Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Xoa bóp hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối


Thời tiết thay đổi, khí hậu lạnh là những yếu tố ngoại cảnh tác động lớn đến các khớp trong cơ thể nhất là khớp gối và cột sống. Xin giới thiệu bài "Xoa bóp hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối" của lương y Đình Thuấn. Bài đăng trên trang Sức khỏe & Đời sống ngày 10/1/2011.

Xoa bóp hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối

Lương y Đình Thuấn
Thoái hóa khớp gối là bệnh thường gặp nhất là ở người cao tuổi. Từ 30 tuổi trở đi, khớp gối đã bắt đầu thoái hóa. Lúc đầu, biểu hiện chủ yếu của bệnh là mỏi khớp, vận động khó khăn, dần dần xuất hiện cảm giác đau, đặc biệt là khi bước lên cầu thang hoặc khi thời tiết thay đổi. Đôi khi nghe tiếng lạo xạo trong khớp gối khi vận động. Trường hợp nặng, người bệnh đau cứng khớp đột ngột không thể co duỗi được.

Theo y học cổ truyền, ngoài biện pháp dùng thuốc, vật lý trị liệu, châm cứu thì xoa bóp bấm huyệt cũng là một biện pháp đơn giản và hiệu quả để điều trị căn bệnh này, có tác dụng giảm đau và phục hồi vận động cho bệnh nhân. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo và tự thực hiện tại nhà. Nên làm đều đặn hằng ngày, mỗi ngày 2 lần.
Xát khớp gối: Người bệnh ngồi trên giường cứng, hai chân duỗi thẳng. Hai bàn tay ôm lấy hai bên khớp gối và xát từ trên xuống và ngược lại khoảng 20 lần.
Day khớp gối: Ngồi trên giường, chân duỗi thẳng, hai bàn tay úp lên hai xương bánh chè rồi day tròn theo chiều kim đồng hồ khoảng 20 lần rồi day ngược chiều kim đồng hồ 20 lần.
Day huyệt thừa sơn  
Miết khớp gối: Ngồi sao cho cẳng chân vuông góc với đùi. Hai ngón cái đặt vào đầu gối (phía trước đầu gối), các ngón còn lại ấp vào khoeo (phía sau đầu gối). Hai ngón cái dùng lực vừa phải miết hướng vào tâm (phía trước đầu gối) sau đó lại miết từ tâm ra phía sau đầu gối dọc theo khe khớp gối. Tiếp tục làm như vậy với chân bên kia, mỗi bên khoảng 20 lần.
Vận động khớp gối: Ngồi, cẳng chân vuông góc với đùi. Hai tay ôm lấy khớp gối co duỗi nhẹ nhàng khoảng 20 lần. Làm lại như vậy với chân bên kia.

Day ấn huyệt âm lăng tuyền: Dùng hai ngón cái đồng thời day ấn huyệt âm lăng tuyền hai bên chân khoảng 1 phút.
Day ấn huyệt huyết hải: Dùng hai ngón cái đồng thời day ấn huyệt huyết hải hai bên chân khoảng 1 phút.
Day ấn huyệt túc tam lý: Dùng hai ngón cái đồng thời day ấn huyệt túc tam lý hai bên chân khoảng 1 phút.
 Day huyệt túc tam lý
Day ấn huyệt ủy trung: Dùng hai ngón giữa đồng thời day ấn huyệt ủy trung hai bên chân trong 1 phút.
Day ấn huyệt thừa sơn: Dùng hai ngón giữa đồng thời day ấn huyệt thừa sơn hai bên chân mỗi bên khoảng 1 phút.
Ngoài ra, có thể kết hợp chườm nóng khớp gối bằng lá ngải cứu sao với muối, mỗi ngày làm một lần vào buổi tối.
Chú ý:
Khi đau cấp phải hạn chế vận động và kết hợp dùng thuốc. Khi các triệu chứng đau giảm hết cần tăng cường vận động khớp gối để tránh cứng khớp và biến dạng khớp. Nên thường xuyên tập thể dục với cường độ thích hợp, đều đặn, kéo dài khoảng 20 - 30 phút, ít nhất là 3 lần/tuần, tốt nhất là đi bộ, yoga, bơi, đạp xe đạp.
Tránh để thừa cân béo phì tạo áp lực cho khớp. Tăng cường các thức ăn bổ sung canxi như sữa tươi, sữa chua, các loại tôm tép. Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt hằng ngày như ngồi chồm hổm, khom cúi kéo dài, không đi giày gót cao. 
Vị trí huyệt
Âm lăng tuyền: Ở chỗ lõm làm thành bởi bờ sau trong đầu trên xương chày với đường ngang qua nơi lồi cao nhất của cơ cẳng chân trước xương chày, ở mặt trong đầu gối. Dùng ngón tay lần theo bờ trong xương ống chân, đến ngay dưới chỗ lồi xương cao nhất, đó là huyệt.
Huyết hải: Mặt trước trong đùi, từ xương bánh chè đầu gối đo lên 2 thốn. Hoặc ngồi đối diện với bệnh nhân, bàn tay phải của thầy thuốc đặt trên xương bánh chè bên trái của bệnh nhân, 4 ngón tay áp tại đầu gối, ngón cái ở phía trên đùi, chỗ đầu ngón cái là huyệt.
Túc tam lý: Bờ ngoài xương bánh chè đo xuống 3 tấc, cách bờ xương ống chân 1 tấc. Hoặc gấp gối vuông góc, lòng bàn tay đặt vào xương bánh chè (tay phải trên đầu gối phải, tay trái trên đầu gối trái), các ngón tay duỗi thẳng, ngón trỏ đặt trên bờ trước xương ống chân, đầu ngón giữa ở đâu thì đó là huyệt. 
Ủy trung: Ngay giữa lằn chỉ ngang nếp khoeo chân.
Thừa sơn: Ở giữa đường nối huyệt uỷ trung và gót chân, dưới uỷ trung 8 tấc, ngay chỗ lõm giữa hai khe cơ sinh đôi ngoài và trong.

5 nhận xét:

  1. Đọc bài này lại nhớ đến bài tập VỖ CHÂN mà CLB đã học của cụ bà VÂN TIÊN năm 2010. Xem ra bài vỗ chân của cụ Vân Tiên hay hơn bài tập này vì nó toàn diện hơn. Vì vậy chúng tôi thường xuyên tập bài này mỗi sáng sau khi thiền.
    Vì sao nói thế ? Bài vỗ chân từ đầu gối tới 10 ngón chân, bàn chân...là đã kích hoạt tới 7 đường kinh chạy từ trên người xuống 10 đầu ngón chân và 2 bàn chân. Đồng thời dọc theo 7 đường kinh đó là các huyệt đã nói tới trong bài tập này.

    Trả lờiXóa
  2. Bổ xung nhân xét:
    Có 1 số chi tiết bài tập vỗ chân được bổ xung là:
    - Vỗ hai bên đầu gối để kích thích mạnh thêm 3 huyệt Âm lăng tuyền, dương lăng tuyền và |Túc tam lý.
    - Vỗ thêm bụng chân và trước bụng chân để kích thích các huyệt chạy qua đó ( Thừa Sơn..)
    - Vỗ 2 mắt cá chân, nơí có nhiều huyệt quan trọng chạy qua .

    Trong thực hành, thay vì hát bài " Nu na nu nống"- Bài đồng dao của của trẻ em,ta đếm:
    Một hai, ba , bốn. năm , sáu, bẩy , tám.
    Hai, hai, ba, bốn, năm , sáu, bẩy, tám.
    Ba, hai, ba, bốn, năm, sáu, bẩy ,tám...
    Cứ đếm như vậy như đến tập thể dục 4 lần 8 nhịp cho mỗi chỗ cần đập.

    Trả lờiXóa
  3. @ A Tùng: Chào anh. Đã lâu mới lại thấy anh trên Blog.
    Anh Chuyền cũng đã đề cập đến tác dụng của bài tập "Nu na nu nống" trong bài "phân tích bài tập "Nu na nu nống".

    Trả lờiXóa
  4. Chào bạn HT !
    Cám ơn bạn đã có lời chào.
    Tôi vẫn thường xuyên theo dõi blog của CLB ta và tập luyện thường xuyên. Ngặt vì quá bận chăm sóc các cháu nhỏ hàng ngày ( phòng, chữa bệnh cho chúng), nên không thể đi sinh hoạt hàng tuần ở CLB được. Nhất là năm nay lại có thêm cháu mới sinh...
    Riêng đối với cháu mới sinh, mấy tuần qua cháu hay thao thức nửa đêm, bố mẹ nó không ngủ được. Nhớ bài đã học về 5 thần khí trong con người, tôi đã tìm ra TÂM KHÍ của cháu bé không bình thường = con lắc , và đã áp dụng vẽ QUẺ DỊCH TÂM KHÍ để dưới gối và sau lưng cháu. Quả nhiên hiệu nghiệm: Cháu ngủ 1 mạch tới sáng. Kiểm tra tâm khí của cháu thì thấy bình thường.
    Bài học về thần khí con người thật hiệu quả! Xin chia xẻ cùng các bạn trong CLB.
    Nhân bài viết về chữa thoái hóa khớp gối, tôi xin chia xẻ thêm kinh nghiệm của tôi trong bài gửi đăng sau đây.

    Trả lờiXóa
  5. @ A Tùng: Rất vui khi biết anh vẫn thường xuyên theo dõi trang CLB. Cảm ơn anh đã chia sẻ kinh nghiệm của mình với trang CLB. Chúc anh chị luôn vui, khỏe, và tập luyện ngày một tiến bộ. Cho em gửi lời hỏi thăm chị Hiền.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.