Trang

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

6 cách phòng ngừa thoái hóa khớp

Không ít người trong CLB bị đau do thoái hóa khớp. Chứng bệnh này gây trở ngại không ít đến việc ngồi thiền. Nhiều bác không đi dã ngoại được, hoặc nếu có cố gắng đi cũng thường ngồi thiền tại Trung Tâm.
Các khớp bị đau, sưng tấy lâu ngày có thể khiến đầu xương bị phì đại, xương sùi lên biến dạng, cơ bị teo do ít vận động, sinh hoạt đi lại đều cảm thấy đau đớn khó khăn.
Xin giới thiệu bài viết của Phó GS - Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Anh Thư, khoa Nội cơ xương khớp, bệnh viện Chợ Rẫy. Bài đăng trên trang Sức khỏe & đời sống ngày 12/10/2011. 

Phòng ngừa thoái hóa khớp

Thời tiết thay đổi, khí hậu lạnh là những yếu tố ngoại cảnh tác động lớn đến các khớp trong cơ thể, nhất là khớp gối và cột sống. Biểu hiện đau là dấu hiệu dễ nhận biết nhất, khi các khớp đã bị thoái hóa thì đau càng rõ ràng hơn, gây tâm lý lo lắng và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu thực hiện những chỉ dẫn dưới đây, người bệnh vẫn có những biện pháp để loại trừ chứng đau do thoái hóa khớp.


Phương pháp điều trị thoái hóa khớp

Nếu có dấu hiệu đau và hạn chế vận động ở khớp, cần phải đi khám bệnh để các bác sĩ đánh gía tình trạng bệnh và cho các điều trị thích hợp. Việc điều trị sẽ bao gồm:
Điều trị không dùng thuốc: tăng cường các kiến thức về sức khỏe, đặc biệt sức khỏe xương khớp; vận động, tập luyện, làm việc vừa sức; ăn uống dinh dưỡng hợp lý; tránh dư cân, béo phì, tránh mang vác vật nặng, tránh tăng áp lực cho sụn khớp và đĩa đệm; phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tại hệ thống xương khớp.
Điều trị bằng thuốc: điều trị triệu chứng đau và viêm cho người bệnh bằng thuốc giảm đau và các thuốc kháng viêm; làm chậm quá trình thoái hóa bằng các thuốc có thể cải thiện được tiến triển của bệnh. Hiện nay, việc điều trị thoái hóa khớp đã có nhiều tiến bộ với nhiều thuốc hữu hiệu: glucosamine sulfate dạng tinh thể, diacerein, acid hyaluronic… Các thuốc này đều cần được điều trị đủ liều theo hướng dẫn của các thầy thuốc.
Phẫu thuật: Trong những trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa cần xem xét việc điều trị ngoại khoa kết hợp: mổ nội soi để cắt xương, loại bỏ dị vật, sửa trục khớp; mổ thay khớp nhân tạo khi khớp bị mất chức năng.

Các cách phòng ngừa thoái hóa khớp

 Thoái hóa cột sống thắt lưng
Để đề phòng và hạn chế thoái hóa khớp, ngay khi còn trẻ cần tập thể dục đều đặn, tránh bị dư cân, tránh những động tác quá mạnh, nhất là những động tác có thể làm lệch trục khớp và cột sống. Điểm lại các nguyên nhân thường gặp, chúng ta thấy rõ thoái hóa khớp là bệnh có thể ngăn ngừa được. Sau đây là các biện pháp được các nhà chuyên môn khuyến cáo:

- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp, tránh dư cân béo phì.
- Tập vận động thường xuyên và vừa sức: luyện tập thể dục, thể thao vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông dễ dàng. Đó là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Cơ bắp khỏe mạnh sẽ giúp giảm lực đè ép lên khớp xương và giảm khả năng té ngã trong sinh hoạt và lao động.
- Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng và cân bằng: Tư thế tốt sẽ giúp bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối. Ở tư thế thẳng sinh lý, diện tích tiếp xúc giữa hai mặt khớp sẽ đạt mức tối đa vì thế lực đè ép sẽ tối thiểu. Hơn nữa, khi đó sẽ có sự cân bằng lực giữa các dây chằng và cơ bắp quanh khớp, giúp giảm bớt nhiều nhất lực đè ép lên hai mặt sụn khớp.
- Sử dụng các khớp lớn trong mang vác nặng và tránh quá sức: khi nâng hay xách đồ nặng, bạn cần chú ý sử dụng lực cơ của các khớp lớn như ở tay và khớp vai, khớp khuỷu; ở chân là khớp háng, khớp gối. Khéo léo sử dụng nguyên tắc đòn bẩy ở những khớp lớn để tránh làm tổn thương các khớp nhỏ như cổ tay, cổ chân, bàn tay, bàn chân và nên tận dụng thêm sự hỗ trợ (của dụng cụ hay người khác).
- Giữ nhịp sống thoải mái và thường xuyên thay đổi tư thế: Bạn nên sắp xếp công việc hợp lý, hài hòa giữa nghỉ ngơi và lao động. Nên nhớ rằng các cơ quan trong cơ thể đều cần có sự nghỉ ngơi để tái tạo lại năng lượng. Không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng của cơ thể. Lực tác động không lớn nhưng nếu lặp đi lặp lại trong thời gian quá dài sẽ làm tổn thương khớp.
- Điều trị tích cực các bệnh lý xương khớp mắc phải.

Biểu hiện của thoái hóa khớp

Đau: Triệu chứng sớm nhất của thoái hóa khớp là đau khi vận động, mới đầu chỉ đau khi khớp hoạt động, nghỉ sẽ hết đau; sau đó có thể đau âm ỉ, liên tục cả khi nghỉ, đau trội hơn khi vận động. Nếu thoái hóa khớp gối, người bệnh đau nhiều khi đi lại, đứng lên ngồi xuống khó khăn, nhất là lúc lên xuống thang gác hoặc đang ngồi xổm đứng lên, có khi đau quá bị khuỵu xuống đột ngột. Nếu thoái hóa cột sống thắt lưng, người bệnh bị đau âm ỉ ở vùng thắt lưng và thường đau trội lên về chiều sau một ngày làm việc phải đứng nhiều hay lao động nặng, lúc nằm nghỉ đau sẽ giảm. Khi đau, bệnh nhân làm các động tác cúi, nghiêng, ngửa hoặc xoay người rất khó khăn. Nếu thoái hóa khớp háng, người bệnh đau ở vùng bẹn, vùng trước trong đùi, có thể đau cả vùng mông lan xuống mặt sau đùi và dọc theo đường đi của thần kinh tọa.

Hạn chế vận động: Sau triệu chứng đau là tình trạng hạn chế vận động. Nếu bị thoái hóa khớp gối, các động tác gấp và duỗi thẳng chân bị hạn chế, đứng lên ngồi xuống khó khăn, có thể không ngồi được. Nếu bị thoái hóa khớp vai sẽ hạn chế các động tác đưa tay ra trước, ra sau, quay tay và không làm được một số động tác đơn giản như gãi lưng, chải đầu. Nếu bị thoái hóa khớp háng, người bệnh đi khập khiễng, giạng hay khép háng đều khó khăn, khó gập đùi vào bụng.
Tiếng kêu tại khớp: vận động khớp thường thấy tiếng lạo xạo hoặc lục khục.
Kèm theo có thể thấy đầu xương bị phì đại, lệch trục khớp, teo cơ…
PGS.TS.BS. Lê Anh Thư
(Khoa Nội cơ xương khớp - BV Chợ Rẫy)
Có thể bạn muốn biết:
Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp
Xử trí khi bị trật khớp, sai khớp

1 nhận xét:

  1. Cám ơn Thu đã đăng bài này giúp ích cho nhiều người bị căn bệnh này biết cách xử lý với căn bệnh của mình. Bản thân HgVan cũng bị bệnh này, khô dịch các khớp, cử động đau, thậm chí có thời kỳ cầm không nổi một chén nước để uống. Do đau cấp nên đã phải tiêm trực tiếp vào khớp, nhưng sau đó với sự giúp đỡ của bạn là bác sỹ đông y, bạn đã khuyên dùng món ăn như thuốc đó là hầm móng giò lợn với đậu đen, ăn một tuần 2 đến 3 lần. Uống các loại cao, không có cao hổ cốt thì dùng cao ngựa, cao gấu... bổ gân cốt rất tốt, HgVan còn dùng thêm thực phẩm chức năng TriFlex Fast acting (Mỹ) gồm 3 thành phần chính Glucosamine (bổ sung dịch nhờn của khớp), Chondroitin (hỗ trợ sụn) và MSM (hỗ trợ cho gân), ngoài ra còn thêm một số vi chất nữa. Kết hợp tất cả các thứ trên, HgVan đã qua được cơn đau khớp nhưng vẫn phải dùng đều đều vì chất nhờn tự cơ thể ta không sinh ra tiếp được nữa. Bên cạnh đó HgVan rất chăm tập thể dục rèn luyện THÂN, chăm thiền rèn luyện TÂM. Tập luyện đã giúp cho HgVan cảm thấy cải thiện được sức khỏe và làm được nhiều việc. Xin chia sẻ một chút.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.