Trang

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Bài học tuyệt vời nhất của Ohsawa

Câu lạc bộ chúng ta không ít người biết và sử dụng thực dưỡng Ohsawa. Bản thân người sưu tầm bài này thỉnh thoảng vẫn dùng món "cà phê" vào mỗi sáng. Đó là tên chúng tôi vẫn gọi đùa cho món bột ăn liền gồm 9 loại ngũ cốc khác nhau đã được rang chín chỉ cần hòa với nước sôi, tùy theo nhu cầu pha đặc sệt như bột hoặc pha loãng hơn để uống. Vì thực phẩm có màu nâu giống màu cà phê nên chúng tôi gọi luôn như vậy. Thú thật khi mới làm quen thấy cũng khó ăn nhưng chỉ sau vài bữa thấy dễ chịu. Chỉ với 3-4 thìa bột hòa nước đun sôi tôi có thể làm việc cả buổi sáng mà không mệt. Sau khi ăn xong có cảm giác vị ngọt của ngũ cốc ở đầu lưỡi và hơi thở thơm tho suốt cả buổi sáng. Bữa sáng với Ohsawa thật nhẹ nhàng, tiết kiệm thời gian. "Ăn mà như chưa ăn".  Mỗi lần đi Côn Sơn chúng tôi tranh thủ "khuân" vài gói về ăn dần. Ngoài thực dưỡng Ohsawa còn có món "cháo trai", chúng tôi vẫn gọi vậy vì khi quấy lên, cho thêm một ít nấm hương thái nhỏ, ta có một tô cháo thơm ngon với hương vị y như cháo trai. Thỉnh thoảng đoàn thiền dã ngoại của CLB trước khi rời Côn Sơn vẫn được cô Dung tiễn bằng những bát "cháo trai" thơm ngon ấy. 
Xin giới thiệu một bài viết về George Ohsawa, người đã sáng lập ra cách ăn uống theo phương pháp thực dưỡng để chúng ta có thể hiểu thêm về tư tưởng của ông.

Bài học tuyệt vời nhất của Ohsawa
Carl Ferre
 "Thức ăn là nền tảng của sức khỏe và hạnh phúc." George Ohsawa
Câu nói này xuất phát trong ngành khoa học: “Chúng ta không biết, không thể biết và không bao giờ biết được”. Còn câu nói này xuất phát có trong cuộc điện thoại giữa George Ohsawa và Faith: “Chúng ta biết, luôn biết và sẽ luôn biết”.

 
Khoa học nghiên cứu từng sự vật riêng rẽ và cố tìm hiểu xem chúng hoạt động thế nào và có tác động liên quan gì tới nhau. Những dụng cụ nghiên cứu lỗi thời làm hạn chế khoa học. Ohsawa nhìn thế giới như một thể thống nhất và cố gắng giải thích sự khác biệt giữa nó và các thế giới khác. Hạn chế của ông chỉ là vấn đề ngôn ngữ.
500 năm trước đây khoa học một mực khẳng định rằng mặt trời, mặt trăng và các vì sao quay xung quanh Trái đất - trung tâm của vũ trụ. Ngày nay chúng ta đã nhận thức được rằng giả thiết này là không chính xác. Các công cụ hiện đại đã giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn và biết được rằng mặt trăng quay quanh Trái đất; Trái đất, măt trăng cùng với các hành tinh khác quay quanh Mặt trời; Mặt trời cùng với mọi thứ quay quanh nó lại đang quay quanh trung tâm của dải ngân hà.
Cũng cách đây không lâu, khoa học đã cho rằng không thể tách các hạt nguyên tử. Cho đến khi máy móc đủ hiện đại thì các hạt nguyên tử có thể tách và mở ra một thế giới mới. Ngày nay chúng ta có thể nhìn mọi thứ trong cũng như ngoài Trái đất rõ nét hơn rất nhiều.
Ohsawa theo sát bước chân các nhà khoa học và triết học ở cả phương Đông và phương Tây. Ông nhận thấy rằng khoa học phương Tây chú trọng nghiên cứu vật chất còn khoa học phương Đông thì chú trọng vào các hiện tượng siêu nhiên. Ohsawa đã cố gắng thống nhất hai nền khoa học và ông tin tưởng rằng mỗi cái đều có lợi từ cái kia. Trong khi những ứng dụng khoa học ở phương Tây được Ohsawa giới thiệu ở phương Đông và ngược lại, khá thành công thì lĩnh vực chính của ông là giảng dạy triết học lại không được chú ý đến.
Cái mà Ohsawa tìm ra ở các nước phương Đông là người dân ở đây có những chế độ ăn uống nghèo nàn. Ohsawa đã phản ứng lại bằng cách nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của chế độ ăn uống nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Có rất nhiều người dạy và thực hành theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa nhưng rất ít trong số đó hiểu được ý nghĩa đích thực của phương pháp này. Cái đích cuối cùng mà thực dưỡng đem lại là sức khỏe, hạnh phúc, và thậm chí còn là một thế giới hòa bình hơn là một sự đánh giá cao thượng hoặc là sự thống nhất của các giới hạn
Điều gì là quan trọng nhất trong phương pháp thực dưỡng Ohsawa? Hãy hỏi 10 người hướng dẫn thực dưỡng hay những người tư vấn và khả năng là bạn sẽ nhận được 10 câu trả lời khác nhau như đó là sự thống nhất âm dương, tình trạng sức khỏe, một thế giới không có kẻ thù hay tính độc quyền, công bằng, chủ nghĩa cá nhân, hoặc là lòng biết ơn.
Tôi tin rằng điều tuyệt diệu nhất trong phương pháp thực dưỡng Ohsawa là tất cả chúng ta đều có sợi dây liên hệ với nhau, với các giới hạn, với Chúa hay các thánh thần. Mọi ốm đau, buồn khổ đều bắt đầu từ cảm giác bị chia rẽ và sẽ lại kết thúc khi chúng ta được đoàn tụ. Không cô độc là điều mà Ohsawa muốn chúng ta nhận thức ra được.
 Nguồn ảnh: Internet
Cuộc sống khá là đơn giản - chúng ta hít vào rồi lại thở ra. Nếu ta hít vào và cố gắng giữ nó lại mãi mãi thì rốt cục chúng ta sẽ chết. Hàng ngày chúng ta ăn, sử dụng những cái chúng ta cần và thải ra chất cặn bã. Nếu chúng ra tham lam và ăn nhiều hơn giới hạn mà cơ thể có thể chịu đựng, dạ dày phải làm việc quá mức, thì lúc đó cảm giác buồn nôn sẽ xuất hiện, chứng tỏ cơ thể đang cố gắng tống lượng thức ăn thừa ra ngoài để bảo vệ chính nó.
Những quá trình như vậy xảy ra ở mọi phương diện cuộc sống. Nếu chúng ta hấp thụ nhiều hơn là chúng ta cần hay có thể dùng, điều đó sẽ làm cho cơ thể khó chịu và chứng buồn nôn xuất hiện. Rất nhiều người trong số chúng ta có những ngôi nhà với các phòng chứa đồ lưu giữ đầy kỉ niệm, rất nhiều vật dụng sang trọng để làm cho cuộc sống thêm phần thú vị... Và rồi chúng ta bắt đầu lo lắng rằng liệu kẻ trộm có đến và ăn cắp những tài sản đó. Thế là chúng ta khóa cửa, thậm chí mua cả súng, đến gặp bác sĩ tâm lý để giảm bớt sự căng thẳng sự hãi. Chúng ta cảm thấy bị chia cắt, cô độc.
Chúng ta học cách hít vào nhưng lại quên mất việc học cách thở ra. Chúng ta biết là phải làm thế nào nhưng lại quên không thực hiện. Ohsawa đã từng nói: “Cho đi, cho đi, cho đi không giới hạn”. Có thể hiểu câu đó là: “Khi chúng ta nhận, thì chúng ta phải cho đi”.
Lần đầu tiên khi tôi tham gia vào một buổi thuyết trình về vấn đề này, một người trong số khách đến dự đã nói: “Tôi chưa từng cho đi cái gì. Tôi phải làm việc chăm chỉ thì mới có được tất cả những thứ tôi đang có. Vậy tại sao tôi phải cho đi?”.
Tôi nói anh ta đợi cho đến khi buổi thuyết trình kết thúc và tôi sẽ trả lời câu hỏi này. Sau đó, tôi đưa ra 3 món ăn thực dưỡng có thể được coi là quan trọng nhất. Đó là: gạo lứt, muối và bắp cải. Tôi mới hỏi: “Thế còn nước, không khí và ánh sáng mặt trời?”.
Ngay lập tức, người kia đứng dậy và nói: “Những cái đó không tính vì chúng là tự nhiên có sẵn”. Sau khi nói xong, anh ta đã bật khóc và lấy tay ôm lấy khuôn mặt. Chúng ta đã quên rằng chúng ta đã được ban tặng cho sự sống - mỗi nhịp thở là một món quà. Cho đi và chia sẻ là một cách giúp chúng ta nhận ra mối liên hệ với người khác và với các giới hạn cuộc sống.
Cuộc sống rất đơn giản. Chúng ta thích khoa học, hãy đưa mắt và quan sát mọi vật riêng rẽ. Chúng ta nhận ra rằng mỗi một vật đối lập với nhau - nóng và lạnh, chủ động và bị động, giãn nở và co lại… Nếu chúng ta nóng, chúng ta tìm kiếm sự mát mẻ. Nếu lạnh, chúng ta đi tìm sự ấm áp. Theo đó thì cách nhìn cuộc sống của ta cũng sẽ đơn giản đi.
Tuy nhiên, khi chúng ta có một lượng kiến thức rộng lớn hơn thì rắc rối lại bắt đầu xuất hiện. Nếu chúng ta ốm, chúng ta mong chờ kiếm tìm sự khỏe mạnh. Nhưng khi khỏe mạnh, chúng ta sẽ không mong chờ sự ốm đau. Trên thực tế, những thứ chúng ta muốn đều đối lập với những thứ khác. Chúng ta muốn mạnh khỏe vượt lên ốm đau, hạnh phúc vượt lên đau khổ, hòa bình vượt lên chiến tranh, hiểu biết vượt lên sự ngu dốt, tình yêu vượt lên thù hận, sung sướng vượt lên thất vọng và tự do vượt lên nô lệ.
Ước muốn cái này vượt lên trên cái kia không khác việc hít vào để thở ra. Rắc rối ở chỗ chúng ta bắt đầu bằng việc quan sát các sự việc đối lập và rồi cố tìm cách thống nhất chúng. Chúng ta nghĩ đó là thông điệp của Ohsawa. Tuy nhiên, Ohsawa lại đang cố gắng giúp chúng ta hướng tới sự hòa hợp trước và sự chia cắt chỉ là mặt nổi bề ngoài. Điều đó giải thích tại sao các sự việc đối lập đối có tính chất bù trừ cho nhau. Khỏe mạnh và bệnh tật là mặt trước và mặt sau của cùng một hiện tượng.
Và tại đây, chúng ta mắc vào rắc rối về ngôn ngữ. Chúng ta có một từ để thể hiện tính thống nhất giữa quá khứ và tương lai - hiện tại. Vậy từ ngữ nào phù hợp nhất để chỉ tính hợp nhất của khỏe mạnh và ốm đau. Không có từ nào. Hãy tạm ngừng thắc mắc và những băn khoăn tìm kiếm mối liên hệ giữa những cặp phạm trù. Kết quả là: khỏe mạnh thực sự, hoàn toàn hạnh phúc, hòa bình muôn đời, hiểu biết sáng suốt, tình yêu không tính toán, vui vẻ thoải mái và tự do không giới hạn.
Hãy thử coi sức khỏe thực tế là một quả bóng với sức khỏe nằm ở trung tâm và ốm đau nằm ở ngoài biên. Chúng ta đá quả bóng trong suốt cuộc đời. Thỉnh thoảng chúng ta gần với khỏe mạnh, đôi khi lại kề với bệnh tật nhưng chúng ta luôn ở một giới hạn nào đó chừng nào ta còn sống. Mỗi cặp phạm trù nói trên đều có thể xem xét như vậy - như một quả bóng với mong muốn chính đáng ở giữa và những điều không muốn nằm ở ngoại biên.
Chúng ta sống chung với sức khỏe và bệnh tật, hạnh phúc và đau khổ, chiến tranh và hòa bình… Cái mà chúng ta kiếm tìm là sức khỏe thực sự, hạnh phúc lâu bền… Vì chúng ta tùy ý đặt sức khỏe ở giữa nên chúng ta cố gắng di chuyển quả bóng đến vị trí trung tâm, tránh đi về phía đường biên. Nói cách khác, chúng ta cố gắng nâng cao sức khỏe và loại trừ bệnh tật. Đó là một sai lầm lớn. Vị trí tốt nhất chúng ta nên đứng là ở ranh giới giữa sức khỏe và bệnh tật.
Chúng ta có thể nhìn thế giới qua các cặp đối lập và cố gắng loại trừ những cái xấu ở mỗi cặp. Hoặc là chúng ta có thể coi thể giới như một thể thống nhất, nơi mà chúng ta có thể tìm thấy chính mình, mọi người xung quanh và vạn vật. Nếu nhìn theo cách này, chúng ta sẽ thấy rằng chỉ tồn tại duy nhất một quả bóng. Quả bóng này có kích thước vô hạn và chứa trong đó cả 2 mặt tích cực và tiêu cực; tất cả sự dao động, nguyên tử, các vì sao, hành tinh, thực vật, tất cả chúng ta với đầy đủ cảm xúc, giác quan, suy nghĩ, niềm tin…
Thượng đế bao bọc tất cả chúng ta cũng giống như là cơ thể con người chứa đến 50 tỷ tỷ tế bào. Chúng ta sống trong một cái gọi là vô hạn và chính cái sự vô hạn đó ở ngay trong chúng ta, trong từng tế bào cơ thể. Và chúng ta kết nối với nhau theo cách đó. Một khi chúng ta đã hiểu đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa của phương pháp này, chúng ta sẽ nhận ra một điều rằng chúng ta có tất cả những thứ mà chúng ta tìm kiếm: khỏe mạnh thực sự, hoàn toàn hạnh phúc, hòa bình muôn đời, hiểu biết sáng suốt, tình yêu không tính toán, vui vẻ thoải mái và tự do không giới hạn. Chúng ta có thể chân thành mà phát biểu: “Chúng tôi biết, luôn biết và sẽ luôn biết”.
Macrobiotics Today, tháng 7, 8 - 2007
Thùy Dương dịch
(Nguồn: Trang thucduong.vn)

4 nhận xét:

  1. Chào bạn . Mình là K6LS . Xem bài trên blog của bạn mình rất thích . Tuy nhiên việc mình thích không đồng nghĩa với nhiều người thích . Lý do thì bạn biết rồi . Theo tôi thì bạn chỉ nêu một topic là dưỡng sinh theo nghĩa hẹp . Tức là chỉ dưỡng sinh để nâng cao thể lực và chữa bệnh . Tất nhiên là như thế . Nhưng cũng có rất nhiều cách dưỡng sinh khác như : Trêu chọc nhau , những câu chuyện kể ấn tượng trong cuộc sống , làm từ thiện ... và ngay cả chủ đề yêu cũng rất quan trọng . Rồi giải tỏa những bức xúc hàng ngày và trong cuộc sống . Đó cũng là dưỡng sinh chứ ? Thứ nữa là khi bạn chuyển đổi được phương thức thì sẽ có nhiều đối tượng mà ban đầu bạn bỏ qua sẽ dần tìm đến với bạn . Vì là lần đầu ghé thăm nên cảm quan không có nhiều , hy vọng những lần tới sẽ tốt hơn . Thân ái .

    Trả lờiXóa
  2. @ A K6 LS: Chào anh, vui vì anh đã ghé thăm và đóng góp ý kiến. Gợi ý của anh là một ý kiến hay. Em sẽ suy nghĩ thêm và rất mong có được sự đóng góp bài cũng như nhận xét của bạn đọc, chứ cứ chỉ có một vài người viết bài, đăng bài, những người khác chỉ đọc rồi đi ra thì buồn lắm.

    Trả lờiXóa
  3. Thứ nữa là khi comment thông thường người comment cũng muốn được xem ngay ý kiến của mình . Tâm lý của ai cũng vậy thôi , cũng đều muốn nhìn thấy ngay thành quả của mình . Comment xong và quay lại vẫn chưa kiểm duyệt xong thì ... nản thật sự đấy .

    Trả lờiXóa
  4. Ơ, mọi khi nó có kiểm duyệt đối với người có danh khoản đâu. Hôm nay blogspot làm sao ấy. Em đã xem lại phần cài đặt rồi. Mà dạo này em thấy bộ đếm của nó cứ điêu điêu thế nào ấy. Toàn làm admin mừng hụt. :(

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.