí cho tôi".
Người Giám đốc hỏi "Thế mẹ cậu làm việc ở đâu?"
Cậu thanh niên trả lời "Mẹ tôi làm nghề giặt đồ mướn".
Người Giám đốc bảo cậu thanh niên đưa hai bàn tay cho ông xem, cậu thanh niên đưa hai bàn tay ra, da dẻ mịn màng không sứt mẻ gì. Người Giám đốc hỏi "Thế có bao giờ cậu giúp mẹ cậu giặt giũ gì không?"
Cậu thanh niên trả lời "Không bao giờ, mẹ tôi muốn tôi học hành và đọc thêm nhiều sách, và hơn nữa, mẹ tôi có thể giặt giũ nhanh hơn là tôi làm".
Người Giám đốc nói "Tôi có một yêu cầu, khi cậu trở về nhà hôm nay, hãy đi giúp mẹ cậu và rửa hai bàn tay của bà, và hãy đến gặp tôi vào sáng ngày mai".

Người thanh niên cảm thấy cơ hội được việc làm của cậu gần như chắc chắn, khi về đến nhà cậu vui sướng muốn gặp mẹ để rửa tay cho bà. Người mẹ của cậu lấy làm lạ, vừa sung sướng nhưng cũng hơi sợ hãi, bà đưa hai bàn tay ra cho con.
Cậu con trai rửa hai bàn tay của mẹ một cách chậm rãi. Trong khi rửa bàn tay của mẹ, những giọt nước mắt rơi xuống. Đây là lần đầu tiên cậu khám phá ra bàn tay mẹ thật nhăn nhúm, và có nhiều vết trày xước sâu trên da. Có vài vết thương đã làm bà đau đớn đến nỗi phải run lên khi bàn tay nhúng vào nước.
Đây là lần đầu tiên cậu thanh niên nhận ra và cảm nghiệm được rằng chính đôi tay này đã giặt giũ mỗi ngày để kiếm tiền nuôi mình ăn học. Những vết thương trên bàn tay là cái giá mẹ anh phải trả để cho anh tốt nghiệp đại học, để đạt được những điểm cao trong các kỳ thi cử, và có lẽ cả tương lai về sau của cậu đã tùy thuộc vào hai bàn tay này. Sau khi rửa xong hai bàn tay của mẹ, cậu thanh niên lẳng lặng giặt tiếp cho mẹ những quần áo còn lại. Đêm ấy hai mẹ con nói chuyện với nhau thật lâu.

Sáng hôm sau cậu lại đến văn phòng gặp người Giám đốc. Thấy những giọt lệ long lanh trong đôi mắt của cậu thanh niên, ông hỏi "Anh có thể thuật tôi nghe những gì anh đã làm và học được tại nhà ngày hôm qua hay không?".
Cậu thanh niên trả lời "Tôi rửa tay cho mẹ tôi và giặt số quần áo còn lại cho mẹ tôi".
Người Giám đốc nói "Anh vui lòng kể tôi nghe cảm tưởng của anh như thế nào?"
Cậu thanh niên nói: Điều thứ nhất: tôi đã hiểu thế nào về sự cảm kích; không có mẹ tôi thì đã không có một thanh niên thành công trong học vấn như tôi ngày hôm nay.
Điều thứ hai: tôi đã biết làm việc chung với mẹ tôi ra sao, rất khó khăn để có thể hoàn tất một công việc.
Điều thứ ba: tôi đã hiểu tầm quan trọng và sự thiêng liêng của những quan hệ gia đình.
Người Giám đốc nói: "Đấy chính là điều tôi đòi hỏi. Tôi muốn mướn một nhân viên biết cảm kích về sự giúp đỡ của kẻ khác, một người có thể cảm thông được những nhọc nhằn mà người khác trải qua để hoàn thành công việc của họ, một người không theo đuổi tiền bạc như một cứu cánh duy nhất của cuộc đời, và như vậy mới đúng là người quản trị mà tôi đòi hỏi. Bạn đã được chấp nhận vào công ty!"
Về sau, người thanh niên trẻ này làm việc rất siêng năng và được sự nể nang của thuộc cấp. Mỗi nhân viên đều chuyên cần làm việc trong tinh thần đoàn kết, do đó công ty đã có nhiều thành quả tiến triển vượt bậc.

Một đứa trẻ được cha mẹ cưng chiều và cho mọi thứ nó đòi hỏi sẽ phát triển một tinh thần "Muốn Gì Được Nấy" tự đặt mình trên hết. Nó không biết được những lao khổ của cha mẹ. Khi lớn lên và đi làm việc, nó giả định là mọi người đều phải nghe theo nó, và khi thành một quản lý hay giám đốc, nó sẽ không biết được những nhọc nhằn của những người thuộc cấp và luôn luôn đổ thừa họ khi có những thành quả không ưng ý.
Đối với những hạng người này, có thể họ đạt thành quả cao về học vấn, thành công trên đường đời một lúc, nhưng không thực sự cảm thấy thỏa mãn trong sự nghiệp của mình, họ sẽ lầm bầm và đầy sự ganh ghét, và họ sẽ tranh đấu để dành lợi lộc nhiều hơn. Nếu chúng ta là loại cha mẹ cưng chiều con, chúng ta đã thực sự yêu nó hay vô tình phá hủy cuộc đời của một đứa trẻ?

Bạn có thể cho con bạn sống trong một căn nhà rộng, ăn những bữa ăn ngon, học đàn dương cầm và xem một máy TV lớn. Nhưng khi bạn ra sân cắt cỏ, hãy để cho con bạn nhúng tay vào để biết sự cực nhọc khi phải làm việc ấy. Sau bữa ăn hãy để nó tự rửa lấy chén bát cùng với anh chị em của nó. Đó không phải vì bạn không đủ tiền mướn người giúp việc, nhưng chỉ vì bạn yêu con bạn đúng cách. Bạn muốn chúng hiểu rằng dù cha mẹ chúng có giàu đến bao nhiêu, nhưng một ngày kia tóc cũng điểm hoa râm trong mùa thu của cuộc đời giống như người mẹ của cậu thanh niên kia.

Điều quan trọng nhất là con của bạn phải biết cảm kích những lao khổ của người khác và phải từng trải qua những khó khăn của cuộc sống. Và nó phải học hỏi để có một khả năng biết làm việc chung với những người khác hầu đạt được thành quả cho những đề án nào đó.

2 nhận xét:

  1. Hoàng Thị Hải Vânlúc 11:26 20 tháng 2, 2011

    Cám ơn cô Thu có bài đăng rất hay về cách giáo dục trẻ! Và cháu có sự cảm nhận và chia xẻ của cháu đối với bài
    Được nghỉ hè Chú, dì cháu về quê gửi em cháu trông giúp. Em bấy giờ khoảng 5 đến 6 tuổi Lúc dì đi em đòi theo cháu đành phải giữ em và dỗ em không khóc, càng dỗ em càng khóc lớn và ăn vạ. Dỗ không xong cháu lên giường đi ngủ và nghĩ em muốn khóc đến bao giờ thì khóc kể cả khóc khản cổ họng thì chị cũng không dỗ nữa. Em vẫn khóc nhưng mắt vẫn quay sang cháu xem thế nào. Thấy cháu vẫn nằm ngủ không đả động gì chạy xang chỗ cháu nằm cả người nhảy và dậm chân chỗ dưới chân cháu và khóc, cháu kệ và vẫn ngủ tiếp không thấy cháu đả động Em liền chạy lên đầu chỗ cháu nằm nhảy và dậm chân chỗ gần đầu của cháu vẫn thấy cháu ngủ tiếp thấy vậy Em liền chạy ra chỗ công tắc bóng đèn bật tắt liên tục, Cháu nghĩ bóng đèn mà cháy thì chị đi mua cái mới và chị có thể tự mình thay bóng đèn được. Kệ em bật tắt liên tục cháu vẫn nằm ngủ không đả động . Em tức quá không làm gì được bắt đầu lôi đồ đạc ra đập phá lúc bấy giờ cháu mới đành bật dậy cất tất cả những đồ đạc nguy hiểm như dao kéo… lên cao. Còn cái gì không nguy hiểm để lại cho đập phá thoải mái hỏng có tiền chị mua cái mới còn không có tiền chị khỏi cần dùng. Đập phá, quậy và khóc chán tự Em ngồi chơi vui vẻ một mình. Khoảng 3h30 đến 4h chiều cháu mới đưa Em ra chỗ trẻ con hàng xóm chơi cùng và chọn đứa ngoan nhất bằng tuổi hoặc kém Em cháu một tuổi giao Em mình cho Em hàng xóm trông hộ và Cháu dặn Em. Nhà mình ở chỗ kia lúc nào Em không chơi nữa thì đi về nhà và Em chơi xung quanh gần đây và không được đi xa quá. Và cháu nghĩ giao cho trẻ con hàng xóm trông hộ và để tự mình Em chơi cùng các Bạn và cháu cũng không hề phải bận tâm và lo lắng gì cho Em. Thế mà Cô ạ tự mình tự động về nhà xem nhà có đồ đạc gì mang ra chơi cùng các bạn về mấy lần xem trong nhà mình có đồ đạc gì mang ra chơi cùng các Bạn. Và Em chơi cùng các bạn đến giờ cũng tự giác về nhà và cháu cũng không hề gọi về. Về nhà Em kể rất nhiều chuyện vừa tranh thủ nghe Em kể chuyện vừa tranh thủ hiểu được suy nghĩ trong Em Và cháu cũng tranh thủ bảo ban và phân tích cho em cái gì đúng và cái gì sai, cái gì nên làm và cái gì không nên làm để Em có thể tự mình quyết định những việc mình làm
    Dẫn Em đi siêu thị chơi cháu dặn chị chọn đồ ở chỗ này còn Em thích gì cứ đi xem thoải mái và thỉnh thoảng để ý chị xem chị ở đâu và làm gì và Em đi lên cao cũng phải bảo Chị để chị còn biết Em ở chỗ nào để khi về Chị biết mà còn gọi Em. Nếu không lại lạc nhau không về nhà được đâu. Cháu chọn đồ theo sở thích của cháu và cháu cũng không hề phải bận tâm để ý và lo lắng cho Em. Em đi rồi nhưng Em thỉnh thoảng cũng ngó về chỗ cháu chọn đồ và thỉnh thoảng chạy qua chỗ cháu xong lại chạy đi
    Một lúc sau Em chạy lại chỗ cháu và nói Chị ơi Em buồn đi vệ sinh. Em chạy ra chỗ chị bán hàng hỏi xem nhà vệ sinh ở đâu vì chị đến đây lần đầu tiên chị cũng không biết nó ở chỗ nào. Thấy vậy Em cũng tự mình chạy ra quầy chỗ chị bán hàng để hỏi. Một lúc sau em quay lại và nói với cháu, Chị ơi nhưng Em ngại lắm. Em à! Không vấn đề gì đâu, không phải ngại đâu “ Em coi chị bán hàng như là chị đấy” không phải ngại Em chạy ra hỏi đi, Em đứng chần chừ lưỡng lự ở chỗ của cháu. “ Em không đi là em chịu khó nhịn từ đây về đến nhà đấy” Thế là em tự mình vội vàng chạy đi hỏi

    Trả lờiXóa
  2. Hoàng Thị Hải Vânlúc 11:30 20 tháng 2, 2011

    Được dì gọi điện thoại Chú, dì có việc bận xuống trông Em và Dì để sẵn thức ăn ở nhà thực đơn của hai chị em thật là hoành tráng. Em đi học về cháu thấy em ăn một chiếc bánh mì với trứng ngăn ngon lành kèm thức ăn khác cùng với hoa quả kèm. Hơn tiếng sau cháu có hỏi Chị nấu mì bây giờ hay để lúc nữa nấu ăn. Chị ơi chị nấu luôn đi, Cháu thấy Em vừa ăn và ăn rất nhiều và hỏi tiếp chị nấu một gói mì với trứng cùng thịt bò,rau rất là nhiều Em ăn hết được không. Em ăn hết được, thế là chiều theo ý của Em. Ăn được mấy miếng Em kêu chị ơi Em no quá không thể ăn được. “Đấy Em thấy chưa? Chị đã hỏi Em có ăn hết được không, Em bảo có. Thừa mà đổ đi bây giờ rất là phí nhiều người không có mà ăn đâu Em ạ. Làm cái gì Em cũng phải tính. Thôi bây giờ Em lên nghỉ và chơi đi chút nữa bớt no xuống ăn tiếp” và cháu cũng lên chơi cùng và hướng dẫn em cách chơi tranh thủ vừa chơi cùng Em và bảo ban cùng dạy em luôn. Cháu bảo nghỉ ngơi khoảng 15-30 Phút nếu Em ăn được mì thì ăn cho nó hết đỡ phí và lên học bài. Chơi khoảng tầm thời gian đấy tự giác Em xuống ăn hết bát mì và dọn dẹp sạch sẽ và tự giác lên học bài
    Cháu về thăm Bà nội, Em cháu thấy cháu về vào chơi cùng cháu, Bà cháu thấy nó và nói thằng này vừa mới đánh nhau về mẹ nó mắng nó bao nhiêu. Cháu mới hỏi, làm sao mà Em đánh nhau. “Nó chửi em trước”. “Bà à trẻ con nó đánh nhau nó mới khôn ra được” và trẻ con thì đánh nhau cãi nhau không xảy ra vấn đề lớn gì. Nếu con mà mình đánh nhau hay cãi nhau cũng phải hỏi con nguyên nhân cùng lý do để mà bảo ban cùng dạy dỗ phân tích con mình có nên đánh nhau hay không nên đánh nhau. Và trường hợp bất khả kháng nếu có đánh nhau đi nữa thì không để người ta đánh đòn nguy hiểm vào người và phải biết tự vệ. Lớn nên thì mình có thể yên tâm con cái mình rồi. Bà cháu chỉ biết “ ừ cháu nói đúng”
    Cô à! Trẻ nhỏ là nằm trong sự yêu thương dạy dỗ của mình. Làm sao mình vừa có thể là người Mẹ, người bạn, người tâm giao đối với con mình. Và bất kỳ khi nào khi thành công hay thất bại, khi vui hay khi buồn thì mình cũng là người đầu tiên để con mình chia xẻ, tâm sự và mình là chỗ dựa lớn về mặt tinh thần. Và mình là sức mạnh lớn trong cuộc đời con mình. Bởi vì mình yêu con thương con nhưng làm sao suốt cả cuộc đời hàng ngày hàng giờ mình ở bên con mình được. Điều quan trọng là bất cứ khi nào người Mẹ luôn luôn ở đằng sau dõi theo con mình và khi con mình cần có lời khuyên của mình trong cuộc đời. Điều quan trong là phân tích cho con mình hiểu điều nên làm điều không nên làm, cái gì đúng và cái gì sai để tự con mình sáng suốt quyết định con đường đi của mình
    “ Điều quan trọng không phải là dạy cho trẻ nhiều tri thức”
    Mà là gieo cho chúng niềm khát khao học hỏi”

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.