Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Có một nơi

            Sau bữa sáng, bọn trẻ chăm chú nghe mẹ kể chuyện về thời bao cấp. 
         Bình thường, ăn xong, mỗi người một ngả chẳng có thời gian con cà con kê. Được dịp nghỉ lễ, làm gì cũng thong thả. 
         Ngày xưa, là cái thời bao cấp ấy, muốn ăn bánh mỳ phải đợi đến giờ, cô mậu dịch viên đủn chiếc xe bán bánh mì đến khu tập thể. Những chiếc bánh mì thơm lừng, vàng rộm vẫn còn nóng (ấy là lúc mới), nhưng muốn mua phải có tem phiếu. "Tem phiếu là gì hả mẹ?" 
         Được dịp con hỏi, ký ức ngày xưa hiện về. Cái thời ấy, vất vả thế, gian khổ thế, vậy mà sao nghĩ lại vẫn thấy vui, thấy ấm áp. Những ký ức không bao giờ quên và dường như rất nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi không muốn quên. 
         "Oài, mẹ sướng thế. Ngày trước mẹ đi học mỗi một buổi." "Bi có biết là trước mẹ được nghỉ tận 3 tháng hè và không phải đi học thêm không?" anh Phương nói chen vào. "Không, vẫn có học phụ đạo đối với học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi để đi thi học sinh giỏi."
         Có một nơi Thu thực sự rất muốn đến vào những ngày này. Muốn các con được tận mắt nhìn thấy những kỷ vật của một thời gian khó, để các con hiểu được ông bà, cha mẹ đã sống như thế nào. Rất muốn các con trân trọng những gì mình đang có, biết sống yêu thương và chia sẻ hơn nữa.
         Nhân câu chuyện sáng nay trong gia đình, mời cả nhà tìm hiểu một nơi, có thể ai đó, giống Thu, cũng muốn tới để nhớ lại ký ức một thời.


Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Biết đủ - cách sống mang lại hạnh phúc

         Con người ta thường khổ vì những ham muốn của mình hơn là hạnh phúc khi đạt được những điều mình ham muốn.
         “Chúng ta thường hay quên rằng hạnh phúc không phải do ta đạt được cái chúng ta không có, mà đúng hơn là do ta nhận biết và trân trọng những gì chúng ta đang có.” (Frederick Koening). 
         Bài viết dưới đây của tác giả Hoàng Nguyên bàn về vấn đề này. Bài đã được đăng trên báo Giác Ngộ Online ngày 4/6/2012 và trên nhiều trang khác. Mời cả nhà cùng đọc. 

 Nguồn ảnh: Internet
Pháp sống mang lại hạnh phúc
Hoàng Nguyên
         Để mở đầu bài viết này tôi mượn lời của John Stuart Mill: “Tôi đã học cách tìm hạnh phúc bằng cách giới hạn các ham muốn của mình hơn là nỗ lực để thỏa mãn chúng”. Thỏa mãn ham muốn cũng là một dạng hạnh phúc, nhưng chóng tàn và khó đạt đến, vì không phải lúc nào ta cũng đạt được những ham muốn. Hơn nữa ham muốn này đạt được, sẽ nảy sinh ham muốn khác, đó là quy luật của tâm lý, mải chạy theo ham muốn không có điểm dừng. Tìm hạnh phúc bằng cách giới hạn các ham muốn chính là pháp thiểu dục tri túc của nhà Phật.

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Giao lưu văn nghệ tại Suối Hai

Đợt dã ngoại tháng tư vừa rồi có phần giao lưu văn nghệ giữa các thành viên Đội Văn nghệ CLB DSNL với cán bộ nhân viên Nhà nghỉ Công Đoàn Suối Hai. Chia sẻ với cả nhà một số clip. Do tay nghề cameramam "cây nhà lá vườn", chất lượng clip chưa đẹp, một số clip bị cắt nửa chừng, đồng thời "trình" xử lý video của Thu còn nhiều hạn chế. Mong cả nhà thông cảm.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Thử ngẫm xem

 Nguồn ảnh: Internet
                        Khỏe, không phải là nhấc lên Mạnh, mà là để xuống Nhẹ
                    Kính, không phải chỉ là đối với cấp Trên, mà là cư xử với kẻ Dưới
                    Ðẹp, không phải là hút người Vào, mà là giữ người Ở Lại
                    Xấu, không phải về Gương Mặt, mà ở tại Cách Sống 
                    Hay, không phải là Ngạc Nhiên, mà là sự Thú Vị
                    Buồn, không phải về Bên Ngoài, mà ẩn ở Bên Trong
                    Khéo, không phải tạo ra điều Lớn, mà là làm tốt điều Nhỏ
(Đức Dalai Lama)

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Ảnh Suối Hai 12/04/2013 (máy Thầy)





Xem phần 1 bộ ảnh TẠI ĐÂY.
Xem phần 2 bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

SUỐI HAI

Thân tặng Kim Tân
và xin chia vui với cả đoàn thứ nhất của CLB 
đã đi dã ngoại tại Suối Hai tháng 4-2013

Nguồn ảnh: wikimapia
                                           Suối Hai, hai suối tạo nên hồ
                                    Mặt nước gió vờn lớp sóng xô
                                    Ngạo nghễ Ba Vì soi bóng núi
                                    Đã chung lời hẹn sẽ thăm hồ.

                                    Lỡ hẹn, nhớ nhau, bạn làm thơ
                                    Giây phút bâng khuâng như giấc mơ
                                    Viết cả lòng mình - vần mộc mạc
                                    Với sự cảm thông chẳng bến bờ.

                                    Mọi người đã ngủ sau buổi thiền
                                    Bạn nằm trằn trọc mãi không yên
                                    Xuất hiện ý thơ vui lấp lánh
                                    Vội tìm giấy bút tốc ký liền…

                                    Đến Câu Lạc Bộ Dưỡng Sinh - thiền
                                    Ta được biết nhau nhờ hữu duyên
                                    Cùng với thời gian thêm gắn bó
                                    Buồn vui chia sẻ phút bình yên.

 Nguồn ảnh: CLB DSNL
                                       Xem ảnh dã ngoại hồ Suối Hai
                                       Sương sớm xa mờ đón ban mai
                                       Cả đoàn vui vẻ, thiền, thể dục
                                       Giao lưu văn nghệ cuộc vui dài.

                                       Đọc thơ cảm động, mình hẹn sai

                                       Hãy dành tâm sự đợi ngày mai
                                       Đồng cảm dạt dào - dòng nước mát
                                       Gặp nhau hòa nhịp tựa Suối Hai.
Hà Nội 19-4-2013
BẠCH LIÊN

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Chia sẻ tại Suối Hai

Đợt dã ngoại thiền tháng 4 vừa rồi có 4 lớp tham gia: lớp sáng T6 (nguyên là lớp sáng T6 sát nhập với lớp sáng T4), lớp sáng T7, lớp chiều T7 và lớp sáng CN. Đa phần là các hội viên tham gia luyện thiền tại CLB đã lâu, chỉ có lớp sáng CN là mới hơn. Cũng như các đợt dã ngoại khác, bên cạnh những buổi thiền luyện nâng cao công lực, hội viên được hỗ trợ chữa bệnh, Thầy kiểm tra việc luyện tập của các học viên, là phần giao lưu - chia sẻ. Các hội viên chia sẻ kinh nghiệm luyện tập, kết quả đạt được nhờ quá trình tu luyện tâm - thân. Đợt dã ngoại lần này, các hội viên tham gia được nghe phần chia sẻ của bác Mai Trọng Phước, sinh năm 1924 - một trong hai hội viên cao tuổi nhất CLB, bác Ngô Thị Thoa, sinh năm 1929, và bác Trần Thị Ngọ. Cả 3 bác đều là những hội viên cao tuổi, luyện tập chăm chỉ và đã thu được kết quả tốt.

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Buông bỏ

Trên lớp, Thầy thường hay nói đến từ "buông bỏ". Người tu thiền nhất thiết phải biết buông bỏ hay xả bỏ những gì cần phải buông bỏ. Nếu không biết buông bỏ, bạn có thể sẽ giữ mãi mỗi bực bội, giận hờn, ganh tỵ,... trong người. Điều này làm cho người tu thiền không chỉ khó định được trong lúc thiền mà còn khó tu luyện được tâm tính trong cuộc sống đời thường và chính vì vậy cuộc sống khó có hạnh phúc. Bài giảng dưới đây tại Thiền viện Chân Không năm 1998 của Hòa Thượng Thích Thanh Từ nói rất kỹ về điều này. Xin đăng để cả nhà cùng đọc. 

Một chữ "Xả" 
 HT Thích Thanh Từ 
         Vấn đề tôi nói hôm nay là một chữ XẢ. Quí vị biết ngược với xả là gì không? Là cố chấp, nắm chặt. Cố là chặt, chấp là nắm; cố chấp là nắm chặt. Khác với nắm chặt là buông bỏ.

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Lớp tôi

Gửi tặng các bác lớp DSNL7- trước khi sát nhập 
(lớp sáng CN - TDH) 
 Dã ngoại Côn Sơn tháng 3/2013
 Thầy Thường khi đến lớp tôi 
Mỗi lời Thầy nói mỗi lời thân thương
Cô Bình, thầy Nghĩa khiêm nhường
Cô Vân ít nói, cô Phương hay cười.

Lớp tôi có rất nhiều đôi
Bà Nội - ông Đắc một đôi chuyên cần
Bà Nga đôi với ông Vang
Tuổi cao nhưng vẫn rất ham tìm tòi
Ông Lưu - bà Nhạn một đôi
Vì ông còn yếu luôn ngồi phía trên
Cô Bảng - chú Hữu đẹp duyên
Chị Hoa - anh Thắng ngồi liền phía sau
Anh Bình - chị Thơm bên nhau
Nụ cười của chị hiền sao là hiền
Cô Dung đôi với cô Quyên
Đôi bạn khiêu vũ đi Thiền càng thân
Long - Thắng là đôi anh em
Tuổi còn rất trẻ muốn Thiền tĩnh tâm
Nhưng do lịch học quá căng
Long xin chuyển lớp thứ Năm học chiều
Thanh Hà giọng hát ngọt ngào
Lời ca Quan Họ rót vào lòng ai
Cô Vóc khuôn mặt rất tươi
Mỗi khi cô nói miệng cười thật duyên 
Chú Đức nói chuyện rất hiền
Chú từng chia sẻ chú Thiền rất chăm
Mỗi ngày thiền tới mấy lần
Những đốm da sạm cứ dần mất đi
Anh Thắng đồng nghiệp cô Vì
Nơi làm xa quá chẳng đi thiền đều
Bà Thanh tuổi tác đã nhiều
Ngồi thiền đau mỏi chẳng kêu bao giờ
Minh Tuấn vui tính hay đùa
Cô Bình thiền tốt chẳng thua bác nào
Hương Ly, Hương Thảo phía sau
Hai cô bé ấy vừa cao vừa gầy
Cô Cúc khuôn mặt tròn đầy
Tuy hơi ít nói nhưng hay mỉm cười.

Thân thương viết tặng mấy lời
Mong là các bác thấy vui ít nhiều.
Võ Thị Lệ Hằng
Lớp DSNL 6 - TDH

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Dã ngoại thật vui

Sau chuyến dã ngoại thiền Côn Sơn tháng 3/2013, nhiều học viên  chia sẻ cảm xúc của mình. Với những người ít đi đây đi đó đã đành, ngay cả với những người thường đi nghỉ mát, đi du lịch, chuyến dã ngoại cùng CLB cũng để lại những cảm xúc khó quên. Với nhiều học viên, có lẽ đây là lần đầu tiên ngồi thiền nhiều đến vậy. Sáng 2 ca, chiều 1 ca, tối 1 ca, ngày thiền đến 5h. Được tắm trong bầu không khí trong lành, ngắm hoa đua nở, cây cối xanh tốt, được làm quen, vui cười với các bạn đồng môn từ các lớp khác, được ăn những bữa ăn nấu bằng thực phẩm sạch,  gạo, rau "nhà" trồng (gạo và rau được trồng trong trang trại của cô Dung). Nhiều thứ mới lạ như ăn cơm bằng thìa và gắp bằng đũa để không lãng phí thức ăn còn lại; rồi thức dạy từ 4h sáng để chuẩn bị leo núi; tắm, giặt, vệ sinh cá nhân phải thật nhanh để nhường chỗ cho người khác,... ấy vậy mà ai cũng vui. Nhìn mọi người cười nói rôm rả, nét mặt tươi cười, hớn hở, có cảm giác như tất cả đang ở trong một gia đình lớn, bên cạnh những người thân quen từ rất lâu. 
Cảm nhận, dư âm sau chuyến đi chắc hãy còn nhiều. Xin trích đăng một vài chia sẻ của các học viên lớp chiều T6 - BXT.

 Lớp chiều T6 BXT

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Tôi đã được hồi sinh lần thứ hai

Chụp ảnh cùng lớp đợt dã ngoại Côn Sơn 3/2013.
Chị Ngoan ngồi giữa, đội mũ len màu cánh sen.
          Tôi là Vũ Thị Ngoan, đang theo học lớp chiều thứ 7 tại HQV (DSNL10).
         Cứ vào sáng thứ 7 hàng tuần, có lần đi sớm hơn từ chiều thứ 6, tôi lại đi từ thành phố Hòa Bình xuống (HQV) Nghĩa đô, Cầu Giấy, nơi lớp thiền chiều thứ 7 mà tôi tham gia, để chiều vào lớp học, sáng hôm sau tôi lại trở về Hòa Bình.
         Tôi xin viết vài lời chia sẻ với các bạn đồng môn về bản thân tôi và quá trình luyện tập của tôi.
         Thời gian trước khi đến với Thiền Thu Lửa Tam Muội, tôi là người mang trong mình rất nhiều bệnh nặng, đã điều trị nhiều năm trong các bệnh viện lớn của Hà Nội, nhưng càng ngày càng nặng và đi lại rất khó khăn, nói không được. Các bác sỹ, giáo sư chỉ động viên tôi hãy cố gắng chờ khoa học nước nhà nghiên cứu cách chữa trị.
         Gia đình và bạn bè cũng tìm rất nhiều nơi. Nghe ai mách chỗ nào, dù ở tận đâu tôi cũng đều tìm đến. Điều trị đông, tây y kết hợp cũng không được. Bản thân tôi rất buồn và không còn hy vọng nữa nên đành bằng lòng với số phận.
         Sau đấy tôi đã vào miền nam tìm đường chữa bệnh, gặp các thầy lang và tập nhiều môn phái cũng không giải quyết được. Tôi lại quay về ngoài Bắc, bệnh lại nặng lên. Tôi đã tìm được thầy lang chữa bằng thuốc bắc. Tôi đến với thầy thuốc tây y, mong thầy nghiên cứu chữa bệnh cho tôi và tôi hy vọng sống được thêm ít năm nữa rồi tôi ra đi cũng được.
          Sau 2 năm điều trị, bệnh cũng đỡ nhiều nhưng thời tiết thay đổi tôi vẫn phải đi cấp cứu. Bệnh tật trong người cứ hành hạ tôi và rồi số phận tôi lại có duyên được gặp Pháp môn Thiền Thu Lửa Tam Muội.
         Tôi được các thầy nhiệt tình hướng dẫn và giúp đỡ. Sau 2 tuần sắc mặt của tôi đã khác. Tôi đặt quyết tâm và chăm chỉ luyện tập ngày đêm nên bệnh của tôi đỡ đi từng ngày.
         Sau thời gian 3 tháng, sức khỏe của tôi đã khá lên rất nhiều. Nhìn tôi lúc này là một người khác hoàn toàn với trước. Bệnh tim mạch, huyết áp, thần kinh…đã thuyên giảm hẳn, ăn ngủ được. Tôi cảm thấy yêu quý cuộc sống này hơn. Thiền Thu Lửa Tam Muội đã như sinh ra tôi lần thứ hai.
         Xin cảm ơn Câu lạc bộ Dưỡng sinh năng lượng. Cảm ơn các thầy, cô đã giúp cho tôi có sức khỏe, niềm tin vào cuộc sống hôm nay.
         Cũng xin bộc bạch đôi điều cảm nhận để các bạn đồng môn cùng chia sẻ. Các bác, các anh, các chị hãy giữ vững quyết tâm, chăm chỉ luyện tập nhất định sẽ gặt hái được kết quả.
Vũ Thị Ngoan

HÁO HỨC VÀ CHỜ MONG DÃ NGOẠI

Nguyễn Tiến Lân
Lớp chiều T6 BXT
         Ngày 21/12/2012 Thầy chủ nhiệm thông báo khoảng 20/1/2013 sẽ tổ chức cho lớp đi dã ngoại ở Côn Sơn. Mừng quá! Cơ hội đã đến. 
         Ngày 28/12/2012 do đã ấn định 13h30’ thứ 6 ngày 11/1/2013 xe đón tại 73 Nguyễn Trãi đưa đoàn đi dã ngoại, tôi thu tiền những người đăng kí đi nhưng do thời tiết lạnh nhiều vì đang mùa Đông mà lớp chỉ có 14 người đăng kí hơi ít cộng với quân số lớp khác cùng đi cũng không đủ một xe, phải hoãn lại. Ôi! thật tiếc nhưng không sao, chờ dịp khác vậy...

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

DÃ NGOẠI SUỐI HAI

          Theo kế hoạch ngày 12/4/2013, CLB đưa năm lớp thiền ở BXT đi dã ngoại ở Suối Hai với tổng số 68 người.
         6h15 phút xe đưa đoàn lên thẳng K9 nơi để thi thể Bác Hồ trong những năm chiến tranh, sau một tiếng ba mươi phút xe lên đến nơi. Đón và đưa chúng tôi vào là người của nhà nghỉ Suối Hai.
         Trước anh linh của Bác Hồ, anh Nghĩa, phó chủ nhiệm CLB, đọc bài khấn nguyện, giọng anh nghẹn ngào xúc động và những giọt nước mắt lăn dài trên gò má bao người. Và rồi cô hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi thăm đá chông nơi Bác Hồ thường ngồi nghỉ sau giờ làm việc, xem 3 chiếc xe đã đưa thi thể của Bác từ Hà Nội lên K9, thăm nơi để thi thể Người…

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013


Có những điều vẫn làm ta xúc động
Như tình yêu với cuộc sống bao la
Sáng tinh mơ chim rộn rã hót ca
Chiều lãng đãng trăng ghé qua đầu núi

Thân phận người đôi khi nhiều buồn tủi
Cả cuộc đời theo đuổi bóng phù du
Hạnh phúc nào như lá thắm ngày thu
Điều được mất như mây mù xa vắng

LỠ HẸN

Tặng chị Hiền 

                                          Cái rét nàng Bân đến muộn màng 
                                   Lại thêm mưa nắng trải mênh mang 
                                   Suối Hai – Ka Chín (K9) đến lần đầu 
                                   Tâm trạng mới lạ, lòng xốn xang 

Chia sẻ niềm vui tuổi già qua thơ

Trang CLB Trường sinh học Dưỡng sinh gửi qua mail bài thơ "Bao giờ" họa lại bài thơ "Tâm sự tuổi 70" của bác Nguyễn Đình Nhung. Xin đăng lại nguyên văn.

"Nhân đọc bài “Tâm sự tuổi 70” của bác Nguyễn Đình Nhung đăng trên “Câu lạc bộ DSNL”, Câu lạc bộ Trường Sinh học Dưỡng sinh xin gửi tới trang bạn bài thơ “Bao giờ” của môn sinh Trịnh Thái Huệ ở Nghệ An. Xin được chia sẻ niềm vui của những người tuổi cao mà tâm hồn còn trẻ khỏe vui nhờ thiền năng lượng."  

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

SUỐI HAI THÁNG TƯ

         Vừa về đến nhà sau gần 3 ngày đi thiền dã ngoại tại Nhà nghỉ công đoàn Suối Hai, HgVan tôi không thể không ngồi ngay vào máy tính để viết bài về chuyến đi, sợ rằng thông tin thời sự bị nguội mất nếu để đến ngày mai.

         Nhà nghỉ công đoàn Suối Hai là nơi đã được Thầy và ban chủ nhiệm câu lạc bộ lựa chọn để đưa các lớp thiền tới tu luyện song song với Côn Sơn. Một địa điểm mới tinh. Và đoàn chúng tôi cũng là đoàn của lớp đến đây đầu tiên tu luyện.



Tâm tình của học viên

Vũ Thị Hương
Lớp chiều T6 - BXT

 Nghe giao lưu - chia sẻ
         Thật may mắn khi tôi được hòa mình trong lớp học thiền DSNL, chỉ qua mấy tháng và cũng là lần đầu đi dã ngoại của lớp thiền chiều thứ sáu Bùi Xương Trạch, lớp tôi. Đến lớp thiền DSNL, các thầy cô không chỉ cho chúng tôi kỹ năng thiền định, từng cử chỉ, việc làm của các thầy cô luôn trải rộng tình yêu thương tới tất cả muôn người, thật hòa ái, vị tha, khiêm cung. Chuyến di dã ngoại Côn Sơn của chúng tôi đã nói lên tất cả, tất cả những điều đó, các thầy cô tuy tuổi đã cao, nhưng sự yêu thương vẫn luôn chan trải đến muôn người.

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Tìm hiểu về TÂM

 Nguồn ảnh: Internet
Giữ được TÂM trong sạch và biết buông bỏ là điều cần thiết để giúp người luyện thiền nhanh chóng nhập định và thu được năng lượng sạch giúp đẩy năng lượng xấu ra khỏi cơ thể, nhờ thế người luyện thiền dưỡng sinh năng lượng mới có thể "khai thông mọi bế tắc, tái tạo, điều chỉnh, bổ sung mọi khiếm khuyết, thanh lọc, đào thải các chất ô chẩm, độc hại, bệnh tật ra khỏi cơ thể." Chúng ta vẫn thường nghe thấy chữ TÂM trong phần giảng pháp. Vậy chữ TÂM được hiểu như thế nào. Dưới đây là phần trích bài "Quan hệ Thân và Tâm trong không gian 3 chiều, 4 chiều. Niết bàn" trên trang Bí ẩn sức mạnh vô thức của Đoàn Thanh Hương. Bài do chị Hoàng Vân sưu tầm.

Cấu trúc hoạt động Tâm theo quan niệm Phật giáo: Tâm được hình thành do vai trò môi trường bên ngoài và truyền thống bên trong (chủng tử). Có môi trường tốt, mới có con người tốt. Môi trường xấu tạo ra ý thức xấu.Vai trò của di truyền, truyền thống rất mạnh mẽ. Tàng thức chứa nhiều chủng tử loại nào thì dễ nảy nở ý thức về loại đó. Xã hội là khuôn đúc tạo nên phẩm chất tâm, vì thế tâm có xu hướng kết dính,bám chặt vòng xoáy xã hội, tâm trí hoạt động miên man, ít người tránh khỏi phiền não, bệnh tật. Người tu luyện có bản lĩnh cao mới hướng lái được tâm rời khỏi vòng xoáy xã hội, sống an lạc mạnh khỏe. Điều này sẽ đến khi tâm được giác ngộ chân lý. Đức Phật nói về Phúc Đức là biết lựa chọn môi trường tốt, nơi sinh sống, học tập, có thầy, có bạn tốt, có nghề nghiệp phù hợp…(Kinh Đại Phúc Đức). 

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Cảm nhận về chuyến đi dã ngoại tại Côn Sơn

Nguyễn Thị Hởi
Lớp CT6 - BXT

 Lần đầu mấy chị em đi dã ngoại cùng CLB
          Lần đầu tiên tôi đến thăm Côn Sơn, cũng là lần đầu tiên tôi được may mắn và vinh dự tham gia chuyến đi dã ngoại của Câu lạc bộ Dưỡng sinh năng lượng. Chuyến đi lần này có bốn lớp của CLB tham gia, tôi là học viên lớp chiều thứ sáu. Vì là những lớp mới nên có nhiều thầy cô của CLB đi cùng, để hướng dẫn, chỉ bảo cho các học viên.
          Với phương châm đi dã ngoại - “thiền là chính”, các học viên mới rất háo hức mong chờ, hào hứng và như đang cố gắng khám phá ra điều gì đó mới lạ ở nơi đây, cũng như sự thay đổi trong chính mình về kết quả tập thiền.

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Như một đại gia đình

Trần Bích Thủy
Học viên lớp CT6 BXT
 Học viên lớp chiều T6 BXT trong chuyến dã ngoại Côn Sơn T3/2013
         Lời đầu tiên con xin cảm ơn các thầy cô, đã tổ chức cho anh chị em chúng con một chuyến đi giã ngoại thật bổ ích.
         Mặc dù lớp chúng con chưa được học bài "Rũ sạch bụi trần", nhưng trong hai ngày lên đây chúng con đã được ''rũ sạch việc nhà'' không còn vướng bận công việc gia đình nữa.
         Lên Côn Sơn chúng con chỉ có thiền và thiền ngày 4 lần, ngoài những giờ thiền ra chúng con còn được các thầy cô tận tâm khám và chữa bệnh bằng nhiều hình thức. Được nghe các học viên chia sẻ các kinh nghiệm khi ngồi thiền, về sự quyết tâm vượt khó, chịu sự đau đớn để đẩy lùi bệnh tật.

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Tìm hiểu về Low-Carb

         Chế độ ăn Low-Carb được hiểu là chế độ ăn cắt giảm lượng carbonhydrate tiêu thụ hàng ngày.  
         "Carbohydrates - hay còn gọi tắt là Carbs - cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng cần để hoạt động. Chúng được tìm thấy trong hầu hết các nguồn thực phẩm từ thực vật, như là trái cây, rau, đậu và các loại hạt. Sữa và các sản phẩm từ sữa là thực phẩm duy nhất có nguồn gốc từ động vật mà có chứa carbs. 

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

KHAI GIẢNG LỚP CHIỀU CHỦ NHẬT Ở CHÙA BỤT MỌC

         Với sự cố gắng tổ chức lớp của chị Nguyễn Thị Bình (học viên lớp chiều T7  BXT), bà Phượng (học viên lớp sáng CN), sáng ngày 7/4 lớp thiền mới mở ở chùa Bụt Mọc đã khai giảng. Từ sáng sớm các học viên đã đến tập trung, đến 8 giờ thì cơ bản mọi người đã tập trung đầy đủ. Thầy chủ nhiệm cùng với một số giáo viên (Nghĩa, Bình, Hồng, Tiến) cùng một số học viên cũ (hai vợ chồng bà Dư - ông Thọ, chị Bình, bà Phượng) đã đến hỗ trợ lớp. Một số người xin nghỉ vì có việc bận, số có mặt đếm được 45 người.

Lợi ích của Thiền

 

                                              Thiền giúp tuổi già được an vui
                                      Giúp trẻ thông minh học nên người
                                      Giúp những ai còn đang nóng giận
                                      Tìm thấy bình an muốn mỉm cười.

                                      Thiền giúp cho bạn, giúp cho tôi
                                      Giúp cho người ốm bệnh đẩy lui
                                      Giúp mỗi chúng ta trong công việc
                                      Xử lý khôn ngoan được lòng người.

                                      Cố lên! Cố lên! Các bác ơi
                                      Vất vả một chút, một chút thôi
                                      Đổi lại ta có thêm sức khỏe
                                      Tâm an trí sáng sống thảnh thơi.
Võ Thị Lệ Hằng
Lớp DSNL6
(Lớp Sáng T5 - TDH)

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Bản tin Câu lạc bộ

1. Mừng gia đình anh Nghiêm Việt Thắng đã có ngôi nhà mới.

Cắt băng khánh thành. (Nguồn ảnh: Blog Phạm Ngọc Tiến)

         Sau khi bài Bố con da cam được nhà văn Phạm Ngọc Tiến đăng trên Blog cá nhân của mình, nhiều cựu chiến binh, bạn bè, và những tấm lòng gần xa, trong đó có CLB DSNL chúng ta, đã chung tay giúp gia đình anh Nghiêm Việt Thắng có chỗ ở mới khang trang.

Mấy suy nghĩ bước đầu về Tập San của CLB DSNL - thuộc Chi hội Y học Esperanto Hà nội

Học viên Nguyễn Thị Nga
Lớp sáng thứ năm TDH


         Có thể nói: Sách, báo, tạp chí, tập san…vừa là bạn, vừa là thầy. Nó cũng là diễn đàn đăng tải những kiến thức về lý luận, thực tiễn đời sống xã hội, những kiến thức khoa học khác nhau; đồng thời cũng là nơi tâm sự chia sẻ nỗi lòng của nhiều người. Dưới đây tôi xin nói lên một vài cảm nhận về Tập san CLB DSNL – thuộc Chi hội Y học Esperanto Hà Nội.

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Nghe Đức Phật dạy về tình yêu

Thu đọc được bài hay trên mạng. Chia sẻ với cả nhà.

         Này người trẻ, bạn có biết Phật dạy như thế nào về tình yêu? Tôi đã may mắn tham dự một buổi pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh về tình yêu: mối quan hệ giữa yêu thương và hiểu biết, tình yêu từ bi hỉ xả, tình yêu và tình dục. Ông gọi đó là “yêu thương theo phương pháp Phật dạy”.


        Trước khi bắt đầu bài thuyết pháp của mình tại Tổ Đình Trung Hậu - Vĩnh Phúc, Thiền sư Nhất Hạnh đã mời các bạn trẻ ngồi lên trên, để có thể nghe thật rõ. Ông muốn nói về tình yêu, bản chất tình yêu nhìn từ góc độ Phật giáo.
         Miệng mỉm cười, ông đã kể một câu chuyện tình yêu, giản dị thôi nhưng hàm ý sâu sắc: 

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Theo Thày về Côn Sơn

          Hôm lên Côn Sơn, theo sự phân công của Thầy, Thu cùng anh Long theo xe nhà bác Thân - Thiện đi trước để làm việc với Ban Quản lý khu di tích. Cán bộ Ban Quản lý đi vắng. Xe về Trung tâm DSTH Côn Sơn. Hai chiếc xe con kia cũng đã đến. Chị Hồng đang chạy đôn chạy đáo lo bố trí chỗ ở cho các lớp trên 2 chiếc xe to. Đoàn còn ghé qua lễ ở Đền Sinh nên đến sau.
          Thu, chị Lệ, anh Sơn, và anh Chuyền đang nói chuyện thì có hai bác đến. Hai bác tự giới thiệu cùng là học viên CLB DSNL. Vì bác gái say xe quá, nên bác trai cho xe máy lên tàu hỏa, đi đến ga lấy xe máy xuống chở bác gái qua lễ ở Đền Sinh rồi đến thẳng đây. Nhìn khuôn mặt thoải mái, vui vẻ của bác trai, vẻ mặt thoáng chút tự hào pha lẫn bẽn lẽn của bác gái, Thu thấy các bác thật hạnh phúc. Có phải cặp vợ chồng nào cũng chiều nhau được như thế đâu, nhất là đã ở cái tuổi 70. Tính bác trai niềm nở, dễ gần, tính bác gái dịu dàng, đằm thắm. Được nói chuyện với hai bác thật vui.
          Về nhà, khi nhận được điện thoại của bác, Thu vẫn chưa nhớ ra. Chỉ nắm được thông tin là bác có bài thơ muốn gửi đăng. Mãi đến khi con dâu bác gửi ảnh qua mail để Thu có ảnh minh họa, Thu mới nhận ra đó chính là cặp vợ chồng đã để lại cho Thu ấn tượng đẹp buổi chiều hôm đó. Chúc hai bác luyện tập tốt và có nhiều niềm vui chia sẻ cùng mọi người qua những vần thơ dí dỏm và chan chứa tình người.
          Hôm trước Trang CLB đã đăng bài thơ Tâm sự tuổi 70 của bác, hôm nay xin giới thiệu thêm bài thơ thứ 2.

THEO THÀY VỀ CÔN SƠN

 Bác Nhung - đầu hàng thứ 2 từ trái sang,
bác gái - thứ 2  hàng thứ nhất từ trái sang

Vui sao một sáng tháng ba
Thày Thường đưa chúng ta về Côn Sơn
Trước là vãng cảnh Thiền môn
Sau Thày truyền dạy con đường tu thân
Cho dù vương vấn việc trần
Cho dù sức khỏe vài phần giảm đi
Bệnh tật đau ốm bất kỳ
Không còn hy vọng cận kề người thân
Con đường tu nghiệp gian truân
Kiên trì luyện tập thành công có ngày
Lời huấn giảng ngẫm càng say
Gương thày đức độ, nghiệp dày công lao
Tuổi Thày cao, chí càng cao
Giúp người bệnh tật hiểm nghèo vượt qua
Ngẫm xem 5 lớp chúng ta
Nghe Thày chỉ bảo đường xa hóa gần
Chị Ngoan tấm gương chuyên cần
Thiện căn cốt ở chữ tâm làm đầu
Chăm chỉ luyện tập khắc sâu
Bệnh tình nay giảm ngõ hầu còn ba
Bác Lộc khi đến lớp ta
Dáng ve chậm chạp, mặt hoa buồn phiền
Nay thời nhanh tựa thanh niên
Leo núi thoăn thoắt, ngồi thiền đẹp sao
Cháu Hà thấp bé khi nào
Sau ba tháng tập chiều cao tăng dần
Biết bao cô bác xa gần
Theo thày luyện tập gian truân xá gì
Tu tâm, dưỡng tính, luyện thân
Gắng thành công quả tinh thần thêm vui./.
Ngày 25/03/2013
Đỗ Đình Nhung

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Ảnh dã ngoại Côn Sơn T3/2013

Mời cả nhà cùng xem lại những hình ảnh về chuyến đi Côn Sơn tháng 3 vừa qua. Ảnh và phim do "nhiếp ảnh gia" Phạm Chí Thân - học viên lớp DSNL HQV - chụp, quay phim, biên tập và gửỉ cho Trang CLB. Xin chân thành cảm ơn anh.


Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Những chia sẻ để thiền có kết quả

 Bác Nguyễn Năng Tĩnh, thứ 3 hàng đầu, từ trái sang.
(Ảnh chụp tại Côn Sơn T3/2013)
            Tôi là bộ đội về hưu, năm nay 70 tuổi, sống tại tổ dân phố 35, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội (ĐT: 01628868995), hiện nay tôi đang sinh hoạt tại lớp DSNL10 (HQV). Sau đợt đi dã ngoại từ Côn Sơn trở về, tôi có một vài chia sẻ nhỏ với các bạn đồng môn như thế này:
           Trước hết muốn luyện tập Thiền Thu Lửa Tam Muội đạt kết quả tốt mỗi chúng ta phải có niềm tin. Niềm tin trên cơ sở hiểu biết lý luận khoa học về năng lượng sinh học (NLSH). Một số người thấy dùng NLSH để chữa bệnh là không thể, là xa lạ và rất mơ hồ không tin vào điều đó. Có lẽ vì chúng ta chưa được nghiên cứu và phương pháp này chưa được phổ cập, sử dụng sâu rộng. 

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Thông báo

Như đã thông báo trên Blog ngày 13/3/2013, sáng Chủ nhật 7/4/2013, CLB DSNL khai giảng lớp mới tại chùa Bụt Mọc ở phố Khâm Thiên, Hà nội. Đi ngõ 211 phố Tôn Đức Thắng, hoặc ngõ Trung Tả phố Khâm Thiên. 
Liên hệ với chị Nguyễn Thị Bình - giáo viên phụ trách lớp - số điện thoại 090 315 0655 để biết thêm chi tiết.
Ban Chủ nhiệm CLB DSNL

DÃ NGOẠI CÔN SƠN LUYỆN TẬP THIỀN

Sau đợt dã ngoại Côn Sơn luyện tập thiền về, bác Nguyễn Năng Tĩnh, học viên lớp DSNL10 (HQV), đã viết một số bài thơ, xin đăng 2 bài trước để cả nhà cùng đọc.

DÃ NGOẠI CÔN SƠN LUYỆN TẬP THIỀN

Không đi Côn Sơn, rất thiệt thòi
Thay đổi không khí, lại thêm vui
Vui bao nhiêu chuyện, thêm bạn mới
Sống vui, sống khỏe, thật tuyệt vời.

Côn Sơn linh địa, cho khí tốt
Năng lượng nâng lên, tràn khắp người
Phật cho thêm đức, thêm trí tuệ
Bè bạn cho nhau những nụ cười.

 Bác Năng Tĩnh, người đứng ngoài cùng bên phải.
(Ảnh chụp tại Côn Sơn T3/2013)

HỌC SỬ DỤNG LẮC

Dã ngoại Côn Sơn, rất là vui
Chuyện học con lắc, tha hồ cười
Tối về nhà nghỉ, các bà tán
Lắc Thầy hết ý, thật tuyệt vời.

Thầy mới đưa vào, là lắc tít
Còn anh đứng chết, lắc chỉ cười
Thôi thôi chuyến này về cố luyện
Để dã ngoại sau, lắc cho vui.
Nguyễn Năng Tĩnh 
Lớp DSNL10 (HQV)

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Đôi lời chia sẻ

Tống Thị Minh Ngà 
Lớp sáng T5 TDH   
 Dã ngoại cùng CLB tháng 3/2013 (Bác Ngà thứ 3 từ phải sang)
         Tôi là Tống Thị Minh Ngà, sinh năm 1940 ở  khu  Đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội. 
         Tôi đi thiền từ 30/9/2011 Thầy Nghĩa giới thiệu. Nếu không có việc quan trọng thì dẫu có bão tố, mưa giông tôi cũng vẫn có mặt cùng lớp để thiền. 
         Về bệnh tật thì tôi chỉ có bệnh tiểu đường. Nhưng mấy năm trước tôi hay bị chán ăn, thể trạng cơ thể như người nghén: nhạt mồm, nhạt miệng không ăn uống được bất cứ thứ gì. Không nôn khan nhưng đưa đồ ăn lên miệng là ọc và ọc. Vì thế nên người luôn mệt mỏi. Từ khi đi Thiền đến nay tôi ăn ngon, ngủ say. Bệnh chán ăn của tôi nó trốn mất đâu rồi các bác ạ, nay tôi thấy mình khỏe hơn. 

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Tâm sự tuổi 70

Sau khi đi Côn Sơn về, Thu nhận được cuộc điện thoại của bác Nguyễn Đình Nhung. Bác báo sẽ chuyển cho Thu bài thơ bác mới sáng tác. Thu đã sắp bài thơ lên trang từ mấy hôm trước nhưng do chưa biết mặt bác nên phải đợi thư trả lời từ con dâu bác để chọn ảnh minh họa. 
Trang Câu lạc bộ DSNL xin trân trọng giới thiệu một giọng thơ rất dí dỏm và yêu đời của một "chàng thanh niên" mới ngoài 70. Còn bài thơ nữa của bác, Thu xin phép đăng sau.

TÂM SỰ TUỔI BẢY MƯƠI

Nguyễn Đình Nhung
Lớp chiều T5 TDH
Thời gian nào có chờ ai
Đường đời bước ngắn bước dài tới nơi

Bảy mươi là tuổi ăn chơi
Sáng, trưa, chiều, tối hết ngồi lại đi

Bảy mươi là tuổi đến thì
Rất yêu bác sỹ bảo gì cũng nghe

Bảy mươi tuổi thích bạn bè
Liền anh liền chị buôn lê đường dài

Bảy mươi tuổi đã thành tài
Được con bổ nhiệm trông vài nhân viên

Bảy mươi là tuổi thần tiên
Quên quên nhớ nhớ sợ phiền cháu con

Bảy mươi là tuổi trăng tròn
Con tim loạn nhịp, mạch còn vữa xơ

Bảy mươi là tuổi mộng mơ
Đêm đêm thao thức nằm chờ bình minh

Bảy mươi tiếng sét ái tình
Mắt nhìn đắm đuối một mình thành hai

Bảy mươi như giọt sương mai
Nâng niu đừng để phí hoài tuổi xuân

Bảy mươi là điểm dừng chân
Đứng nhìn Thanh Tước còn gần hay xa

Ngoảnh đầu nhìn quãng đường qua
Khổ đau, hạnh phúc hay là hiển vinh

Bằng lòng với số phận mình
Sống vui - thanh thản - nghĩa tình trước sau./.
Tháng 3 năm 2013