Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2014

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Thời khắc giao thừa đã qua. Kính chúc Thầy, Cô, toàn thể hội viên - học viên Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng, bạn đọc trang CLB cùng gia đình một năm mới bình an và hạnh phúc. Chúc CLB chúng ta có một năm mới với những trải nghiệm đáng nhớ qua những chuyến thiền dã ngoại và một lễ kỷ niệm mười năm thành lập CLB thật ấn tượng. Chúc toàn thể CLB chúng ta có một năm luyện thân, rèn tâm thật tốt để đẩy lui bệnh tật, nâng cao sức đề kháng, có một cuộc sống tràn ngập niềm vui và tiếng cười. 

CHÚC MỪNG NĂM MỚI HẠNH PHÚC!


Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Để có cuộc sống cân bằng

Ai cũng muốn có một cuộc sống khỏe mạnh cả về thể xác lẫn tâm hồn. Để giữ được thân tâm thường an lạc không đơn giản. Mời bạn đọc những lời khuyên của Đức Đạt-Lai-Đạt-Ma thứ 14. 
  
“BÍ KÍP” ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG CÂN BẰNG
VÀ THANH THOÁT

ĐỨC ĐẠT-LAI-LẠT-MA 14
 Ảnh: Internet
            Đăng-châu Gia-mục-thố (tiếng Tạng: Tenzin Gyatso, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935) là tên của Đạt-lai Lạt-ma thứ 14, là nhà lãnh đạo thế quyền và giáo quyền của nhân dân Tây Tạng. Ngài sống lưu vong tại Ấn Độ từ 1959 đến nay. Ngài được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989, đồng thời là người đại diện Phật giáo xuất sắc hiện nay trên thế giới.
         Đọc qua những chia sẻ về kinh nghiệm cuộc sống của ngài, chúng ta sẽ biết được những “bí kíp” để có sự cân bằng và thanh thoát luôn được thể hiện nơi nụ cười và lối sống của vị Đạt-lai Lạt-ma này.

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Tổng kết Quốc tế ngữ Hà nội 2013

Chị Lưu Mai Phương nhắc: "Thu ơi, chưa có bộ ảnh tổng kết Quốc tế ngữ trên Suối Hai đâu nhá." "Ơ, em tưởng chị Vân nhà em đăng rồi." "Chưa, chị ngày nào chả vào xem." Hôm nay dòm lại đúng là chưa có thật. Sozi cả nhà. Khổ quá, chả được đi, Thu ở nhà toàn xem ảnh ngó, đâm ra không nhớ đã đăng ảnh lên blog rồi hay chưa. Mà cũng tại nhà mình, đi về chả ai viết bài đưa tin cả. Hôm nay Thu đăng ảnh sửa sai vậy. Bác nào còn nhớ viết bài đưa tin thêm nhá. :)

Ngày 24/11/2013, tại Nhà nghỉ Công đoàn Suối Hai, Hội Quốc tế ngữ Hà nội tổ chức lế tổng kết hoạt động năm 2013 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2014. Để chào mừng lễ tổng kết, đội văn nghệ CLB DSNL mang tới một chương trình ca nhạc chào mừng đặc sắc gồm các tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca, ngâm thơ. 
Sau lễ tổng kết các đại biểu đã đi thăm khu K9 - Đá Chông.

Xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Bản tin CLB

Chiều 19/1 CLB DSNL tổ chức cuộc họp gồm BCN, trưởng tiểu ban, giáo viên phụ trách lớp, lớp trưởng các lớp để tổng kết các hoạt động của CLB và triển khai công việc sau Tết
Xin gạch đầu dòng một số nội dung để các hội viên - học viên nắm được:
1. Kế hoạch nghỉ Tết: từ 20/1 đến 15/2 (16 âm).  
2. Làm từ thiện: 20/1 đi thăm và phát quà tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 ở Ba Vì.
3. Thắp hương Thầy Tổ đầu năm: cả ngày mùng 3 tết
4. Du xuân: ngày 11 tết chùa Vĩnh Nghiêm (Chùa La), Bắc Giang. Các hội viên - học viên đã đăng ký, nộp tiền theo lớp tập trung lúc 6h15 trước cửa bể bơi Thái Hà. Tự túc bữa trưa.
5. Bổ sung BCN: Chị Trần Thị Hồng, phụ trách dã ngoại, và chị Võ Thị Hương, giáo viên lớp DSNL12. 
6. Lệ phí năm 2014: 300.000đ/người.
7. Sát nhập lớp - mở lớp mới: Lớp SCN và CT7 BXT sát nhập thành 1 học vào SCN. Đầu tháng 3, mở thêm 2 lớp mới, 1 ở BXT học CT7, 1 ở TDH học SCN.
8. Mừng thọ hội viên - học viên: Vào buổi học đầu tiên sau Tết. Đề nghị Ban cán sự các lớp thống kê số hội viên - học viên từ 80 tuổi trở lên đang sinh hoạt thường xuyên, chuyển danh sách về BCN.  
9. Tập huấn và điều chuyển giáo viên ở các lớp.
10. Dã ngoại: xáo trộn các lớp ở các địa điểm học để làm quen. Người chưa đi đợt này có thể đăng ký đợt sau nếu còn chỗ.
11. Triển khai công tác chuẩn bị kỷ niệm 10 năm: Ra Tết các lớp chuẩn bị tập luyện văn nghệ. Các lớp chủ động đăng ký 1-2 tiết mục với chị Nguyễn Hoàng Vân. Đội văn nghệ chuẩn bị một số tiết mục tốp ca nam, nữ, song ca, đơn ca. Để chuẩn bị ra kỷ yếu, tập thơ khổ nhỏ, video clip, đề nghị các lớp phân công viết bài, mỗi lớp 5 bài, các tiểu ban viết tổng kết hạn cuối tháng 6. Đầu tháng 7 thành lập Ban tổ chức kỷ niệm.

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Đi thăm TT Bảo trợ Xã hội 4

Ngày 13/1/2014 đoàn CLB DSNL đi thăm và tặng quà trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa và người vô gia cư ở Trung Tâm Bảo trợ Xã hội 4 thuộc Bộ Lao động - Thương Binh - Xã hội. Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại trong chuyến đi.
Xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Thơ mừng sinh nhật lớp

Võ Thị Hương
Nhân buổi liên hoan mừng sinh nhật các bác học viên trong lớp. Hương xin được góp vui với các bác lớp mình một bài thơ có đầy đủ tên của cả lớp. Vì lớp khai giảng vào mùa thu nên xin được lấy mùa thu để mở đầu.

Tặng LỚP DSNL 12

        Tháng tám tiết trời đã sang thu
       Nắng ngả vàng hanh gió chuyển mùa
       Khoe sắc đua hương LAN, QUỲNH, CÚC
       Rực rỡ muôn MÀU bức tranh thu.

                                               Tranh thu ai khéo vẽ nên thơ
                                       Hoa sữa nồng nàn ngát hương đưa
                                       Phạm Ngọc THẠCH đường, Kim LIÊN phố
                                       Hoa nắng rơi đầy buổi ban trưa.

       Cảnh đẹp cho ai mải suy tư
       Nhớ cánh đồng quê, nhớ ngày mùa.
       Nhớ con đường làng xưa YÊN ả 
       Ai từng ngóng mẹ tuổi ấu thơ.

                                       Nhớ đến Bắc giang nhớ HIỆP HÒA
                                       Nhớ chợ Dĩnh Kế, nhớ bánh đa
                                       Nhớ về hội Lim, làng quan họ
                                       Áo THE khăn xếp, điệu dân ca.

       Nhớ sáo diều ai khẽ NGÂN NGA
       Cho lòng xao XUYẾN tận bao la
       OANH, NHẠN, phượng LOAN nghe rộn rã
       Âm THANH trầm bổng ngỡ hòa ca.

                                       Nhớ tới Yên MỸ đất trồng hoa
                                       Có thờ Chiêu Thánh vị vua bà
                                       Nhớ chăng An Khánh huyện HOÀI ĐỨC
                                       THÀNH đất nội đô mấy năm qua.

       Lại nhớ Đường LÂM đất hai vua
       Địa LINH nhân kiệt chẳng nghi ngờ
       Phùng Hưng, Ngô Quyền, hai vị tướng
       Xưng VƯƠNG giữ nước thuở xa xưa.

                                       Mải mê suy tưởng với mộng mơ
                                       Giật mình chợt nhớ đã đến giờ
                                       Chị SƠN, cô TIẾN thầm hỏi THỦY
                                       Rũ sạch bụi trần đã tập chưa?

       Bác MẬU bảo UYÊN bố xin thua
       Bịt tai nhắm mắt suốt nửa giờ
       ANH HĨNH lắc đầu sao mỏi thế
       Hèn gì nửa lớp cũng đành thua.

                                       Cô THÌN cô SỬU thiền say sưa
                                       Chú CƯỜNG anh THỊNH, lặng như tờ
                                       Hỏi anh QUANG THỌ ơi nghệ sĩ
                                       HOÀN TOÀN vô THỨC hay đang mơ.

       Ấm áp lời Thầy dạy chúng ta
       Lợi danh, NHUNG lụa với NGỌC NGÀ
       Bổng LỘC, TIỀN tài, thôi buông bỏ
       Hãy Thiền vì sức khỏe của ta.
Tháng 1/2014

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

HẠNH PHÚC

Đàm Kim Cúc
Lớp DSNL 12
 Một buổi dã ngoại thiền tại Suối Hai
                                          Từ ngày tới lớp THIỀN
                               Về toàn được chồng khen
                               Dịu dàng và tốt tính
                               Chồng mắng vẫn cười hiền.

                               Hết âu lo muộn phiền
                               Tâm hồn bay phơi phới
                               Ngân câu chờ câu đợi…
                               Con tròn mắt nhìn nhau

                               Bạn bè xa cách lâu
                               Gặp nhau: Ơ xinh thế
                               Làn da tựa em bé
                               Tóc đen như gỗ mun.

                               Mỉm cười đứng trước gương
                               Ừ, cũng gì ra phết!
                               Lòng chợt vui như Tết
                               Hát vang khúc tình ca.

                               Cháu nội đứng giữa nhà
                               Bắt quả tang bà nhé!
                               Con trai cười khe khẽ
                               Mẹ cho vợ con theo.

                               Hạnh Phúc có bấy nhiêu
                               Mà sao thân thương thế
                               Tìm chi tận trời bể
                               Hạnh phúc thật giản đơn.
Tháng 1/2014

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

THÔNG BÁO

Ban Chủ nhiệm CLB thông báo họp trước khi nghỉ Tết. Cụ thể như sau:
Thời gian: 14h ngày Chủ nhật (19/1/2014).  
Địa điểm: số 4, ngõ 100 phố Trần Duy Hưng 
Thành phần: Ban Chủ nhiệm, các trưởng Tiểu ban, giáo viên phụ trách lớp, lớp trưởng các lớp. (Bao gồm cả các lớp DSNL + Esperanto)
Nội dung: Triển khai một số công việc chính trong dịp Tết và hoạt động CLB năm 2014.
Đề nghị các bác, các anh, các chị thu xếp đến họp đầy đủ, đúng giờ. 
Ban Chủ nhiệm CLB DSNL

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

BUỔI HỌC ĐẦU TIÊN NĂM 2014

Phạm Diệp Lục
Lớp DSNL 9
         Lớp “mẫu giáo nhỡ” 9 chúng tôi tổng kết năm và tổ chức sinh nhật quý I cho 5 “em bé”. "Bé" lớn mới có 67 tuổi và "bé" nhỏ nhất đã 22.
         Cả lớp háo hức chờ đón sự kiện đầu tiên của năm học mới. Nhớ ngày khai giảng được Đức Thầy Tổ dẫn dắt tới "trường" ai nấy còn bỡ ngỡ, rồi được Thầy chủ nhiệm hướng dẫn, động viên, khích lệ và khi nghe nhac thiền “Thu Lửa Tam Muội” du dương, mọi người còn chưa biết cả biết cách thở, cách thu năng lượng… Vậy mà hôm nay, sau 1 năm rèn luyện tu thiền, nhìn nét mặt mọi người, ai nấy đều rạng rỡ hơn, trẻ trung hơn và điều quan trọng nhất là sức khỏe thì thật kì diệu như có phép màu. Mọi người đều công nhận các bệnh về thời tiết chuyển mùa hình như trốn hết. Các bệnh mãn tính dần dần ổn định hơn ít ốm đâu lặt vặt. Kết quả thật mỹ mãn là mọi người ai cũng mong chờ đến ngày đi học để được gặp mặt nhau xum vầy hoan hỷ. Chưa có ở đâu như gia đình “Lửa Tam Muội”, mọi người luôn yêu thương chia sẻ, gắn kết, cảm thông.
         Hôm nay chúng tôi thiền bài Thu Lửa Tam Muội. Khi nhạc thiền vừa kết thúc, chúng tôi hăm hở bầy biện tiệc chúc mừng sinh nhật: 1 bình hồng thơm thoang thoảng cả căn phòng. Nào bánh kẹo, trái cây, chè xanh, nước vối, ai nấy đều cười vui, chia sẻ…
         Chợt nghe sâu lắng giọng nam trầm… “Cành phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18… Mối tình đầu của tôi …” thật lãng mạn đưa ta về dĩ vãng. Các bác có biết là ai không? Bác Quang lớp tôi đấy. Ngày đầu bác không lên nổi lớp vì bị bệnh (Parkinson run chân tay) hành hạ. Bác ít nói và trầm cảm. Vậy mà mới 1 năm thôi, buổi sinh nhật nào bác ấy cũng xung phong hát và hát rất hay. Chúng tôi hòa vào giọng hát cùng bác chia sẻ niềm vui sống lại mối tình đầu tuổi 18 của mình. Mọi người như trẻ lại. Người hạnh phúc nhất là “Nhũ mẫu của Bác Quang": bác Xuân.
         Chương trình ca nhạc tự phát của các ca sĩ không chuyên “ống bơ rỉ” vẫn tiếp tục cho đến hơn 11h từ “Rút sợi thương chăm mái lợp, rút sợi nhớ đan vòm xanh…” đến “Đất vắng cây đất ngừng hô hấp. Cây thiếu đất cây sống một mình… Trời xe duyên… đúng là trờ xe duyên thật” Mọi người lại cười nghiêng ngả. Rồi những bản tình ca “Tuổi tin” của ca sỹ Thu Hiền. Tôi tưởng mình đang mơ cố định thầm lại: ồ, những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt từng người nhưng sao tiếng cười giòn tan thế. Nhìn nét mặt ai cũng rạng ngời như còn trẻ. Mọi lo toan phiền muộn biến đi rồi. Giá con cháu ta chứng kiến cảnh này chắc chúng không tin đấng sinh thành của mình lại có những giây phút hồn nhiên vô tư đến thế.

Ảnh chụp trong đợt dã ngoại Suối Hai tháng 5/2013 
         Cảm ơn người Đức Thầy Tổ Dasỉa Narada, Thầy đã để lại cho hậu thế chúng con một môn phái thiền vô giá. Cảm ơn các thầy cô đã ân cần hướng dẫn sát cánh cùng chúng tôi đẩy lùi bệnh tật có được sức khỏe và niềm vui, niềm hạnh phúc như hôm nay.
         Cuộc vui nào rồi cũng kết thúc đã hơn 11h rồi, mọi người ai nấy bịn rịn chân tay trở lại với nhiệm vụ cao cả mà chồng con giao phó.
         Bai Bai nhé. Hẹn gặp lại.
8/1/2014

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Album Dã ngoại 1 ngày tại chùa Viên Đình

 Ba ta đi chùa. :)
Album từ máy của chị Hoàng Vân. Xem tất cả ảnh TẠI ĐÂY

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

TIN CLB

1. Ngày 8/1/2014, nhân dịp ra Hà nội, nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã có nhã ý ghé qua thăm CLB. Do không thuê được hội trường, Ban Chủ nhiệm mời bác ghé qua địa điểm thiền bên TDH. Cuộc trao đổi diễn ra trong vòng 2 tiếng với nhiều điều bổ ích. Sau Tết, nếu có điều kiện CLB sẽ lại mời bác đến giao lưu ở nơi rộng hơn để tất cả các hội viên - học viên có dịp gặp gỡ. Đây là lần thứ 2 bác ghé thăm CLB. Lần thứ nhất cách đây 4 năm (9/1/2011). Những chia sẻ về trải nghiệm tâm linh của bác phần nào giúp chúng ta, những người tu thiền, trong bước đường tu tâm, rèn tính. (Xem bộ ảnh TẠI ĐÂY)



2.  Chủ nhật (12/1), 2 lớp DSNL4 & DSNL5 phối hợp cùng tổ chức buổi dã ngoại tại chùa Viên Đình, ngôi chùa có nhiều xá lợi nhất ở Việt nam. sau khi được sư trụ trì tiếp đón và giới thiệu về ngôi chùa, các pho tượng Phật, đoàn được mời dự bữa cỗ chay tại chùa. Đoàn dành thời gian tọa thiền tại chùa. Buổi dã ngoại đạt kết quả tốt. (Một vài hình ảnh ở cuối bài.)

3. Sáng nay (13/1), trong tiết trời trở lạnh, mưa bụi khá mau, đại diện CLB gồm: cô Huệ, anh Nghĩa, chị Hồng, chị Phương, chị Bình, anh Tiến, Thu, Hương và Thủy, đại diện cho toàn thể hội viên - học viên CLB đã đến thăm và tặng quà cho trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, người già, khuyết tật, vô gia cư đang được chăm sóc ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 thuộc Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội tại xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà nội. 
Những túi quà nho nhỏ gồm chiếc khăn len với 2 đôi bít tất được trao cho người lớn, các cháu đang độ tuổi đi học - 5 quyển vở và bánh kẹo. Một khoản 20 triệu dành giúp cháu Châu ung thư di căn giai đoạn cuối. 
Cảm nhận được sự vất vả của 74 cán bộ, công nhân viên, ngày đêm chăm sóc 349 trẻ em, người già, người khuyết tật vô gia cư. Khuôn viên sạch sẽ, những căn phòng ngăn nắp, có chăn, có đệm, những phòng có người bị bệnh nặng có quạt sưởi. 
Số tiền 800k/người/tháng chắc hẳn chưa thể đủ nhưng có lẽ thứ họ, những người kém một chút may mắn, thiếu nhiều hơn là hơi ấm. Những bàn tay run rảy chắp lại, miệng lập bập tiếng cảm ơn nghe ngọng nghịu, những bàn tay nắm nắm không muốn rời. Họ cần lắm hơi ấm. Hơi ấm của sự sẻ chia.

*********
Một số hình ảnh của chuyến đi chùa Viên Đình do chị Nguyễn Hoàng Vân chia sẻ.

Đường vào Chánh điện
Trong Chánh điện
Thầy Thích Chơn Phương đang thuyết giảng về xá lợi 
và bức tượng đồng đen hiếm có.
Xá lợi
Xá lợi
Chụp ảnh toàn đoàn với sư trụ trì Thích Chơn Phương 
Mâm cỗ chay thật là ngon, đẹp. Mâm mình xơi sạch sành sanh, không để thừa lại một tí gì cả. Mâm cơm chay gồm: Thịt gà quay, tôm bao bột, sườn chua ngọt, nộm, giò, xào thập cẩm tôm tươi, canh nấm chua, canh khoai sọ và cơm.

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Mảnh đời

Xin giới thiệu 2 bài viết của nhà văn Phạm Ngọc Tiến về một trong những mảnh đời ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 4. 

CON TRAI TÊN LÀ CHÂU
Phạm Ngọc Tiến 
Đêm qua đang nhậu thì nhận được cú điện thoại của Bằng, giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội số 4 của Hà Nội báo một tin thật buồn.
- Anh Tiến ơi thằng Châu hỏng rồi.
- Sao, nó hư à vừa mới đi làm mà.
- Vâng nó đi làm được 4 tháng không hư anh ơi mà nó sắp chết rồi...
- Sao thế?
- Nó đau ruột thừa lúc mổ thì bác sĩ phát hiện gan và nội tạng của nó đã ung thư ở giai đoạn cuối.
Im lặng.
- Nó đang nằm ở viện nhưng chịu rồi anh ạ. Có lẽ Trung tâm đưa nó về chết ở trên đó thôi. Rồi chôn tại Trung tâm.
- Có cần gì anh không Bằng ơi. 
- Không. Em chỉ báo anh biết thôi. Để sau này anh và chị Thùy Linh đừng trách bọn em không báo.
Im lặng.
Hơn chục năm trước mình và Châu gặp gỡ nhau ở trong Trung tâm. Nó là một đứa trẻ lanh lợi sống lang thang ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Không biết quê. Không biết cha mẹ là ai. Nghề chính là ăn xin và đổi đô la Mỹ. Giá đô la Mỹ lúc đó 1 USD ăn 6500 VNĐ. Vào Trung tâm bảo trợ lúc chỉ chừng 5 tuổi nó luôn tâm niệm giá đô la như thế. Vài năm sau hỏi, nó vẫn bảo giá 6500 đồng 1 đô Mỹ. Mọi người thấy mặt nó giống mình nên bảo là con anh Tiến đấy. Mình cũng quý nó lần nào đến cũng gặp nó tình cảm có chút riêng tư. Rồi phải đến vài năm liền cứ thấy mình nó trốn thì ra lãnh đạo trung tâm trêu bố Tiến nhà văn của mày đến đón về nhà đấy. Nó không biết nhà riêng là thế nào nên sợ phải xa ngôi nhà Trung tâm. Thời gian trôi từ đứa trẻ năm nào nó đã trưởng thành đủ 18 tuổi. Tuổi ấy hết tiêu chuẩn được nuôi dưỡng nên nó phải ra xã hội sống. Chả ai thân thích lại là cán bộ Trung tâm lo công việc làm cho nó và những lúc nghỉ nó lại về mái ấm Trung tâm nơi nuôi dạy nó hơn chục năm trường.
Vừa mới được 4 tháng đi làm. Tương lai chỉ vừa hé mở đã vội khép lại với con Châu ơi. Cao xanh có hay không sao người nghiệt ngã đến vậy. Nhủ thầm đi thăm con nhưng lại sợ. Có ích gì không sự gặp gỡ muộn mằn này. Giờ thì con không cần phải trốn tránh ta nữa. Một thế giới khác đang đợi con.
Nó đây, vừa Tết năm kia. Châu...............
31/12/2013
********* 
CHIA LY
Phạm Ngọc Tiến
Sáng nay vào thăm cu Châu. Chưa bao giờ cảm giác chia ly rõ ràng hiện hữu đến với mình như thế. Nhìn những bệnh nhân teo tóp vì bệnh vì xạ mình thấy hoảng sợ. Mình không sợ chết nhưng nhìn họ mình phải ngoảnh mặt không dám đối diện. Mình sợ nhìn ra thần chết trong họ. Với căn bệnh vô phương cứu chữa họ đang như cố níu kéo chút vớt vát hy vọng sự sống. Mình vào viện tìm mãi mới ra phòng Châu điều trị. Nó đang chuẩn bị được nhân viên điều dưỡng cắm truyền. Cu gầy đi nhiều nhưng có vẻ như nó không hề biết căn bệnh của mình. Đã 6 ngày từ hôm mổ nó vẫn phải nhịn ăn theo chỉ định của bác sĩ. Hẳn ổ bụng của nó đang có nhiều vấn đề. Nó nói chuyện bình thường. Khi nhận chút quà nhỏ mình thoáng thấy nó lấy tay chấm nước mắt. Châu kể đi làm bảo vệ ở nhà hàng lương chỉ có 2 triệu. Mình động viên vớt vát nếu ra viện vẫn yếu thì cứ về trung tâm mà nghỉ ngơi ăn Tết. Châu lắc đầu nói còn phải đi làm.
Ngoài hành lang một nhân viên biên chế và một người trung tuổi trong diện quân số được hưởng chế độ bảo trợ của Trung tâm được cử trực thường xuyên để coi sóc bệnh nhân (các nhân viên thay nhau từng ngày đêm một còn người kia thì thường trực). Lúc đó có hai cháu đã đủ tuổi rời Trung tâm đi làm như Châu nhân chủ nhật cũng đến thăm bạn. Vậy là với những gì mục kích mình thấy Châu không bị bỏ rơi dù theo chế độ chính sách thì Trung tâm bảo trợ xã hội 4 không còn nghĩa vụ với Châu. Thật may là họ còn tình người bởi một thân một mình không gia đình như Châu nếu không có mái ấm Trung tâm thì còn biết nương vào đâu nữa. Có thể không lâu nữa cuộc chia ly của Châu với cuộc đời này sẽ diễn ra nhưng những ngày cuối cùng mình tin Châu sẽ không đơn độc.
 5/1/2014

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Tết với người cơ nhỡ

         Tết với mỗi nhà là dịp các thành viên trong gia đình xum họp, quây quần bên mâm cỗ, cùng nhau đón giao thừa, là dịp trẻ nhỏ diện quần áo mới, nhận phong bao lì xì, là dịp cả gia đình cùng đi lễ chùa, đi thăm chúc tết ông bà, bố mẹ, họ hàng, bạn bè, hàng xóm. Đối với những người không có gia đình thì sao?
         Được sự đồng ý của tác giả, Thu xin chia sẻ 2 bài viết của nhà văn Thùy Linh và nhà văn Phạm Ngọc Tiến. Đã hơn 10 năm nay, anh, chị và các bạn cùng tổ chức bữa cơm tất niên cho các cháu mồ côi, bị bỏ rơi, lang thang, cơ nhỡ tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 thuộc bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
*****
NƠI KHÔNG CÓ TẾT
Thùy Linh
         Bữa cơm tất niên ở Trung tâm bảo trợ XH 4 (Ba Vì) có đủ các món cho bữa cỗ. Tụi trẻ ăn rào rào. Ăn không kịp thở. Nhưng có mấy cô bé vẫn ý tứ lắm.
         Năm nay chỉ có 2 đứa trẻ dưới 1 tuổi. Người ta đem bỏ trước cổng Trung tâm khi còn cả cuống rốn. Các mẹ đặt tên là Diệu Châu và Thành Công. Ngoan lắm. Tự cầm bình tu một hơi hết bình sữa. Chả khóc lóc, kêu gào. Chắc biết thân biết phận nên tự chăm sóc từ bé xíu...

         Còn bên người lớn thuộc diện cơ nhỡ thì thảm lắm: người tâm thần, tàn tật, dở dở ương ương...Cũng hơn 300 cả già lẫn trẻ, lẫn nhỡ nhỡ. Thành một ngôi nhà lớn. Dù có cây đào ở kê ở sân, dù có cỗ thịt, bánh chưng tết. Nhưng vẫn không có nổi cái Tết vì thiếu hơi ấm thân tình, sum họp...Cám cảnh lắm.
         Năm nào cô bạn nhỏ tên Nguyệt (bị liệt hai chân) cũng viết sẵn cho mình một lá thư từ trong năm để chờ tết gặp là trao. Năm nay em đưa cho mình hẳn mấy quyển vở ghi nhật kí. Vừa đọc vừa luận vì sai chính tả và không biết cách diễn đạt. Vẫn ngóng cuộc sống ngoài kia lắm. Biết làm sao bây giờ?
         Còn một bé dở dở ương ương năm nào lên cũng túm lấy tay mình, bắt xin việc để đi làm, mắt hoe hoe đỏ. Thương cháu mà biết nói sao? Tất cả đều chào râm ran, vui vẻ khi thấy khách đến thăm. Vì quen mặt rồi mà. Hơn 10 năm lên đây. Cuộc sống của họ vẫn vậy, không chút thay đổi. Nhiều người già đi, bệnh tật yếu hơn...
         Một góc nhỏ lặng lẽ dành cho những kiếp gọi là người và đang gắng tồn tại cho hết kiếp người...Cầu mong kiếp sau họ sẽ chuyển được nghiệp...
7/2/2013

 *****
CỖ TẤT NIÊN CỦA TRẺ MỒ CÔI VÀ CƠ NHỠ
Phạm Ngọc Tiến

 Nhà văn Phạm Ngọc Tiến (đứng, áo màu ghi) 
         Trong hình là bữa cỗ Tết sớm của đám trẻ mồ côi và cơ nhỡ ở Trung tâm bảo trợ xã hội số 4 (Ba Vì, Hà Nội) năm Nhâm Thìn. Đã lại một năm trôi qua.
         Hơn chục năm nay nhóm bạn của nhà văn Thùy Linh và mình năm nào cũng đến địa điểm này mổ lợn, tổ chức cỗ Tết sớm cho đám trẻ. 
         Ngoài quà Tết cho trẻ, suất cỗ như nhau. Đám văn nhân và bạn bè cùng cán bộ nhân viên của Trung tâm chỉ hơn bọn trẻ món tiết canh và...rượu. Bữa nào mình cũng say lướt khướt. Năm nay dự định tổ chức vào ngày 26 âm tức 27 Tết. Thật là mừng, một bạn viết của mình là bạn X, doanh nhân định cư ở Ba Lan biết tin ủng hộ 500 USD. Sẽ có 104 túi quà mỗi túi trị giá 100 ngàn cho các con. Cảm ơn tấm lòng của bạn X rất nhiều. Ai muốn đối tửu và nhậu tiết canh cùng mình hãy can đảm lên đường.
31/1/2013
*******

Về Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 4


Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Liên hoan sinh nhật quý I

Sáng CN (5/1) vừa qua, lớp DSNL12 đã tổ chức sinh nhật cho các học viên sinh trong quý I. Sau buổi luyện thiền, các học viên có buổi liên hoan vui vẻ gồm hoa, quả, bánh, chút rượu vang, những bài thơ và những bài hát.
Thay mặt BCN, anh Trần Văn Nghĩa tới dự và có đôi lời chia sẻ cùng cả lớp. Bên cạnh các buổi mừng sinh nhật lớp, đây là hoạt động có ý nghĩa giúp các hội viên - học viên gắn kết được các lớp bên TDH duy trì.
Dưới đây là vài hình ảnh do anh Nghĩa ghi lại.
Xem bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Kỷ niệm Bách Môn

Trần Ngọc Tuyết
Lớp Chùa Bụt Mọc
 Chuyến dã ngoại của CLB ngày 30/11/2013 tại chùa Bách Môn
         Thế rồi tôi cũng đã sắp xếp thành công một chuyến đi luyện thiền xa cùng cả lớp. Gọi là xa vì nơi đây không thuộc địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên thời gian ngồi trên xe cũng chỉ hơn một giờ đồng hồ là đến thôi…
         Không gian ở “Bách Môn” chẳng có gì đặc biệt ngoài cái tên gọi gắn liền với sự tích đây là một ngôi chùa có 100 cửa ra vào, kiến trúc và cách bố trí cũng giống như các ngôi chùa bình thường khác ở các vùng quê miền bắc…không khí trong lành đúng với khí hậu của miền trung du những ngày đông giá lạnh. Điều khác biệt mà tôi cảm nhận được đó là sự “tạm buông bỏ” mọi thứ “ràng buộc” mà đã lâu... lâu lắm rồi tôi chưa được có. 
         Sự thật thì trong đĩa giảng Pháp của Thầy Chủ Nhiệm cũng đã nhắc tới việc “Được & Mất”. .. Hôm nay tôi đã thực hiện một bài toán “phương pháp tối ưu” cho chính mình, để “Được” mà không “Mất” (điều này nghe có vẻ không đúng với lời dạy của Thầy?..). Tạm xa lánh đời thường tôi trở về tìm lại sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Không lo, không nghĩ, cứ thuận theo mọi việc diễn ra tự nhiên và thiền...luyện. Nhưng cuộc sống hiện đại cùng với thói quen hàng ngày đã không cho tôi một ngày thực sự “bình an” theo đúng nghĩa của nó. Mọi “ràng buộc” vẫn được kết nối và giải quyết thông qua chiếc điện thoại di động mà tôi đã mang theo...Mặc dù vậy tôi vẫn được nhiều điều thật ý nghĩa.
         Lớp chúng rôi không quá đông cũng không quá ít. Số lượng người còn lại để tới dự buổi tổng kết cuối năm hôm nay đủ nói lên sự đồng cảm về quyết tâm tu luyện theo môn phái này. Hình như ai cũng rất vui và có kết quả tốt sau một thời gian học và luyện. Đến dự với lớp còn có Thầy Chủ nhiệm cùng Phu nhân và Ban Chủ Nhiệm CLB. Không khí đầm ấm, thân thiện, không rào cản giữa chốn linh thiêng của một ngày đông đẹp trời nơi vùng miền bán sơn cước. 
         Lần đầu tiên tôi cảm nhận được năng lượng đi vào cơ thể một cách rõ ràng nhất. Phải chăng nơi đây có nguồn năng lượng cao? Hay nơi đây thanh tịnh và cách biệt trên một quả đồi? Mà cũng có thể là do tôi đã tạm bỏ được những “ràng buộc” để chuyên tâm vào việc tu luyện... Mấu chốt của vấn đề đã được Thầy Chủ Nhiệm nêu rõ: “Chúng ta phải luyện tập không ngừng và không ngừng buông bỏ”… Nói một cách khác thì đây là hành trình cam go đi đến bến “Chân – Thiện – Nhẫn”. 
         Một cảm giác mệt mỏi thoáng qua nhưng tôi không dám chia sẻ khi nghĩ đến những ràng buộc và trách nhiệm của cuộc sống đang hiện hữu trong tôi. Bất giác tôi nhớ tới một câu thơ mà tôi đã đọc: “Tôi hạnh phúc hay là tôi đau khổ. Có nỗi niềm nào riêng biệt với nhau đâu? Đúng vậy, không riêng tôi mà tất cả chúng ta ai cũng phải đối mặt với những cặp phạm trù đối lập mà thống nhất theo qui luật của tạo hóa: Được – Mất, Nhân – Quả, Hạnh phúc – Khổ đau, ....Ai đó đã nói rằng cuộc đời chính là việc tham gia thi “vượt chướng ngại vật”... Ừ, nếu mọi sự đều thuận lợi và bình an thì cuộc sống còn gì là thi vị ... và chắc gì “ta đã nhận ra ta”?
         Cả lớp quay về Hà nội vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày. Ngay khi bước ra khỏi cổng Chùa Bách Môn, tôi đã thấy không còn tĩnh lặng nữa. Cuộc sống sôi động càng rõ nét khi xe tiến dần vào thành phố. Người và xe tấp nập, ồn ào náo nhiệt, các cửa hiệu lung linh ánh đèn mê hoặc… Tôi hòa mình với dòng đời xuôi ngược, những suy nghĩ bộn bề lại xuất hiện và thấp thoáng bóng dáng của những người thân yêu đang đồng hành cùng tôi trên chuyến xe cuộc đời. 
Bách Môn, ngày 21 tháng 12 năm 2013