(Bài bạn đọc gửi để chia sẻ.)
Ảnh minh họa |
Suốt một tuần qua, ông cứ quanh quẩn, lấn cấn mãi, cuối cùng thì quyết định gọi điện báo cho con cái. Cảnh già “gần đất xa trời”, ông thèm lắm được nghe thấy tiếng nói cười bi bô của mấy đứa cháu nội. Nhưng, với ông bây giờ, đó lại là giấc mơ xa xỉ. Con trai ông, đứa con trai duy nhất mà ông có được sau khi sinh sáu cô con gái, người đã được ông vô cùng yêu quý và cưng chiều, giờ hai bố con như đang ở hai thế giới hoàn toàn xa lạ.
Đầu những năm chín mươi, khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa kinh tế, gia đình ông nổi bật hơn so với nhiều gia đình khác. Ông tự hào lắm. Có bà vợ đảm đang, tháo vát, buôn bán giỏi, kinh tế gia đình ông là ước mơ của nhiều người. Là cán bộ nhà nước nhiều năm, ông cố gắng giữ chữ “chuyên”, chữ “hồng”, mong sao khi con cái trưởng thành có cái danh của bố mà đi tiếp con đường màu đỏ. Con cái ông, vừa có sự nhanh nhẹn tháo vát của người mẹ, vừa có tư duy thực tế, thức thời của người cha, đứa nào cũng sáng, cũng học hành đỗ đạt và thành công sớm. Những năm phong trào đi lao động xuất khẩu Đông Âu đang sôi sục, nhà ông như được mùa bội thu. Các con ông học ngoại ngữ, gặp dịp, đi nước ngoài như đi chợ, hàng hoá gửi về lúc thì như một nước Nga thu nhỏ, lúc thì từ CHDC Đức, Tiệp Khắc,…
Vật chất của cải ngày càng nhiều, nhu cầu hưởng thụ của con người ngày càng cao, càng phát triển. Khi những chiếc xe máy mới đập hộp xuất hiện lác đác trên đường phố Hà nội thay thế cho trào lưu đi xe máy Nhật “bãi”, trong nhà ông cũng có liền một cái. Ông bắt đầu thể hiện đẳng cấp của thế hệ nhà giàu mới nổi, khác hẳn các thế hệ trước sống trong thời “tư sản công thương”- giấu giầu, sợ “sờ gáy”.
Rồi những điều không mong đợi cũng đến. Những bữa cơm gia đình không thể thiếu trước kia dần thay thế bằng những bữa tiệc rượu bia và vô số những thú vui thời thượng. Cái gia đình bé nhỏ của ông quằn mình trước cơn bão của thời kỳ đổi mới. Bao lề thói cư xử trên dưới, bao hy sinh nhường nhịn, chịu khó chịu thương dần tan biến trong giấy mơ “đổi đời”.
Ai cũng thích mới, thích “lạ”. Lúc đầu là những vật dụng như tivi, tủ lạnh, xe máy, mobile…rồi tiến xa hơn người ta bắt đầu mơ về… “ngôi nhà và những đứa trẻ” khi tuổi đời đã quá ngũ tuần. Và ông Cộng cũng không ngoại lệ. Vì có thời gian tham gia kháng chiến, ông được về hưu trước vài năm. Giá như kinh tế vẫn còn nghèo, thế nào ông cũng sắn tay làm một việc gì đó thật sự cho mình và gia đình. Ngược lại, khá giả và hiện đại, ông nghĩ đến thể hiện đẳng cấp. Ông đến quán ăn nhậu cùng bạn bè và hãnh diện khi rút tiền “tập” ra chi trả. Rồi nghỉ mát, rồi sàn nhảy, câu lạc bộ…Không ai còn nhận ra ông nữa. Ông đang thực sự hồi sinh.
Con trai ông, sinh ra trong gia đình năng động, lại gặp thời bùng nổ kinh tế, sốt ruột muốn giàu nhanh, lại được gia đình cấp vốn. Cậu theo người anh họ đi buôn vàng cốm. Rừng xanh, núi đỏ, những mánh khoé vào nghề sớm biến chàng trai đôi mươi thành người lọc lõi. Khác với các chị, cậu được lớn lên trong cảnh nhà dư thừa vật chất mà thiếu hẳn sự ân cần chăm sóc, bảo ban. Đi đâu cậu cũng được tung hứng y như con các quan thủa trước. Cậu có đệ từ năm mười sáu tuổi. Đệ của cậu là những công tử thích tụ tập ăn chơi, thể hiện và không chịu sự giám sát của gia đình. Bố con ông thật khó ngồi với nhau được một lúc. Hình ảnh người cha trong cậu thật nhạt nhoà cũng như những trang sách giáo khoa mà cậu đã học qua mười năm phổ thông mà không hề để lại dấu ấn. Năm nào cậu cũng ở diện thi lại, và sau hè lại được lên lớp vì chỉ tiêu học sinh lưu ban của lớp, của trường không cho phép. Cậu cứ thế lớn lên trong sự bất lực của gia đình, nhà trường và cả bản thân. Cậu muốn quậy phá, cậu muốn buông bỏ cuộc đời, muốn chê trách tất cả.
Sau này khi đã có gia đình và tu chí làm ăn, cậu tâm sự "Nhiều lần muốn phá phách và làm liều nhưng cậu đã kịp dừng lại khi nhìn thấy những giọt nước mắt đã cạn khô của người mẹ. Tóc mẹ đã bạc đi rất nhiều kể từ ngày ấy…"
Giờ đây ông đang sống những ngày tháng cuối đời trong sự dằn vặt cắn dứt của lương tâm. Cái nhà ông Lê Lựu cũng thật là… Từ hồi Tivi chiếu bộ phim về thằng Núi, hình như “Sóng ở dưới đáy sông”, ông vô tình xem xong thấy giận mình, giận người. Chọn cái gì hay mà viết, mà khen. Còn cái gì dở thì để rút kinh nghiệm, chứ cứ phơi bày hết ra như thế còn ra cái thể thống gì về gia phong, đạo lý nữa. Còn đâu hình ảnh của thời trai trẻ “xẻ dọc Trường sơn”, thời bao cấp cơm độn sắn, độn khoai mà bền gan vững chí. Thì cũng phải để “các cụ” hưởng chút xa hoa của thời bình, thứ mà lúc trẻ các cụ đã phải đánh đổi lấy “tự do và độc lập”?! Chỉ khổ cho các cháu nội của ông, chúng còn quá nhỏ để hiểu và để thông cảm.
Lời bình: Trái với phép chia trong cuộc sống, trong xã hội hiện đại người ta ngày càng thích làm toán cộng, vừa nhanh, vừa dễ và đặc biệt là người ta nhìn thấy ngay kết quả, bởi tình cảm luôn là ẩn số và rất ít ai nhìn thấy được số âm của tình người vì thế nó có hao mòn, mất mát cũng hiếm người phải động lòng trắc ẩn!
Thu Hà
Rược chè, thuốc phiện, cờ bạc, trai gái… ở đời có bao nhiêu sự đam mê, tuy vẫn biết là tai hại mà khốn cái tỉnh ngây, cái máu mê, nó như có ma lực vẫn xui giục dun dủi ta rủ nhau, đua nhau mà tìm đến, mà say đắm, có như tai hại cũng không chừa. Than ôi! Còn ở trên bờ vực sâu, mà không biết giữ thì đến lúc lăn xuống, ăn năn sao cho kịp! Lỡ bước một phen nghìn đời ân hận; quay đầu nghĩ lại, chín suối ngậm ngùi. Thật đáng ghê thay, cho nên người ta phải cẩn thận giữ mình, khi đã biết sự đam mê có thể tai hại mình được, thì cố tự chủ, tự trị mà hãm mình lại ngay, chớ để cho nhân dục thắng được thiên lý thì phí cả đời
Trả lờiXóa