Trang

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Nhân ngày Gia đình Việt Nam

Nhân ngày Gia đình Việt Nam, Trang Câu Lạc Bộ DSNL chúc toàn thể hội viên - học viên và bạn đọc Trang Câu Lạc Bộ luôn được sống trong một mái ấm hạnh phúc.

Dưới đây là bài viết của tác giả Ngô Khôn Trí đăng trên Vietnam Experss. Xin được chia sẻ.

Gia đình Việt đang thiếu sự lắng nghe, chia sẻ và thông cảm

         Đa số chúng ta hy sinh phần lớn thời giờ của mình để đầu tư cho việc tiến thân nơi làm việc hoặc phát triển sự nghiệp của riêng mình, nhưng vô tình đánh mất đi những khoảng thời gian quý báu của gia đình.



         Xã hội phát triển mang đến nhiều của cải vật chất làm cho cuộc sống hưởng thụ ngày càng phong phú và thoải mái hơn. Tuy nhiên, đời sống tinh thần và quan hệ gia đình trở nên nghèo nàn đi, dẫn đến nhiều sứt mẻ trong hạnh phúc gia đình.
         Một trong những nguyên nhân chính của sự tan vỡ này là thiếu thời gian để lắng nghe, chia sẻ và thông cảm cho nhau. Khoảng thời gian ngắn ngủi sum họp gia đình vào buổi cơm tối và việc sắp xếp hiệu quả những công việc của gia đình vào những ngày lễ và cuối tuần là rất quan trọng vô cùng.
         Mối quan hệ và tình yêu của hai vợ chồng là vấn đề mấu chốt để có được hạnh phúc gia đình. Do đó, thời gian dành riêng cho hai người để chia sẻ công việc, an ủi, âu yếm, vun trồng thêm tình yêu sao cho ngày càng gắn bó nhau hơn cũng là điều rất quan trọng trong cuộc sống.
         Sống trong một xã hội phát triển, việc điều chỉnh thời gian cần thiết cho công việc với thời gian quí báu dành cho cuộc sống riêng tư của gia đình quả thật là một thách thức lớn đối với mọi người. 
Sự mất quân bình này có thể là nguồn gốc chính sinh ra bệnh stress, gây ra nhiều bất mãn, không những làm giảm hiệu suất lao động mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Khi việc nhà được giải quyết êm đẹp thì người ta ít lơ đãng trong công việc, năng suất lao động ở hãng xưởng cũng được nâng cao. 
         Ngược lại, khi mà công việc ở hãng xưởng được tổ chức tốt đẹp thì người ta cảm thấy vui vẻ khi về nhà, quan tâm nhiều đến hạnh phúc gia đình. Có thể nói: “Quân bình giữa công việc và đời sống cá nhân là chỉ số sức khỏe của người dân sống trong xã hội phát triển”. 
         Tại Việt Nam, kể từ năm 2001 ngày Gia Đình được quy định là ngày 28 tháng 6 hàng năm. 
         Tại Canada, một số tiểu bang như Alberta, Ontario, Manitoba, Saskatchewan và Prince Edward Island, ngày Gia đình là một ngày lễ được luật pháp quy định, là ngày thứ hai của tuần lễ thứ 3 của tháng 2 mỗi năm. 
         Alberta là tiểu bang đầu tiên cử hành lễ kỷ niệm Ngày Gia đình vào năm 1990. Cũng vào ngày này, người Mỹ cử hành lễ tôn vinh vị Tổng thống đầu tiên George Washington (1789-1797), người lãnh đạo cuộc chiến tranh giành độc lập và có công thống nhất đất nước. Người Mỹ gọi là President’s Day hay còn gọi là Washington’s Birthday. 
         Riêng tại tiểu bang Arizona, kể từ năm 1978 trở đi, hàng năm Ngày Gia đình được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 8. Tại Vanuatu (Tân Thế Giới), dân số chỉ có hơn 200 ngàn người nhưng người ta cũng ăn mừng Ngày Gia đình vào ngày 26 tháng 12 mỗi năm. 
         Gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển một xã hội lành mạnh. Bởi vì gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách lúc tuổi còn thơ, là nơi khuyên bảo và hướng dẫn những cách ứng xử đứng đắn trong giao tiếp, tránh sai lầm do lúng túng lần đầu ở tuổi trưởng thành, là nơi đào tạo ra những con người hữu ích cho xã hội. 
         Chính vì thế, người ta đã lập ra Ngày Gia đình, nhằm nhắc nhở mọi người phải luôn nhớ đến giá trị và tầm quan trọng của hạnh phúc gia đình. 
         Đa số chúng ta hy sinh phần lớn thời giờ của mình để đầu tư cho việc tiến thân nơi làm việc hoặc phát triển sự nghiệp của riêng mình, nhưng vô tình đánh mất đi những khoảng thời gian quý báu của gia đình. 
         Nhiều người đã không tìm thấy hạnh phúc thật sự trong cuộc sống cho dù đã thành đạt hay đã trở nên giàu có. Bởi vì thời gian cho một cuộc sống có giới hạn, nó là một trong những thứ hiếm hoi duy nhất mà khi đã mất đi rồi chúng ta không thể nào tìm lại được, là những thứ vô giá mà chúng ta cũng không thể mua lại bằng tiền bạc được. 
         Vì thế, danh vọng và tài sản mà chúng ta để lại không quan trọng bằng việc chúng ta đã và đang sống như thế nào? 
Ngô Khôn Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.