Trang

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Dã ngoại Côn sơn

Ngô Trọng Hải 
Lớp Chùa Bụt Mọc
         Duyên cớ may mắn cho tôi được đi thiền dã ngoại cùng CLB DSNL tại Côn sơn - Chí Linh - Hải Dương. Thời gian tuy chỉ có 3 ngày ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng tôi những kỷ niệm khó quên. 


        Đã bao nhiêu lần đến Côn Sơn, nơi ở ẩn của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi với cái án "Lệ chi viên" đầy oan khuất của một thời binh đao loạn lạc...nhưng hôm nay chúng tôi, những học viên của CLB DSNL đến đây để hòa mình vào vùng đất linh thiêng, nơi có chùa Côn Sơn cổ kính và đền thờ các bậc hiền nhân đã để lại tiếng thơm muôn đời cho hậu thế, để chiêm nghiệm, tu dưỡng, luyện tập; Đặng nhờ đấng tối cao, linh thiêng tột đỉnh chứng giám và phù hộ độ trì, khai sáng cho những tâm hồn còn đầy trắc ẩn và còn bị ràng buộc bởi tâm tính thấp kém cùng các lo toan, trăn trở của cuộc sống mưu sinh đời thường. 

         Vùng núi Côn Sơn với những cánh rừng thông bạt ngàn quanh năm sương mù bao phủ, với những làng bản trù phú, những tập tục văn hóa lâu đời, những người dân hiền lành chất phác và những ngôi chùa cổ kính như Ngũ Nhạc Linh Từ, Côn Sơn, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán...từ lâu đã là nơi thăm quan vãn cảnh nổi tiếng của cả nước và là nơi đất thiêng dành những ai hướng tâm về cõi Phật, nguyện một đời tu luyện, mong sao cho quốc thái dân an, thân tâm trong sạch, sức khỏe dồi dào, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vững vàng tiến bước trên con đường mình đã lựa chọn. 

         Kế hoạch của đoàn đi dã ngoại Côn Sơn (các lớp mới tại TDH, HQV và lớp tại chùa Bụt Mọc) vào đúng thời gian vùng Đông bắc nước ta chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, dự kiến có mưa to và rất to, có thể có lũ quét, tuy không nói ra nhưng trong tâm trạng ai nấy đều có phần lo ngại; Chính vì vậy chuyến đi gồm 4 lớp nhưng chỉ có 50 người kể cả Thày Chủ nhiệm, các thày cô giáo và học viên. Tuy nhiên, ngược lại sự lo lắng của mọi người, thời tiết vùng Côn Sơn trong các ngày đoàn đến rất đẹp, trời không mưa, nắng nhẹ, rất phù hợp cho việc luyện tập. 

         Chúng tôi được bố trí nghỉ tại khu biệt thự B, cạnh hồ Côn Sơn thơ mộng, đầy nắng và gió. Một biệt thự ba tầng dưới tán những cây thông cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Khu nhà khách rất đẹp, không khí trong lành, yên tĩnh và mát mẻ, điều kiện ăn ở thật là chu toàn rất thích hợp cho ba ngày tu luyện. 

         Tôi là học viên mới luyện tập được 2 tháng, trong đó có 1 tháng nghỉ hè, nên dịp dã ngoại kỳ này thật là mới mẻ đối với tôi, là lần đầu tiên và cũng là dịp để tôi chiêm nghiệm những điều giáo huấn của Thày chủ nhiệm, ngồi tu luyện theo các bài thiền mà giáo viên phụ trách lớp đã hướng dẫn cùng với các lớp đàn anh, đàn chị, những người đã học trước mình nhiều tháng. Mặc dù thời gian Thày cho ngồi tọa thiền là rất nhiều (đối với tôi những người mới tham gia CLB), có những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi, chân tay tê buốt, song được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Thày chủ nhiệm, của các giáo viên, tôi đã dần hòa nhập và theo kịp các hội viên trong lớp, thấy tâm của mình yên hơn, không còn tâm lý e ngại là liệu có theo kịp và hòa nhập vào với lớp được hay không. 

         Tôi biết để tu luyện thân tâm trong sáng, buông bỏ mọi dàng buộc của cuộc sống đời thường và để trở thành người giác ngộ cần phải có một quá trình tu luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ dài lâu, thật dài lâu; Tôi đã bước vào tuổi "Thất thập cổ lai hy", sức khỏe có phần giảm sút, nhưng qua một thời gian ngắn luyện tập tôi thấy các bệnh về tuổi già như đau xương khớp, mệt mỏi, khó ngủ...đã phần nào được cải được nhiều, cuộc sống thấy có chất lượng hơn, thanh thản vui vẻ hơn và có ý nghĩa hơn.

         Ngày đầu lên Côn Sơn, Thày kiểm tra năng lượng của tôi còn thấp (15 VC), ngày ra về Thày kiểm tra đã lên gấp 2,4 lần. Thực ra, tôi là người mới theo học (một tháng học chính thức), nên vẫn còn mơ màng về những điều Thày Chủ nhiệm đã giảng huấn như: Năng lượng vũ trụ, năng lượng Tiên thiên, năng lượng Hậu thiên, về vị trí các huyệt đạo, về đường đi vào, ra của lớp năng lượng, về buông bỏ, được và mất ... Tôi biết ràng cần phải có thời gian và cố gắng nhiều hơn nữa trong việc tu luyện mới mong bệnh tật được đẩy lùi, sống một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc bên con cháu. Tôi sẽ cố gắng thường xuyên hơn để đạt được hiệu quả cao nhất.

         Ra về với tâm trạng thanh thản, thân tâm như được gột rửa, xe dừng lại để đoàn chúng tôi vào kính nhang bái Phật tại chùa Côn Sơn cổ kính, mảnh đất địa linh, khí thiêng trời đất, nơi có đền thờ vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, với tâm trạng ấy, tôi xin mạo muội ứng mấy câu thơ (không phải nhà văn, nhà thơ nên kính mong Thày, Cô, các bạn thông cảm): 
                                Đến Côn Sơn nhớ Ức Trai
                                Côn Sơn linh địa muôn đời 
                                Ức trai ở ẩn, cuối đời án oan 
                                Cuộc đời vinh nhục đa đoan 
                                Tới đây thiền kính khói nhang nhớ người. 

         Qua bài viết này, từ trái tim, tôi xin gửi tới Thày chủ nhiệm, giáo viên các lớp, ban cán sự lớp và toàn thể các bạn lời biết ơn chân thành đã tạo điều kiện cho tôi được tham gia lớp học và có chuyến đi dã ngoại đầy ý nghĩa này. 
Tháng 8 năm 2013 

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Suy ngẫm

Bài sưu tầm. Chia sẻ cùng cả nhà để suy ngẫm.

Mỗi tấm biển đều có hai mặt

Có một lữ khách trẻ tuổi tình cờ gặp một người lớn tuổi rất hiểu thiền lý ở trên thảo nguyên, anh ta hỏi cụ già: “Ông sống ở đây có tốt không?”
Cụ già hỏi ngược lại: “Quê hương của cháu như thế nào?”
Người lữ khách nói: “Tệ lắm, vừa bế tắc, vừa lạc hậu.”
Cụ già vội nói: “Vậy cháu mau đi đi, ở đây và quê của cháu rất giống nhau”.
Sau đó lại có một lữ khách khác đến, cũng hỏi cụ già câu như vậy, cụ già cũng hỏi ngược lại một câu như đã hỏi thanh niên trước, lữ khách mới đến trả lời một cách thâm tình: “Quê cháu rất tốt, đồng ruộng khe suối, cỏ cây, nhà cửa, lại có người thân xóm giềng, đều làm cho cháu rất nhớ.”
Cụ già bèn nói: “Ở đây cũng đẹp như ở quê của cháu vậy.”
Có một người bên cạnh nghe như vậy cảm thấy nghi ngờ không hiểu, hỏi cụ già: “Tại sao cùng một câu hỏi giống nhau, mà cụ lại trả lời khác nhau một trời một vực như thế?”
Cụ già nói: “Tốt và không tốt hoàn toàn không có phân giới rõ ràng, chính xác, có chăng thì chỉ là cảm giác trong lòng người mà thôi. Trong lòng ông chứa thứ gì mới có thể tìm thấy thứ đó.”
Nhà thiền có câu: “Người trong lòng đầy bất mãn và trở ngại muốn đi tìm chỗ tốt đẹp để trở về nương náu, nhất định tìm không được. Nhưng người trong lòng tràn đầy tình yêu và sự đẹp đẽ mới có thể phát hiện được ốc đảo của chính mình."
Điều này xem ra dường như là việc phức tạp huyền bí, kỳ thật chỉ là nói rõ một đạo lý: "Trên thế giới không có sự việc gì là tuyệt đối, bất cứ tấm thẻ nào trong tay bạn cũng đều có hai mặt: mặt trái và và mặt phải."

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Bài đăng tin

Theo đề nghị của chị Toàn, Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Hà nội, muốn CLB có bài viết đưa tin về hoạt động của CLB và lễ khai giảng lớp học Esperanto. Thu gửi qua mail cho chị nhưng thấy báo cuộc gửi không thành công. Xin đăng tạm trên trang nhà để nếu bên thành hội cần có thể vào lấy bài đăng tin.

NHƯ NHỮNG ĐỐM LỬA NHỎ

          Thành lập năm 2004, CLB Dưỡng sinh Năng lượng, thuộc Chi hội Y học Quốc tế ngữ Hà nội, được sự quan tâm, động viên, chỉ đạo trực tiếp của Hội Quốc tế ngữ Hà nội, với phương châm hoạt động từ thiện, đã phổ biến môn thiền dưỡng sinh năng lượng giúp cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống đến cộng đồng. Số hội viên của CLB ngày một đông. Hiện CLB có 11 lớp đang sinh hoạt trên địa bàn Hà nội với số hội viên trên 400 người.

          Bên cạnh việc luyện tập thiền để tự điều chỉnh bệnh tật và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động dã ngoại đến những nơi địa linh, danh lam thắng cảnh, kết hợp luyện thiền với việc thăm quan, tổ chức giao lưu – chia sẻ kinh nghiệm giúp gắn kết các hội viên như trong một gia đình lớn.

          CLB có đội văn nghệ với những tiết mục cây nhà lá vườn phong phú từ đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca đến ngâm thơ, khiêu vũ. Đội văn nghệ CLB không chỉ mang lại tiếng cười, niềm vui cho hội viên trong những dịp tưởng niệm – tổng kết, những đợt dã ngoại, mà còn tham gia góp tiết mục với chi hội, thành hội trong các dịp tổng kết, giao lưu.

          Ngày 15/9/2013, CLB tổ chức khai giảng lớp học Quốc tế ngữ với sự tham gia của hơn 40 hội viên. CLB Yumeiho cũng gửi 11 hội viên cùng tham gia Đây là lớp học Quốc tế ngữ thứ 2 của CLB kể từ ngày thành lập. Đến dự lễ khai giảng có bà Đỗ Thị Toàn, Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Hà nội, và ông Nguyễn Văn Hà, ủy viên phụ trách về huấn luyện và đào tạo. Bà Đỗ Thị Toàn, thay mặt thành hội, có lời động viên phong trào học Quốc tế ngữ của CLB. Ông Nguyễn Văn Hà giới thiệu đôi nét về việc hình thành, phát triển Quốc tế ngữ và những yêu cầu đối với người học để có thể sử dụng được ngôn ngữ này như một phương tiện giao tiếp.

Chị Nguyễn Thị Hiền hướng dẫn học viên đọc bảng chữ cái 

          Phụ trách giảng dạy là nhóm hội viên đã tham gia lớp do Thầy Augusto Casquero, người Tây Ban Nha, trực tiếp giảng dạy. Với giáo trình “Esperanto bằng phương pháp trực tiếp” của tác giả Stano Marĉek (do cô Lê Thi Thiên Thu biên dịch) mà chúng tôi nhận được nhân dịp UK 97, gồm 22 bài, sẽ được dự kiến học trong khoảng 50 tuần.

          Nhìn những gương mặt già có, trẻ có, mái tóc bạc bên mái tóc xanh nhưng những ánh mắt lấp lánh tinh thần ham học hỏi, chúng tôi biết học viên lớp Esperanto của CLB DSNL thực sự sẵn sàng học để biết thêm một ngôn ngữ nữa, ngôn ngữ của hòa bình và tình hữu nghị.

          Hoạt động mở lớp Quốc tế ngữ của CLB DSNL chúng tôi bên cạnh những hoạt động sôi nổi của các CLB, các chi hội khác là những hoạt động thiết thực để chào mừng Đại hội Quốc tế ngữ Việt nam sẽ diễn ra vào ngày 29/9 tại Hà nội. Những hoạt động này như những đốm lửa nhỏ nhen nhóm thổi bùng ngọn lửa Esperanto, ngọn lửa xanh của hòa bình và tình hữu nghị trên toàn cầu.
Ngày 16/9/2013

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Khai giảng lớp học Quốc tế ngữ

          Chiều nay, 15/9/2013, CLB DSNL khai giảng lớp học Quốc tế ngữ. 
       Tham dự lễ khai giảng có Ban chủ nhiệm CLB DSNL, bác Đinh Xuân Sinh và chị Nguyễn Thị Hiền - 2 hội viên đã tham gia học lớp Quốc tế ngữ do Thầy Augusto Casquero, người Tây Ban Nha, giảng dạy - sẽ tham gia hướng dẫn, và hơn 40 hội viên - học viên từ các lớp của CLB. Ngoài ra còn có các bác từ CLB Yumeiho, thuộc chi hội Y học Esperanto, cũng đăng ký học.
         Đến dự lễ khai giảng có 2 vị khách từ Hội Quốc tế ngữ Hà nội: bà Đỗ Thị Toàn, chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Hà nội và ông Nguyễn Văn Hà, ủy viên phụ trách về huấn luyện và đào tạo.
         Sau lời giới thiệu của đại diện Ban chủ nhiệm CLB, bà Đỗ Thị Toàn và ông Nguyễn Văn Hà có lời chào mừng và động viên tinh thần chủ động trong việc tổ chức lớp học Quốc tế ngữ của CLB DSNL và hy vọng các hội viên - học viên sẽ cố gắng học tập để có thể sử dụng được ngôn ngữ của hòa bình và tình hữu nghị. Trong lời đáp từ, Thầy chủ nhiệm CLB cảm ơn sự quan tâm từ phía Thành hội và hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ để việc học tập của các hội viên - học viên đạt kết quả.
         Sau lễ khai giảng, các học viên - hội viên, dưới sự hướng dẫn của chị Nguyễn Thị Hiền, làm quen với bảng chữ cái Esperanto và phần đầu của bài 1. Việc sử dụng thiết bị nghe nhìn giúp học viên hứng thú hơn và tiếp thu bài dễ hơn. Buổi học đầu tiên đạt kết quả tốt.
         Dưới đây là một số hình ảnh do chị Phùng Kim Bình ghi lại.


Mời xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

NIỀM VUI CHIA SẺ

Lê Thị Bân 
Lớp DSNL9 - TDH 
         Đến với câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng là một duyên kỳ ngộ, qua giới thiệu của chị bạn cùng khu tập thể “Lục Diệp - cây hài của lớp DSNL 9” như tập thể lớp tôi đã đặt cho chị. 
         Mới ngày nào thời gian trôi đi nhanh quá, nay đã 10 tháng trôi qua. Sau những buổi đến lớp được nghe lời giảng của các thầy cô trong ban chủ nhiệm câu lạc bộ cùng với những chia sẻ của bạn thiền, những tiết mục văn nghệ mừng sinh nhật. 
         Tôi không thể quên được những lời giảng, lời khuyên nhủ của Thầy chủ nhiệm “Cứ kiên trì thiền đi, tự mình thu nặng lượng sạch vào cơ thể là bệnh tật sẽ được đẩy lùi”. Thế rồi từng ngày trôi qua, một cảm xúc thật khó tả, sức khỏe của tôi đã được cải thiện, bệnh đau vai gáy của tôi thuyên giảm rõ rệt, những cơn đau đầu vật vã thưa thớt dần, tứ chi vận động tự nhiên hơn, thoải mái hơn, đau nhức tê bì đã bớt đi, bệnh viêm họng đã biến mất không thấy xuất hiện qua những đợt thay đổi thời tiết, sỏi thận tan đi, sỏi túi mật kích thước giảm dần (từ 12mm nay còn 0,8mm).
         Con xin tạ ơn Đức Thầy Tổ Dasira Narada, xin cảm ơn Thầy chủ nhiệm cùng các thầy cô trong ban chủ nhiệm câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng.
         Được đến với câu lậc bộ Dưỡng sinh Năng lượng như đã tiếp cho tôi một sức sống mới, được trưởng thành hơn, tin yêu cuộc sống hơn, biết cảm nhận quán tưởng đưa năng lượng vào các luân xa, biết cảm nhận thu năng lượng tiên thiên mãi tận dải Thiên Hà, năng lượng vũ trụ đất trời bao la, biết cảm nhận tâm linh để tu luyện đạt được “Chân - Thiện - Nhẫn”. Biết đưa năng lượng ra tay, sử dụng con lắc, mạnh dạn sử dụng năng lượng chăm sóc con cháu tốt hơn. 
         Đến với câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng đã cho tôi một trang sống mới, sống vui hơn, nhanh nhẹn hơn, tự tin hơn, đầy ắp những niềm vui sau những buổi học tập thiền trên lớp. Những kỷ niệm khó quên sau những chuyến đi dã ngoại tại Côn Sơn, Suối Hai, Chùa Bách Môn. Sau những ca thiền, những buổi chữa bệnh của tập thể giáo viên câu lạc bộ đã thấm mệt. Đáng nhớ nhất những bài chia sẻ của các bạn thiền, những tiết mục giao lưu văn nghệ, những vần thơ vui còn đọng mãi trong tôi. Thật là những chuyến đi đầy ắp tình thương bao la, những ấn tượng khó phao mờ khiến mỗi chúng ta đều cảm thấy lưu luyến, hẹn chờ… đợi dã ngoại đợt tới.
         Một lần nữa con xin tạ ơn Đức Thầy Tổ Dasira Narada, xin cảm ơn Thầy chủ nhiệm cùng các thầy cô trong ban chủ nhiệm câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng. 
         Xin kính chúc các thầy cô cùng các bạn thiền có cuộc sống vui - khỏe - hạnh phúc, thân tâm an lạc.
Tháng 9/2013

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Chúc mừng sinh nhật lớp Chiều thứ Bảy BXT

         Vừa qua (07/09/2013), lớp Chiều thứ Bảy BXT long trọng tổ chức sinh nhật cho các thành viên có ngày sinh nhật vào tháng 7, tháng 8, và tháng 9. Đây được xem là hoạt động truyền thống của lớp, nhằm tạo nhiều không gian sinh hoạt cho các thành viên, bên cạnh hoạt động tu tập, giúp các thành viên thêm yêu thương và gắn bó nhiều hơn nữa với CLB.


         Tháng 9 cũng là dịp lớp Chiều thứ Bảy BXT kỷ niệm 3 năm ngày thành lập. Trong không khí vui vẻ với những nụ cười giòn, tưng bừng với những bản nhạc Chúc mừng sinh nhật, không khỏi có những phút trầm ngâm, những lời phát biểu xúc động của các thành viên trong lớp nhớ về những ngày đầu tiên đi học. Bên cạnh sự quan tâm của các Thầy, Cô trong Ban chủ nhiệm, còn có được tình cảm của các bạn đồng tu thật là ấm áp.


         Buổi liên hoan sinh nhật được diễn ra sau ca thiền đầu giờ. Tham gia buổi liên hoan, gồm có các thầy cô chủ nhiệm của lớp, các thầy cô trong ban chủ nhiệm CLB, các thành viên của lớp và ngoài ra, còn có 2 ca sĩ “chuyên nghiệp” là em Thanh Hà, em Đỗ Nhung đã đến tham gia và góp vui văn nghệ. Mọi người cùng nhau hát bài hát Chúc mừng sinh nhật, với hy vọng tất cả các thành viên trong lớp đều được bình an, mạnh khỏe, sống an vui và luyện tập thiền tinh tấn. Thầy Chủ Nhiệm rất vui, vì nhóm phóng viên cứ thấy Thầy cười suốt, tuy nhiên, vẫn không quên tác nghiệp và Thầy đã thu được một số bức ảnh tuyệt đẹp trong buổi lễ.
         Buổi liên hoan được trang trí bằng hoa, bánh kẹo và những nụ cười tươi tắn của mọi người.  Trong buổi lễ, bác Nguyễn Hoàng Vân – thành viên yêu quý của cả lớp đã có sáng kiến “Hát xin tiền”.  Mặc dù, “chưa mua được cái ô tô” – theo lời của bác, nhưng nhóm phóng viên cũng nhận thấy nét hoan hỷ rạng rỡ trên khuôn mặt của bác cùng ekip thực hiện.


         Cuối buổi lễ, mọi người ra về cùng những bông hoa vàng tươi tắn. Tiếng cười còn râm ran mãi ở hành lang và cầu thang  lớp học. Hy vọng trong tương lai, lớp sẽ luôn luôn duy trì được những hoạt động này. Kính chúc lớp Chiều thứ Bảy Bùi Xương Trạch luôn luôn đoàn kết, luôn luôn mạnh khỏe, vui vẻ và trẻ trung, luyện tập ngày càng tinh tân để xứng đáng với sự tận tình của các Thầy, các Cô trong ban chủ nhiệm.
         Sau đây là một số hình ảnh được ghi lại của buổi lễ, mời xem TẠI ĐÂY
Người thực hiện: nhóm phóng viên

(à, nhóm phóng viên tự phong gồm có cô Bình, cháu Đặng Thủy, cháu Thoa, cháu Vương và một số cháu khác nữa, hihi).

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Cùng xem và suy ngẫm

Cuộc sống thần tiên của bộ tộc 
500 năm không ăn thịt
Theo VTN News, 04/09/2013 
Trong những điều luật của bộ tộc này, có một điều luật nghiêm cấm việc săn bắt và giết thịt các loài động vật, kể cả vật nuôi hay hoang dã. 
Từ hàng trăm năm nay, người Bishnoi ở Ấn Độ vẫn trung thành với những giáo luật nghiêm khắc của bộ tộc.


Họ không chặt hạ những cây đang sống và không ăn thịt động vật. Họ luôn sẵn sàng cứu giúp những con vật bị thương. Thậm chí, phụ nữ Bishnoi còn nuôi những con thú non bằng chính bầu sữa của mình.

Đối xử tốt với các loài động vật và không sát sinh

Bishnoi là tộc người sinh sống tại vùng sa mạc Thar, bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ. Trong tiếng bản địa, “bish” có nghĩa là 20, “noi” có nghĩa là 9. Bởi vậy, Bishnoi có nghĩa là 29. 
Cái tên Bishnoi tượng trưng cho 29 điều luật mà các thành viên trong bộ tộc này phải tuân thủ, trong đó có 20 điều luật theo Hindu giáo và 9 điều luật theo Hồi giáo. Theo những bô lão trong bộ tộc, vị đạo sư Jhambheshwar đã đặt ra những luật lệ này vào khoảng 540 năm về trước. 
Theo truyền thuyết, khi đang ngồi thiền dưới gốc cây ở ngôi làng Jhamba, vị đạo sư này đã giác ngộ. Ông cũng là người đã tìm ra nguồn nước giúp những người dân ở ngôi làng Jhamba thoát khỏi cảnh hạn hán sau hơn 20 năm. 

Một phụ nữ Bishnoi cho thú rừng bú chung với con của mình 

Tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở sa mạc, cộng với nguy cơ từ những cuộc chiến tranh do phân biệt tôn giáo và chủng tộc, vị đạo sư Jhambheshwar đã nung nấu việc xây dựng một xã hội hòa bình. Trong đó, con người không chỉ chung sống hòa thuận với nhau mà còn với muôn loài. 
Đạo sư đã thành lập một cộng đồng người, sống theo những quy tắc mà ông đặt ra để không làm tổn hại đến nhau và những loài muông thú, cây cỏ. Xã hội đó chính là tiền thân của bộ tộc người Bishnoi hiện nay và rất nhiều những điều luật do đạo sư đặt ra vẫn được bộ tộc này tuân thủ và thực hiện đến tận bây giờ. 
Cuộc sống của những người dân ở đây hết sức giản dị. Phụ nữ Bishnoi thường mặc bộ đồ sáng màu, đeo khuyên mũi và các loại trang sức. Còn đàn ông thường mặc những bộ quần áo màu trắng, màu sắc tượng trưng cho sự đơn giản và khiêm tốn. 
Người Bishnoi sống bằng nông nghiệp. Khi một cặp vợ chồng mới lấy nhau, họ phải tự tạo dựng cuộc sống của mình với hai bàn tay trắng trên mảnh đất cằn cỗi. Họ sẽ đào giếng để lấy nước trồng lương thực và các loại rau củ khác. 

Từ nhỏ các em bé đã được dạy không được làm đau 
và sát sinh động vật 

Một điều đặc biệt là người Bishnoi chỉ ăn những gì do họ tự trồng được và không bao giờ ăn thịt. Trong những điều luật của bộ tộc này, có một điều luật nghiêm cấm việc săn bắt và giết thịt các loài động vật, kể cả vật nuôi hay hoang dã. 
Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ đã dạy cách không được làm đau hay sát hại động vật. Người Bishnoi còn có truyền thống mang thức ăn và nước uống cho những con thú hoang. Họ sẵn sàng chia sẻ nguồn lương thực ít ỏi của mình với những loài động vật trên vùng đất sa mạc cằn cỗi. 
Những cái bát chứa nước và các loại ngũ cốc hay rau củ được đặt rải rác khắp các con đường trong làng và ven bìa rừng, để những con thú có thể tự do đến ăn.

Bộ tộc hết lòng bảo vệ thiên nhiên

Người Bishnoi cũng luôn ra tay cứu giúp những con vật bị thương. Họ đem những con vật này về và giao cho những thầy tu, người sẽ chịu trách nhiệm chữa lành cho những con vật, trước khi thả chúng về với tự nhiên. 
Những người phụ nữ Bishnoi cũng sẵn sàng nuôi dưỡng những con thú non bị bỏ rơi như hươu, nai hay linh dương. Họ cho những con thú này bú chung dòng sữa với con của mình. 
Bởi vậy, trong những ngôi làng của tộc người này, hình ảnh những con thú mải mê bú sữa của những người phụ nữ đã không còn xa lạ. Khi những con thú này lớn lên, chúng lại trở thành những người bạn thân thiết của những đứa trẻ. 

Người Bishnoi mang thức ăn và nước uống 
cho những loài động vật hoang dã

Ngoài trồng trọt, người Bishnoi còn chăn nuôi thêm một số loại gia súc như bò và dê để lấy sữa. Khi những con vật này già yếu, họ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chúng mà không hề giết thịt, cho đến khi chúng chết một cách tự nhiên. 
Ngoài việc đối xử tốt và không giết hại các loài động vật, người Bishnoi cũng có những quy định về cách đối xử với các loài thực vật. Họ không bao giờ chặt hay nhổ cây đang sống, cho dù để lấy gỗ làm vật liệu xây dựng hay củi đốt. 
Người Bishnoi chỉ chặt những cây đã chết hoặc cành cây khô để làm củi, phục vụ cho việc bếp núc. Nếu không kiếm đủ củi, họ sẽ thu lượm phân trâu bò, phơi khô để làm chất đốt, chứ tuyệt đối không chặt cây rừng. 
Năm 1847, khi quân đội của Đức vua đến khu rừng của những người Bishnoi để chặt cây, lấy gỗ xây cung điện, những người Bishnoi đã kiên quyết bảo vệ cánh rừng của mình. Họ không chống đối bằng bạo lực, mà chỉ kêu gọi quân lính hoàng gia hãy dừng việc chặt rừng. Cuối cùng, 363 người Bishnoi đã bị giết chết khi nỗ lực cứu cánh rừng. 
Đã hơn 500 năm nay, người Bishnoi vẫn duy trì cuộc sống thuần nông giản dị, thân thiện với muôn loài. Người Bishnoi cho biết, họ hài lòng với cuộc sống bao đời nay của dân tộc mình.
Trong khi ở nhiều nơi, những cánh rừng bị đốn hạ, một số loài động vật bị săn bắn đến tuyệt chủng, thì người Bishnoi đang chứng minh cho thế giới thấy con người hoàn toàn có thể chung sống hòa thuận với thiên nhiên. 
Theo Gia đình và Cuộc sống

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Câu chuyện về ốc sên

Thu đọc được câu chuyện này, thấy hay, chia sẻ cùng mọi người. Nếu bạn đọc câu chuyện và không chỉ nghĩ đó là câu chuyện về những con ốc sên hay đó chỉ là câu chuyện về tình yêu, bạn sẽ thu lượm được nhiều điều hơn đấy. Chắc chắn là thế. :)

BA CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU ỐC SÊN 

Trong cuộc sống cũng như trong tình yêu, đôi khi phải dừng lại để biết mình đã đi được bao xa; đôi khi phải trải qua đau khổ để biết mình đang hạnh phúc...