Trang

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Làm sao để thành công hơn?

Bác Nguyên giới thiệu bài này đã lâu. Theo bác bài này thật sự hữu ích, không chỉ trong công việc mà còn trong cách ứng xử hàng ngày. Tìm thấy có sẵn ở trên mạng xin trích đăng để chia sẻ với mọi người.  

Những thói quen giết chết sự nghiệp
Frank Wagner liệt kê 20 thói quen giết chết sự nghiệp, hạnh phúc gia đình, và cao hơn là sự phát triển của một đất nước, mà khó ai nhận ra.
  • Hiếu thắng: tìm mọi cách và bằng mọi giá để chiến thắng.
  • Kiểu gì cũng phát biểu, dù ý kiến chẳng có giá trị.
  • Đánh giá và áp đặt người khác
  • Phản hồi mang tính phá hoại, thích lên án. Kiểu phản đối chỉ để người nghe hiểu “Anh sai rồi. Tôi mới là đúng”.
  • Cần phải cho người ngoài biết là mình thông minh hơn.
  • Lúc cáu giận cũng nói.
  • Chả ai hỏi cũng chõ mũi vào và bình phẩm đầy âm tính.
  • Tìm cách giấu thông tin nhằm kiếm lợi thế hơn người khác.
  • Không có khả năng khen ngợi và thưởng người khác.
  • Vơ thành tích cả những thứ mà mình không xứng đáng.
  • Tìm mọi cách để giải thích là lỗi không phải tại tôi.
  • Nhai lại quá khứ.
  • Không công bằng.
  • Không có khả năng nhận lỗi hay không biết rằng hành xử của mình ảnh hưởng xấu đến nhiều người khác.
  • Không biết nghe. Mũ ni che tai.
  • Không có khả năng biết ơn.
  • Trừng phạt cả người giúp đỡ mình. Vô ơn.
  • Lên án tất cả mọi người, trừ mình ra.
  • Cái tôi hơn tất cả.
  • Để tránh những thói xấu này thì nên hỏi ý kiên bạn bè và người thân, xem họ nghĩ về mình như thế nào, “mắc bệnh” gì để tìm cách tránh.
Con người vốn thích chê người khác, nhưng lại thích người khác khen mình. Nhưng đôi lúc ta nên làm ngược lại, nên tự soi mình và nhờ người khác nói hộ.
Nghe được điều trái tai mới là thách thức lớn trong đời người và đó cũng là bí quyết cho thành công.

Vài lời khuyên có ích
  • Hỏi người ta như thế nào? Hỏi ai, hỏi gì và hỏi như thế nào cũng là nghệ thuật.
Đừng làm. Đừng đợi thời gian tốt nhất mới hỏi. Chả có thời gian nào tốt nhất cả. Hỏi là hỏi thôi. Hãy bỏ qua những lời dị nghị, và nghi ngờ. Hãy bỏ cái tôi vĩ đại đi.
Nên làm. Đặt câu hỏi chính xác, rõ ràng và ý định của mình. Và cần nhất, luôn nhìn sự việc tích cực.
Ví dụ. Trong hội thảo, 500 người được cặp thành đôi và tự tìm nhau để trao đổi về mặt yếu của mình và nhờ đối tác cho lời khuyên.
  • Kiểm soát tức giận trước khi nó kiếm soát bạn.
Câu trả lời là, bạn hãy kìm nén, ra lấy cốc nước lạnh, hoặc rủ bạn đi café nói chuyện. Khi ra phố, nhìn thấy cảnh đẹp, hay em nào đó chân dài, váy cộc thì bỗng nhiên quên cáu và có khi câu chuyện trao đổi mang tính tích cực nhiều hơn.
Cãi nhau với vợ, người yêu, có bao giờ bạn cắt ngang và bảo, thôi mình hãy dừng ở đây, lúc khác ta bàn tiếp. Ai làm được điều đó sẽ không có xích mích gia đình hay đồng nghiệp bao giờ.
  • Nghe phản hồi như thế nào? Nghe đứa khác chê mình quả thật khó, nghe rồi phản ứng như thế nào lại càng khó hơn.
Đừng làm. Dùng các từ Không, Nhưng mà, Tuy thế… Đó là cách người khác hiểu là bạn đang tìm cách trốn lỗi, tỏ ra thiếu kiên nhẫn.
Nên làm. Nghe chăm chú. Tóm tắt lại những gì nghe được.
  • Cảm ơn như thế nào? Đơn giản mà cũng ít người biết. Ai góp ý đúng hay sai, trước hết phải cảm ơn cái đã.
Đừng làm. Cảm ơn kiểu bĩu môi, chế giễu, giả vờ, miễn cưỡng hay thiếu chân thành.
Nên làm. Hãy cảm ơn thành thật từ đáy lòng.
  • Suy ngẫm về phản hồi. Khó nhất vì con người không thích chấp nhận mình làm sai.
Đừng làm: Tìm cách chứng minh phản hồi sai, không nhìn vào sự thật, hoặc chỉ nói “Em chỉ có thế thôi, chơi được thì chơi, không chơi thì…mặc mẹ người ta”.
Nên làm. Tự đánh giá nếu thay đổi thì sẽ lợi gì. Hành xử như hiện nay thì giá phải trả liệu có cao không. Và nên ra quyết định có nên thay đổi.
  • Trả lời phản hồi. Tương đối dễ nếu phần suy ngẫm làm tốt.
Đừng làm: Phê phán những phản hồi. Cam kết quá nhiều, hứa đại.
Nên làm: Ngắn gọn và tập trung vào một vài vấn đề quan trọng nhất. Hãy nhìn tích cực và hỏi xem bạn có giúp được gì không.
  • Thay đổi. Khó nhất trong những việc khó, đó là thay đổi chính mình. Có thay đổi mình mới mong người khác thay đổi.
Đừng làm: Không làm gì để thay đổi bản thân. Hoặc muốn mì ăn liền, thay đổi hôm nay là ngày mai đã khác.
Nên làm: Áp dụng nhiều cách cùng một lúc. Tìm thời điểm thích hợp và nên thể hiện cho bạn bè nhìn thấy rõ là mình đang thay đổi.
  • Lập kế hoạch sau đó. Khá đơn giản nếu hiểu được cái giá quá đắt của việc không thay đổi.
Đừng làm: So sánh với quá khứ. Ngoảnh mặt với sự thật.
Nên làm: Hãy xem cái “tôi” của mình đã đến đâu. Nhìn lại và tự đánh giá sau một thời gian.
(Nguồn: Blog Hiệu Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.