Ni sư Ayya Khema |
..." Tất cả chúng ta đều biết giữ cho thân thể sạch sẽ. Ta tắm rửa mỗi ngày ít nhất một lần hay nhiều hơn. Khi ra đường, ta mặc quần áo sạch sẽ. Tối đến ta lo cho thân ngủ, nghỉ. Nếu không, ta không đủ sức đương đầu với những khó khăn trong cuộc đời. Ta cần có một mái nhà ở để che cho thân khỏi mưa, gió, nóng, lạnh. Thiếu những thứ đó, thân sẽ không chịu đựng nổi. Ta còn bồi dưỡng cơ thể bằng những thức ăn chọn lọc, bổ dưỡng, lo tập thể dục cho thân được cường tráng, khỏe mạnh. Dầu không tập, chúng ta cũng đi đứng, hoạt động, vì nếu không chân tay ta sẽ teo tóp. Tâm cũng cần được chăm sóc giống như thế.
Ðúng ra ta phải chăm sóc cho tâm hơn cả thân, vì tâm là chủ, còn thân chỉ là người đầy tớ. Một người đầy tớ khỏe mạnh, cường tráng, năng nổ nhưng có một ông chủ yếu đuối, thiếu kiên quyết không biết mình phải làm gì, cũng khó có thể làm nên việc. Người chủ phải biết điều khiển, chỉ huy người đầy tớ của mình. Ngay nếu như người đầy tớ không được khỏe mạnh, tháo vát nhưng ông chủ khôn ngoan, giỏi dắn thì "ngôi nhà" của ta được tự tại.
Tâm và thân này làm nên "ngôi nhà" của chúng ta. Nếu ngôi nhà nội tâm không được yên, thì ngôi nhà bên ngoài của ta cũng khó ổn. Ngôi nhà chúng ta sống, và làm việc tuỳ thuộc vào sự an khang của ngôi nhà nội tâm. Người chủ, người điều khiển phải sống trong những điều kiện hoàn hảo nhất.
Không có gì trong vũ trụ này có thể so sánh hay thay thế được tâm. Tâm tạo ra mọi thứ. Nhưng tất cả chúng ta đều coi thường tâm mình. Ðó cũng là một nghịch lý của cuộc đời. Không ai coi thường thân thể mình, nếu nó bịnh, ta vội vã chạy đi bác sĩ. Nếu có mệt mỏi ta vội vã cho nó nghỉ ngơi. Nhưng ta đã làm gì cho tâm ta? Hình như chỉ có các vị Thiền sư là chú trọng đến tâm của họ.
Muốn tâm được phát triển sâu rộng, ta cần phải chăm sóc tâm. Nếu không, tâm ta luôn nhìn cuộc đời bằng con mắt nhị nguyên (hai chiều): Tốt, xấu, ngày mai hay quá khứ; yêu (tôi thích thứ nầy) ghét (tôi không ưa thứ kia) có (tôi sở hữu cái này), không (không sở hữu thứ kia); cái này của tôi, cái kia của anh. Chỉ khi tâm đã được rèn luyện, ta mới có thể thay đổi cái nhìn của mình để có thể nhìn thấy được "chiều" khác của sự vật.
Việc ta cần làm trước tiên cho Tâm là tẩy rửa, tắm gội cho nó, không chỉ mỗi ngày một lần hay hai lần như đối với cơ thể, mà trong mỗi giây phút tỉnh thức. Ðể làm được điều đó, chúng ta phải biết phương pháp. Với cơ thể, điều đó khá dễ, chỉ cần dùng xà phòng và nước. Chúng ta đã quen làm như thế từ ngày còn nhỏ.
Nhưng tâm chỉ có thể gội rửa bằng tâm.
Những gì tâm đã thâu nhận, chỉ có tâm mới có thể cởi bỏ. Mỗi giây phút tỉnh thức trong thiền là mỗi giây phút tâm được sàng lọc vì may mắn thay, tâm không thể làm hai việc cùng một lúc. Dầu rằng, như Ðức Phật đã nói trong nháy mắt ta có thể có đến hàng ngàn ý tưởng dấy lên, nhưng thực tế ít ai nghĩ nhiều đến vậy và nhất là không thể có tất cả những suy tưởng đó trong cùng một lúc. Chúng tiếp nối nhau cái này sau cái khác thoáng qua nhanh chóng trong đầu ta.
Khi ta Thiền quán, ngũ dục, tham vọng, không thể hiện ra vì tâm chỉ có thể làm một công việc một lúc. Do đó nếu thời gian tọa thiền tăng lên, các vết nhơ bẩn trong tâm ta sẽ được gột rửa ngày một trở nên sạch hơn.
Tâm, vật độc nhất vô nhị trong vũ trụ, báu vật duy nhất chúng ta sở hữu. Khi có món đồ quý dĩ nhiên là ta phải giữ gìn cẩn thận. Chùi rửa, đánh bóng, vô dầu mỡ, thỉnh thoảng cho nó nghỉ. Còn đây ta có tâm quý báu nầy, chỉ có tâm giúp cho ta làm được mọi việc, kể cả việc giác ngộ, nhưng biết gìn giữ nó hay không tất cả tuỳ thuộc chúng ta. Tâm sẽ trở thành vô dụng nếu không được giữ gìn, trau chuốt.
Lúc ngồi Thiền, ta tập gạt bỏ ra khỏi tâm những gì ta không cần thiết. Ðể chỉ giữ trong tâm những điều ta muốn nghĩ đến. Khi đã thành thói quen chúng ta có thể áp dụng phương pháp tu Thiền vào các sinh hoạt đời thường, để giúp ta dứt bỏ những tư tưởng không lành mạnh. Như thế nhờ ngồi Thiền, ta có thể dứt bỏ chạy đuổi theo vọng tưởng trong sinh hoạt đời thường, ngược lại việc chúng ta không chạy đuổi theo vọng tưởng trong đời sống giúp cho việc ngồi Thiền của ta dễ dàng hơn. Người có thể làm chủ tư tưởng mình, khiến tâm chỉ nghĩ đến những gì mà họ muốn nghĩ được gọi là A La Hán hay đấng Giác Ngộ.
Ðừng ngạc nhiên nếu không phải lúc nào ta cũng có thể dứt bỏ vọng tưởng. Thật dễ chịu khi ta có thể chỉ nghĩ đến những điều ta muốn nghĩ đến, vì như thế là ta đã làm chủ được tâm của mình, hơn là tâm làm chủ ta. Luôn chạy đuổi theo bất cứ tư tưởng nào dấy khởi lên trong tâm, dù hạnh phúc hay đau khổ, đó là thói quen chúng ta muốn từ bỏ khi ngồi Thiền.
Bước kế tiếp là tập luyện tâm. Tâm không kiềm chế giống như những lượn sóng trồi lên trụt xuống, chạy lăng xăng từ chuyện này qua chuyện khác, không bao giờ có thể trụ yên một chỗ. Ai chẳng từng kinh nghiệm có khi đọc sách, đến cuối trang mới bỗng nhận ra không biết mình vừa đọc gì, phải đọc lại cả trang. Ta phải luyện tập để tâm ở yên một chỗ, giống như ta phải thúc đẩy, vận động các bắp thịt, khi ta tập hít thở, tập tạ. Sự phát triển, nẩy nở chỉ có thể có được từ sự tập luyện tâm làm theo ý ta, đứng yên khi ta muốn nó đứng yên..."
Đọc trọn tác phẩm Vô Ngã Vô Ưu TẠI ĐÂY.
Đoạn trích rất hay. Em nhớ khi mới vào học, Thầy có nói rằng việc tắm rửa hàng ngày giúp cho cơ thể được sạch sẽ nhưng còn tâm thì sao. Thiền định chính là cách tốt nhất loại bỏ những tạp niệm, những ý nghĩ hỗn độn, những điều mà chúng ta thực sự muốn quên và cần phải quên, và chỉ có như vậy tâm ta mới được "sạch", được trong sáng. Đúng là sau buổi thiền đầu óc trở nên nhẹ nhõm, sáng choang, rất dễ chịu, y như vừa được "tắm rửa" vậy. :)
Trả lờiXóaĐúng vậy.
Trả lờiXóa