Gần đây, khi thiền tại CLB cũng như ở nhà, Hoàng Vân đã được nghe rất nhiều lần bài đọc "Thiền và những vấn đề tu luyện", và thực sự càng nghe càng thấm thía, nghe đi nghe lại vẫn thấy có những điều khiến mình cần phải tập trung suy nghĩ sâu hơn, phân tích kỹ hơn và cần áp dụng vào cuộc sống thường ngày của mình. Trên lớp, Thầy bao giờ cũng không quên nhắc nhở học viên cần tu tâm tu tính, Thầy nhắc nhiều đến phải biết buông bỏ những thứ không phải của ta, có như thế ta mới có thể chữa khỏi được bệnh. Nhân đọc "Vẻ đẹp cuộc sống dưới ánh sáng Tứ Diệu Đế" của tác giả: Dhammananda Bikkhuni (Tỳ khưu ni Pháp Hỷ), Hoàng Vân càng thấm thía bài giảng của Thầy hơn và muốn chia sẻ cùng các thành viên của CLB, thành tâm mong cho chất lượng cuộc sống TÂM của ta được cải thiện hơn. Hoàng Vân xin trích đăng phần TÂM HỶ trước, 3 Diệu đế Hoàng Vân xin đăng tiếp theo.
TÂM HỶ (MUDITA)
Mudita nên dịch là hoan hỷ, vì nó khác với tâm sở piti là hạnh phúc, hân hoan từ bên trong. Tâm hỷ sanh khởi nơi một người không có tâm ghen tỵ. Vì sao người ta ghen tỵ? Vì họ muốn những cái mà người khác đang có nhưng họ không có. Tâm ghen tỵ làm cho người ta không vui thích hay hoan hỷ với thành công của người khác. Ai cũng biết ghen tỵ thì không đẹp hay không cao thượng, không xứng đáng, do đó nhiều người che dấu nó bằng những nụ cười giả tạo hay lời nói đãi bôi. Thật đáng thương, những người như vậy không biết rằng ganh ghét hay tỵ hiềm đang thiêu đốt họ, khiến họ tạo ác nghiệp bằng thái độ, lời nói hay hành động phủ nhận và cự tuyệt, đây chính là những độc tố trong người và trong đời.
Hoan hỷ trước thành công hay hạnh phúc của người khác là một phẩm chất rất cao thượng. Người có tâm hỷ là người có suy nghĩ tích cực, một thái độ lạc quan, yêu đời. Và yêu đời vốn là một thành tố rất quan trọng để có thành công trong bất cứ lãnh vực nào. Khi có hoan hỷ thì không có ganh tỵ hiềm khích. Hoan hỷ là dưỡng chất trong các mối quan hệ lành mạnh, ngược lại, ganh tỵ là độc tố hủy hoại mọi quan hệ tốt đẹp. Do đó phát triển tâm hỷ là để đánh bại con bệnh ganh tỵ nhỏ nhen trong mỗi chúng ta.
Hoan hỷ, bằng lòng với những thành công và hạnh phúc của chính mình là một tình cảm rất tự nhiên mà ai cũng có. Hoan hỷ, bằng lòng với thành công và hạnh phúc của những người thân yêu hay bạn bè cũng khá dễ dàng. Đối với những người dưng không quen biết hay không thân thiết, sự thành công và hạnh phúc của họ thường không là vấn đề đáng quan tâm lắm, tuy nhiên, một người tốt bụng cũng sẵn sàng chia vui hay đón chào nó. Khó nhất là hoan hỷ hay vui mừng đối với thành công của những ai xem ta là thù nghịch. Thường thì phản ứng tự nhiên của mọi chúng sinh là bực bội, căm tức trước những thành quả của kẻ thù. Chúng sinh thường có cảm giác mình bị đánh hay thất thế trước thành công của kẻ thù và cảm giác này làm họ cay cú, ganh tức thêm.
Có một lần Bụt cùng các vị đệ tử của ngài du hành từ thành Vương Xá đến thị trấn Nalanda, sự thành công và tiếng tăm về giới đức và trí tuệ của ngài được truyền đi trong dân chúng khắp nơi. Điều này khiến một vị thầy Bà la môn đang bộ hành trên cùng xa lộ rất căm tức. Ông ta không tiếc lời phỉ báng Phật, Pháp của ngài tuyên giảng và Tăng – giáo đoàn tu hành theo pháp Phật. Cùng đi với ông ta là một thanh niên vốn là học trò của vị bà la môn này. Tuy nhiên, người trai trẻ này lại có phản ứng hoàn toàn ngược lại với vị thầy ganh tỵ đến mù quáng kia. Anh ta ca ngợi Phật, Pháp và Tăng một cách rất ngây thơ hồn nhiên, thậm chí thanh niên này còn dám phản bác lại những lời mạ lỵ của thầy anh ta.
Khi những sự kiện trái ngược này được thuật lại với Bụt, ngài dạy các đệ tử rằng khi nghe ai nói xấu hay ca ngợi Tam Bảo đừng vội rối loạn và tức tối hay phấn khởi và hãnh diện. Một thái độ chân chính trước những thị phi hay tiếng tăm và bình thản nhìn nhận và phân tích sự kiện xem chúng có xác đáng ở mức độ nào. Nếu khi nghe những lời thị phi mà sinh tâm căm phẫn thì chúng ta sẽ không có đủ bình thản nhìn nhận và phân tích sự kiện xem chúng có xác đáng không, và xác đáng ở mức độ nào. Nếu khi nghe những lời thị phi mà sinh tâm căm phẫn thì chúng ta sẽ không có đủ bình thản để nhìn nhận và phân tích sự kiện một cách khách quan và chỉ cho người ta thấy điều đó là không sai quấy. Còn nếu khi nghe những lời khen ngợi mà sanh tâm ưu thích hãnh diện thì đây cũng chỉ là một chướng ngại trên đường tu tập mà thôi.
Trở lại với tứ vô lượng tâm thứ ba, tâm hoan hỷ mà chúng ta đang đề cập, câu chuyện trên cho chúng ta thấy vị thầy bà la môn đã không thể nào hoan hỷ được với thành công của Bụt, người mà ông tự cho là kẻ thù, hay đúng hơn là kẻ kình địch. Những người mà chúng sanh cho là thù địch không nhất thiết là người đã từng làm hại đến chúng sanh. Vị bà la môn này muốn có những gì mà Bụt đang có, nhưng do giới hạnh và tài trí kém cỏi của ông ta không cho phép ông đạt được những thành tựu như của Bụt nên ông ta ganh tức và tạo ác nghiệp là nói xấu, phỉ báng Tam Bảo. Ngược lại, người thanh niên đệ tử của ông ta lại có tâm hồn rất trong sáng hồn nhiên. Anh ta không ganh tỵ mà lại hoan hỷ trước những tiếng tăm tốt đẹp về Phật, Pháp, Tăng. Người thanh niên này còn có nhiều cơ hội để thăng tiến, còn ông thầy ganh tỵ kia chỉ có tự hạ thấp nhân phẩm của chính mình. Tâm ganh tỵ khiến người ta nhỏ nhen ích kỷ, còn tâm hoan hỷ khiến người ta rộng lượng và cao quý hơn.
Tại sao biết được ganh tỵ là xấu, hoan hỷ là tốt mà người ta đôi khi vẫn để cho cái tâm nhỏ nhen ti tiện kia sai khiến? Vì chấp ngã và ích kỷ khiến người ta như vậy. Nhiều người còn không biết che giấu sự ích kỷ và ganh tỵ đã trở thành bệnh hoạn của mình. Có những người mẹ, người cha ghen ghét với con trai hay con rể; ngay cả giữa những anh chị em cùng cha mẹ cũng có thể phát sanh ganh tỵ và hơn thua. Từ chấp ngã chấp nhân dẫn đến ganh tỵ và ti tiện và những gì khiến người ta cư xử tồi tệ với nhau. Phát triển và nuôi dưỡng tâm hoan hỷ là để đối trị lại căn bệnh trầm kha này của chúng sanh.
Tâm hỷ có tính chất là sự vui mừng phấn khởi; nó được biểu lộ bằng sự hân hoan, vui thích trước thành công của người khác. Bản chất của hỷ là rộng mở, bao dung; công dụng của nó là loại trừ tâm ganh tỵ; thành công của hỷ là sự vắng bóng những tư tưởng không lành mạnh và những tình cảm nhỏ nhen ti tiện.
Hoàng Vân sưu tầm