Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Câu chuyện của ngày hôm qua

         "Chở đến địa chỉ nào hả chị?"
         "Bác cứ đi theo xe chúng em." 
         Nói vậy nhưng tôi vẫn "Thắng ơi, cho chị xin cái bút và mảnh giấy." Quay lại kê tờ địa chỉ vào mặt tủ kính bày thắt lưng của Tân - Thắng, mồm hỏi "Bút đâu, em?" Không thấy trả lời, ngước lên hóa ra Thầy CN. Thầy đứng đó từ bao giờ. 
         Thắng lúc đó đi từ trong nhà ra đưa tôi cái bút, cô Huệ đưa chiếc phong bì để lấy giấy viết. Cẩn thận tôi ghi cho bác Thắng, người  chuyển giúp 2 tấm phản gỗ thông ghép, địa chỉ nhà chị Yến và cả số điện thoại của tôi, phòng khi đi đường lạc nhau. 


         Huấn bận, Minh - vợ Huấn đến chở cô Huệ, Quyết, anh Dũng (lớp CT6) và tôi. Minh vừa xong việc, chưa kịp ăn, mua vội chiếc bánh mì kẹp để ăn đường. 1h45 xe xuất phát. Bên TDH xe của Chiến chở chị Bình và chị Hồng cũng cùng xuất phát. 
         Những tưởng lần trước đi khảo sát rồi, lần này cứ thẳng một mạch là đến. Thu lơ ngơ về đường xá đã đành, chị Bình hôm trước vừa đi vừa nhẩm đường "đi đến phố.., đường..., rồi quẹo phải/ trái, rồi chui qua gầm tàu", làm Thu chóng hết cả mặt. Cô Huệ vẫn còn nhớ có bà bán rau ở góc phố...
         Quay đi quay lại chẳng thấy bác Thắng đâu. Cô Huệ lo lắng, liệu bác ấy có tìm được không, rồi cô lại bảo bác ấy là lái xe còn thạo đường hơn mình. Vòng vèo, hết nhìn biển chỉ đường, chốc chốc Minh lại hạ kính an toàn để hỏi đường. Càng đi càng thấy đường lạ. Mãi sau nhìn thấy thấp thoáng xe bác Thắng ở phái trước, cả hội thở phào. Ấy vậy mà chỉ vướng có chiếc xe buýt chen vào giữa, lại mất dấu. Lẽ nào xe 3 bánh chạy nhanh thế. Hay là bác ấy rẽ vào đâu. 
         Điện thoại reo liên tục, xe Chiến cũng bị lạc đường. Cứ tưởng mỗi Thu lơ ngơ, hóa ra ra-da của chị Bình cũng bị "nhiễu". Bác Thắng gọi điện báo đã đến nơi. Loay hoay hỏi đường không được, cuối cùng đành đậu xe gần UBND gọi điện cho chị Yến. Nhoáng 1 cái đã thấy chị Yến ra đón. Xe vào đến cổng vẫn chưa thấy xe Chiến. Gọi điện hỏi chị Bình xe đang ở đâu để Yến ra đón. Lúc xe đến nơi, mấy chị em nhìn nhau cười bò. 
         Bác Thắng tháo giúp 2 tấm phản rồi xin phép về trước. Cả nhóm vào nhà thăm anh Thiệu. Bác hàng xóm đi theo.
         Chị Yến kể mấy hôm nay anh Thiệu trái tính. Ăn không hợp khẩu vị là hất đổ cả mâm bát. Kể cũng tội, đang khỏe mạnh, gặp tai nạn, giờ ngồi một chỗ để vợ phải chăm sóc, về tâm lý cũng bực bội. Cô Huệ an ủi, động viên. Chị Yến khóc, rồi anh Thiệu cũng khóc. Quyết đã từng qua cảnh ngộ tương tự nên rất hiểu. Quyết ngồi thủ thỉ động viên anh Thiệu. Cô Huệ bảo Thu và chị Bình rút giò giúp anh Thiệu. Chân anh rất lạnh. Lúc sau sắc mặt anh hồng hơn. Anh nói ngọng nghịu "Cháu dễ chịu hơn."
         Trao anh chị phần quà chia sẻ của mọi người trong CLB, chúng tôi xin phép ra về, hy vọng anh sẽ sớm lành bệnh.
         Cảm giác khi đến nhà bác Thắng khác hẳn. Chúng tôi có cảm giác không phải chúng tôi mang niềm vui đến với anh chị mà chúng tôi đang đi nhận niềm vui. Cháu Tiến làm chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mẹ cháu rót nước, bảo cháu cầm chén mời chúng tôi. Cô Huệ bảo cụng chén, cháu cũng cụng chén. Khi biết chú Dũng cũng là bộ đội, rất nhanh cháu di chuyển lại gần. (Tôi dùng 2 từ "di chuyển" vì đôi chân nhỏ xíu của cháu xòe sang 2 bên như 2 mái chèo.) Mọi người chưa kịp hiểu cháu định làm gì thì nhanh như cắt, cháu chìa một tay về phía anh Dũng ra ý bắt tay, còn tay kia cháu giơ lên chào theo đúng tác phong người lính. Tất cả mọi người đều "Ồ" lên vì ngạc nhiên. Lúc sau, đột nhiên cháu  lùi về phía sau, chưa hiểu ý cháu làm gì, thì thấy cháu choàng một tay ôm cổ bố, một tay ôm cổ mẹ, rồi kéo mặt bố mẹ về sát mặt mình. Hóa ra chị Bình giơ máy ảnh chụp từ phía sau lưng chúng tôi. 
         Mẹ cháu kể, cháu rất quan tâm, lo lắng cho người khác. Khi thấy chú đang định mua xe, hoặc sắm đồ đạc, không cần biết trong nhà có tiền hay không, cháu nì nèo bố giúp chú. Biết chú Tiến và các bạn bố đang giúp xây nhà, có ai đưa tiền, cháu giữ để đưa chú. 
         Nhìn nụ cười hiền hậu của chị, nhìn khuôn mặt ửng hồng của anh, tôi không nghĩ mình đang đến thăm một trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Anh chị đã vượt qua được số phận nghiệt ngã để không những chỉ tồn tại mà còn sống có ích cho đời. Khi cô Huệ hỏi để gửi anh tiền chuyên chở bộ phản gỗ, anh nhất định không nhận. Chị bảo, anh vẫn thường chở giúp bên phường hay mọi người trong tổ dân phố. "Các bác có gì cần chuyên chở cứ bảo tôi." 
         Cuộc sống, mỗi người một số phận. Nếu không có sự hy sinh của các anh, những người lính đã từng nằm gai nếm mật lăn lộn trên các chiến trường, giờ trở về với những vết thương, những nỗi đau không chỉ của riêng mình, thì chúng tôi không thể có được ngày hôm nay.
         Rời khỏi nhà anh chị, tôi nhớ mãi lúc chị vừa cười vừa nói: "Cháu nó hay hát lắm, chỉ tội chẳng ai nghe được cháu hát bài gì."  Gia đình anh chị dường như tiếp thêm cho chúng tôi nghị lực, nghị lực để vươn lên, nghị lực để sống. 
Hà nội, 23/1/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.