Trang

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Trà Gạo Lức (Brown Rice Tea)

1. Giới thiệu
Đối với trà gạo lức, nguyên liệu chính là gạo lức (brown rice) là một loại gạo chỉ xay bỏ trấu chứ không bỏ mầm và cám của hạt gạo bên trong. Thành phần gạo lức chứa khá nhiều chất dinh dưỡng có tác dụng ngăn ngừa và chữa bệnh. Theo Dr. Hiroshi Kayahara, giáo sư khoa sinh học và kỹ thuật sinh học tại viện đại học Shinshu University in Nagano, báo cáo trong hội nghị hoá học quốc tế "the 2000 International Chemical Congress of Pacific Basin Societies" ở Hawaii (www.rice.com.vn) rằng "gạo lức đã ngâm nước chứa gấp ba lần chất lysine, một loại amino acid cần thiết cho sự tăng trưởng và bảo trì các mô tế bào cơ thể con người, và chứa mười lần nhiều hơn chất gamma-aminobutyric acid, một chất acid tốt bảo vệ bộ phận thận".

 
Các khoa học gia cũng tìm thấy trong mầm gạo lức có chứa một loại enzyme, có tác dụng ngăn chặn prolylendopeptidase và điều hoà các hoạt động ở trung ương não bộ. Vỏ của gạo lức có chứa tocotrienol (TRF) còn có khả năng chống cholesterol xấu LDL và loại trừ những chất hóa học gây ra hiện tượng đông máu. Ngoài ra, gạo lức, đặc biệt là loại gạo lức Huyết Rồng khi làm trà sẽ có màu đỏ của rượu Bordaux rất đẹp và có hương thơm của gạo rất hấp dẫn.
2. Quy trình sản xuất và giải thích quy trình
Rửa: Do gạo lức chỉ xay một lần để bỏ vỏ trấu nên các tạp chất như bụi, bông cỏ, vỏ trấu, cát hay sỏi lẫn trong gạo khá nhiều, vì vậy để bảo đảm vệ sinh và không làm thay đổi mùi đặc trưng của trà gạo lức, ta cần rửa thật sạch gạo lức trước khi qua các khâu chế biến tiếp theo. Nên rửa gạo dưới vòi nước chảy. Sau khi rửa, để ráo khoảng 15 phút.
Rang: Đây là quá trình chính giúp tao nên hương vị của trà. Dưới tác dụng của nhiệt độ cao, một số chất thành phần béo của lớp vỏ ngoài của gạo sẽ được thủy phân tạo ra các gốc ester có mùi thơm. Phản ứng Maillard giữa protein với đường (từ sự thủy phân tinh bột hoặc đường maltose có sẵn trong phôi) hay phản ứng caramel cũng sẽ tạo ra mùi thơm và hình thành màu cho gạo.
Quá trình rang cũng sẽ làm chín và khô tinh bột, làm mất đi khả năng hồ hóa và hòa tan của tinh bột khi ta ngâm vào nước sôi. Điều này sẽ giúp tinh bột không tan vào nước làm đục nước trà khi pha. Ngoài ra quá trình rang sẽ làm khô và ức chế các emzym còn tồn tại trong gạo giúp ta có thể bảo quản trà gạo lức trong thời gian dài, tránh các biến đổi hư hỏng đặc biệt là phản ứng ôi hóa chất béo trong lớp cám. Thời gian rang khoảng 10 đến 15 phút.
Pha trà: Để sử dụng trà gạo lức, tương tự như cách dùng các loại trà khác, ta cần ngâm gạo lức đã rang vào nước sôi, quá trình ngâm này sẽ trích ly các thành phần hương thơm. Khi ngâm, các chất màu, các hợp chất ester, polyphenol, chất xơ hòa tan, tocotrienol… sẽ được trích ly ra khỏi gạo lức và hòa tan vào nước hình thành nên mùi vị đặc trưng của trà gạo lức cũng như đóng góp các tác dụng ngăn ngừa bệnh của nó. Thời gian pha trà có thể kéo dài trong khoảng 5 phút trước khi rót uống.
3. Thành phần dinh dưỡng của gạo lức
Gạo lức có thành phần dinh dưỡng cao, nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Trà gạo lức có hương vị thơm ngon đăc trưng, lại có tác dụng tốt cho sức khỏe giúp ngăn ngừa béo phì, đông máu, giảm cholesterol, bảo vệ thận…Các đặc điểm trên của trà gạo lức rất phù hợp với xu hướng tiêu dùng sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên để ngăn ngừa và chữa bệnh hiện nay. Ngoài ra cách chế biến và bảo quản trà tương đối đơn giản, chi phí thấp. Đây sẽ là những điều kiện rất thuận lợi nếu có ý tưởng sản xuất và kinh doanh sản phẩm Trà Gạo Lức.
*Tài liệu tham khảo: các hình ảnh minh họa tham khảo từ trang web www.fao.org
Lời góp: Hội viên Câu lạc bộ chúng ta đã không ít lần được thưởng thức nước gạo lức rang do Trung tâm của cô Dung chế biến. Rất nhiều người khen ngon và tác dụng giải nhiệt rất rõ. So với cách pha chế theo kiểu uống trà này thì nước gạo lức có màu trắng trong, hơi đục chứ không vàng trong như trà gạo lức pha theo cách hướng dẫn ở trên. Hiện có hai cách đun nước gạo lức. Xin giới thiệu để mọi người tham khảo.

Cách 1: Nguồn Trang Nấu Ăn Chay  
Vật liệu: 180g gạo lức và 1.5 lít nước
Đun 1.5 lít nước cho thật sôi. Rồi đổ toàn bộ gạo lức đã rang vào nước đang sôi. Lập tức tắt lửa, rồi để vậy trong vòng 5 phút. Sau đó chắt lấy nước trong để riêng.
Nấu 1.5 lít nước khác cho sôi, rồi đổ toàn bộ xác gạo lức vào. Sau đó vặn lửa riu riu và tiếp tục cho sôi thêm trong vòng 5 phút nữa mới tắt lửa. Xong chắt lấy nước trong. Hòa nước gạo lức đã nấu lần trước và lần này lại với nhau cho đều rồi uống như nước trà vậy.
Xin lưu ý: Tùy theo bệnh trạng mà thay đổi cách dùng. Không nên uống nước gạo lức chung với sữa bò hoặc chung với những thức ăn có chất đạm (protein). Không nên hòa canh dưỡng sinh và nước gạo lứt rang chung với nhau để dùng. Uống hai thứ nước này cách nhau tối thiểu 15 phút.
Cách 2: Nguồn trang rausach.com.vn
Nấu theo tỷ lệ một muỗng canh với một lít nước trong nồi Slow Cooker, độ nóng low (thấp), từ 8 đến 10 tiếng. Có thể nấu vào buổi tối trước khi đi ngủ, như vậy đến sáng trước khi đi làm có thể cho vào bình thủy mang theo, hoặc nấu buổi sáng và đến chiều tối thì xong.
Nên uống nước gạo lức rang với độ nóng thích hợp cho mình từ 2 đến 3 lít mỗi ngày. Nước gạo lức rang không nên để lâu trong nồi quá một ngày, vì sẽ làm nước bị đục và có thể bị thiu. Nếu dùng không hết, nên chắt ra, để nguội cho vào tủ lạnh. Trước khi uống chỉ việc hâm nóng là được.
Xác gạo lức khi nấu xong không nên bỏ, vì có thể ăn như cháo và làm nhẹ bụng. Người mới bệnh dậy, hoặc đầy bụng, hoặc chán không biết ăn gì, cứ ăn vài ngày để giúp bao tử làm việc nhẹ nhàng, sẽ thấy thèm và thích ăn.
Tốt nhất là nấu bằng Slow cooker, đừng nấu trên bếp lò vì nước gạo sẽ không được trong.

2 nhận xét:

  1. Cám ơn Thu nhé. Những thông tin thật bổ ích. Nhà đun than nên chị đang muốn làm mà không biết tỷ lệ thế nào. Hay quá.

    Trả lờiXóa
  2. Chị à, uống nước gạo lức rất ngon. Hôm trước em đọc được bài nói về tác dụng của nước gạo lức trong việc lọc gan, làm sạch tế bào máu cũng như cải thiện làn da tươi sáng thấy hay quá mang về trang nhà để chia sẻ. Em cũng định đợt tới sẽ chuyển sang uống hàng ngày nước gạo lức, chỉ có điều chỗ nhà em không có gạo lức, phải đi mua ở chỗ khác.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.