Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Kẻ thù của ta ở trong chính ta

Ngồi thiền dưới nhà sàn lớn ở Côn Sơn (8/2011)
Mỗi người chúng ta đến với Thiền đều là nhờ có được một cơ duyên nào đó. Cơ duyên ấy sở dĩ có được là vì trong tiền kiếp chúng ta đã có được mối liên hệ nhất định với con đường tu tập. Song nếu chỉ có cơ duyên đó thôi thì chưa hẳn chúng ta đã có đầy đủ yếu tố để đạt được kết quả như mong muốn. Chúng ta có duyên gặp gỡ với Thầy, được tiếp thu kiến thức tu Thiền, nhưng tâm năng chúng ta không tích cực, thì cơ duyên ấy nhanh chóng tiêu biến hoặc không đem lại kết quả. Nói như vậy có nghĩa, cơ duyên như là hạt mầm đầu tiên để một Nghiệp tốt lành có thể được gieo và nảy nở trong kiếp này. Và để hạt mầm ấy có thể nảy nở tươi tốt chúng ta phải tự thân mình nỗ lực vượt qua rất nhiều thử thách. 



Quá trình Thiền định, tu tập là quá trình tự dấn thân và tự trải nghiệm. Không ai có thể đem lại cho bạn một tinh thần thanh sạch, một sức khỏe bền bỉ, một thái độ sống ung dung nếu như bạn không tự dùng tâm năng tích cực của mình để tu luyện. Trong quá trình tự trải nghiệm ấy, mỗi người cũng phải vượt qua những thách thức riêng tùy vào điều kiện, hoàn cảnh sống, trạng thái tâm lý của mỗi người.
Có rất nhiều yếu tố cản trở quá trình tu luyện của chúng ta. Đó có thể là sự bận rộn của công việc, những lo toan đối với một gia đình cần phải chăm sóc…khiến chúng ta khó có thể định tâm được. Hoặc do yếu tố phong thủy nơi bạn đang ngồi Thiền cũng tác động phần nào tới hiệu quả của quá trình hành Thiền. Hoặc việc ngồi Thiền trong một khoảng thời gian nhất định khiến cho chân, lưng tê nhức cũng khiến cho tâm bạn không thể định được. Tuy nhiên, tất cả những trở ngại trên đều chỉ là những tác động từ bên ngoài, và nó có căn nguyên từ một trở ngại lớn nhất nằm ngay trong chính chúng ta, đó là tâm ngôn.
Tâm ngôn là những suy nghĩ, những lời mình tự nói với chính mình, những suy tư biện luận, những đối thoại đang thầm lặng giằng xé trong não.
Khi ngồi Thiền, bạn có thể nhanh chóng làm đúng các kỹ thuật Thiền. Ví dụ như việc ngồi kiết già, được xem là một trong những kỹ thuật cơ bản và khó nhất. Hoặc tùy từng bài Thiền, với những yêu cầu khác nhau, bạn có thể làm theo những lời giảng của Thầy được. Duy chỉ có một khó khăn duy nhất mà chúng ta rất khó có thể vượt qua đó là những tạp niệm khởi lên trong tâm trí chúng ta khi chúng ta đang ngồi Thiền. Đó chính là kẻ thù nằm ngay trong chính chúng ta, phá hoại quá trình đi tới trạng thái định của Thiền.
Những tạp niệm ấy đều có nguồn gốc từ tâm ngôn mà ra. Ví dụ, khi ngồi Thiền trong ý thức bạn khởi lên một ý niệm “chân đau quá, chân đau quá”, lập tức ý niệm ấy đã khiến cho ý thức về sự đau làm cản trở quá trình định tâm của bạn. Hoặc những hình ảnh diễn ra trong một ngày làm việc, những gương mặt người mà bạn gặp trong những mối quan hệ khác nhau cứ dần dần hiện lên trong tâm trí bạn và cơ chế của tâm ngôn sẽ gắn cho nó một cái danh (tên) nhất định. Khi một tạp niệm nào đó được định danh thì nó trở thành dòng ý nghĩ trong bạn.
Mục tiêu của việc luyện Thiền là đạt tới trạng thái tâm không vô thức. Nhưng chính cơ chế gắn tên, định danh cho ý niệm nào đó, đã khiến trong não chúng ta tràn đầy các ý niệm, các hình ảnh hỗn độn giằng xé lẫn nhau. Những ý niệm đó hỗn độn và ào tới, xâm lấn khoảng không trong tâm trí chúng ta, và vì thế mà vĩnh viễn chúng ta không thể định tâm được. Cho nên, bạn có thể ngồi Thiền vài giờ đồng hồ, nhưng nếu tâm không sạch các ý niệm, thì toàn bộ quá trình Thiền của bạn trở nên vô nghĩa.
Đó là lý do vì sao, tôi xem tâm ngôn chính là kẻ thù lớn nhất nằm trong chúng ta.
Nhờ có ngôn ngữ mà chúng ta mới viết lên lịch sử của loài người. Cũng nhờ có ngôn ngữ mà chúng ta mới có thể giao tiếp được với nhau. Ngôn ngữ giúp chúng ta gọi tên sự vật, phân biệt vật này với vật khác. Nhưng, một sự thật là, ngôn ngữ vừa là công cụ, lại vừa là giới hạn của tâm thức đã làm hạn chế khả năng nhận thức sự vật như chính nó vốn có.
Nếu như ý thức của bạn không cho cái cảm giác mà bạn cảm thấy ở chân một ý niệm “đau”, thì chắc hẳn bạn sẽ không suy nghĩ rằng chân đau. Khi không gọi tên sự vật, ý niệm, thì những ý niệm, sự vật ấy sẽ không còn tồn tại trong đầu ta nữa. Tư duy không phải là ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ chính là cái vỏ mà qua đó tư duy được hiện hình. Đó cũng lý giải tại sao, đôi khi không thể dùng một từ ngữ nào để miêu tả một ý nghĩ siêu hình nào đó trong đầu ta. Tất cả đều là sự cảm nhận mà thôi. Chính vì thế, để có thể đạt tới trạng thái tâm không vô thức, chúng ta phải học cách làm ngưng cơ chế hoạt động của tâm ngôn lại.
Cơ chế hoạt động của tâm ngôn là gắn tên, định danh cho hình ảnh, ý niệm, cảm giác mà não bạn ghi nhận được. Để làm ngưng cơ chế hoạt động của tâm ngôn, chúng ta hãy học cách không gọi tên, không định danh bất kỳ một hình ảnh, một ý niệm, một cảm giác nào trong tâm thức. Không nói thầm trong suy nghĩ của mình. Tất cả đều trở nên phẳng lặng. Khi những ý nghĩ “nói chuyện” với nhau, ấy là lúc mà cái tâm ta lăng xăng nhất. Trông vẻ bề ngoài của chúng ta khi ngồi Thiền rất tĩnh lặng và bình thản. Nhưng chỉ có duy nhất bạn mới biết giông bão đang nổi lên như thế nào trong tâm trí mình. Những mạng nhện ý nghĩ cứ đan bện với nhau và chúng cứ nói mãi trong bạn. Lúc ấy, bạn sẽ nhớ tới một nỗi bực tức nào đó xảy ra sáng nay ở cơ quan, hoặc bạn nghĩ về khoản tiền cần có để trong tương lai bạn sẽ xây nhà v.v. Lúc ấy, bạn nghĩ tới những gì đã qua, những gì đang tới, nhưng bạn quên mất một điều duy nhất là bạn đang hành Thiền với mục tiêu là đạt tới sự tĩnh lặng tuyệt đối. Hãy học cách không nói thầm trong đầu, không định danh hay gọi tên bất kỳ một ý niệm, hình ảnh, cảm xúc nào trong bạn. Những ham muốn, khát vọng, mục tiêu trong công việc hãy tạm gác sang một bên để tạo ra một khoảng không vô tận trong tâm trí bạn.
Khi bạn không nói thầm trong đầu, không gọi tên định danh một ý niệm, một hình ảnh hay một cảm xúc nào đó không có nghĩa là bạn chìm vào giấc ngủ. Bạn vẫn tỉnh thức, nhưng bạn không gọi tên ý niệm ấy ra, không đặt tên cho ý niệm ấy. Lúc đó, bạn đã làm dừng cơ chế của tâm ngôn lại.
Chiến thắng những ý nghĩ trong đầu mình thực sự là một việc làm hết sức khó khăn. Vì khi một niệm đã khởi lên rồi thì chúng sẽ cứ tồn tại mãi. Đó cũng là lý do vì sao mà Phật Tổ răn rằng: chiến thắng vĩ đại nhất là chiến thắng chính bản thân mình. Con người chúng ta khổ là do đâu? Là do chính những ý nghĩ trong đầu chúng ta làm khổ ta. Vì vậy, hãy học cách loại trừ nó ra khỏi tâm trí bạn.

Quá trình tu Thiền đầy thách thức, nhưng cũng đầy những trải nghiệm thú vị. Tất cả những điều đó đều tạo cho chúng ta một sự cảm nhận hết sức tinh tế về những gì mà cuộc sống đã ban tặng.
Diệu Minh

8 nhận xét:

  1. Chào Diệu Minh. Đọc bài của DM, mình thấy như bạn nói về bài thiền của môn Thiền định vậy. Làm như bạn nói đúng quá, nhưng khó quá. Không biết các bác thế nào, chứ HgVan tôi muốn định được là luôn phải nhẩm một câu trong đầu, ví dụ khi thiền bài Thiên địa nhân hợp nhất, thu năng lượng tiên thiên vào lx7, thế là HgVan luôn nhẩm "tập trung thu năng lượng tiên thiên, năng lượng của vũ trụ, của các vì sao trên dải Ngân Hà vào trong cơ thể qua lx7", mình phải nhẩm câu đó hàng trăm lần. Có như vậy mình mới tập trung làm đúng được. Nhưng cũng có những lần trong khi thiền, một ý nghĩ chợt đến, và đến khi thiền xong, mình làm điều đó một cách thoải mái và mang lại kết quả tuyệt vời. Đôi khi bản thân có việc vô cùng cần xin Đức Thầy tổ về giúp, khi thiền mình luôn khấn Thầy, khấn liên tục, liên tục. Và rồi sau khi thiền xong, mình đã được toại nguyện, Thầy tổ đã giúp mình hoàn thành một số việc rất quan trọng, và mình đã không quên Đa tạ Thầy. Mình cũng không hiểu đó có phải là tự ngôn không nữa. Nhưng thực tế là mình đã làm như vậy.

    Trả lờiXóa
  2. Mình cũng xin góp thêm, khi ngồi thiền, nếu mình bị bệnh hoặc đau ở đâu đó, mình liên tục khấn Thầy tổ về chữa bệnh cho mình, ví dụ mình bị đau lưng chẳng hạn, mình liên tục khấn Thầy về chữa khỏi bệnh đau lưng cho mình, khi thấy phần đau ở lưng nóng lên là biết khỏi bệnh, vậy đó có phải là tâm ngôn không?

    Trả lờiXóa
  3. Khi ngồi thiền, có nên chăng chỉ cần buông bỏ mọi tạp niệm, không xuy nghĩ gì cả, không ràng buộc bởi một ý định chủ quan, không quá lo lắng đến bệnh tật...Mục đích cao nhất là tu luyện để vượt ra khỏi ngũ hành. Vì vậy khi tu luyện tất nhiên, trước tiên là làm cho cơ thể hết bệnh tật. Đó là điều đương nhiên, tự động. khi đang thiền, nếu mất tập trung thì hãy tập trung lại. Quá trình tập luyện, sự mất tập trung sẽ dần bớt đi đến khi không còn nữa. Thế mới là lẽ tự nhiên, thế mới cần tu luyện. Điều khiển quá trình tập bằng ý nghĩ chủ quan chưa chắc đã có hiệu quả đâu. Có phải đâu cứ xin thày Tổ là được, phải tu luyện gian khổ lắm mới thành công. Thày chỉ độ cho ai có lòng kiên trì, vượt khó thôi. Đấy, tôi tập thiền như thế đấy. Mọi người thủ mà xem.

    Trả lờiXóa
  4. Trong quá trình luyện Thiền, xảy ra rất nhiều khó khăn và trở ngại. Sự xuất hiện của tâm ngôn trong quá trình Thiền cũng là mộ trong những trở ngại ấy. Việc làm theo lời dẫn trong từng bài Thiền là hết sức cần thiết, nhưng trong mỗi bài Thiền, đều có một khoảng thời gian để Định thần. Lúc đó, không còn lời dẫn của Thầy nữa. Do đó, yêu cầu dẹp bỏ tâm ngôn là cần thiết.
    Việc khấn xin Thầy Tổ về chữa bệnh cho mình là đúng, nhưng muốn khỏi bệnh thì không thể khấn không, mà dựa vào sự nỗ lực của cá nhân rất nhiều. Ngay cả việc, cứ khấn xin liên tục, cũng cho thấy rằng tâm đang bị ràng buộc bởi bệnh tật.
    Kính!

    Trả lờiXóa
  5. Diệu Minh mến ! Tâm ngôn mà bạn nói đến có phải là tạp niệm trong lúc ngồi thiền không nhỉ ? .Nếu đúng vậy , thì DN nghĩ rằng trong quá trình ngồi thiền những tạp niệm đan xen là lẽ tự nhiên .Trong quá trình tu luyện đó ta thật kiên nhẫn ,gian khổ mới dần dần loại bỏ được tạp niệm . Khi đã buông bỏ được hết rồi coi như ta đã đạt quả vị ALAHÁN .Còn như loại bỏ tạp niệm theo ý nghĩ chủ quan thì tạp niệm đó càng ngày càng đầy ắp trong đầu ta mà thôi . Còn DN cũng như HgVân Ngồi vào thiền vẫn phải khấn Thầy Tổ về trợ duyên cho đấy. DN nghĩ như vậy không biết có đúng không mọi người nhỉ ??

    Trả lờiXóa
  6. "...bạn có thể ngồi Thiền vài giờ đồng hồ, nhưng nếu tâm không sạch các ý niệm, thì toàn bộ quá trình Thiền của bạn trở nên vô nghĩa." nói như vậy không hoàn toàn chính xác đâu Diệu Minh ạ. Ở CLB rất hiếm người đạt được trạng thái định trong suốt quá trình thiền nhưng số người nhờ thiền khỏi bệnh vẫn tăng. Vậy có nghĩa là dù chưa loại bỏ được tạp niệm trong quá trình thiền, việc luyện thiền kiên trì vẫn có tác dụng.

    Trả lờiXóa
  7. Rất đồng ý với ý kiến của các bác. HgVan cũng đã được đọc một số bài nói về THIỀN, chỉ riêng nói về thiền thôi cũng rất nhiều phương pháp, nhiều cách, nhiều quan niệm, nhưng áp dụng THIỀN là cách hướng sự tập trung của bản thân vào chỉ một việc thôi là cách mà HgVan thường thực hành và cho đến nay HgVan thấy có kết quả. Trong lúc tọa thiền, khi phát hiện có tạp niệm xen vào là lập tức HgVan lại niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, và quay lại bài đang thực hiện. Và cũng xin nói thêm là tạp niệm vẫn đến, vẫn quấy quả mình, mình xem đó như là thử thách bắt buộc mình phải vượt qua. Đọc bài của DM, nếu ai mới bước vào thiền chắc sẽ lo lắng lắm vì khó quá, mấy ai làm được. Được như DM nói trong bài chắc chỉ có các bậc cao niên trên thiền viện thôi, chứ theo HgVan được biết, các bậc "thấp niên" khi ngồi thiền vẫn thường xuyên bị thầy quản thiền "quật" vì tội ngủ gật hoặc ngọ nguậy.

    Trả lờiXóa
  8. Nhận xét của Hoàng Thị Hải Vân:

    Cô Bình à! Khi mới ngồi thiền đau nhức, ê ẩm, khó chịu… ngồi thiền có tập trung yên tĩnh, tĩnh tâm được đâu song hành cùng nó là tâm vọng tưởng lăng xăng của mình nghĩ đủ mọi thứ chuyện trên đời nối tiếp nhau thời gian này qua thời gian khác vẫn không hết rốt cục vẫn không đi đến đâu. Lúc đó mình phải tự điều chỉnh và tự nhắc nhở bản thân cố gắng tranh thủ thời gian ngồi thiền loại bỏ và gạt bỏ tâm vọng tưởng và lăng xăng của mình làm sao tranh thủ khi thiền đạt kết quả không ít thì nhiều tuỳ cơ duyên của mỗi người
    Cô Bình à! Khi mình luyện tập đạt mức uyên thâm cùng mức năng lượng cao ở trong cơ thể thì tự nhiên bệnh tật đẩy lùi và mình có khả năng chữa bệnh giúp mọi người cùng chia sẻ những thành tựu cùng kinh nghiệm mình. Nếu mình luyện chưa đạt tới mức độ xuất sắc và chưa đủ tự tin mình chữa khỏi bệnh cho mình cùng khả năng chữa bệnh cho mọi người cho hết bệnh. Đa phần xin Thầy tổ về trợ giúp để trong tâm cùng tư tưởng yên tâm và tin tưởng ở khả năng của mình bên cạnh có Thầy tổ về hỗ trợ. Cầu xin Thầy tổ về trợ giúp nhưng thực tế cầu xin gì Thầy tổ cũng cho đâu và trợ giúp đâu. Mà một phần ở trong đấy là sự nỗ lực, ý chí, nghị lực, sự kiên trì của mỗi người cùng một phần sự trợ giúp của Thầy tổ. Thầy là người dìu dắt và hướng dẫn mình đi trên con đường chánh đạo. Có đạt được thành tựu hay không là do chính bản thân mình phấn đấu và nỗ lực. Thực tế đạt được thành tựu viên mãn có nhưng mà rất ít
    Cháu nghĩ các bà, các cô... và cháu vui mừng vì CLB có một người trẻ tuổi đã có một bài viết suy nghĩ rất thấu đáo, chín chắn và sâu sắc, và am hiểu về thiền và cuộc sống. Chị mừng cho em Diệu Minh đã có duyên đến với CLB DSNL và rất khâm phục em dù còn trẻ tuổi đã có suy nghĩ cùng bài viết rất hay và sâu sắc

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.