Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Thành phố lúc rạng đông

         Năm đó lũ chúng tôi học năm cuối cấp 2. Tin thắng trận từ miền nam dồn dập làm đứa nào đứa ấy háo hức. Lũ trẻ con chúng tôi sống trong khu tập thể của những người lính. Ngôi trường chúng tôi học ở ngay trong tập thể và cũng mang tên một người lính. Hầu như bọn trẻ chúng tôi đều có bố hoặc mẹ, hoặc cả bố lẫn mẹ khoác áo lính, vì vậy tin chiến trận đối với chúng tôi là một trong những tin sốt dẻo và được cập nhật hàng ngày. Ở nhà được nghe bố mẹ kể, rồi nghe đài, đọc báo, đến trường được các thầy cô tiếp thêm niềm phấn khởi bằng những cuộc thi đua hoa điểm tốt mừng chiến công của các chú bộ đội. Rồi ngày mong đợi ấy cũng đến. Lũ trẻ chúng tôi ôm nhau nhảy cẫng lên, tập rượt đi diễu hành, phất cờ sao cho đều, học hát, hô khẩu hiệu đến khản cả tiếng vậy mà không đứa nào kêu mệt, đứa nào cũng vui, nụ cười luôn nở trên đôi má bầu bĩnh của tuổi dậy thì. Chúng tôi vui lắm, vui với niềm vui của cả đất nước, niềm vui của dân tộc.



         Nhân ngày giải phóng miền nam chúng ta cùng xem lại video clip "Phóng sự ghi nhanh ngày 30/4/1975 - Hà Nội mừng Sài Gòn giải phóng" và bộ phim tài liệu màu "Thành phố lúc rạng đông" của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1975.



         Đây là lần đầu tiên những người làm phim truyện được giao nhiệm vụ thực hiện một bộ phim tài liệu về chiến thắng mùa xuân 1975. Không mô tả chiến dịch, những trận đánh cụ thể, "Thành phố lúc rạng đông" như một câu chuyện kể, hồi tưởng dung dị của những chiến sỹ giải phóng quân về miền Nam cách đây 30 năm. Đó là niềm vui vô bờ bến của nhân dân Sài Gòn Gia Định trong những giây phút lịch sử của chiến thắng 30/4.
         Những hình ảnh về Sài Gòn sau ngày giải phóng tươi trẻ bừng lên với những con người mới làm chủ vận mệnh. Êkip làm phim của Xưởng phim truyện Việt Nam khi ấy chỉ có 5 người. Công việc quay phim trong chiến trường là yếu tố sống còn cho một bộ phim tài liệu. Đầu tháng 4/1975, đạo diễn Trần Trung Nhàn được giao nhiệm vụ quay phim cùng NS Trần Khánh Dư. Chàng thanh niên 35 tuổi để lại sau lưng người vợ mới cưới, lên đường vào Nam như bao chiến sỹ khác. Và đạo diễn Trần Trung Nhàn ấn tượng nhất là cảnh đầu hàng của Tổng thống ngụy quyền cuối cùng.
         Không chỉ ghi lại những sự kiện mang tính thời sự, các nhà làm phim đã khai thác tối đa những hình ảnh chân thật, làm tăng tính nghệ thuật của bộ phim. Sự tương phản giữa một Sài Gòn hoa lệ mà chủ nghĩa đế quốc dựng nên với nỗi thống khổ,cuộc sống cùng cực của người dân trong những khu ổ chuột… Nhưng chính họ, những thanh niên Sài Gòn đã đứng lên và xây dựng một cuộc sống bình yên mới.
         Bộ phim tài liệu này đã vinh dự nhận giải thưởng Bông Sen vàng Liên hoàn phim Việt Nam lần thứ 3 và Giải thưởng Lớn Bồ câu vàng Liên hoan phim quốc tế Lepzic tại Đức cùng trong năm 1975. Tuy nhiên phần thưởng lớn nhất với những người làm phim, đó là họ có cơ hội được sống, chiến đấu và vui niềm vui chiến thắng trong không khí hào hùng của Sài Gòn cách đây 30 năm và ghi lại những thước phim giá trị cho thế hệ mai sau.
Theo Tuoitre.vn, VTC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.