Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Thiền và thở

Thở nội lực 4 thì đúng phương pháp là một trong những bước quan trọng mà mỗi người luyện thiền ở Câu lạc bộ DSNL phải nắm vững để thực hành ngay từ buổi học đầu tiên. Không chỉ ở buổi học đầu mà trong các buổi lên lớp, Thầy luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng, tác dụng, và kỹ thuật thở nội lực 4 thì để học viên thực hành đúng. 
Hôm nay Trang CLB DSNL xin giới thiệu bài viết của tác giả Lê Tấn Tài về mối quan hệ giữa Thiền và Thở, tác dụng của việc thở đúng và một số bài tập thở. Bài đăng trên trang Lều Xưa, chuyên mục thiền dưỡng sinh. Mời bạn đọc tham khảo.
  
THIỀN và THỞ
Lê Tấn Tài
Tập thiền

Nói đến thiền chúng ta nghĩ ngay đến ngồi thiền: bán già, kiết già. Thực ra chúng ta có thể tập thiền trên mọi tư thế (đi, đứng, nằm, ngồi...), mọi lúc (khi làm việc, lúc nghỉ ngơi...). Tuy nhiên, Thiền và Yoga thường khai thác cách ngồi kiết già để chữa mỏi mệt. Giữ lưng thẳng đứng khi ngồi thiền chữa trị đau cột sống rất hiệu quả, nếu kết hợp với thở bụng cũng có thể làm chậm lão hóa.


Một vấn đề quan trọng khác khi thiền định là phải ý thức rõ hơi thở: “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra…”. Tim đập thì khó theo dõi vì nó đập mau chậm ngoài ý muốn của chúng ta. Các bộ phận khác trong cơ thể cũng khó quan sát chỉ riêng hơi thở thì chúng ta quan sát rất dễ dàng. Lúc lo âu thì thở hổn hển. Lúc sợ hãi thì thở khi nhanh, khi chậm. Thở cũng gắn liền với các hoạt động cơ bắp, mệt thì đứt hơi, khỏe thì hơi thở nhẹ nhàng . Như vậy chỉ cần quan sát hơi thở, chúng ta có thể quan sát được toàn diện thân xác. 

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết: "Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là một sợi dây nhạy cảm buộc thân vào tâm, là cái cầu nối giữa thân và tâm. Không chỉ thế, thở còn vừa là ý thức, vừa là vô thức. Như không cần ta. Như ở ngoài ta. Như không có ta. Quan sát thở, ta còn có dịp đào sâu xuống…vô thức. Ta thấy thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Để ý một chút ta sẽ thấy đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Khi chào đời em bé khóc thét lên một tiếng thật to để hít mạnh không khí vào phổi để rồi khi lìa đời, cụ già lại thở hắt ra một cái, trả lại cho đời tất cả những gì mình đã vay mượn! Giữa hai lần thở vào thở ra đó là những đợt thở… lăn tăn như những làn sóng nhỏ, mà nối kết các làn sóng nhỏ lăn tăn đó lại với nhau ta có cuộc rong chơi trong cõi Ta bà!"

Tập thở

Thở quan trọng như vậy nhưng ít ai chú ý đến và nhất là không biết cách thở. Lúc sinh ra, chúng ta thở bằng bụng, tuy nhiên khi lớn lên chúng ta lại thở bằng ngực. Theo chuyên gia Shah thì việc thở bằng ngực làm các khí đọng sẽ nằm ở dưới đáy phổi, có nghĩa không khí trong lành ít đến vùng đáy phổi hơn . Trong khi đó, vùng đáy phổi là nơi chứa nhiều mạch máu ấm áp và ẩm ướt nhất - tức là nơi trao đổi khí và vận chuyển ôxy vào máu nhiều nhất. Như vậy động tác hít vào thở ra là một chu kỳ. Cứ mỗi chu kỳ có khoảng nữa lít khí vào ra cơ thể. Chu kỳ này hoạt động khoảng 18 lần trong một phút. Hơi thở cần nhịp nhàng và đều đặn, trung bình 15 nhịp/phút, tạm ngưng một quãng ngắn giữa hít và thở ra. Chỉ cần vài phút tập thở mỗi ngày sẽ có tác dụng rất lớn cho sức khỏe (chống stress, giảm huyết áp, mất ngủ, các chứng bệnh dạ dày, giảm mệt mỏi...), ảnh hưởng rất tốt đến ba hệ thống thần kinh, tuần hoàn và hô hấp.

Các bài tập thở

1/ Thở sâu
Trong cách hít thở thông thường chúng ta chỉ tống khí ra khỏi phần trên và phần giữa của phổi, còn phần dưới là đáy phổi thì không hoạt động và đầy khí cặn. Vậy chúng ta phải tập hít thở sâu đến tận đáy phổi, đẩy hết khí cặn ra ngoài và làm cho khí trong lành tràn vào. Hít thở tối đa sẽ giúp các cơ hô hấp khỏe hơn. Do máu tăng cường nuôi dưỡng các bộ phận, cơ thể sẽ tăng khả năng tự điều chỉnh các rối loạn của các cơ quan. Chẳng hạn sự sợ hãi làm tim hồi hộp vì thải khí carbon quá nhiều, nên hít thở chậm và sâu, tập trung tư tưởng để thư giãn, lấy lại bình tĩnh và quân bình tinh thần. Hít thở sâu trao đổi khí trong phổi và các cơ quan khác từ đó thải khí độc ra khỏi cơ thể và chống được mệt mỏi.

2/ Thở nằm
Nằm ngửa, hai tay giang ra hai bên, lòng bàn tay ngửa lên, nhắm mắt lại, thư giản toàn thân. Hít hơi mạnh vào và đưa xuống bụng rồi thở ra từ từ cho đến khi cảm thấy cơ thể chìm xuống.

3/ Thở đi
Sự hít thở và đi bộ có liên quan với nhau vì đều do khối óc điều khiển. Nên đi chân không khoảng 15 phút và đi bộ thật chậm để nhận thức nhịp thở. Chân trái bước lên, hít hơi mạnh đến khi chạm đất thì thở ra. Lập lại động tác với chân phải. Cơ thể chuyển động giống như trái banh, lưu ý giữ thẳng cột sống. Trong lúc đi, thỉnh thoảng lại kết hợp với thở bụng và thở sâu theo công thức: 4 bước hít vào (phình bụng), 2 bước ngừng thở, rồi 8 bước thở ra.

4/ Thở ngồi
Ngồi xếp bằng theo tư thế kiết già hay bán già, thẳng lưng để cột sống duỗi hẳn ra. Tập trung hít thở vào cơ hoành (màng chắn khoang bụng trên, không phải ở ngực). Nhắm mắt lại, hít vào thở ra đều đặn. Tập khoảng 15 phút mỗi ngày. Thở 4 thì bằng nhau: Thì 1 hít vào sâu, từ từ và nhẹ nhàng bằng mũi, êm dịu kéo dài đến mức có thể chịu được, đồng thời phình bụng ra. Thì 2 nín thở giữ hơi. Thì 3 thở ra từ từ, êm nhẹ và kéo dài, đồng thời bụng thót vào hết cỡ. Thì 4 nín thở. Thời gian của các thì như nhau.

5/ Thở bụng
Hít vào thì phình bụng, thở ra thì thót bụng và co hậu môn lên, thở thật nhẹ nhàng và chậm rãi. Nên chú ý dẫn dắt hơi thở theo một hướng nhất định (có thể tưởng tượng hơi thở vào qua mũi, ngược lên đỉnh đầu, ra sau gáy, dọc theo xương sống...).

6/ Thở theo Yoga
Có thể tập thở trong tư thế nằm, đứng, ngồi trên ghế, nhưng tốt nhất là ngồi bán già hoặc kiết già. Phép thở yoga cần phải nhẹ nhàng, chậm rãi, đều đặn theo 3 thì (hít vào, giữ hơi, thở ra) hoặc 4 thì (hít vào, giữ hơi, thở ra, nín hít). Cách thở này là cách thở thiền định, phải quán sát từng hơi thở của chính mình.

7/ Thở một lỗ mũi
Mũi có bên trái và bên phải, chúng ta thường sử dụng cả hai để hít vào và thở ra. Thực ra, hai bên rất khác nhau. Bên phải tượng trưng cho mặt trời, bên trái cho mặt trăng. Nếu đau đầu, bịt mũi bên phải thở bên trái, 5 phút sau thì sẽ bớt. Nếu cảm thấy mệt mỏi, chỉ cần làm ngược lại, đóng mũi trái và thở bằng mũi phải. Ít phút sau, sẽ thấy khỏe khoắn. Bên phải thuộc về nóng. Bên trái thuộc về lạnh. Phần đông phụ nữ thở bên trái nên họ trở nên dịu dàng nhanh hơn. Ngược lại phái nam thở bên phải nhiều hơn, nên họ mau nóng nảy. Buổi sáng khi thức dậy, chúng ta hãy chú ý lỗ mũi nào thở nhanh hơn. Nếu bên trái thở nhanh hơn, chúng ta sẽ thấy mệt mỏi. Hãy bịt bên trái, thở bên phải , tức khắc sẽ cảm thấy khỏe khoắn. Liệu pháp thở này có thể chữa bệnh mà không cần thuốc và không hại gì cả. Vậy, tại sao chúng ta không thử xem?

3 nhận xét:

  1. Hay tuyệt, tôi sẽ thử thở 1 bên mũi để chữa bệnh, mỗi tội hay quên quá. Tối hôm trước tới chơi nhà bạn, chồng bạn kêu đau đầu, muốn bầy cách thở như trong bài mà quên béng mất, ngồi thần người ra nghĩ làm 2 vợ chồng bạn tưởng bị sao, khổ thế đấy!

    Trả lờiXóa
  2. Em cũng thấy bài này hay chỉ có điều có nhớ để áp dụng luyện tập hay không lại là chuyện khác. Bài tập thở ngồi đúng y như bài tập thở nội lực của CLB mình.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.