Nhìn những đứa trẻ xúng xính trong những bộ quần áo mới mà Thu thực sự cảm động. Dường như chúng chẳng phải là những đứa trẻ xa lạ, không biết tên, không quen, mà có cảm giác chúng như con cháu trong nhà. Thu sẽ không nói mình khóc vì mừng nhưng thực sự rất xúc động. Thu vẫn theo dõi những bài đăng trên trang Blog cá nhân của ông Trần Đăng Tuấn sau khi đăng bài "Hôm nay lên Suối Giàng" trên trang CLB. Với chương trình quyên góp "Cơm có thịt", được sự ủng hộ của rất nhiều nhà hảo tâm, ông và những người bạn đã phần nào biến giấc mơ của những đứa trẻ vùng cao thành hiện thực. Chúng không những được ăn bữa cơm có thịt, mà chúng còn được mặc áo khoác ấm, quàng khăn len, đội mũ len, đắp chăn bông mới. Thu vui lây niềm vui của chúng, có cảm giác vui y như ngày còn bé được mặc bộ quần áo mới mẹ mua, được nhận quà mỗi dịp sinh nhật.
Chương trình của ông không chỉ giúp đỡ học sinh 2 trường Tiểu học và THCS Suối Giàng, mà đã lan tới các trường ở các địa phương khác như trường Tiểu học Lao Chải, Tiểu học Nậm Khắt (Mù Cang Chải), Mẫu giáo Dền Thàng, Mầm non Xã Y Tý huyện Bát Xát (Lào Cai), Mẫu giáo Pa cheo (Bát Xát - Lào Cai), Mẫu Giáo A Lù (Bát xát - Lào Cai). Chương trình vẫn tiếp tục và rất nhiều tấm lòng vàng tiếp tục ủng hộ các em không chỉ tiền mà còn cả quần áo, chăn màn, sách bút,...
Xin chia sẻ bài mới nhất của ông "Một chuyến đi dài..." (1)
Một chuyến đi dài…(1)
Nguồn: trandangtuan.wordpress.com
Có lẽ đây là chuyến đi nhiều cây số nhất so với các chuyến đi trước. Trong ba ngày (với mình, người phải đi luôn thâu đêm về trước, thì là hơn hai ngày thôi) đã vượt qua khoảng trên ngàn cây số của ba tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai.
Trở lại Suối Giàng
Có vừa không? |
Dù đã rất cố gắng, bọn mình cũng chỉ lên được Suối Giàng vào lúc đã tối hẳn. Gần hai trăm đứa học sinh nội trú Tiểu học và Trung học sơ sở vẫn đợi. Quà mang lên khá nhiều: 200 áo gió người bạn ở Vinatex tặng, 340 chiếc áo ấm mua bằng tiền bạn MH gửi đến, Nhóm Giỏ Thị gửi lên 130 mũ len, 80 khăn len, rồi sách truyện...Dọc đường, dừng lại chợ ngã ba mua quà “đặc biệt”. Chính là...thịt. Quầy miền núi, chỉ có một vài cân, thế là người bán ới các quầy khác ở xa. Mấy bà chạy rầm rập đến với các miếng thịt trên tay…Gom được gần chục ký ngon nhất. Như sống lại thuở bao cấp, thăm người thân bằng thịt là quý nhất, mà không thì lạc, cá khô, trứng...cũng quý vô cùng.
Cháu thấy hơi ngứa đầu! |
Thôi thì cái đẹp, cái chưa đẹp, cái hàng cao cấp, cái hàng bình dân, nhưng trên 500 đứa trẻ của hai trường Suối Giàng cũng có đủ áo, riêng bọn nội trú còn có thêm mũ và khăn. Bọn Tiểu học thì ngượng ngập, xếp hàng đợi nhưng phải lôi từng đứa ra ướm áo. Còn bọn Trung học thì cũng hồ hởi kén chọn ra phết, nhất là con gái và mấy anh đẹp mã. Cũng mặc rồi lại xin...đổi. Qua vụ này cũng hiểu thêm “gu” của chúng nó. Rút kinh nghiệm lần sau mua trúng ý hơn...
Áo mới, khăn mới, mũ mới... |
Khi phát quần áo, có một ông bố người H mong cứ đứng xem. Khoảng 9 giờ tối, xong việc, sửa soạn xuống núi thì các thày cô mời xuống ăn cơm có thịt lợn cắp nách. Nói thật từ đầu đến giờ bọn mình đi chưa bao giờ chịu ăn cơm do “cơ sở” đãi. Lần này cũng vậy, chối luôn. Nhưng mọi người bảo lợn đã thịt rồi, đã bày lên bàn rồi…Mà nhìn ra thì thấy đúng vậy.
Các thầy cô nói cậu bé đã lên 5 kí trong 2 tháng qua |
Hóa ra ông bố người H mong nọ ở cách đấy trên chục cây số đường rừng, xuống đón con ở nội trú Tiểu học. Nhìn thấy mọi người phát quần áo cho trẻ con, liền ghé vào nhà người quen gần đó, “vay” một chú lợn cắp nách, thừa lúc bọn mình lên trường Trung học thì dưới này xẻ thịt luôn mời tất cả thày cô và “những đứa tốt ở Hà Nội lên”…
Thắng - một cộng tác viên của chương trình trên đó, rỉ tai: “Các bác không ăn, người ta buồn giận lắm đấy, không được đâu!” Mình hỏi: “Thế cầm hộ tiền, rồi khi bọn mình về rồi thì gửi cho anh ấy, được không?” Thắng giãy nảy: “Đừng, không làm được thế đâu!” Chịu!
Cả đời làm báo, mình ăn cơm thiên hạ cũng nhiều rồi. Nhưng lần này...vừa vui, vừa ái ngại (cả nhà ông này không biết nuôi được mấy con lợn?), vừa cảm kích. Thế nào rồi cũng có buổi lên tận nhà thăm gia đình người đãi cơm thịt cho các đại diện của chương trình “Cơm có thịt”, tặng mấy món quà từ miền xuôi, để vui thêm mà cũng hết băn khoăn.
(còn tiếp)
Trần Đăng Tuấn
khổ quá, mình lại khóc.
Trả lờiXóaNhững cặp mắt sáng,những nụ cười tươi của những em học sinh trong những cánh áo ấm ,những cái mũ len , những cái khăn quàng ...có được niềm vui ấy là cả một sự cố gắng lớn của những người làm chương trình "cơm có thịt " . Thật đáng trân trọng người đã có sáng kiến thành lập và những người đã thực hiện chương trình này . Tuy đã tham gia những việc từ thiện nhưng qua chương trình " cơm có thịt " ta thấy cần phải làm nhiều việc thiện hơn nữa để chỉ bằng một chút vật chất ta góp phần làm bớt nỗi đau , đem lại niềm vui cho những người hoạn nạn ,có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống .
Trả lờiXóa