Một chiếc áo rét, một đôi ủng, một đôi tất đủ để đứa trẻ không bị tím tái run rảy vì ướt và lạnh dưới cái rét 3-4 độ C. Chỉ quãng khoảng 150 ngàn đồng thôi vậy mà những thứ đó là ước mơ của rất nhiều em nhỏ trong những bản làng xa xôi. Mời các bạn đọc những dòng chia sẻ của những người đang cố gắng giúp cho ước mơ giản dị của các em trở thành hiện thực.
Trần Đăng Tuấn
Đăng ngày 16/01/2012
Trên chục ngày trước, những người tham gia chương trình rời Bát xát, Mường Khương về Hà Nội, cái rét bên ngoài lùi xa, nhưng cái rét trong lòng càng tê tái. Thịt da ai cũng là người, nhất là da thịt trẻ con. Không thể tưởng tượng trong cái rét xấp xỉ 0 độ C, mà chúng chân trần, áo mỏng và ướt. Cùng một lúc, hình thành ba bốn nhóm song song lao vào chiến dịch khẩn cấp đưa áo rét lên cho trẻ con. Sống Thật Chậm chủ trì gánh hàng thứ hai lên Pa Cheo. Mai Thanh Hải và nhóm Giỏ Thị chủ trì gánh lên Sàng Ma Sáo. Nhóm Thùy Linh lo cho Tả Gia Khâu. Và nhóm đông nhất thì sẽ đi suốt dọc Văn Chấn - Mù Cang Chải - Bát xát - Mường Khương.
Đến đêm 8.1, đã gom góp gần 4000 chiếc áo mới. Sân Trung tâm truyền hình AVG thành một bãi đổ hàng, đóng gói, phân loại. Điện sáng trưng, người tấp nập. Ngoài người của nhóm, nhiều nhân viên công ty của mình nghiễm nhiên thành lực lượng giúp việc chủ chốt, rồi các tình nguyện viên, rồi cả những người chưa quen đã ủng hộ tiền cũng đến xem những công việc chuẩn bị chống rét cho "chúng nó". Đóng gói áo lên Điện Biên. Đóng gói áo lên Pa Cheo. Đóng gói áo lên Sàng Ma Sáo, lên Lao Chải, lên Mường Khương, lên Suối Giàng, lên Dền Thàng…Cho đến 5 giờ sáng kịp xong những lô hàng cuối. Xe xuất phát lên Văn Chấn theo trục đường 32 b. Cùng tham gia có xe của Vinaconex- đơn vị tham gia ủng hộ nhiều trong đợt này, và chục anh em trẻ của Công ty đảm nhận ủng hộ cho Tiểu học Lao Chải.
Suối Giàng là địa điểm đầu tiên. 239 chiếc áo mới mọi màu sắc được chuyển đến cho trẻ mầm non. Ngoài sân, trên các con đường núi, đâu cũng thấy bóng những chiếc áo lần trước đã đem lên cho bọn lớn. Nay thêm màu sắc sáng rực của những cái áo mới. Như vậy, cộng với 530 chiếc áo đã trao đợt trước cho học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở, gần 800 học sinh Suối Giàng đã có áo ấm. Gặp lại những người đã có mặt trong ngày đầu của "Cơm có thịt". Ở Suối Giàng, trẻ con đi học giờ ăn cơm ngon hơn và mặc ấm hơn. Đó là điều giản dị có thật. Các bạn – tất cả những ai đã cùng nhau góp sức để có điều giản dị này ở Suối Giàng và không chỉ ở Suối Giàng - các bạn hãy tin rằng, đó là một điều đẹp đẽ chúng ta làm trong năm sắp trôi qua. Thật hạnh phúc khi mỗi năm làm được vài điều tốt đẹp!
Sau Suối Giàng là đoạn đường trên trăm km lên Mù Cang Chải. Ngày mùa đông sớm hết.Thoắt thôi đã khói sương lạnh buốt. Đến chỗ rẽ vào Nậm Khắt thì đã nhá nhem. Mấy chàng thanh niên chở đào Tết đi bán hăng hái chỉ lối vào Trường Tiểu học. Đường xi măng, nhưng hẹp, vừa đi vừa lo nếu có xe ô tô chạy ra thì chỉ còn nước giật lùi, mà lùi đến bao giờ mới tránh được nhau. May mà điều này không xảy ra. Nơi đây, sự xuất hiện của hai cái ô tô là sự kiện không nhỏ với người trong bản.
Tiểu học Nậm Khắt là điểm nổi lửa nấu "Cơm có thịt" sớm, chỉ sau Suối Giàng. Bếp núc đã khá tươm tất, sạch sẽ, các em nhìn khỏe mạnh, đặc biệt là mấy cô gái lớp 4,lớp 5. Không cao nhưng mặc cỡ áo cho 11-12 tuổi cũng không phải là rộng. Vốn dễ nuôi, các em ở đây nếu được chăm sóc tốt hơn chỉ chút ít thôi, là rất nhanh hồng hào, rạng rỡ.
Vội chạy tiếp lên Lao Chải, cách đấy mấy chục km. Chiếc xe lớn chở mấy ngàn chiếc áo đã đợi sẵn bên cầu rẽ lên. Mưa, đường trơn. May mà tối mịt. một số cô cậu trẻ của Công ty mới lên miền núi lần đầu chẳng biết rằng xe đang bò cheo leo trên cái miệng vực sâu hun hút, ruộng bậc thang nối nhau xuống tít dưới. Nhìn sang lúc đêm tối thế này thì vực hay ruộng bằng nó cũng một màu đen kịt thôi, đỡ choáng, đâm ra không phải sợ.
Riêng mình thì biết, vì đi lại nhiều lần rối. Vậy nên mấy chỗ cua, đất sét khiến bánh xe trơn trượt làm mình thon thót. Mới hay biết nhiều khi chẳng ích lợi gì, cứ không biết hóa hay.
Lao Chải đã có bếp dựng lên bằng tiền ủng hộ của chương trình. Mấy tháng vật lộn mua kiếm từng cái cột, tấm ván mới có cái bếp này. Với những ai không theo dõi Lao Chải từ những ngày đầu tháng 10 thì chắc hình ảnh cái nhà bếp nhỏ chẳng nói lên điều gì. Ngồi trong cái bếp đơn sơ này, mình và Tiến Trọc gần như ứa nước mắt. Với bọn mình, một cuộc cách mạng đã có ở đây. Một cuộc cách mạng giản dị để mang lại điều giản dị: Những đứa trẻ quây quần ăn cơm có chút thức ăn trong một cái bếp kín gió, thay vì cái cảnh đắng lòng chúng lem nhem từng nhóm nấu ăn rồi vạ vật ăn cho xong bữa ở bất cứ góc xó nào trong lán, ngoài hè.
Các cô nói từ khi có bếp chung, lúc rỗi rãi các cô nấu nước nóng, mang ra bể nước cho chúng tắm. Nếu không thì có lẽ chúng cũng chẳng tắm suốt cả mùa đông! Lại có cái phải "vân vi" . Một cái nhà tắm che kín gió thôi, mà ở đây có cũng chẳng đơn giản chút nào!
Các cô cậu trẻ của Công ty mình “thầu” vụ Lao Chải, từ áo rét, đến đồ dùng vệ sinh cho từng nhóc. Những đứa trẻ cầm bánh xà phòng, lạ lẫm trước mùi thơm của nó. Một cuộc điều tra chớp nhoáng của mình đem lại kết quả: Có một đứa từng có bàn chải đánh răng, nhưng mất rồi. Và toàn bộ hiện không dùng bàn chải đánh răng, vì không có tiền thường xuyên mua thuốc đánh răng. Chứ còn chuyện biết bàn chải có tác dụng gì thì chúng có biết. Ôi, dẫu sao kiến thức cũng đi trước một bước rồi!
Từ Lao Chải ra, dưới ánh đèn pha, thấy đường đất thịt trơn bóng, mà vực thì rất sâu, xe đi lò dò từng mét vì sợ. Rồi cũng ra đến đường nhựa, đã gần 11 giờ đêm, có cái phố nhưng mà cửa đóng im ỉm. Đói. Phương án ăn tối là hoặc chạy tiếp 40 km nữa lên Than Uyên, hoặc chạy ngược về đường cũ 10 km nữa quay lại Thị trấn Mù Cang Chải, sau đó lại đi tiếp lên hướng Than Uyên. Đành chọn phương án hai vì có xe đã hết xăng, vả lại sợ lên đến Than Uyên thì cũng chẳng còn quán xá nào mở cửa.
Mù Cang Chải cũng chỉ còn độc một quán chuyên phục vụ lái xe đường dài. Ăn xong là nửa đêm. Nhóm bọn trẻ của Công ty ngủ lại, mai về Hà Nội. Còn lại hai xe: Một Pajero của anh H.- Một người theo dõi chương trình qua mạng và tham gia đi chuyến này, và chiếc xe 30 chỗ lặc lè các bao tải áo. Phía trước là hàng trăm km đường đêm lên Sapa.
Qua Lai Châu, rẽ sang ngả đi Lào Cai. Hoang vắng như mặt trăng. Nhưng thử thách bắt đầu lúc lên đèo Hoàng Liên. Đã 1g30 khi bắt đầu leo qua cái cầu rồi lên dốc. Nhìn xuống thấy dưới cầu một cái hồ nước trắng mờ dưới ánh trăng đêm (không lãng mạn đâu, cảnh tượng hơi rờn rợn). Lên cao, lên cao nữa, nhìn xuống thấy cái hồ trăng trắng càng rộng ra, rộng mãi. Cứ như biển trắng loang dần. Chợt hiểu chẳng có cái hồ nào cả, mà là mây mù. Được một khúc nữa thì đi vào vùng sương mù dày đặc , tầm nhìn vài mét, nhiều lần nhìn thấy cua thì xe đã lượn ngay mép đường rồi. Phía ngoài cái mép đường ấy là vực hun hút chắc nhiều trăm mét. Cái đèo này hôm trước đi ban ngày, nhìn hùng vĩ lắm. Vào giờ đêm này, nhiệt độ xuống 5, rồi 4 độ C, gió hun hút, trăng mờ mờ ma quái, đi mãi, đi mãi từng mét một, có cảm giác nó không bao giờ hết. Đi đường núi nhiều rồi, nhưng lần này mình có cảm giác thực sự thon thót trong tim. Rồi cuối cùng cũng nhiên thấy cái quán lá lần trước miêu tả trong bài "Một chuyến đi dài (2)" . Nó tơi tả, xơ xác, trống hoang hoác. Một góc thì kín liếp, chẳng biết hai vợ chồng nhà nọ đêm nay có dám ở trên này không. Thấy cái quán là mừng húm, vì biết từ đây là đổ dốc xuống Sa Pa rồi.
Ai ngờ mừng quá sớm. Cách Sa Pa 7-8 km, sương mù đặc đến mức tầm nhìn như bằng không! Đi như là người bị bịt mắt. Tốc độ rùa bò. Nhoáng một cái thấy sát vào hè bên này, thì đánh xe lượn sang bên kia, hình dung vậy là giữa đường. Mãi đến lúc thấy một bình nước inox nhà ai đặt bên hè chợt nhô ra từ sương mù, chút nữa va vào bánh xe, mới hiểu đã vào thành phố rồi! Nhưng Sa Pa giờ là một cái hồ lùng bùng mây trắng, có thánh mới biết đi hướng nào thì đến được khách sạn của mình.
Mình xuống , đi trước mũi xe để dẫn đường. Dẫu sao người đi trên đường nhìn rõ hơn từ trên xe . Đèn pha bây giờ chỉ làm lóa mắt, ánh sáng phản quang từ các hạt bụi sương li ti trắng nhức nhối mà chẳng thấy đường đâu. Cứ thế "dắt" xe đi trong cái lạnh gần 0 độ C. Rồi thấy cái khách sạn nào đó hiện ra trong sương. Vào đánh thức cậu bảo vệ, hỏi đường. Cậu ta nói: "Các bác mò tài thật, bác cứ đi thẳng còn trăm mét nữa là gặp nhà thờ, rẽ trái là đi thẳng vào khách sạn Công đoàn." Làm theo đúng thế thì xe như húc vào bức tường nhà nào đấy, chẳng thấy nhà thờ đâu. Rẽ bừa sang bên, đi một lúc thấy cái bờ hè quen quen của hồ cạn công viên, đoán hướng, lại quay trở lại. Chợt bất ngờ thấy lờ mờ một hình khối cao, reo lên "Nhà thờ đây rồi!" Hóa ra lúc nãy đến sát nhà thờ nhưng từ góc đó thì không nhìn bóng dáng tòa nhà được. Còn từ góc này, do có cái khoảng hồ trống, thì hình khối nó mới rõ hơn một chút.
Vào khách sạn thì đã gần bốn giờ sáng. Như vậy lái xe đã đi suốt gần 24 tiếng, kể từ 5 giờ sáng hôm trước. Còn chiếc xe ca chở áo thì lái xe trước khi đi còn thức đến 5 giờ xếp hàng, nghỉ hai tiếng, xuất phát muộn hơn. Coi như hai đêm thức trắng. Có lý do phải vội vàng: Áo vừa để chống rét, vừa là quà Tết. Xuất phát từ thứ ba, nếu không nhanh thì thứ sáu nhiều nơi các em đã nghỉ Tết rồi, có thể không kịp nhận.
Nghỉ vài giờ, hai chiếc xe, cái nhỏ lầm lũi chạy trước, cái 30 chỗ phì phò leo sau, lại rời thành phố du lịch giờ đã khá bề thế, đi trong mưa lắc rắc sang Bát Xát. Ngay cổng khách sạn, gặp mấy mẹ con, áo váy, ô xòe đầy đủ, đứng nài khách du lịch dừng xe…Lại nhớ cuộc tranh luận nhỏ trên blog của mình giữa các “còm viên” về chuyện giúp chút cái ăn cái mặc cho trẻ vùng cao có làm mất bản sắc dân tộc đi không. Mấy mẹ con mình thấy (và nhiều nữa - thật buồn - ở Sa Pa) về quần áo trang phục thì còn nguyên tính dân tộc đấy. Vậy thì so với những đứa trẻ mặc quần áo ấm dưới xuôi mang lên, nhưng chẳng bao giờ xin quà, tính dân tộc ở ai còn, ở ai thì mất, và mất từ đâu? Sự hiện đại hóa không nhất thiết sẽ hủy diệt bản sắc. Nó là kẻ hủy diệt khi đồng hành với thói vô cảm của con người.
Qua Pa Cheo thì gánh hàng vừa được chuyển vào ít phút trước. Hai thày và một cô giáo chở bọn mình vào trong trường bằng xe máy. Đường rất trơn, và đôi lúc bánh xe trượt trên đá hoặc đất nhão, khi dưới là dốc và vực. Lối vào sân trường lầy lội. Các em Tiểu học đã kịp mặc những chiếc áo rét mà nhóm Sống Thật Chậm vừa chuyển lên, đang xếp hàng tập múa hát để đón đoàn từ thiện do một Hội đoàn thể đưa xuống. Được biết có 30 suất quà Tết sẽ được trao, nghe đâu là chục ký gạo mỗi suất. Một số đứa trẻ từ bản lên co ro đứng cuối sân đợi quà. Riêng trường Tiểu học này có 370 học sinh. Mầm non vào nữa thành khoảng 600 đứa. 30 đứa sẽ được quà, số còn lại đứng ngoài trời lạnh, mưa, ẩm ướt để múa chào mừng đoàn từ thiện nọ. May mà chúng kịp có áo rét mới cho ấm, cho đẹp để mà múa được trong mưa rét. Cho đến lúc bọn mình làm xong giao nhận với Ban Giám hiệu, quay ra, thì các nhà từ thiện và Hội đoàn thể kia cũng chưa đến. Mà mình cũng không muốn nhìn cái cảnh trao quà long trọng nọ.
Đi tiếp hướng Mường Hum. Con đường này có đoạn rất xấu. Xe mình đi không sao. Chiếc xe 30 chỗ kia đến dốc Cán Tỷ thì trèo lên hai lần, trượt xuống cả hai. Mỗi lần như thế đủ để hoảng đến cả năm. Anh Kh. và lái xe xuống xe ngồi thở. Lại hồn, tính chặn thuê xe tải. Gặp cô Hiệu trưởng mầm non Y Tý chạy xe máy đi họp ở Pa Cheo. Hai cô dặn chờ, các cô vào bản xin trấu ra rắc để chống trơn. Đợi lúc, lái xe liều "chơi" cú nữa. Xe lấy đà lao lên,trượt nhưng vẫn lên được. Thoát!
Từ Mường Hum qua cầu để sang Sàng Ma Sáo thì đã quá trưa. Ở đó nhóm Mai Thanh Hải đang đợi để lấy xuống gần 600 áo cho Tiểu học. Đói, nhưng thôi cố đi vào đó , nghe nói chuẩn bị mỳ tôm rồi. Ai ngờ qua cầu, rẽ vào đường xuống bản thì một chiếc xe tải nằm chết chềnh ềnh ra. Thót tim nhìn chiếc xe 30 chỗ của mình quay đầu trên miệng vực. Người ta mách có thể đi vòng qua đồi, vượt qua đỉnh núi có công trình thủy điện đang làm, rồi vòng ra Sàng Ma Sáo. Lại đi. Hỏi bất cứ ai trên đường. Bác người Mông nói một hồi, chỉ chỏ tận tình, nhưng tổng kết lại thì mình không dám chắc ý bác ấy thế nào. Cậu công nhân thủy điện thì tần ngần: "Em mới lên đây, cũng chẳng biết lối nào đi được". Lồng lên lộn xuống cả khu núi ấy, vài lần quay đầu, lúc chán nản muốn bỏ cuộc quay về Mường Hum thì bất chợt thấy trúng đường vào bản!
Sân trường Mầm Non Sàng Ma Sáo đông như hội. Chẳng gì cũng quãng gần ngàn cái áo rét, chia ra đưa xuống bao bản xa. Thôi thì xe máy, ngựa thồ, khuân vác tay...tản ra rẽ vào các đường núi ngoằn ngoèo...Xong việc, ăn bát cơm cô Hiệu trưởng nấu ở phòng tập thể lúc 4 giờ chiều. Bỏ bát xuống là chạy ngay sang Dền Thàng. Sốt ruột vì tuần trước Mai Thanh Hải đã "bật khóc" ở đây (xem bài "Đã bật khóc, ngay tại Dền Thàng" trên blog này). Đến nơi thấy: Cả hai lớp học ở Dền Thàng đều đang có bếp củi sưởi giữa nhà. Cái con bé lần trước Lana quấn khăn cho, hôm nay cũng vẫn phong phanh. Được cái góc phòng hàng ủng mới xếp ngay ngắn, và chân đứa nào cũng đi tất. Mặc xong áo rét mới, chúng nó tung tăng ngoài sân vì áo đủ ấm để không sợ lạnh. Thì ra chống rét cũng không khó: Mỗi đứa một cái áo, đôi ủng, đôi tất. Chỉ quãng 150 ngàn cho một đứa – để khỏi bật khóc khi thấy chúng tím tái run rẩy vì ướt và lạnh!
Khi rời Dền Thàng, nhiệt độ xuống khoảng 4 độ C. Xe đến khu rừng già thì lại không đi nổi vì sương mù. Thỉnh thoảng bám vào đèn đỏ xe máy đi trước. Sau mới biết, ở đây khi ô tô không đi được thì dân bản địa phải đón và dẫn bằng xe máy. Đã gọi điện nhắn các cô cho các cháu về, đừng đợi kẻo tối. Đến nơi, thấy chúng nó lô lốc nằm trong chăn đợi, bố mẹ chúng cũng đợi để lấy áo mới! Thấm thía rằng người ta có thể mong đợi một chiếc áo mới như thế! Hai vợ chồng cô Hiệu trưởng vác bao tải áo, dẫn bọn mình lội bùn xuống điểm trường khác cuối dốc. Không có điện, ai đó bật pha xe máy để mặc áo cho bọn trẻ. Hôm sau, đi trên đường Y Tý, mình gặp một đứa hôm qua vừa mặc áo cho nó, một cái áo hơi dài, nhưng có vẻ sự dài ấy rất đắc dụng ở nơi này.
Đêm thứ hai của chuyến đi cả bọn ngủ trên nhà sàn, được cái nhiều chăn đệm. Mình chọn chỗ gần góc có bếp củi dưới tầng 1. Lúc đầu mùi khói khiến hơi ngột. Sau quen thấy không có vấn đề gì, khá ấm. Chẳng biết nhiệt độ là bao nhiêu, nhưng thở hay nói hơi bốc ra như từ đầu máy xe lửa.
Sáng ra thấy sương mù dày, không mưa nhưng khắp nơi ướt như là sau mưa rào vậy. Một xe đi Ngải Thầu, xe mình đi đến Tiểu Học Y Tý 2. Cô giáo đi xe máy dẫn đường, có lúc sương che khuất chẳng nhìn thấy đâu. Thế nào lại chở thiếu của chúng nó 5 cái áo nữ. Gọi cho xe kia đang ở Ngải Thầu, nói gửi lại thêm áo ở đó. Một thày giáo trẻ tình nguyện dắt xe máy phóng đi Ngải Thầu lấy áo về, vì "đứa nào thiếu áo nó tủi thân lắm".
Xe chạy khỏi Y Tý vài chục cây số,lần đầu tiên từ khi rời Hà Nội, thấy đường khô, nắng ấm, bỗng thấy cứ lạ lạ. Hóa ra ba ngày qua đã quen lúc nào cũng đi trong mù và ướt. Bốn giờ chiều đến trung tâm Mường Khương, rồi lại leo núi đi qua Pha Long, đến Tả Ngải Thầu. Độ cao cũng 1000 m so với mặt biển (tương tự Y Tý). Đoạn đường trải nhựa chính lại nguy hiểm nhất vì dính bùn trơn. Đi sau, mình nhìn thấy mấy lần chiếc xe 30 chỗ luôn trượt bánh sang bên, quả thật là nguy hiểm. Trẻ con Tiểu học Tả Ngải Thầu ở nội trú cũng tới 120 đứa. Chúng reo cười trên sân trường, nhận áo dưới ánh đèn pha ô tô. Xong việc, về đến Trung tâm Huyện , tìm được chỗ nghỉ thì đã 12g 30 đêm.
Sáng thứ sáu, dù rất muốn chơi chợ Mường Khương, mua ít đặc sản làm quà Tết, xe của mình vẫn phải xuất phát ra trước, để kịp trước giờ nghỉ trưa phát được áo cho một trường nữa. Sau 11 giờ chúng nó đã nghỉ Tết rồi. Gần trăm đứa trẻ của Tiểu học Thanh Bình I bất ngờ thấy chiếc xe kềnh càng đến đỗ, rồi mỗi đứa đều được nhận áo mới. Các thày cô giáo, rồi dân xung quanh cũng ngạc nhiên vì không được báo trước. Cô giáo nói: Trước đây cũng thỉnh thoảng có ít suất áo ấm cho học sinh. Nhưng đây là lần đầu tiên tất cả chúng nó đều có áo mới, cả mấy đứa vắng mặt. Có đứa nghĩ bạn hôm nay không đi học thì không có áo mới , định chạy về bản gọi bạn đến nhận áo, mình phải ngăn lại, nói rằng mang về cho bạn cũng được mà.
Dọc đường đi gom áo rét, rồi đi qua sương mù Tây Bắc mang áo đến các trường, mình vẫn nhận được những tin nhắn chuyển tiền ủng hộ. Một tin nhắn làm mình xúc động: “Bé Nam (Nguyễn Bảo Châu) dự định chào đời trong 1 tuần tới tặng áo ấm cho các bạn vùng cao”. Sau đọc thêm, mới biết bố bé Nam đi công tác nơi rất xa, lúc đi lo cháu đẻ đúng mùa lạnh nhất. Tuần qua mẹ cháu cũng không khỏe.
Không biết đến hôm nay bé Nam đã bước ra thế giới này với chúng ta chưa. Thế giới này bao la, nhiều điều tuyệt diệu. Nhưng thế giới này cũng chưa đẹp, chưa ấm như các bác, các chú, các cô mong muốn để trao cho bé. Điều mẹ làm cho bé, gọi là "Để phúc cho con". Khi rời Hà Nội, tài khoản ủng hộ có số dư 200 triệu. Đến lúc tôi viết dòng này, số dư là 447 triệu. Và nhiều trăm triệu mua quần áo nữa không tính trong tài khoản. Vậy là chỉ vài ngày vừa rồi, đã bao người làm điều "Để phúc cho con" qua chương trình nhỏ của chúng ta?
(Nguồn: Blog trandangtuan)
Cám ơn Thu đã post bài. Nhiều khi cuộc sống thường nhật cứ kéo mình đi, quên mất một số chuyện, nhưng bài báo này lại kéo mình quay lại chuyện để phải nhớ. Khóc.
Trả lờiXóaRa Tết CLB mình sẽ có chương trình quyên góp quần áo, đồ chơi, sách truyện, sách giáo khoa đã sử dụng cho các cháu.
Trả lờiXóaChương trình này đòi hỏi phải có người có kinh nghiệm để tổ chức đấy
Trả lờiXóaThu ạ, vì chị đã biết có nơi tổ chức nhưng không có vị trí tập kết để phân loại đồ quyên góp nên đến hôm đi mới mang đến tập trung, kết quả là nhiều thứ không dùng được như tất không đủ đôi, đồ lót, giầy dép, váy các kiểu .v.v. và những thứ đó chiếm mất chỗ của những thứ khác, bởi vậy ta nên tính kỹ, tổ chức thu gom theo tổ hay thế nào đó. Thực sự ủng hộ chương trình này.
Em sẽ suy nghĩ thêm về vấn đề này.
Trả lờiXóa