Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Thăm Khu di tích K9

Nguyễn Thị Hởi
Lớp CT6 BXT
         Sáng ngày 24/05/2013, 2 chiếc xe khách và 1 chiếc xe con chở đoàn CLB DSNL Hà Nội tới khu di tích lịch sử K9 vào lúc 8 giờ. 


         Khu di tích K9 nằm bên bờ sông Đà, thuộc Đá Chông, huyện Ba Vì, Hà Nội. Khu di tích K9 (trước đây gọi là K84) nằm trong hệ thống đồi gò có diện tích khoảng 234 ha, giáp địa giới hành chính với ba xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ thuộc huyện Ba Vì và xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Xưa kia đây là khu đồi thông yên tĩnh, xen kẽ với các loài cây gỗ lớn, tán lá rộng tạo thành khu rừng nguyên sinh đầy sức quyến rũ. Trên đồi có những tảng đá to đứng lô nhô, sắc nhọn như những mũi chông, ngọn mác nên được gọi là Đá Chông.


         Khi vào trong khu di tích, đoàn được sự tiếp đón ân cần, niềm nở của Ban Quản lý khu di tích và các anh chị hướng dẫn viên. Nơi thăm đầu tiên là khu nhà 2 tầng - nơi ở và nơi làm việc của Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị, chỉ huy Quân đội. Bác là người trực tiếp duyệt thiết kế, cắm cọc, nhắm hướng cho ngôi nhà này. Tháng 9 năm 1959 bắt đầu khởi công xây dựng. Quá trình xây dựng khu vực này mang mật danh “Công trường 5” (gọi tắt là KV). Tầng 1, bên ngoài là phòng dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách. Một điều rất độc đáo, thú vị là Bác chỉ đạo thiết kế hệ thống cửa sổ “di động” - đóng vào là cửa, mở ra là ghế ngồi - với mục đích tiết kiệm diện tích và phòng khi có đông khách thì vẫn đủ chỗ ngồi cho tất cả mọi người! Ngoài ra, trên mảnh sân nhỏ phía trước nhà, Bác cho rải sỏi để vừa rèn luyện sức khỏe (đi chân đất trên nền sỏi có tác dụng “mát-xa” các huyệt dưới gan bàn chân, rất tốt cho sức khỏe), vừa là “hàng rào” bảo vệ khu nhà (vì khi có người bước trên sỏi thì tạo ra tiếng lạo xạo nghe rất rõ, nhất là về ban đêm)! Anh hướng dẫn viên (HDV) trong trang phục “Bộ đội Cụ Hồ” rất trang nghiêm, vẫn diễn thuyết nhiệt tình, say sưa trước sự lắng nghe thành kính bằng cả trái tim của mỗi người đang có mặt nơi đây! Ai cũng không khỏi bồi hồi xúc động và vô cùng ngạc nhiên, thán phục trước trí tuệ và đức tính giản dị cao cả của Người!

         Ngay phía sau khu nhà 2 tầng là khu nhà bếp. Rất gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ nhưng vô cùng giản dị, đơn sơ, mộc mạc! Vẫn còn đây chiếc bếp đun củi do Pháp sản xuất từ thời đó, chiếc khăn tay giản dị và chiếc chậu nhỏ đặt trên một cái giá gỗ, 2 chiếc nồi đựng cơm canh và vài chiếc bát nhỏ dùng để ăn cơm được xếp ngay ngắn trên bàn ăn. Chiếc chậu, nồi đựng và bát đều được tráng men ở Hải Phòng thời xưa, giờ vẫn còn sáng bóng như mới!
         Vùng đất này đã có một sự kiện đặc biệt để rồi sau này trở thành một địa danh lịch sử. Đó là vào một ngày của tháng 5 năm 1957, bác đến thăm Trung đoàn 36 - Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Bác đứng ở vị trí Đá Chông, nhìn ra sông Đà trước mặt thấy đây là nơi sơn thủy hữu tình, dòng sông uốn khúc, cảnh vật tươi đẹp, gần dân mà xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người đã ngỏ ý với các đồng chí cùng đi là xây dựng ở đây một nhà làm việc của Bác và Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Sáng ngày 23 tháng 2 năm 1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông. Sau chuyến đi này, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng một số ngôi nhà cấp bốn trong khu vực Đá Chông. Bước sang năm 1959, trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ đã rõ ràng, Cục Doanh trại và Tổng cục Hậu cần được lệnh tiếp tục lên xây dựng khu căn cứ của Trung ương. Ngày 15 tháng 3 năm 1960 ngôi nhà 2 tầng được hoàn thành, Bác đã đi máy bay trực thăng lên dự buổi khánh thành. Từ lúc này nơi đây được đổi tên thành “Khu căn cứ K9 ” (gọi tắt là K9).

         Gần khu vực có Đá Chông là hồ cá và hòn non bộ nổi lên ở giữa hồ. Tất cả mọi người vây kín quanh hồ như muốn dành cho các chú cá ở đây một sự chào đón nồng nhiệt. Và cá cũng như hiểu được lòng người, chúng tung tăng bơi lội xung quanh, như cố gắng ưỡn người trên mặt nước để đáp lại những nụ cười yêu mến, thân thiện của đoàn người dành cho chúng!


         Anh HDV tiếp tục đưa đoàn đi thăm khu nhà xe - nơi trưng bày những chiếc xe đã chở thi hài Bác trong những năm tháng chiến tranh. Đây là lúc tâm trí của mỗi người tự nhiên lắng xuống hơn bao giờ hết, như bị cuốn theo lời kể của anh HDV. 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, Hồ Chủ tịch qua đời. Thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Từ cuối năm 1969, cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định. Đề phòng chiến tranh có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội, thuận tiện cho di chuyển thi hài Bác khi chiến tranh lan rộng. K9 đã được quyết định chọn là nơi giữ gìn thi hài Bác. Lúc này K9 được mang mật danh “Khu căn cứ K84”.
         Trong 6 năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước (1969-1975), thi hài Bác được giữ gìn, bảo quản tại K9 ba lần với tổng thời gian là 4 năm 4 tháng 19 ngày. Đó là các thời gian sau:
- Đợt 1: Từ ngày 23 tháng 12 năm 1969 (đêm ngày 23, rạng sáng ngày 24/12) tới ngày 03 tháng 12 năm 1970, vì lúc đó cả nước có chiến tranh nên lưu giữ Bác ở căn cứ K84 an toàn hơn ở Hà Nội. Cuối năm 1970 do Mỹ_Ngụy tập kích bằng máy bay trực thăng xuống một vị trí ở gần thị xã Sơn Tây, cho nên thi hài Bác lại được chuyển về Viện Quân y 108.
- Đợt 2: Từ ngày 19 tháng 8 năm 1971 tới ngày 11 tháng 7 năm 1972, khi đó ở miền Bắc mưa to liên tiếp 10 ngày, nước sông Hồng dâng cao 12m80, có nguy cơ vỡ đê nên thi hài Bác lại được đưa trở về bảo quản tại khu căn cứ K84. Cuối năm 1972, ta nhận định có nguy cơ Mỹ dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng, mà K84 nằm trên đường bay của địch từ Thái Lan sang, cho nên thi hài Bác lại được chuyển sang bảo quản tại H21.
- Đợt 3: Từ ngày 08 tháng 02 năm 1973 tới ngày 17 tháng 7 năm 1975, sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, thi hài Bác lại được đưa trở lại K84 để bảo quản, vì nơi đây có điều kiện kỹ thuật tốt hơn ở H21.

         Một điều đặc biệt làm mọi người ai cũng cảm phục và xúc động là: chiếc xe đầu tiên trở thi hài Bác là chiếc Zin57, xe chở theo 2 tấn “đá cây” và trước đó xe phải cải tạo toàn bộ (zíp, gầm, bộ phận giảm sóc,…). Ngày đó không có đường rải nhựa phẳng đẹp như bây giờ, nên ta phải bố trí một lực lượng (144) đi trước làm nhiệm vụ rải đất đá vào những chỗ “ổ trâu, ổ gà”, khi nào xe chở Bác đi qua rồi thì phải ngay lập tức dọn sạch chỗ đất đá đó đi, nhằm tránh sự chú ý của người dân và các lực lượng phá hoại!...Hòa vào lời kể mộc mạc của anh HDV là những lời trầm trồ thán phục của tất cả mọi người đang lắng nghe! Nhiều người lên: vất vả quá nhỉ!, khó khăn gian khổ là thế đấy mà vẫn khắc phục được, vẫn vượt qua được!, Giỏi thế, làm được như thế là quá tài giỏi!.v.v…
         Cuối cùng, đoàn được đi thăm khu nhà đã cất giữ và bảo quản thi hài Bác. Đến đây là kết thúc chuyến thăm quan tại khu di tích. Anh HDV có lời chào tạm biệt đoàn và mong muốn được đón tiếp đoàn vào những dịp sau. 


         Thay mặt đoàn của CLB DSNL, bác Nghĩa gửi lời cám ơn chân thành nhất tới Ban quản lý khu di tích và các đồng chí HDV. Sau đó tất cả mọi người bước chân ra về, chân bước đi mà lòng đầy xúc động, như lưu luyến, bịn rịn! Gặp lại hồ nước mênh mông trải rộng, êm đềm mà sâu lắng, với hàng liễu rủ mặt hồ, với những cây bụt mọc, những cây lưu niệm quanh hồ…, gặp lại vườn cây ăn quả xum xuê trái, với cam, bưởi, xoài,…và với hàng rào chè xanh, xanh mát…và đây rồi chú hươu con bé nhỏ, đáng yêu đang ăn cỏ ngon lành!!! Thế rồi, những con người, nhưng bước chân cứ xa dần, xa dần, đó là lúc đoàn người đã tiến gần tới cổng khu di tích. Gửi lại một lời chào thân thương và lưu giữ những cảm xúc không bao giờ quên, nơi đó khắc ghi dấu chân Người và tình thương bao la của Người đã dành cho chúng con: 

"Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy đặng phù sa"
(Trích thơ của nhà thơ Tố Hữu)

4 nhận xét:

  1. Đọc bài viết của Hởi có cảm giác như đang nghe HDV giới thiệu. "Chiên nghịp" phết nhỉ. :)

    Trả lờiXóa
  2. Hí hí!...Cảm ơn cô đã luôn động viên con!
    Con may mắn vì tìm được trên mạng bài viết về K9 của thượng tá Nguyễn Thanh Huống (Chính ủy Đoàn 285 Bộ Tư Lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đấy, cô ạ! Cho nên mới có được những thông tin chính xác và chi tiết đến như vậy! Con chỉ "lắp ráp' và phụ họa thêm chút thôi ạ!
    Chứ từ ngày xưa con là ''dân tự nhiên'', mổi khi viết văn thấy bí từ lắm ạ! Hi!
    Cô khen con quá làm con thấy vô cùng ái ngại đấy ạ!
    Có lẽ lần này con được Bác Hồ và Thầy Tổ "trợ duyên" nên mới viết được như thế đấy ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lần sau cứ thế phát huy nhé. :)

      Xóa
    2. Vâng! Lần sau cô "phat" con trước, để con "huy" (huy động) ạ!
      Quả thật, lúc ở Suối Hai cô giao nhiệm vụ này cho con, con bị bất ngờ lắm đấy ạ!
      Giật hết cả mìn! toe toe!

      Xóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.