Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Khúc ca buồn về một người đàn bà tử tế

Cường Anh 
Những ai biết chị đều gọi chị là "người đàn bà tử tế". Không tử tế sao được khi chị chấp nhận lấy một anh thương binh với thương tật trên 80%. Hơn hai mươi năm qua chị một lòng chăm sóc chồng cho dù chưa một ngày chồng chị cho chị được hưởng cái hạnh phúc đơn sơ nhất của một người đàn bà, đó là "làm vợ".
 Đọc lại thư cũ của chồng
Bởi lẽ, chiến tranh đã cướp đi cái quyền được làm đàn ông của chồng chị. Nhưng rồi, số phận đã giành giật người đàn ông ấy từ tay chị. Hai mươi năm hy sinh thầm lặng, giờ chị lại trở về tay trắng: chồng mất và cả đứa con trai mà chị nuôi từ năm nó bốn tuổi giờ cũng bỏ chị ra đi vào cõi vĩnh hằng. Chị bảo, cuộc đời chị coi như đã hết…


Hai mươi năm sống đời vợ chồng nhưng chưa một lần được làm vợ
Tôi tìm đến nhà chị vào một buổi trưa hè nắng chói chang. Dường như cái nắng gay gắt ấy không lọt được vào không gian u uất và tang thương trong ngôi nhà của chị. Ba gian nhà với hai chiếc bàn thờ còn nghi ngút khói hương. Bên phải là chồng, bên trái là đứa con trai vừa tròn hai mươi tuổi. Cảm tưởng chị đã không còn nước mắt để khóc thương cho số phận nghiệt ngã của đời mình: "Hết rồi em ạ. Đời chị cũng kể như xong".

Chị tên là Lê Thị Mịn quê mãi tận Hải Dương nhưng vì hai chữ duyên phận chị đã lấy chồng là anh thương binh ở miền trung du Phú Thọ. Dù không được xếp vào hàng có nhan sắc nhưng chị lại là người sôi nổi và đa cảm. Phải thế chăng mà tuổi thanh xuân của mình chị có rất nhiều người đàn ông theo đuổi và muốn lấy chị về làm vợ.
Nhưng trong số ấy chị chỉ yêu một người. Đó là một chàng trai trẻ hơn chị hai tuổi. Và cũng chính vì chênh nhau tuổi tác nên gia đình chàng trai kia một mực không tán thành. Người yêu chị buồn chán đã bỏ vào Nam làm thợ mộc. Anh ta hứa với chị rằng khi nào có tiền sẽ trở về làm đám cưới với chị. Nhưng có lẽ giữa hai người có duyên mà không có phận nên đã chẳng thể ăn đời ở kiếp với nhau.
Khi người yêu đi rồi chị vô cùng đau khổ. Khi ấy trong công ty của mình, chị chơi thân và kết nghĩa với một người tên là Mai. Trong những đêm dài thao thức, chị và Mai đã tâm sự đủ thứ chuyện trên đời. Trong hầu hết các câu chuyện Mai kể đều có dáng dấp của người anh trai tên là Đặng Văn Vân. Anh Vân đi bộ đội và bị thương nặng, liệt từ ngực trở xuống. Mai rất hay rủ chị về nhà mình chơi. Và lần nào về chị cũng gặp anh Vân.
Không biết tự khi nào ánh mắt anh Vân luôn nhìn chị vừa tha thiết yêu thương vừa khẩn cầu, van vỉ. Và chị luôn bị ám ảnh bởi ánh mắt ấy. Sau này, mỗi lần chị về nhà Mai chơi là mỗi lần anh Vân khóc. Vốn là cô gái đa cảm nên những giọt nước mắt của người đàn ông từng oai hùng giữa chiến trường không sợ bom rơi, đạn lạc đã đánh vào lòng trắc ẩn của chị. Và chị quyết định sẽ là đôi chân cho anh đi nốt quãng đời còn lại.
Quyết định sẽ kết hôn với một anh thương binh gắn cả cuộc đời mình với chiếc xe lăn đã khiến gia đình và bạn bè chị một phen choáng váng. Ban đầu họ sốc, sau đó họ tìm cách phản đối và chia rẽ tình duyên của hai người. Bảo là chị xấu xí, vô duyên gì cho cam, đằng này bên chị vẫn đầy những kẻ tử tế, lành lặn xin được ghép duyên cùng chị. Ban đầu chị cũng bị phân tâm khá nhiều, bởi mối lương duyên này về phía chị không xuất phát từ tình yêu. Nhưng cứ nghĩ đến ánh mắt như cầu khẩn van xin của anh Vân thì chị lại không làm gì khác được.
Vẫn biết anh bị liệt từ ngực trở xuống. Vẫn biết lấy anh chị sẽ phải thiệt thòi nhiều nhưng chị chưa bao giờ nghĩ rằng đời mình lại bất hạnh đến mức không được quyền "làm vợ". Đêm tân hôn, phút động phòng hoa chúc lại chính là tiếng kêu thảm thiết trong sâu thẳm tâm can chị. Chị đã lường trước mọi khó khăn, gian khổ nhưng chị chưa bao giờ ngờ rằng mình vĩnh viễn sẽ chỉ như một người bạn đồng giới đi bên chồng.
Đêm ấy, cả anh và chị đều khóc. Anh khóc vì cảm giác hối lỗi đã không kể mọi chuyện cho chị, đẩy chị vào cái sự đã rồi. Còn chị khóc vì cảm giác mình như bị lừa dối thê thảm. Ngay đêm hôm ấy, chờ anh ngủ chị đã gửi nỗi đau của mình vào những dòng nhật ký. Có lẽ chỉ có nhật ký mới hiểu được chị đau tới mức nào: "Anh thương, em sẽ không làm sao quên được cái đêm đầu tiên chúng mình chung sống này. Đêm đó em đã rơi vào trạng thái thật khó hình dung, thật bất ngờ..."

Kỷ niệm 20 năm ngày cưới
Thế nên những ngày sau đó, dù chị đã cố gắng bình tâm lại với suy nghĩ, đây là sự lựa chọn của mình nhưng vẫn không sao tránh khỏi cảm giác đau nhói con tim. Nhiều lần, chị lấy cớ phải trở về công ty sớm để làm nhưng chính là để tìm cách rời xa anh. Không một ai ngoài chị biết được chuyện gì đang xảy ra với chị. Chị chưa bao giờ dám khóc trước mặt người thân, thậm chí kể cả trước mặt anh chị cũng chỉ dám khóc một lần duy nhất trong đêm tân hôn. Còn lại, chị cất những giọt nước mắt ấy thật sâu, thật kỹ để mỗi lần lên đồi hái chè một mình, chị lại khóc thỏa thuê.
Chị trốn anh nhưng không trốn được định mệnh đời mình. Cứ nghĩ đến cảnh chị không ở bên anh hai ngày mà khi trở về (đang độ mùa hè nóng bức) chị lật tấm chăn lên thấy anh đang cởi truồng nồng nỗng. Khi ấy chị đã ứa nước mắt vì xót thương chồng. Chị đi rồi nào còn ai sẽ bế anh lên mà thay quần áo cho anh được. Anh em kiến giả nhất phận, mẹ anh cũng đã già rồi nên không thể làm được cái việc cần sức lực ấy. Và cũng kể từ lần ấy, chị đã không còn ý định rời bỏ anh mà đi nữa.
Những di chứng của chiến tranh đã để lại trong anh quá nặng nề. Chút sức lực cuối cùng cũng cứ dần dần bỏ anh mà đi. Lấy nhau được vài năm có vẻ yên ổn, rồi sau đó chị cứ miệt mài tay xách nách mang theo chồng vào ăn cơm viện. Hầu như năm nào anh chị cũng phải ghé thăm bệnh viện đôi ba lần, nhẹ thì dăm bữa nửa tháng, nặng có khi nằm vài tháng.
Cái đận chồng chị ốm năm 2000, chị phải ở đó cùng anh bốn tháng trời ròng rã. Bốn tháng nuôi chồng trong bệnh viện, căn nhà chị trở nên hoang tàn tiêu xơ. Sau này khi sức khỏe anh đã dần bình phục, trở về từ bệnh viện, chị lại bắt đầu gầy dựng lại mọi thứ. Chị mượn đất ươm cây để có thêm thu nhập, chị vay tiền của anh em làng xóm mua con lợn, con gà để tăng gia.
Không chỉ bận bịu với những việc để kiếm thêm thu nhập mà với cương vị như một nữ y tá riêng của chồng cũng chiếm hầu hết thời gian trong ngày của chị. Chị hầu như không còn một phút giây rảnh rỗi nào sống cho riêng mình. Người ta bận con mọn có thì nhưng chị thì bận quanh năm ngày tháng. Bởi cuộc sống của anh, sự tồn tại của anh hoàn toàn phụ thuộc vào chị. Chị chính là đôi chân của anh. Anh không thể tự mình làm bất kể việc gì, kể cả việc vệ sinh cá nhân cho bản thân. Chị cứ thế, lặng lẽ bên chồng như một nữ tu bác ái, hiến đời mình cho đứa con chiên tội tình của chúa.
Đến tháng 5/2007, chồng chị lại một lần nữa nhập viện. Và đó cũng là lần nhập viện cuối cùng của anh trước khi rời xa cõi trần đầy rẫy những khổ đau. Lần đó các bác sĩ sau khi khám xét đã kết luận chồng chị bị suy thận phải lọc máu. Chị gần như suy sụp khi nghe tin ấy nhưng vẫn phải tỏ ra như chả có chuyện gì để chồng yên tâm. Nhưng rồi, cuối cùng chồng chị cũng biết mình đang mang trọng bệnh nên đã nằng nặc đòi về vì không muốn để lại gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Chị đã thuyết phục anh rất nhiều, chị bảo: "Anh là cuộc sống của em. Nếu anh chết em sẽ không sống nổi. Thế nên hãy vì em mà sống". Cuối cùng anh chấp nhận để bác sĩ chữa trị cho mình. Nhưng kết quả chồng chị vẫn vĩnh viễn lìa xa chị như một sự trốn chạy để giải thoát cho chị sớm nhất có thể những tháng ngày "khổ ải" trần ai. Anh ra đi để lại cho chị một khoản nợ khổng lồ. Số tiền ấy chị đã vay người thân, bạn bè để chạy chữa cho anh.

Một đời hy sinh vẫn trắng tay
Người đời vẫn nói: "Gieo nhân nào gặt quả ấy", vậy mà chị đã gieo cho đời sự hy sinh thầm lặng, sự dám sống hết mình, sự tử tế đến đáng ngờ nhưng chị đã nhận lại được gì chứ? Chồng mất, đứa con trai mà chị nuôi từ bé cũng vừa mới bỏ chị mà đi vĩnh viễn.
Lại nói về đứa con trai nuôi của chị. Nói là nuôi nhưng đứa bé lại chính là con ruột của vợ chồng Mai - bạn thân của chị và em gái ruột của chồng chị. Có lẽ Mai đã quá cảm động trước tấm chân tình mà người bạn kết nghĩa ngày nào dành cho anh trai của mình nên đã gửi con trai lên cho chị nuôi. Khỏi phải nói, cuộc sống của anh chị đã thay đổi như thế nào từ khi có sự xuất hiện của một đứa trẻ trong nhà. Quá lâu rồi chị mới lại được nhìn thấy ánh mắt buồn bã của anh ánh lên niềm vui.
Có Giang, chị bận bịu gấp bội phần nhưng niềm vui cứ phơi phới trong dạ. Chưa một lần được "làm vợ" thế nên vĩnh viễn chẳng bao giờ chị dám mơ đến làm thiên chức của một người mẹ. Giang coi như lời tạ ơn của Mai gửi đến chị và như một món quà vô giá mà ông trời dành cho chị. Và kể từ khi ấy, chị coi Giang như "của để dành" của mình. Bao nhiêu tình yêu thương chị dành cho Giang tất cả. Chả thế mà hỏi nó yêu ai nhất, bao giờ Giang cũng trả lời "yêu mẹ Mịn nhất trên đời".
Khi đã trở thành một chàng trai hai mươi tuổi - cái tuổi đẹp nhất của đời người thì nó lại vĩnh viễn ra đi như một trò đùa nghiệt ngã của số phận. Học xong cấp 3, Giang thi đỗ vào Trường Cao đẳng Quân y Phú Thọ cách nhà ba mươi cây số. Hôm đó vào đúng ngày rằm tháng 7, Giang không về nhà mà gọi điện xin phép mẹ cho đi chơi cùng các bạn. Cả hội rủ nhau đi tắm sông. Vì không biết bơi nên trong khi các bạn vùng vẫy dưới dòng nước mát thì Giang ngồi trên bờ ôm quần áo và điện thoại cho cả nhóm. Vậy mà chỉ vì một cái trượt chân do bất cẩn, em đã vĩnh viễn lìa xa cuộc đời.
Khỏi phải nói chị Mịn đã thế nào khi nghe tin sét đánh ấy. Người đàn bà cả một đời vất vả hy sinh, chồng mất giờ chỉ còn đứa con làm điểm tựa cuối cùng và duy nhất vậy mà rồi nó cũng bỏ chị mà đi. Mộ bố mất chưa xanh cỏ lại thêm một chiếc mộ của con. Đám tang con, chị đã không thể tiễn nó ra đồng vì không còn sức để nhúc nhích. Ngày hôm sau khi tỉnh lại, chị hỏi đứa cháu gái: "Mộ bác Vân cách mộ anh Giang có được một mét không?". Nó gật đầu bảo được. Nhưng rồi nó giật mình hỏi lại: "Để làm gì ạ?" thì chị bảo với nó: "Để bác ra đấy nằm cho đỡ quạnh hiu".
Cái nhá nhem của buổi chiều mùa hè càng làm cho không khí trong ngôi nhà của chị trở nên u uất và hoang lạnh đến rợn người. Nhà ba người giờ chỉ còn lại chị. Thật khó để hiểu hết nỗi đau đang quặn thắt trong lòng chị lúc này. Người ta vẫn nói, có phúc khắc có phần. Còn chị "làm phúc" cả đời mà phần nhận được lại chỉ là hư vô?!
Cường Anh – CSTC tuần số 74
(Nguồn: CAND Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.