Mời cả nhà tham khảo thêm về vòng tròn ánh sáng qua bài viết của tác giả Hồng Vân:
“Nếu quan sát kỹ các vòng tròn sáng ta sẽ thấy sự khác nhau về độ đậm nhạt và về mầu sắc. Có vòng tròn thì sáng trắng, trong suốt. Có vòng tròn thì mờ mờ có hình dáng khuôn mặt người, có vòng tròn mầu xanh nước biển, có vòng tròn màu vàng, có vòng tròn mầu tím, máu xám khói…
Theo cách giải thích của các NNC, sở dĩ có sự khác biệt đó là do linh hồn ở những cấp độ khác nhau. Từ mức các vong lang thang đến mức cao hơn.
Trước khi giải thích vấn đề này, chúng ta đi sâu một chút về vầng hào quang xung quanh con người, khi thần thức còn sống trong thân xác.
Theo một số tư liệu khoa học thì thực tế vầng hào quang xung quanh con người không chỉ có 3 vòng mà có đến 6 vòng. Nhưng có 3 vòng chính, đặc trưng cho ý chí, tư tưởng, cảm xúc và tình trạng sức khoẻ.
Phân tích mầu sắc 2 vầng hào quang thuộc về tâm thức con người ta sẽ thấy nó có những biểu hiện như sau :
– Vầng thứ nhất của hào quang sáng có màu đỏ đẹp biểu hiện ở những người cương quyết đấu tranh và quyền lực, màu đỏ đẹp và sáng chói biểu hiện ở những người vạm vỡ mạnh khỏe, ý chí mạnh mẽ.
– Vầng thứ hai của hào quang liên hệ đến các tình cảm hay cảm xúc. Màu vàng rực rỡ như mây thể hiện những tình cảm sâu đậm, lạc quan yêu đời . Những màu sắc tối hơn thể hiện những cảm xúc tiêu cực, bi quan chán nản. Màu xẫm thể hiện sự, cáu ghét, ganh tỵ…
Khi con người yêu thương, hào quang xuất hiện những sóng màu xanh dịu dàng. Nếu con người đố kỵ, ghen ghét hào quang có màu xanh lục tối. Hào quang của sự keo kiệt, bủn xỉn sẽ trở nên thô ráp và sắc nhọn.
Qua phân tích vầng hào quang của các nhà khoa học ta thấy, tư tưởng, trạng thái cảm xúc của con người chính là nguyên nhân tạo ra sắc màu và các biến động thay đổi của sắc hào quang.
Khi con người chết đi, vầng hào quang của thần thức (thân trung ấm) cũng thay đổi và biến động như khi nó còn trong thân xác người. Những biến động của tư tưởng, cảm xúc mà cơ sở của nó chính là sự chấp hữu của thân trung ấm sẽ đẩy thần thức về 6 nẻo đường tái sinh.
Sau đó là pháp thân thường trụ hiện ra, thật ra là lúc đạt đến chân tâm…
Chính từ chân tâm không sinh không diệt này nghiệp lực sẽ bắt đầu xuất hiện dẫn dắt thần thức đi vào đời sống mới.
Nếu thần thức lưu trú trong chính niệm, nhất tâm trong thiền định thì pháp thân sẽ xuất hiện. Còn nếu thần thức bị năng lực nghiệp báo dẫn dắt, thần thức sẽ xa dần pháp thân thường trụ. Lúc đó một tâm niệm chấp hữu khởi lên, tuỳ theo mức độ chấp hữu, thần thức sẽ đi vào những cảnh giới khác nhau trong sáu cõi luân hồi.
Vì vậy chính năng lực chấp hữu là động cơ thôi thúc thần thức đi vào lục đạo.
Chính sự mong cầu mà thân trung ấm được hình thành. Chính sự chấp hữu mà thân trung ấm bị đẩy về các cảnh giới tương ứng với các tâm thức trong lục đạo.
Nguồn gốc của sự chấp hữu chính là tham, sân, si. Một vọng niệm khởi lên tạo ra một sắc màu, nhiều vọng niệm khởi lên tạo ra vầng hào quang có nhiều sắc màu.
Thần thức thiên về ý nghĩ nào, cảm xúc nào thì sắc màu hào quang sẽ thiên về sắc màu đó. Có khá nhiều vòng tròn sáng có sự pha tạp các màu sắc khác nhau, nhưng luôn có sắc màu chủ đạo.
Chính sắc màu này sẽ quy định thần thức sẽ tái sinh về cảnh giới nào. Vì sao như vậy ? Trong Tử thư Tây Tạng có ghi: “Sáu ánh sáng của sáu nẻo lục đạo bắt đầu xuất hiện, nếu ngươi thác sinh cõi nào thì ánh sáng của cõi đó sẽ chiếu sáng nhất. Ngươi muốn hiểu về ánh sáng đó chăng? Cõi trời có ánh sáng mầu trắng, cõi atula có ánh sáng mầu đỏ, cõi người có ánh sáng màu xanh, cõi súc sinh có ánh sáng màu xanh lục, cõi ngạ quỷ có ánh sáng màu vàng, cõi địa ngục có ánh sáng màu khói xám. Đó là sáu loại ánh sáng. Trong lúc này thân người tự nhiên có ánh sáng của của cõi mà ngươi sắp thác sinh.”
Những luận điểm được ghi trong Luận Vãng Sinh (Tử Thư – Tây tạng) thật là chuẩn xác, thật là tuyệt vời và logic. Khi khoa học đã phát hiện ra được những sắc hào quang của thân trung ấm nó đã làm sáng tỏ ra được nhiều vấn đề.
Vì sao thế giới luân hồi có nhiều cõi? Vì sao con người bị kéo vào các cảnh giới lục đạo. Do sắc hào quang sinh ra từ tư tưởng, cảm xúc của thân trung ấm đã tương thích với các sắc màu của lục đạo nên con người cứ phải tái sinh luân hồi.
Kinh điển Phật nói, Luân hồi là do nghiệp báo. Vào cảnh giới nào là do tự con người dẫn dắt mình vào, chẳng thể có đấng thần linh nào tác động. Sáu màu của lục đạo: màu sáng trắng (trời), mầu đỏ (Atula), màu xanh biển (người), màu xanh lục (súc sinh), màu vàng (ngạ quỷ), màu xám khói (địa ngục) là cảnh giới lôi kéo những thần thức có sắc màu tương hợp với nó.
– Địa ngục là cảnh giới có mức độ chấp hữu lớn nhất. Khi thần thức khởi lên ý niệm căm ghét. Sự căm ghét làm thần thức muốn gây khổ cho ai đó, nhưng không có ai là đối tượng nên quay lại làm khổ chính mình. Vừa khởi tâm muốn đánh đập ai đó thì hành động đánh đập đã quay lại hành hạ chính thân mình.
– Ngạ quỷ là cảnh giới trong ý niệm khởi lên sự thèm khát và ganh tỵ. Luôn thèm khát muốn được nhiều hơn nữa. Từ đó dẫn đến cảm giác sự săn đuổi cảm giác thích thú về tâm trạng săn đuổi đó.
– Súc sinh là cảnh giới cảm giác sự thiếu vắng hỷ lạc và tâm thức hài ước. Có cảm giác hạnh phúc, đau khổ nhưng không hề biết cười. Thường nhắm mắt đi theo một quan điểm cực đoan nào đó không suy xét không thay đổi. Mỗi một điều lạ, mỗi một sự thay đổi là một tai hoạ và là nguyên nhân gây sự sợ hãi, hỗn loạn dữ dội.
– Người là cảnh giới của sự khát khao tìm tòi khám phá và hưởng thụ. Người mang dấu ấn của cả hai cõi súc sinh và ngạ quỷ nhưng có sự khôn ngoan, thường xuyên suy xét tìm tòi không ngừng nghỉ.
- Atula là cảnh giới có trình độ tri thức cao hơn khôn ngoan, nghi ngờ và luôn tìm cách thắng cuộc. Âm mưu xảo quyệt, khôn ngoan gian hùng chuyên toan tính những chuyện lớn lao liên quan đến toàn xã hội.
– Trời là cảnh giới của sự khởi niềm vui hỷ lạc và luôn muốn giữ niền vui đó trong trạng thái thiền định. Thích sâu lắng, an lạc… trong trạng thái tự ngã.
Tử Thư Tây Tạng cũng có ghi, hào quang có ánh sáng cực mạnh và rực rỡ là pháp giới của các vị chư Phật, Bồ tát. Còn ánh sáng yếu là của 6 cõi của lục đạo luân hồi.
Khi con người còn mang nghiệp chướng, chưa tu thiền định thì dù có muốn nhập thân vào pháp giới của các vị Phật, Bồ tát cũng không thể vì sắc màu và cường độ của hào quang người phàm không tương thích với thề giới giải thoát. Hào quang của những bậc chân tu luôn sáng trắng và rực rỡ.
Những vòng tròn sáng mà chúng ta thấy được qua những bức hình cũng có khá nhiều vòng tròn sáng trắng. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều vòng tròn có ánh sáng mờ và có các màu sắc xanh, vàng nhạt, màu tím khói…Nhiều vòng tròn có khuôn mặt và hình dáng con người.
Thông thường, những người chết trẻ, chết vì tai nạn, những người còn bám chấp vào cuộc sống dương thế mạnh do năng lượng sóng vật chất của thần thức lớn nên thân trung ấm hiện hình rất rõ. Đôi khi mắt thường cũng nhìn thấy được.
Khi sự chấp hữu quá lớn sắc sáng của các vòng tròn sáng sẽ yếu thường có màu xám khói đục. Vị hoá thân Lạt ma Lobsang Ramp cho rằng, chỉ khi nào thể phách tức là thân trung ấm tan rã thì con người mới có thể siêu thoát và tái sinh được.
Như vậy, qua những màu sắc của các vòng tròn sáng ta sẽ biết được vong linh nào sẽ sinh vào cảnh giới nào.
Trong cuốn Tử Thư Tây Tạng ghi, khi con người mất thân, tâm thức sẽ sáng suốt gấp 9 lần so với thông thường. Con người lưu lạc trong thề giới âm bằng tâm tưởng. Bất kỳ ý niệm nào khởi lên nó sẽ tức khắc thành hiện thực.
Khi buồn vui, cáu giận… hay nghĩ đến đâu, đến ai thì lập tức ta sẽ ở ngay đó. Nếu con người cứ trôi theo những suy nghĩ, cảm xúc của mình thì nghiệp thức sẽ dẫn dắt chúng ta về các cửa tái sinh theo quy luật nhân quả. 10 pháp giới sẽ mở ra khi con người mất thân xác, bước vào thân trung ấm. Tâm thức tương ứng với cảnh giới nào thì sẽ thác sinh về cõi giới đó.
Khi đã hiểu rõ được sự vận hành của Thân trung ấm, để không bị lôi vào 3 đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), vượt sáu nẻo luân hồi hay khép cánh cửa tái sinh, con người không có phương cách nào khác là phải tự chuyển hoá tâm thức của mình.
Để chuyển đổi được tâm, người phàm ngoài những việc làm điều thiện, tránh điều ác cần phải tu thiền định và trì tụng Kinh, Chú. Chỉ có qua thiền định con người mới kiểm soát được tư tưởng, cảm xúc và trừ diệt được các vọng tưởng.
Đạo Phật là đạo của Tâm, dù Pháp Phật có đến 84 ngàn phương tiện thì mục đích cuối cùng chính là chuyển hoá tâm.
Tâm chấp hữu là tâm phân biệt (chấp ngã, chấp tướng, chấp pháp…) là tâm phiền não. Khi tâm khởi niệm là tác tạo nhân. Người thiền định đạt đến sự rỗng lặng, như như bất động khi rời bỏ thân xác do không còn vọng niệm, không có sự mong cầu nên không hình thành thân trung ấm.
Do Thân trung ấm không hiện hữu, không có sự ngăn ngại nên siêu thoát nhập cảnh giới mới rất nhanh. Khi đã vào được cửa Không, nhập vào pháp thân thường trụ thì cánh cửa tái sinh sẽ khép lại. Không sanh không diệt.
Khám phá ra thế giới thân trung ấm, chúng ta hiểu sâu được thêm về Tướng không trong Kinh Bát nhã Ba la mật đa ở hệ quy chiếu khác: “Xá Lợi Tử! Thị chư Pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức vô nhãn, nhĩ tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương vị, xúc, pháp: vô nhãn giới, nại chí vô ý thức giới, vô vô minh diệt, vô vô minh tận, nại chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ tập, diệt, đạo, vô trí diệt vô đắc, dĩ vô sở đắc cố”.
Vì sao, các vị Alahan, Bồ tát, chư Phật giải thoát được sinh tử, vì họ đã nhập vào được cảnh giới “Pháp thân thường trụ” không pháp, không tướng, không ngã. Vì không có thân nên tâm không ngăn ngại, không sợ hãi, xa rời mộng tưởng điên đảo, đạt được cứu cánh Niết bàn.
Trên con đường tiến vào Cửa Không, trong thời kỳ mạt pháp nếu chỉ trông cậy vào sức lực bản thân con người là rất khó. Vì nghiệp chướng vô lượng kiếp sâu dầy, phải chịu nhiều tác động của các thế giới siêu hình khác…
Để có thêm sự hộ trì, gia hộ (tha lực) của các chư vị chư Phật, Bồ tát, con người cần phải trì tụng Kinh, Chú Phật. Đối với người hành thiền, khi 6 cửa giác quan (xúc, nhãn, nhĩ…) đóng lại thì vọng tưởng từ quá khứ sẽ trỗi dậy.
Trì tụng kinh Phật không chỉ làm cho tâm bất loạn mà còn tiêu tan được nghiệp chướng, giúp trí tuệ tăng trưởng, không bị các thế giới ma đạo quấy nhiễu…
Càng đi sâu vào Phật đạo, chúng ta càng hiểu sâu sắc thêm về con người, về vũ trụ. Có lẽ sự vi diệu, thâm sâu của triết lý nhà Phật sẽ được chứng thực khi khoa học thực nghiệm tâm linh chứng minh được những điều mà pháp Phật đã nói là đúng.
Phật pháp vốn siêu vượt thời gian, siêu vượt các tôn giáo khác là vậy.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mầu ni Phật! Nguồn phattuvietnam.net
HgVan rất thích đọc những bài như thế này và hay tìm đọc. Cám ơn.
Trả lờiXóa