Xin giới thiệu bài viết về VÔ MINH trong cuốn "NHÌN LẠI BẢN CHẤT CON NGƯỜI" của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma và Howard Cutler do Hoàng Phong biên soạn và dịch được Nhà xuất bản Phương Đông xuất bản năm 2012.
MỘT CÂU CHUYỆN VỀ VÔ MINH
Đức Phật có kể một câu chuyện như sau:
Có một anh thương gia cưới một người vợ xinh đẹp. Họ sống với nhau và sinh ra một bé trai kháu khỉnh. Nhưng người vợ lại ngã bịnh và mất sau đó, người chồng bất hạnh dồn tất cả tình thương vào đứa con. Đứa bé trở thành nguồn vui và hạnh phúc duy nhất của anh. Một hôm, vì việc buôn bán anh phải rời khỏi nhà, có một bọn cướp kéo đến đốt phá và cướp sạch cả làng, bắt cả đứa con của anh mang đi, lúc ấy đứa bé mới lên năm tuổi. Khi trở về, trước cảnh tang thương và điêu tàn, anh thương gia đau khổ vô ngần. Lúc bới những đống vật liệu cháy dở còn ngổn ngang ở nền nhà, anh tìm thấy xác một đứa bé cháy đen. Ngỡ là xác của con mình, anh bứt tóc, đấm ngược than khóc thật thảm thương và không sao nguôi ngoa được. Sau đó anh đem xác đứa bé đi hỏa táng rồi lấy một ít tro gói vào một mảnh lụa quý. Anh đeo gói tro ấy vào người, dù đang làm việc, đang ăn hay đang ngủ anh cũng không rời gói lụa. Thỉnh thoảng anh vẫn ngồi yên một mình để nhớ và thương con, và mỗi lần như thế anh lại khóc thật lâu.
Một thời gian sau, một hôm đứa bé trốn thoát được bọn cướp, tìm đường lần mò về làng. Đứa bé tìm được căn nhà mới của cha mình thì lúc ấy đã nữa đêm, nó đập cửa liên hồi. Trong nhà, người cha đang nằm khóc trên giường, gói tro đặt bên cạnh, liền cất tiếng hỏi:
- Ai đấy?
Đứa bé đáp lại:
- Con đây, cha ơi, con của cha đây, mở cửa cho con với!
Trong lúc đang lo buồn và hoang mang, người cha lại ngỡ rằng có kẻ nào muốn trêu chọc, chế nhạo cảnh khổ đau của mình, liền giận dữ và hét to lên:
- Hãy cút đi, cứ để yên cho ta!
Và rồi anh ta lại tiếp tục khóc, đứa con vẫn tiếp tục đập cửa. Nhưng người cha nhất định cho rằng đấy không phải là con mình, vì bên cạnh con mình đang nằm yên trong cái bọc lụa quý. Đứa bé thất vọng, đau khổ và bỏ đi. Từ đó hai cha con không còn gặp lại nhau nữa.
Vô minh không phải là một sự kiện thiếu hiểu biết, mà là một sự hiểu biết sai lạc và lầm lẫn, như trường hợp người cha đoan chắc tro của con mình đang được gói trong cái bọc lụa quý. Sự hiểu biết sai lạc hay vô minh chính là nguồn gốc của khổ đau. Ta hãy lấy một thí dụ trong cuộc sống thường nhật, chẳng hạn một số người có trí thông minh khác thường, chẳng những trí thông minh ấy không giúp gì được cho họ, lại còn làm cho họ điêu đứng hơn. Không hẳn sự thiếu hiểu biết gây ra khổ đau, nhưng chính trí thông minh sai lạc đã giữ vai trò trực tiếp. Kinh sách gọi trí thông minh sai lạc là tà kiến.
Trí thông minh của ta bị chi phối bởi vô minh, lèo lái bởi vô minh. Dù cho ta hết sức thông minh đi nữa, nhưng đồng thời ta cũng có thể đang lầm lẫn. Trí thông minh giúp ta xác định một cách quả quyết một sự việc nào đó là đúng, nhưng thật sự việc đó là sai. Sự quả quyết như thế là nguồn gốc đem đến khổ đau, nhưng ta lại không ý thức được điều ấy. Một trong những thể dạng độc hại và tồi tệ nhất trong cuộc sống chính là sự u mê và bất lực khiến ta không nhìn thấy nguồn gốc của khổ đau, giống như sự bất lực và lầm lẫn của người cha trong câu chuyện.
Sự sai lầm, tệ hại và nguy hiểm nhất là sự kiện đánh giá quá thấp vô minh, xem vô minh là một thứ gì ngu xuẩn, thiển cận, lộ liễu và khờ khạo. Vô minh thật ra rất khôn ngoan, khéo léo, cứng đầu, ranh mãnh, nham hiểm và thâm độc, luôn luôn tìm cách đánh lừa ta. Vô minh đủ sức làm cho người cha khăng khăng ôm cái bọc tro và nhất định không nghe thấy tiếng con mình đang kêu khóc ở cửa. Vô minh không thụ động như ta tưởng, mà là một sức mạnh chủ động và tích cực, trong cuộc sống hàng ngày nó xui khiến mỗi người trong chúng ta binh vực quan điểm của mình để tranh cãi với nhau, đi xa hơn là xô xát và gây chiến với nhau. Trên một cấp bậc cao hơn, ta thử quan sát qua lịch sử nhân loại xem có mấy nhà lãnh đạo tự cho mình là sai và nhận ra cái vô minh của mình? Hitler hay Pol Pot? Bạo chúa Neron hay Tần Thủy Hoàng?...Còn nhiều nữa, và cũng không nên kể ra hết làm gì. Họ là những người không thiếu thông minh, nhưng nếu họ nhận thấy cái vô minh của họ thì biết đâu chúng ta đã không thừa hưởng một thế giới giống như hôm nay. Họa chăng trong số họ có vua A-dục?
Trên một bình diện thấp hơn, hình như mỗi người trong chúng ta vẫn thấy hạnh phúc và an tâm khi cài cửa thật chặt, đắp chăn nằm trên giường để ôm lấy cái vô minh của mình, mặc cho sự thực đang ra sức đập cửa để réo gọi chúng ta. Hành vi trốn tránh đó tức là biểu hiện của sự bảo vệ "cái ngã". Mục đích những lời giảng huấn của Phật là giúp ta nhìn thấy "sự thực tối hậu của mọi hiện tượng", tức là sự quán thấy "thực thể đích thực" của mọi vật thể và biến cố. Ta nên diệt bỏ cái ngã để đủ sức mở cửa đón nhận sự thật, sử dụng chánh kiến và trí tuệ để loại bỏ vô minh, giống như một người cha biết mở cửa để ôm con mình vào lòng.
(Nguồn: Thư viện Hoa sen)
*Sách nói "Nhìn lại bản chất của con người".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.