Trần Văn Lộc
Lớp DSNL 7
Tôi tập thiền từ cuối tháng 2 năm 2012. Nhìn lại quãng thời gian đó tôi có cảm giác rất ngắn ngủi và tự nhủ mình mới tập được vài tháng. Suy ngẫm về kết quả của việc tập thiền thì chắc chắn không thể nói được bằng lời hay viết trên trang giấy. Điều mà tôi tâm đắc nhất là tập thiền đang trở thành một sinh hoạt, một nếp sống không thể thiếu được thường nhật.
Những tháng đầu học thiền, tôi mong muốn rất nhiều và chờ đợi kết quả là sức khỏe được tăng tiến, bệnh tật được đẩy lùi và đến nay những mong muốn ấy đã thể hiện khá rõ rệt. Nhiều bệnh tật, trong đó có những bệnh mãn tính như rối loạn thần kinh thực vật, huyết áp thất thường, viêm họng hạt, viêm đại tràng, viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa… đều thuyên giảm đáng kể. Nhiều bè bạn lâu ngày không gặp đều nhận xét là thấy tôi nhanh nhẹn hơn, sức khỏe tốt hơn. Riêng cá nhân tôi thì sức khỏe được cải thiện là nhờ luyện tập thiền vì trước đó tôi đã từng tập một số loại hình khác như: yoga, đạp xe, đi bộ… nhưng đều không có hiệu quả. Ngoài kết quả đạt được về sức khỏe, nhờ tập thiền mà tâm tính cũng được thay đổi theo hướng tích cực. Tôi cũng thường nói với bè bạn và người thân là tập thiền không chỉ nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật mà điều quan trọng hơn cả là thay đổi tâm tính, hướng thiện, chan hòa, vị tha, chia sẻ, hòa đồng… để từng bước hướng theo “Chân – Thiện – Nhẫn”.
Để đạt được những kết quả và có thể tiếp tục phát huy những kết quả của luyện tập thiền đã nêu, tôi tự rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân mình đó là:
1. Có niềm tin và kiên trì luyện tập:
Thời gian đầu tập thiền tôi thường nghĩ thiền để xả stress và hoài nghi về sự đẩy lùi bệnh tật. Tuy nhiên qua những tấm gương người thực, việc thực của các cô, các bác đã luyện thiền trong CLB DSNL, trong đó có nhiều bác mắc bệnh nan y, hiểm nghèo đã qua khỏi, đến nay tôi hoàn toàn tin tưởng khả năng thần diệu của thiền. Đã có niềm tin, tôi tự xác định phải kiên trì luyện tập. Hằng ngày tập thiền. Quyết tâm luyện thiền. Dù ở nhà hay đi tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch đều duy trì tập thiền ít nhất một lần một ngày (khoảng 60 phút). Thực tế trong suốt thời gian qua tôi chưa bỏ tập ngày nào, thậm chí có ngày tôi tập từ 2 đến 3 lần. Thực hiện theo thầy dạy “có nhiều thời gian tập nhiều, ít thời gian tập ít” quyết tâm không bỏ luyện tập.
2. Có phương pháp luyện tập đúng:
Phương pháp luyện tập thiền đã được các thầy cô truyền dạy cần thực hiện đúng, nhiều khi tôi mường tượng ngồi luyện thiền để thu năng lượng vũ trụ giống như người đứng ngoài trời cầm cốc hứng mưa phùn: cầm ngược cốc không thu được nước, cầm nghiêng sẽ thu được ít, cầm thẳng sẽ thu được nhiều nước. Cầm thẳng cốc, miệng cốc hướng lên trên là đúng cách. Người luyện thiền cũng vậy, thiền đúng cách sẽ được nhiều năng lượng và thiền càng lâu thì năng lượng thu được càng nhiều hơn. Tuy nhiên tiêu chuẩn để xác định thiền đúng phương pháp và chưa đúng phương pháp là rất khó xác định. Đối với tôi, lấy cảm nhận về sức khỏe của mình để làm thước đo đánh giá. Nếu sau khi thiền thấy sức khỏe bình thường, thoải mái, sảng khoái, dễ chịu thì đó là đúng phương pháp. Ngược lại, sau khi thiền nếu thấy mệt mỏi, trong người khó chịu hơn là chưa đúng phương pháp. Phương pháp luyện tập thiền, tôi đã quán triệt từ lúc chuẩn bị ngồi thiền tới khi kết thúc xả thiền, nghĩa là thực hiện theo quy trình gồm các khâu:
- Chuẩn bị ngồi thiền
- Thở nội lực
- Vần luân xa
- Tọa thiền
- Xả thiền
Mỗi buổi thiền xong, nhất là những buổi thiền cảm thấy chưa đạt kết quả tốt, tôi đều tự đánh giá từng khâu để rút kinh nghiệm cho buổi tập sau.
3. Cố gắng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thu thập thông tin về luyện tập thiền:
Trong quá trình luyện tập thiền, có những vấn đề chưa thấy hiểu hoặc mới phát sinh, tôi đã tranh thủ hỏi thầy để được hướng dẫn và giải đáp. Tôi cũng đã trao đổi kinh nghiệm với các bác, anh, chị trong cùng lớp học để rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Ngoài ra tôi còn tìm thêm thông tin, tư liệu trên internet, sách, báo nhằm nâng cao nhận thức và phương pháp trong quá trình tu tập pháp môn thiền Thu Lửa Lam Muội của Đức Thầy Tổ Dasira Narada.
Nhân đây, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Thầy Chủ nhiệm, thầy Nghĩa, các thầy cô giáo trong CLB DSNL, các bác các anh chị trong lớp học và trong CLB đã chỉ dẫn, giúp đỡ tôi trong quá trình tập luyện. Tôi cũng xin được trân trọng cảm ơn gia đình anh Chiến, chị Hương đã tạo điều kiện cơ sở vật chất và dành thời gian cho các lớp thiền tập tại cơ sở Trần Duy Hưng, để mọi người, trong đó có tôi được luyện tập.
Tháng 10/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.