Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Câu chuyện cuộc sống

Thỉnh thoảng Thu đọc được những câu chuyện đầy tính nhân văn qua trang của các bạn, hoặc bạn của bạn. Đó là những câu chuyện kể về cuộc sống với cách viết dung dị. Câu văn có thể chưa được trau chuốt, đôi khi mắc lỗi chính tả, trình bày chưa đúng văn phạm, người viết chỉ đơn giản muốn trải lòng những chuyện có thực trong đời. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ. Thu đã xin phép tác giả và mạn phép biên tập các lỗi chính tả và trình bày. 

CẬU BÉ ĐÁNH GIÀY
 Ảnh: Internet
River Nguyễn
Cách đây đã lâu, hồi ấy tôi mới ra trường, cuộc sống còn nhiều vất vả. Chiều 28 tết, trời rét căm căm (năm ấy tháng chạp chỉ có 29 ngày), đi chợ về gần tới nhà, tôi gặp một cậu bé đánh giày khoảng tám, chín tuổi, tay dắt theo một em bé cỡ 4,5 tuổi.

- Cô ơi, nhà cô có đánh giày không ạ!
Tuy không có nhu cầu nhưng nhìn khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt đen, sáng đượm buồn vẻ cầu khẩn, nhìn trang phục mỏng manh sơ sài của hai đứa bé trong tiết trời đông giá, tôi không nỡ.
- Nhà cô không nhiều giày đâu lại ở tận tầng tư, nếu cháu không ngại cao thì giúp cô.
Tôi lôi hết cả giày, dép da, kể cả đôi giày nhỏ xíu của thằng cháu hai tuổi được 5, 6 đôi.
- Cháu ngồi đây mà làm cho đỡ gió.
Mặc tôi ngăn, cậu bé nhanh nhẹn ôm hết đống giày dép ra chiếu nghỉ cầu thang.
- Cháu ngồi ngoài này cho rộng, đỡ vướng cô đi lại ạ.
Nhìn cậu vừa làm vẻ rất thành thạo vừa nói chuyện, dỗ dành cậu em, tôi ái ngại ngồi xuống hỏi chuyện.
- Nhà cháu ở đâu?
- Nhà cháu xa lắm cô ạ!
- Xa là ở đâu?
- Cháu cũng không biết đâu cô ạ! Xa phải đi tàu rồi lại đi ô tô, đi qua đò rồi đi bộ rất mỏi chân mới đến nhà.
- Thế năm nay cháu có về quê ăn tết không?
- Cháu cũng không biết. Mẹ cháu đang mệt, không biết mẹ có cho về không. Mẹ con cháu lên Hà Nội tìm bố gần một năm rồi mà không thấy.
- Thế ngày nào cháu cũng dắt em đi theo à?
- Trước thì em cháu đi với mẹ đến chỗ rửa bát thuê, dạo này mẹ cháu ốm nên cháu mới dắt nó theo. Nó bé nên không đi được nhiều cô ạ.
Thấy ánh mắt cậu thoáng buồn, tôi đổi chủ đề.
- Thế từ sáng đến giờ hai anh em đã ăn gì chưa?
- Anh em cháu ăn rồi, hôm nào mẹ cháu cũng chuẩn bị cho hai cái bánh mì.
Nghe cay cay nơi sống mũi, tôi đứng lên, dắt cậu em vào nhà.
- Vào nhà ngồi cho ấm, cháu. 
Cậu em nhìn anh.
- Em vào với cô đi nhưng không được đi lung tung và không nghịch đồ nhé.
Vào nhà tôi dỗ cậu bé ăn cơm nhưng thấy đôi mắt nó hau háu nhìn đĩa bánh chưng rán nên tôi lấy cho nó một góc, Nó ngần ngừ, liếc anh một cái rồi ăn ngon lành, chắc lâu rồi đó là thứ quà xa xỉ với nó. Tôi trở ra ngoài nói với cậu bé.
- Cháu ăn chút gì rồi làm tiếp nhé?
- Cháu ăn no rồi mà cô.
Tôi biết là không thể nài nên quay vào. Nhìn hai đứa trẻ tôi thoáng chạnh lòng nhớ tuổi thơ cũng rất chật vật của mình. Tôi mồ côi cha từ khi lọt lòng mẹ, một mình mẹ bươn chải nuôi hai chị em ăn học mà không có bất cứ một sự giúp đỡ nào vì quê ngoại thì quá xa, quê nội còn ở bên kia chiến tuyến. Thời hậu chiến cả đất nước đều nghèo nên cũng chẳng ai giúp được ai. Tôi cũng từng đón những cái tết khi nhà nhà quanh xóm tất bật cơm nước, thịt gà, luộc bánh… còn nhà tôi bếp vẫn lạnh tanh khiến ngôi nhà vốn neo người càng thêm trống vắng…
- Cô ơi, cô xem đã ưng chưa ạ?
Tôi sực tỉnh, gạt vội giọt nước lăn dài trên má từ lúc nào không biết.
- Cháu xong rồi à? Hết bao nhiêu tiền, cháu?
- Hai nghìn một đôi, đôi bé cháu đánh hộ cô thôi. Tất cả mười nghìn cô ạ.
Tôi trả tiền cho cậu bé và có nhã ý mừng tuổi thêm cho hai anh em cậu một chút nhưng cậu kiên quyết không nhận. Nhìn gương mặt kiên định của cậu, tôi biết sẽ không thay đổi được quyết định của cậu, tôi nhẹ nhàng.
- Cô là giáo viên nên ngày tết có rất nhiều quà, nhà cô lại không có trẻ con mà bánh kẹo thì nhiều quá, cháu cầm về một ít cho cô vui. Cháu mà từ chối nữa là cô “rông” đấy. Vừa nói, tôi vừa dúi vào tay cậu một túi quà tết. Nói là túi quà cho oai chứ thật ra cũng chỉ có hộp mứt, gói bánh, gói kẹo, một ít hạt bí.
- Cô cho nhiều thế này cháu không dám nhận đâu! Cậu bé giãy nảy khiến tôi phải thuyết phục mãi cậu mới nhận.
- Cháu xin cô, cháu cảm ơn cô ạ, từ bé đến giờ chưa bao giờ nhà cháu có nhiều bánh kẹo thế này đâu cô ạ.
- Thỉnh thoảng ghé qua, đánh giày giúp cô nhé.
Tôi dặn với theo khi hai anh em cậu chào tôi ra về.

Một năm sau, cũng vào 28, 29 tết, đang dọn dẹp, tôi nghe tiếng chuông cửa, ra mở thấy cậu đứng đó, cười ngượng nghịu.
- Cô đã đánh giày chưa ạ?
Trông cậu đen và có vẻ gầy hơn năm ngoái, chỉ có đôi mắt vẫn thế, trong sáng, buồn buồn nhưng rắn rỏi hơn.
- Em cháu đâu?
- Nó ở nhà với mẹ cháu cô ạ, ngày tết nhiều việc mang nó theo cháu không trông được, nó lại đi chậm nên mẹ cháu phải trông nó cô ạ.
Chắc khuôn mặt ngô nghê của tôi đày thắc mắc nên cậu nói tiếp.
- Mẹ con cháu vẫn không tìm được bố, mẹ cháu lại hay ốm lắm nên lâu rồi không đi làm được, nên năm nay cũng không về quê thăm ông bà cô ạ. 
Tôi còn chưa biết phải nói gì nó đã tiếp tục.
- Cháu định đến từ mấy hôm trước cơ nhưng không tiện đường, nhà cháu chuyển về ga Giáp Bát rồi nên hôm nay mới qua được, cháu cứ sợ cô đã đánh hết giày rồi ý.
Vừa làm, cậu vửa nói chuyện về mẹ, về em trai cả về ông bà cậu cho tôi nghe. Cậu kể về những lần bị các anh lớn hơn bắt nạt, lột hết cả tiền sau một ngày vất vả mới có khiến cậu lang thang đến nửa đêm cố nài khách đánh giày làm mẹ cậu tất tả đi tìm. Cả đêm hôm ấy mẹ con cậu tìm nhau khắp thành phố. Cậu cũng kể về những người tốt bụng giúp cậu đánh thêm được nhiều giày. Lúc ấy tôi thấy những tia lấp lánh trong đôi mắt to đen buồn buồn của cậu, Sau khi xong việc, cậu nói:
- Năm nay cháu không lấy tiền của cô đâu. Nếu cô cho phép tết nào cháu cũng đến đánh giày cho cô, mẹ cháu bảo cô tốt quá với lại cháu thấy nhà cô cũng không giàu mà. 
Tôi phì cười khi nghe cậu lý luận.
- Cháu không nhận tiền cũng được, nhưng nhất định phải cầm túi quà tết này về biếu mẹ giúp cô. Cô không phải mua đâu, cháu đừng ngại.
- Cô làm thế lần sau cháu không dám đến nữa đâu.
- Cháu biết đấy, cô có nhiều bánh kẹo thế mà có người ăn đâu. Cô được cho nhiều nên chia bớt cho cháu thôi mà, coi như cháu giúp cô đỡ lãng phí, để lâu quá hỏng mất mà ăn nhiều đồ ngọt quá dễ béo lắm, cô lại rất sợ béo. Nếu cháu không qua cô cũng không biết đánh giày diện tết đâu.
Ngần ngừ một lát rồi cậu gật đầu.
- Thôi được, cháu xin cô vậy, nhưng sau này lớn cháu nhất định sẽ đền ơn cô.

Cứ vậy, 28, 29 tết năm nào cậu cũng ghé qua đánh cho tôi đống giày mà số lượng cũng tăng dần theo năm tháng. Và năm nào tôi cũng để phần cậu một túi quà tết đủ các loại bánh mứt kẹo cũng phong phú dần với thời cuộc. Cũng vài lần tôi muốn tìm gặp mẹ cậu, tìm hiểu về cuôc sống của cậu, nhưng phần do cậu né tránh chắc vì mặc cảm, phần do bận rộn với việc kiếm tiền nên tôi cũng chỉ biết về cậu có vậy. Cho đến một năm, mới 25 tết cậu đã qua. Sau khi xong việc cậu nói:
- Sang năm chắc cháu không đánh giày cho cô nữa đâu, ngày mai cháu về quê rồi cô ạ. Bác cháu đón nhà cháu về quê giúp bác làm mộc cô ạ. Cô có muốn cháu giới thiệu cho cô một em đánh giày không, nếu cô gọi người lên đánh giày cô phải cẩn thận nhé, giày của cô toàn đôi đẹp thế mà. Cô cứ mải làm việc thế, họ lấy mất giày đi đấy cô ạ!
Tôi thây mừng cho cậu đỡ phải lang thang vất vưởng, bữa đói bữa no.

Rồi, nhiều năm trôi qua, tôi cũng dần quên cậu. Chiều mồng hai tết Giáp Ngọ, tôi ngồi buồn xem TV, nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ (mặc dù nhà tôi có chuông). Tôi ra cửa thấy một thanh niên rất đẹp trai ăn mặc sang trọng, cười tươi rói, gương mặt quen quen.
- Cháu chào cô, cô có nhận ra cháu không, cháu cứ sợ cô chuyển nhà rồi cơ. Cháu định qua hôm 28 đánh giày cho cô mà không về kịp. Nhưng hôm nay cô mở hàng cho cháu cũng tốt mà. 
Tôi bật cười vì câu nói của cậu.
- Mặc đẹp thế này mà đánh giày thì chắc cô không dám xỏ chân vào giày mà đi đâu.
Sau những hỏi thăm thông thường, cậu kể tôi nghe: Năm ấy về quê được qua tết thì mẹ cậu qua đời. Thì ra mẹ cậu mắc bệnh nan y nên muốn tìm cha cậu để anh em cậu có chỗ nương tựa nhưng càng tìm mẹ con cậu càng vô vọng. Người cha bặt âm vô tín. Khi biết mình không qua khỏi, mẹ cậu về quê tìm sự nương tựa chỗ họ hàng. May người bác có nghề mộc nhận anh em cậu vào làm việc và ở luôn trong xưởng vì nhà cậu đã bán trong những năm ba mẹ con cậu vất vưởng tìm cha ở Hà Nội. Thấy anh em cậu ngoan ngoãn lại chịu khó, công việc ở xưởng mộc lại không tốt lắm, người bác cho em cậu đến trường học dù đã hơi muộn, còn gửi cậu đi học nấu ăn. Cậu may mắn có chút năng khiếu nên cũng có thành tựu. Không bao lâu sau thì cậu được một ông chủ đưa sang Úc làm trong một cửa hàng ăn. Công việc kinh doanh của ông rất tốt nên lương bổng cũng khá. Bây giờ cậu đã là bếp trưởng một trong những nhà hàng của ông ta. Em trai cậu cũng được đón sang đó học. Cậu đã có gia đình và mới được làm cha cách đây một tháng. Lần này, nhân về nước sửa sang phần mộ gia đình, cậu đến thăm tôi. Trước khi về vợ cậu, một du học sinh người Việt, rất cảm động câu chuyện cậu kể về tôi nên dặn cậu nhất định phải tìm thăm tôi. Vợ cậu còn gửi tặng tôi một món quà...

Nghe chuyện cậu, tôi mừng cho anh em cậu đã khổ tận cam lai. Tôi cũng thấy lòng mình ấm áp quá.
(Bài viết đăng trên FB của River Nguyễn ngày 1/2/2014)

4 nhận xét:

  1. Lại cay mắt mất rồi. Câu chuyện thật cảm động về tình người.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài chia sẻ nhận được khá nhiều nhận xét ca ngợi tác giả. Em nghĩ hơi khác. Nếu là chị, hay em, hay nhiều hội viên khác ở CLB mình, gặp tình huống tương tự cũng sẽ làm thế. Điều làm em cảm động chính là cách xử sự của cậu bé.

      Xóa
  2. Nhân duyên. Nếu không có chủ nhà bỗng dưng gặp, dù không có nhu cầu đánh giầy nhưng vẫn đánh giầy từ ngày đầu gặp thì làm sao ta có câu chuyện này. Trong thế gian này gặp được nhau đều do nhân duyên cả.

    Trả lờiXóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.