Trang

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Bác sĩ tốt nhất là chính mình (Phần 2)

Phần tiếp theo bài nói chuyện của bác sỹ Trung quốc Hồng Chiêu Quang.

 Ảnh minh họa
Các nhà khoa học của chúng ta thường nhắc đến một câu sau: người cao tuổi cần chú ý "3 cái 1/2 phút và 3 cái 1/2 giờ”. Làm được hai câu trên không tốn một xu, mà cứu được nhiều người khỏi cái chết đột ngột. Vì sao họ chết quá đột ngột như vậy? Vì ban đêm họ dậy đi tiểu tiện nhanh quá làm cho não bị thiếu máu, làm chóng mặt mà bị ngã, thậm chí làm cho tim ngừng hoạt động và não bị chết luôn. 

Thực hiện 3 cái 1/2 phút tức là khi muốn dậy phải nằm thêm 1/2 phút, khi đã dậy phải ngồi 1/2 phút, khi đã bỏ chân xuống giường cần phải chờ thêm 1/2 phút nữa mới từ từ đứng dậy để đi vệ sinh. Nhờ vậy tránh được hiện tượng não bị thiếu máu, lại vừa bảo vệ được tim không co bóp quá sức, tránh được nguy cơ bị tai biến mạch máu não, bị trụy tim dẫn đến tử vong.

Còn 3 cái 1/2 giờ là gì? Tức là sáng ngủ dậy đi bộ hoặc tập thái cực quyền dưỡng sinh 1/2 giờ, buổi trưa nằm ngủ 1/2 giờ, đến bữa tối lại dành 1/2 giờ đi bộ nhẹ nhàng để có một giấc ngủ ngon.

Có người cho rằng bây giờ khoa học kỹ thuật cao siêu bị bệnh gì cũng có thuốc chữa khỏi. Xin nói rằng muốn chữa bệnh phải tốn nhiều tiền vô kể. Y học hiện đại chỉ có thể phục vụ chữa bệnh nặng cho một số rất ít người, còn đối với số đông thì dùng biện pháp dự phòng là chủ yếu. Thí dụ, muốn khống chế bệnh cao huyết áp, cách tốt nhất là mỗi ngày uống một viên thuốc hạ áp do bác sĩ chỉ định để giảm lượng máu tràn dần vào não. Nếu một khi máu từ từ tràn ngập não thì vô cùng phức tạp, phải hết sức khó khăn mới mở sọ não rút được máu ra, đồng thời phải chấp nhận hậu quả bán thân bất toại suốt đời. Phương pháp phòng ngừa này chẳng khó khăn gì cả mà đã làm cho nhiều người khỏi chết, giảm được rất nhiều sự cố bất ngờ. Cho nên có thể kết luận rằng thuốc men và thiết bị y tế hiện đại không bằng phòng bệnh. Người cao tuổi càng phải coi trọng phòng bệnh là chính.

Đến đây cần nói một điều quan trọng, tức là vấn đề quan niệm. Quan niệm cần phải được chuyển biến. Chúng ta nhận thức một cách đầy đủ rằng bây giờ có nhiều loại bệnh xét đến cùng là do phương thức sinh hoạt không văn minh tạo ra, nếu như chúng ta kiên trì lối sống văn minh thì có thể không mắc bệnh, ít mắc bệnh.

Khái quát lại chỉ có một câu, 16 chữ "Thức ăn phù hợp, vận động vừa sức, bỏ thuốc, bớt rượu, cân bằng tâm trạng". Với câu 16 chữ này có thể làm giảm 55% bệnh cao huyết áp, xuất huyết não, 75% bệnh nhồi máu cơ tim, 50% bệnh tháo đường, 1/3 bệnh ung thư và bình quân kéo dài tuổi thọ 10 năm trở lên mà không phải tốn thêm bao nhiêu tiền, do đó cách giữ gìn sức khỏe hàng ngày thực đơn giản mà hiệu quả thì vô cùng to lớn.

Vì sao nói quan niệm phải chuyển biến? Năm 1981 tôi sang Mỹ, chuyên nghiên cứu y học dự phòng do giáo sư Stamny hướng dẫn. Năm 1983 ông dẫn tôi đến tham quan và dự hội nghị tại Công ty Điện lực phía tây Chicago nước Mỹ. Lúc cùng ngồi ăn trưa, ông chủ Công ty nói là hôm nay trong hội nghị chúng tôi có trao tặng thưởng cho tất cả những ai trong Công ty từ 55 đến 65 tuổi, đang làm việc hay đã về hưu mà trong 10 năm qua không bị bệnh lần nào. Mỗi người được thưởng 1 chiếc áo sơ mi dài tay, một cái vợt đánh bóng tennis và một phong bì lãnh tiền thưởng. Đây chẳng qua chỉ là phần thưởng tượng trưng nhưng tất cả mọi người đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. 
Lúc về tôi nghĩ lại thấy nhà tư bản Mỹ thật là khôn ngoan quá! 10 năm công nhân viên chức không bị đau ốm đã khiến họ tiết kiệm được mấy chục triệu tiền thuốc men, viện phí, còn phần mà họ chi tặng chẳng đáng là bao! Nhớ lại buổi tham quan càng không lấy gì làm lạ là công ty này có nào là bể bơi hiện đại, nhà tập thể thao đồ sộ, sân bóng tennis và 4, 5 các sân bóng khác, tạo thuận lợi cho mọi người rèn luyện thân thể, phòng chống bệnh tật rất hiệu quả. 
Khi trở về nước, nhận thấy ngay ở Bắc Kinh, các chủ tịch công đoàn, các bí thư chi bộ của chúng ta cứ mỗi ngày tết, ngày lễ là bận rộn đến bệnh viện, đến nhà thăm và tặng quà cho các đồng chí ốm yếu, tôi hoàn toàn không phản đối việc làm này vì đây là sự thể hiện tình cảm cách mạng cao cả rất đáng duy trì và phát huy mãi mãi. Vấn đề là cũng cần khích lệ những người có thành tích giữ gìn sức khoẻ để phục vụ công tác tốt chứ. Người quản lý cần biết chi tiêu cho việc giữ gìn sức khoẻ để giảm thiểu việc phải chi tiêu cho việc chữa bệnh. 
Theo tính toán của chuyên gia y tế thì đối với bệnh tim mạch, nếu chi một đồng cho việc dự phòng có thể tiết kiệm được 100 đồng phải chi cho việc chữa trị nó. Hiệu quả này vừa đúng với xã hội mà cũng đúng với từng gia đình. 
Tôi đã làm một cuộc khảo sát ở nông thôn Bắc Kinh. Đến thăm một gia đình nông dân làm ăn rất thành đạt trong thời kỳ đổi mới, mỗi năm thu nhập khoảng 6.000 USD nên dám mua cho con trai một chiếc ô-tô để đi lại làm ăn, nhà có 7 nhân khẩu. Khi vào nhà khảo sát cụ thể, tôi mới phát hiện ra là cả nhà dùng chung một chiếc bàn chải răng và họ cho rằng như thế là đủ!

Kiểm tra sức khoẻ, tôi phát hiện trong 7 người đã có 4 người mắc bệnh cao huyết áp. Thực tế là vệ sinh răng miệng có thể làm giảm rất nhiều bệnh, thí dụ: xơ cứng động mạch, cao huyết áp, các bệnh về tim. Tại nước ngoài vệ sinh răng miệng được coi là quan trọng hàng đầu. Tổ chức y tế thế giới cũng đã nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng đặc biệt của vệ sinh răng miệng đối với sức khoẻ con người. Cho nên quan niệm cần phải được chuyển biến, từ trị bệnh sang phòng bệnh.

Bây giờ nói về tại sao nhiều người mắc bệnh xơ cứng động mạch, đái tháo đường? Mắc các chứng bệnh này là do hai nhóm nguyên nhân: nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài. Nguyên nhân bên trong là cơ quan di truyền còn nguyên nhân bên ngoài là những yếu tố hoàn cảnh sinh hoạt. Sự tác dụng lẫn nhau giữa nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài làm cho ta mắc bệnh. 
Trước hết nói đến nguyên nhân bên trong là "di truyền" nó chỉ là một xu hướng. Nếu cả bố lẫn mẹ đều mắc bệnh cao huyết áp thì có 45% con sinh ra mắc phải bệnh đó nếu hai bố mẹ có một người cao huyết áp thì 28% con sinh ra mắc bệnh cao huyết áp; nếu cả cha lẫn mẹ đều không mắc bệnh này thì con đẻ ra cũng không bị mắc bệnh cao huyết áp, nếu có chỉ chiếm 3,5%. Vì thế chúng ta nói rằng, di truyền chỉ là một xu hướng. 
Nếu một đứa trẻ sơ sinh đã có lượng Cholesterol trong máu cao hoặc chỉ mới vài tuổi đã bị cao huyết áp thì đó là những trường hợp do di truyền. Anh A ăn nhiều thịt mỡ thì tăng mỡ trong máu hoặc mắc bệnh nhồi máu cơ tim, còn anh B thường xuyên ăn thịt nhưng không thấy mắc những bệnh tim mạch, ấy là vì yếu tố di truyền của họ khác nhau.

Nếu nhìn bề ngoài, người này so với người kia cao thấp, béo gầy có khác nhau nhưng chênh lệch không lớn lắm, còn về tác động của trạng thái tinh thần đến sinh lý thì trái lại có thể khác biệt nhau rất lớn. 
Lấy thí dụ khi nổi giận, đối với ông A thì mặt đỏ lừ, tim đập mạnh, huyết áp tăng rất cao, còn đối với ông B thì khác, tim không đập nhanh, huyết áp cũng không tăng nhưng dạ dày thì đau thắt lại, thậm chí chảy máu hoặc thủng dạ dày. 
Cũng gặp trường hợp nổi nóng, nhưng ông C lại phát bệnh tháo đường hoặc lượng đường trong máu tăng cao vọt lên; ông D lại hoàn toàn khác, huyết áp, tiểu đường cũng như dạ dày chẳng bị ảnh hưởng gì cả, nhưng lại phát ung thư trên một vài bộ phận nào đó. 
Trong khoa của tôi có một lão bệnh nhân 60 tuổi, trước đây rất khỏe mạnh chẳng hề phát hiện có bệnh gì cả. Gần đây, một hôm về tới nhà thì nghe cậu con trai độc nhất năm nay 25 tuổi lại sắp cưới vợ vừa bị tai nạn giao thông tuy không chết nhưng vì bánh xe đè ngang cổ làm đứt hết toàn bộ dây thần kinh qua cổ khiến cho tứ chi không cử động được, làm việc được, suốt đời phải có người hầu hạ, trên mình phải đeo 7 cái ống dẫn bài tiết. Phí chữa bệnh lại càng kinh khủng: cứ 3 ngày mất 1.200 USD. 
Gặp phải tai nạn "trời giáng" đó ông lão không ăn được mà uống cũng không trôi mấy ngày liền. Người nhà đưa vào viện, làm siêu âm phát hiện ngay thực đạo có một cái u lớn chèn ngang cổ họng, muốn cứu sống phải lập tức mổ để cắt đi. Khi mổ u cổ, bác sĩ còn phát hiện trong dạ dày còn có 2 u khác. Thế là sau ca mổ lớn này, ông già kiệt sức và chết trước đứa con trai bại liệt suốt đời.

Trong "Cách mạng văn hóa" cũng có vô số trường hợp chứng minh sự tác động tiêu cực của nguyên nhân bên trong đến bệnh tật. Nhưng cũng chứng minh rằng nguyên nhân bên trong không đóng vai trò chủ yếu sinh bệnh, nhất là các bệnh mãn tính, nó chỉ chiếm 20%, còn 80% là do các nguyên nhân bên ngoài gây ra. Do đó, có thể điều tiết các nguyên nhân bên ngoài bằng một lối sống khoa học để giảm bệnh và chúng ta có thể khẳng định rằng chìa khóa của sức khỏe nằm trong tay mỗi chúng ta. Có thể khái quát nguyên nhân bên ngoài thành 4 câu ngắn gồm 16 chữ như đã nói ở phần trên.
(Còn tiếp)
(Tham khảo từ các nguồn trên Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.