Bác NXN vừa đưa cho Thu bản photocopy câu chuyện vừa bảo: "Tôi đọc câu chuyện này thấy thật sự cảm động." Thu tìm trên mạng thấy câu chuyện được đăng trên VietNamNet từ tháng 2/2011. Xin đăng lại lên trang nhà để chia sẻ.
Nguồn VietNamNet: “Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao nước CHDCND Triều Tiên đã phê chuẩn kết hôn của Phạm Ngọc Cảnh, công dân Việt Nam với Ri Yong Hui, công dân Triều Tiên ngày 14-8-2002. Sau khi kết hôn, việc họ sống ở đâu là theo hi vọng của họ. Nếu cô Ri Yong Hui cư trú và sống ở Việt Nam thì cô ấy trở thành công dân Triều Tiên ở nước ngoài” - những dòng thông báo này của Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên gửi tới Bộ Ngoại giao Việt Nam chính là đoạn kết đẹp của một chuyện tình cảm động kéo dài suốt 31 năm.
Nguồn VietNamNet: “Ủy ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao nước CHDCND Triều Tiên đã phê chuẩn kết hôn của Phạm Ngọc Cảnh, công dân Việt Nam với Ri Yong Hui, công dân Triều Tiên ngày 14-8-2002. Sau khi kết hôn, việc họ sống ở đâu là theo hi vọng của họ. Nếu cô Ri Yong Hui cư trú và sống ở Việt Nam thì cô ấy trở thành công dân Triều Tiên ở nước ngoài” - những dòng thông báo này của Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên gửi tới Bộ Ngoại giao Việt Nam chính là đoạn kết đẹp của một chuyện tình cảm động kéo dài suốt 31 năm.
Mối tình giữa chàng sinh viên và cô cán bộ
Năm 1967, Phạm Ngọc Cảnh vừa tròn 18 tuổi. Chàng trai trẻ được nhà nước tuyển chọn, đưa đi học ngành Cơ khí hóa chất tại Đại học Hóa học Công Nghiệp Hàm Hưng. Đây là một thành phố nằm ở phía Đông Thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.
Sau 4 năm miệt mài đèn sách, năm 1971, chàng trai Việt Nam tới nhà máy Phân đạm Hưng Nam để thực tập. Nhà máy này cùng nằm ở thành phố Hàm Hưng, chỉ cách ngôi trường Cảnh học chừng 15km. Anh vào thực tập trong phân xưởng máy nén khí tại tầng 1.
Năm 1950, Ri Yong Hui khi đó mới 2 tuổi và người mẹ vẫn đang mang bầu cô em út thì người bố do lo sợ chiến tranh, đã bỏ rơi 2 mẹ con, lánh sang miền Nam. Ri Yong Hui đã lớn lên trong vòng tay của mẹ, tốt nghiệp PTTH, học lên đại học rồi trở về nhà máy Phân đạm Hưng Nam, làm ở Phòng phân tích trên tầng 2.
Một ngày kia, Ri Yong Hui bất chợt gặp một ánh mắt lạ nhìn trộm mình qua cửa sổ, cô quay ra và đó chính là Phạm Ngọc Cảnh. Từ ánh mắt nhìn đầu tiên ấy, dần dà “đóa dã quỳ Hàm Hưng” đã phải lòng chàng trai Việt, mở đầu cho thiên sử tình yêu mà chính họ cũng không ngờ rằng sẽ kéo dài cho mãi đến 31 năm sau.
Hai người yêu nhau nhưng phải giấu vì pháp luật khi đó cấm, mà thậm chí ngay dư luận cũng không ủng hộ. Thành ra không mấy bạn bè cùng trường của Cảnh biết, chỉ có người mẹ của Ri Yong Hui, nhìn cô con gái rạng rỡ trong tình yêu mà đoán biết tất cả.
Yêu nhau được 2 năm thì đến đầu năm 1973, Phạm Ngọc Cảnh đến hạn về nước. Những tháng ngày cuối cùng bên nhau, thời gian như cuống cuồng trôi, không cách gì níu lại được. Chàng xách va-li, trong lòng nặng trĩu bước chân lên con tàu liên vận, tàu chầm chậm chuyển bánh, dưới sân ga Bình Nhưỡng bóng “đóa dã quỳ Hàm Hưng” trông thật mỏng manh, chạy theo vẫy vẫy chiếc khăn xanh...là những hình ảnh khiến Cảnh không thể nào quên.
“Anh cứ về nước đi, nơi đây em mãi đợi”
Người yêu về nước khiến Ri Yong Hui thất tình ốm ròng cả tháng, thậm chí trong cơn tuyệt vọng cô đã tìm đến cái chết, song cũng một lần nữa người mẹ tảo tần lại kịp thời dang tay ra ôm lấy đứa con gái nhỏ, giữ lại cô với cuộc đời.
Vài tháng sau, Ri Yong Hui bắt đầu nhận được những lá thư gửi từ Việt Nam sang của Phạm Ngọc Cảnh. Mà không phải gửi cho Ri Yong Hui mà gửi cho...mẹ cô, dưới cái tên giả, rất con gái “Pơm Nốc Kiêng”. Vì thời thế, họ vẫn phải giữ kín mối tình của mình trong tim, hỏi nhau bằng những câu hết sức khô khan: “Đồng chí Ri Yong Hui lúc này có mạnh khỏe không”, “Chúc đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”...hoặc ướt át lắm cũng là “Mùa đông năm nay, tuyết ở Hàm Hưng có đổ dày hơn không”?
Chỉ thế thôi, nhưng những dòng chữ khô khan ấy chính là hơi thở đối với Ri Yong Hui. Cô giấu diếm, đọc đi đọc lại cả trăm lần rồi đem thư ra...đốt, bởi nếu để lộ mọi chuyện sẽ coi như chấm dứt hoàn toàn. Ngược lại, về phía mình, Cảnh nâng niu, giữ gìn tất cả những lá thư và kỷ vật mà người yêu gửi sang như những vật báu.
Năm 1978, Phạm Ngọc Cảnh được cử sang lại Triều Tiên để học thêm về sản xuất thuốc trừ cỏ trong thời hạn 3 tháng. Tình hình cũng không sáng sủa hơn, thậm chí Cảnh còn phải hóa trang để có thể gặp được Ri Yong Hui. Thời gian lại vụt trôi, thời hạn 3 tháng sắp hết, Phạm Ngọc Cảnh viết luôn một bức thư khẩn, nói rõ mọi chuyện trong đó, định bụng gửi lên vị đứng đầu Hội Liên hiệp Phụ nữ Triều Tiên lúc đó, mong tìm được lối thoát cho tình yêu.
Tuy nhiên Ri Yong Hui đã cản lại, bởi cô hiểu tình hình đất nước hơn Cảnh, đó vẫn chưa phải lúc. Cầm tay người yêu, cô nói nhỏ: “Anh cứ về nước đi, nơi đây em mãi vẫn đợi”- lời nguyện ước ấy như chất xúc tác, kích thích Cảnh quyết tâm tìm đủ mọi cách về sau, để lấy cho được Ri Yong Hui.
Trở về nước, Cảnh hăng hái lao vào mọi hoạt động có liên quan đến đất nước, nhân dân Triều Tiên. Trước hết là các cuộc vận động, quyên góp ủng hộ nhân dân Triều Tiên: Đích thân anh đi vận động và cũng đích thân anh mang thẳng đến Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội. Dần dà, anh trở thành ủy viên thường trực Hội hữu nghị Việt- Triều. Bằng những hoạt động này, anh cảm thấy vẫn được gần gũi với tình yêu.
Nhưng ông trời cũng khéo thử thách lòng người, năm 1992 là thời điểm cuối cùng Phạm Ngọc Cảnh nhận được thư gửi từ Ri Yong Hui, sau đó bặt tăm. Anh đã xới tung đến mối quan hệ cuối cùng để tìm thông tin về người yêu, song tất cả đều bặt tăm, vô vọng.
Năm 1997, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm sang thăm nước bạn, Phạm Ngọc Cảnh biết tin vội viết thư cậy thẳng đến bác Cầm. Bác vui vẻ nhận lời giúp, và đã chuyển lời trong buổi làm việc với bạn. Một thời gian sau thông tin từ phía Đại sứ quán của bạn đưa lại là Ri Yong Hui đã đi lấy chồng.
Cảnh quyết không tin điều này, vì nếu như Ri Yong Hui muốn đi lấy chồng thì cô đã đi từ nhiều năm trước, chứ không phải đến giờ.
Lúc này, Cảnh đã chuyển từ Tổng cục hoá chất sang làm việc ở Sở TDTT Hà Nội, trong vai trò phiên dịch cho các huấn luyện viên taekwondo Triều Tiên và câu lạc bộ mô-tô, cốt cũng để biết thêm thông tin về người yêu. Đớn đau hơn, năm 2001, Cảnh còn nhận được tin báo là Ri Yong Hui đã...chết vì ốm từ 10 năm trước, mãi về sau bạn anh là Park Sang Kim (làm phiên dịch cho những đoàn cán bộ cấp cao của Triều Tiên khi sang thăm Việt Nam) đã tìm về thành phố Hàm Hưng và báo lại cho Cảnh tin mừng, người yêu anh vẫn mạnh khoẻ và một lòng chờ anh.
Phê chuẩn tình yêu
Tình yêu lại được thổi thêm ngọn lửa sức mạnh, Cảnh tiếp tục chờ đợi. Và cuối cùng thời cơ đã đến, đó là vào tháng 5/2002, đoàn đại biểu cấp cao nước CHXHCN Việt Nam sang thăm nước CHDCND Triều Tiên, cùng đi có bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Di Niên.
Phạm Ngọc Cảnh suy nghĩ liền nhiều đêm, rồi quyết định viết một bức thư gửi lên các vị lãnh đạo trong đoàn nhờ can thiệp giúp chuyện tình cảm của mình. Trong chuyến thăm và làm việc tại Triều Tiên, chuyện của Cảnh đã được nhờ phía bạn quan tâm, giúp đỡ.
Một thời gian ngắn sau, đột nhiên một ngày Cảnh nhận được Phê chuẩn kết hôn của Uỷ ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao nước CHDCND Triều Tiên, cho phép anh lấy Ri Yong Hui.
Phạm Ngọc Cảnh lập tức chuẩn bị đồ lễ cưới hỏi, làm thủ tục và đến ngày 1/10/2002 anh đã có mặt ở Bình Nhưỡng. Vài ngày sau, Ri Yong Hui cũng lên đến nơi, hai người gặp nhau, đưa cuộc tình kéo dài 31 năm có hồi kết như chuyện cổ tích. Về Việt Nam, hai người tổ chức lễ cưới long trọng tại Nhà thi đấu Hà Nội vào ngày 13/12/2002, khi đó chàng rể trẻ đã 54 tuổi còn cô dâu mới vỏn vẹn...55 tuổi.
Chuyện tình của họ càng đẹp hơn, khi nhờ báo đài loan tin mà mấy người em cùng cha khác mẹ của Ri Yong Hui ở Hàn Quốc cũng biết tin và sang Hà Nội gặp được chị (nếu Ri Yong Hui còn ở Triều Tiên thì điều này là không thể).
Chuyện tình của họ càng đẹp hơn, khi nhờ báo đài loan tin mà mấy người em cùng cha khác mẹ của Ri Yong Hui ở Hàn Quốc cũng biết tin và sang Hà Nội gặp được chị (nếu Ri Yong Hui còn ở Triều Tiên thì điều này là không thể).
Tôi đến nhà chú Phạm Ngọc Cảnh và cô Ri Yong Hui (tuổi tôi phải gọi là cô, chú) vào một ngày cuối đông, năm 2010. Một căn nhà tập thể khiêm nhường nằm ở khu Thành Công, chú Cảnh vừa về hưu nên có nhà, còn cô dù đã ngoài 60 tuổi, vẫn đi dạy thêm ở một Trung tâm tiếng Hàn Quốc ở khu Trung Yên.
Chú Cảnh cho biết cả 2 vợ chồng vừa trở về Triều Tiên hôm 9/11/2010, sau 8 năm kể từ ngày Ri Yong Hui đi lấy chồng. Vẫn đi bằng tàu liên vận, mất 44 tiếng đồng hồ để đến được Bắc Kinh, sau đó đợi 2 ngày rồi mới có tàu qua Bình Nhưỡng.
Lần về thăm quê vợ này, Phạm Ngọc Cảnh chuẩn bị thật nhiều quà từ những chiếc đèn pin cho đến quần áo giày dép, vẫn như lúc vận động trong Hội hữu nghị Việt-Triều. Dù rằng do một số quy định của nước bạn, 2 vợ chồng chỉ được ở Bình Nhưỡng, song khỏi phải nói cô Ri Yong Hui đã vui đến như thế nào khi được về “nhà đẻ”.
Điều đáng nói là khi 2 vợ chồng đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên, một số cán bộ ở đây cho hay: vẫn có rất nhiều người ở thành phố Hàm Hưng thi thoảng hỏi thăm về Ri Yong Hui, về câu chuyện tình đẹp như trong chuyện cổ tích của họ.
Phú Thái
Một câu chuyện tình thật là cảm động. Một tình yêu đẹp và cảm động, vượt qua mọi thử thách về không gian, thời gian, dân tộc...Kết thúc có hậu là kết quả của tình yêu, niềm tin mãnh liệt của hai người.
Trả lờiXóaMột câu chuyện tình như chỉ có ở trong mơ. Tình yêu của họ thật đáng trân trọng. Chúc cả hai anh chị mãi mãi hạnh phúc.
Trả lờiXóaÔng Cảnh thực sự là người đàn ông với đúng nghĩa "đàn ông". Ở trường Trắc địa Mátxcova, nơi Hgvan học có một chàng sinh viên yêu cô giáo dạy tiếng Nga của mình, ông này đẹp và cô giáo cũng rất đẹp. Thời đó là những năm 70, đúng là bị "cấm yêu", đặc biệt là đối với người nước ngoài, nhưng chàng SV này đã bí mật có 2 người con với cô giáo. Sau một thời gian dài chiến tranh xa cách, bặt tin nhau, bà giáo vẫn chờ đợi. Đến khi 2 con đã lớn, nhờ sự giúp đỡ của Hội Trắc địa Bản đồ Việt Nam, bà và con sang Việt Nam tìm chồng và cha, nhưng chàng SV xưa đã trở thành một ông già đẹp lão nhưng quá xấu nết, không dám nhận vợ và con, không dám gặp lại "cô giáo cũ" của mình. Thật đáng trách. Bởi vậy Hgvan mới cảm phục và thấy ông Cảnh mới đúng là người "đàn ông".
Trả lờiXóa@ Chị Vân: Em thực sự cảm phục ông Cảnh và có lẽ ít người được như ông ấy. Người ta có thể yêu một ai đó suốt đời nhưng giữ được lòng chung thủy thì thật là khó. Nhiều người ở trong cùng hoàn cảnh đã chọn cách lấy một người phụ nữ mà mình không yêu để có một gia đình, có con nối dõi, để có người chăm sóc lúc ốm đau cũng như để giải tỏa những nhu cầu về tâm sinh lý. Người như ông Cảnh thật đáng quý.
Trả lờiXóa