Trang

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Lại Cái Chuyện Nụ Cười Sơn Cước

Tô Hải
Hôm nay, ngồi vào computer thấy mất tiêu đâu bài hát này, phục hồi lại để người nghe bản chính gốc thì lại mất tiêu đâu một phần chính của bản thuyết minh. Đành viết lại có bổ xung thêm một số đau khổ mới khi vào Google gõ cái tên tớ và tên bài hát đó...vì những bài tán láo về nó.
Rằng thì là: 1-Tớ cầm ghi ta hát lên (chứ không phải "viết lên" như cô bé Kim-rap-pơ tuyên bố viết (?) nhạc rap trên Tinhvi đâu?)


Cái ngày đông rét mướt năm đó Tây nó đánh dữ dội lắm... Bộ Tư Lệnh III mà tớ làm "lính kiểng" lúc đó phải rút vào tận Kim Bôi (Hòa Bình). Tớ đóng quân trong nhà một cô con gái có tên Đinh thị Phẩm, 24 tuổi đời. Thích thì có thích nhưng chưa biết "tán gái" mà chỉ biết làm thơ, làm vài câu thơ rồi ngâm nó lên theo kiểu riêng của tớ gọi là ca khúc (như các cụ ngày xưa khi hát "Trèo lên trên núi thiên thai..." ấy mà.) Thế là, trước khi rời rừng núi về học Lục Quân Trần Quốc Tuấn tớ muốn nói lên mối "tình câm" của mình bằng... vài câu thơ có giai điệu... Thế thôi! Như tớ đã viết trong bài "Khai lý lịch thật thà" trên blog, tớ là một kẻ đã bị tiêm nhiễm từ bé bởi những bài ca ở trường sơ, trường dòng, rồi sau này, làm "sói con ("louveteau), "hướng đạo" (scout) bị các thứ âm nhạc đủ loại nó ăn sâu vào đầu óc, vào trái tim. Tớ hát và thuộc lòng đủ thứ, từ acapella nhà thờ "Gloria in excelsis đê..ê,ề...ồ", đến "Laissez moi vous aimer", "Oh! Rose Marie I love you!" "But where are you?" rồi đến đến cả "Maréchal nous voilà" (thời chính phủ Vichy) sau đó là "Aikoku","Shina no yoru" (thời Nhật lật Pháp). Nghĩa là tớ hát tất cả, thích đủ thứ âm nhạc chứ chẳng bao giờ chú ý đến cái "nhời" nó nói cái quái gì. Tóm lại tớ là một thanh niên yêu nước, ghét Tây, mê âm nhạc....
...Nào ngờ..."Nụ cười sơn cước" lại được hoan nghênh đến thế và Ngọc Bích, Canh Thân, Hoàng Thi Thơ.. đã mang nó vô thành phổ biến khắp nơi... họ xếp tớ vào loại tác giả tiền chiến! Và từ đó "Nụ cười sơn cước", một trong những "tình ca thời kháng chiến" của bọn tớ sống nhờ cái mác nhạc tiền chiến đến ngày nay!
..... "Nụ cười sơn cước" ra đời như thế đó. Tình thì có, nhưng mà là tình câm, tình nhát (vì sợ kỷ luật) đã có gì đâu mà nhiều người viết về bài hát này cứ thêu dệt ra lắm chuyện, thậm chí còn đặt cả những cái tên Lò thị nọ, NôngThị kia ra rồi thay cả địa điểm, nơi sinh, ngày sinh của nó nữa mới khổ tớ chứ! Làm bà xã cứ trách tớ: "Có thế mà anh cứ giấu em!" Tớ định kiện báo vì vi phạm luật báo chí "xâm phạm đến đời tư không được phép" của tớ mấy lần. Nhưng đọc đi, đọc lại thì thấy: họ đều xuất phát từ tình yêu đối với một sáng tác của tớ đã bao năm tưởng chết nay lại hồi sinh, từ tình yêu đối với tớ. Đặc biệt có nhiều đồng đội cũ, nay về già, nghĩ về quá khứ tươi đẹp đã qua, đã viết về "Nụ cười sơn cước" như để tranh thủ viết về một thời một thanh xuân đẹp nhất của chúng tớ mà thôi. Vì vậy tớ lại lặng im... (trừ một lần tớ lên tiếng phản đối và được xin lỗi và cải chính trên báo An Ninh Thế Giới do quá nhiều điều bịa đặt không có lợi cho gia đình (cũ và mới) của tớ mà thôi.
....Rất nhiều Nhà Xuất Bản đã công bố bản chính thức của tớ trên các "Tuyển tập ca khúc trữ tinh"..."Ca khúc vượt thời gian"... đăng đi, đăng lại trên báo chí... Vậy mà, các ca sỹ thời nay vẫn không chịu hát theo bản nhạc của tác giả! Trừ 2 người là Lê Dung và Đông Đào. Còn trên Tivi, trong các tiệm cà phê-ca nhạc, họ tha hồ "phiêu" bất tử, ngắt câu, ngắt đoạn tùy thích, nhất là bôi mỡ, đánh bóng các nốt nhạc nghe đến rợn người (Ánh Tuyết).
(Nguồn:Trích trong Blog của nhạc sỹ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.