Trên sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha) ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh có một ngôi chùa cổ mang tên là chùa Phật Tích, hiệu là Vạn Phúc tự. Chùa nổi tiếng với kiến trúc đẹp, cảnh sắc thanh tịnh, và đặc biệt là bộ tượng đá quý hiếm mang đặc trưng nghệ thuật điêu khắc thời Lý.
Theo các tài liệu cổ, chùa Phật Tích được khởi dựng vào khoảng thế kỉ VII. Đến năm 1066, vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) cho xây dựng thêm tòa tháp Phật Tích kì vĩ, cao khoảng 40m ở sườn phía Nam núi Lạn Kha.
Tương truyền, sau khi tòa tháp đổ, bên trong lộ ra một pho tượng Phật A Di Đà tạc bằng đá xanh nguyên khối. Trước hiện tượng kì lạ này, xóm Hỏa Kê cạnh chùa đã đổi tên thành thôn Phật Tích.
Qua nhiều triều đại, chùa đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Năm 1947, thực dân Pháp tiến hành chiến tranh và đã thiêu rụi chùa. Từ 1954 đến nay, chùa được khôi phục dần. Tháng 4 năm 1962, chùa được nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
Chùa Phật Tích nằm nép mình bên sườn phía nam núi Phật Tích
(còn gọi là núi Lạn Kha)
Pho tượng Phật A Di Đà bằng đá cao 1,85 m, có niên đại từ thời nhà Lý,
được xem như một bảo vật của Quốc gia.
Theo các nhà nghiên cứu, ngôi chùa được xây theo lối “nội công, ngoại quốc” và mang đậm phong cách kiến trúc thời Lý (1010 - 1225). Chùa toạ lạc trên khu đất cao, có nhiều kết cầu bằng đá như: thềm đá, bậc thang đá, tường kè bao quanh bằng đá...
Trải qua thời gian và sự tàn phá của con người, nhiều công trình kiến trúc đẹp của chùa đã trở thành phế tích. Hiện nay, chùa Phật Tích còn lại 7 gian tiền đường dùng để tiếp khách, 5 gian nhà thờ Phật, 8 gian nhà tổ và 7 gian nhà thờ thánh Mẫu.
Sau chùa có khu vườn tháp với 32 ngọn tháp lớn nhỏ xây bằng gạch và đá. Phần lớn các ngọn tháp này được xây dựng vào khoảng thế kỉ XVII. Đây là nơi cất giữ xá lị của các vị sư trụ trì.
Các vị La Hán chùa Phật Tích
Đầu đao chùa Phật Tích
3 trong số 10 pho tượng linh thú bằng đá nổi tiếng của chùa
Khu mộ tháp trong vườn chùa Phật Tích
Điểm nổi bật nhất của chùa Phật Tích có lẽ phải kể đến bộ tượng đá quý hiếm có từ thời Lý. Điển hình nhất là pho tượng Phật A Di Đà cao 1,85 m, kể cả bệ là 2,8m. Đây được xem như pho tượng Phật A Di Đà cổ nhất miền Bắc và là bảo vật của quốc gia. Pho tượng biểu đạt một vị Phật đang trong tư thế tọa thiền trên tòa sen, hai mắt khép hờ, vẻ mặt tươi nhuận, phúc hậu và bao dung, độ lượng. Năm 2006, pho tượng đã được Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam xác lập kỉ lục là tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất Việt Nam. Chùa Phật Tích còn có 10 pho tượng linh thú bằng đá gồm sư tử, voi, trâu, ngựa, tê giác trong tư thế quỳ phủ phục trên tòa sen cách điệu cũng đã được xác lập kỉ lục 5 cặp tượng linh thú bằng đá lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, tại chùa Phật Tích, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc đá cổ thời Lý có giá trị rất lớn về mặt nghệ thuật và lịch sử.
Bên cạnh những giá trị về mặt cảnh quan, kiến trúc, chùa Phật Tích còn nổi tiếng với nhiều giai thoại lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển. Sử cũ kể rằng, năm 1071, vua Lý Thánh Tông trong một lần lên vãn cảnh chùa Phật Tích, nhân lúc cao hứng đã múa bút viết một chữ “Phật” dài tới 5m và sai người khắc vào đá rồi đem dựng trên sườn núi. Năm 1129, vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) lại cho làm 8 vạn 4 ngàn bảo tháp bằng đất nung đặt xung quanh chùa. Đến đời nhà Trần, năm 1383, vua Trần Nghệ Tông còn cho tổ chức kì thi Hội ở ngay trong chùa. Khoa thi năm ấy lấy đỗ 30 người.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngày nay, chùa Phật Tích đang được đầu tư tu bổ để trở thành một trong những trung tâm văn hóa Phật giáo lớn của miền Bắc.