Võ Thị Hương
Lớp DSNL 6
Đợt dã ngoại tháng 11/2013 tại Suối Hai |
Nhớ những năm trước, mỗi khi đến ngày 8/3, ngày sinh nhật tôi, tấm thiếp mà con tôi tặng luôn là dòng chữ: “Mẹ ơi, mẹ hãy vui lên, bớt lo cho con và em Bi, con mong nhìn thấy mẹ cười thật nhiều”.
Biết vậy, nhưng để thay đổi bản thân thì không dễ và thực tế tôi không biết cách để thay đổi, để vượt qua.
Cho đến đầu năm 2012, tôi được biết đến CLB là nhờ gặp được Thầy Nghĩa - phó chủ nhiệm CLB, sau đó tôi được gặp Thầy Thường - chủ nhiệm CLB, Cô Huệ, chị Hồng Thu, chị Hoàng Vân, bà Thoa, bà Yến rồi cô Bình, cô Hồng… Ý nghĩ mong muốn thay đổi bản thân, mong muốn tu tập, muốn sống tốt cứ ngày ngày mạnh mẽ thôi thúc tôi. Tôi thấy mình như tìm được con đường đi của chính mình. Ở mỗi người đều cho tôi nhận thấy mình học hỏi nhiều điều.
Với bác Nghĩa (tôi vẫn quen gọi như vậy vì bác ở gần nhà), tôi học được tính nguyên tắc, nghiêm khắc với bản thân trong tu tập. Khi đến lớp bác vẫn thường nhắc mọi người: “Trong mỗi con người chúng ta ai cũng thương mình nhất, xem nhẹ lỗi mình.” và với suy nghĩ luôn hiện hữu trong ta như thế nếu ta không tự nghiêm khắc với bản thân thì đâu có tu sửa được mình.
Thầy chủ nhiệm, người đã dạy cho tôi nhiều điều. Thầy từng nói: “Muốn sống tốt, muốn thành công, muốn được bình an trong tâm trí phải có suy nghĩ tích cực, phải có niềm đam mê và quyết tâm”. Thầy sẵn sàng giảng giải cho tôi mỗi khi tôi gặp khó khăn. Rồi với tấm lòng từ bi, sự thân thiện, lòng thương người,... Thầy cho tôi cảm nhận tình cảm của một người cha mà bấy lâu tôi không được hưởng nhận. Tôi không thể quên khi CLB phát triển thêm lớp mới tại nhà tôi, thầy hỏi tôi với một ánh mắt lo lắng của một người cha hỏi con gái: “Thêm lớp mới nữa liệu con có vất vả quá không?” Với tất cả những ai được lớn lên trong vòng tay của cả cha và mẹ thì câu nói ấy thật bình thường và đương nhiên là vậy. Nhưng với tôi, thiếu vắng sự chăm sóc cũng như tình cảm của người cha hơn bốn chục năm qua thì câu hỏi ấy thật sự làm tôi xúc động. Tối đó tôi đã khóc. Tôi cũng chẳng biết mình khóc vì sự thiệt thòi suốt thời gian qua hay khóc vì mừng vui khi cảm nhận từ nay mình có một người cha, tự tôi cũng không biết nữa. Thầy cho tôi ngộ ra với tấm lòng từ bi, sự bình an tâm trí không những giúp mình sống tốt mà còn giúp xoa dịu, giải tỏa cho người sống quanh mình rất nhiều.
Cô Huệ - người đã cho tôi hiểu đúng ý nghĩa của việc từ thiện: Khi làm từ thiện cần có một tấm lòng thương người thật sự, chứ không phải chỉ có của cải vật chất là đủ. Tôi không thể quên trong lần CLB tổ chức từ thiện quyên góp quần áo cho trẻ em vùng xa. Hôm đó cô bảo chúng tôi: “Ta nên giặt lại cho sạch rồi khâu lại những chỗ sứt chỉ và khâu khuy áo cho cẩn thận rồi hãy đóng thùng gửi đi nhé. Mình tặng người ta thì họ phải sử dụng được mới đáng quý”. (Tự tay cô cùng làm việc đó với chúng tôi). Cô cho tôi hiểu rằng khi ta sơ ý chút thôi thì ý nghĩa của công việc sẽ mất đi phần nào giá trị thực của nó.
Rồi chị Hồng Thu, người chị giúp tôi biết cách viết bài, cách đăng bài, chị chỉ cho tôi cách quán xuyến công việc của lớp, chị tỏ ra rất tin tưởng tôi…. Chị cho tôi niềm tin rằng tôi có khả năng làm những việc mà lâu nay tôi vẫn còn e ngại.
Một người chị nữa mà tôi không thể không nhắc đến là chị Hoàng Vân - người không cao mà ai cũng phải ngước nhìn. (Chúng tôi vẫn đùa chị như vậy). Chị Vân là người hiểu biết nhiều, chị cho tôi hiểu thêm về đạo Phật, chị luôn động viên tôi tu tập, chị đã gửi cho tôi những bài giảng pháp mà chị đã sưu tầm rất ý nghĩa.
Tôi thấy mình thật may mắn vì có duyên gặp được những người chị như hai chị.
Trong CLB có thật nhiều tấm gương tu tập, nhưng có lẽ người làm tôi khâm phục nhất là bà Thoa và bà Yến. Một lần, bà Thoa đến nhà tôi chia sẻ về kinh nghiệm tu tập của bà. Lớp tôi ai cũng khen bà vui tính và khâm phục bà. Bà chìa ngón tay bị cong một đốt và nói với chúng tôi một cách quả quyết: “Sau 2 tháng nữa đốt tay này sẽ thẳng”. Thật vậy, sau đó tôi được bà cho xem đúng là đốt tay đó đã thẳng. Tôi phục bà vô cùng. Và bà Yến tôi biết bà yếu chân nhưng không lần dã ngoại nào thiếu vắng bà. Mọi người đi đâu bà đi đó không thua kém bất cứ ai. Hai người bà cho tôi học được tinh thần lạc quan tin tưởng và sự quyết tâm không nề hà tuổi tác.
Gần đây, khi được Thầy chủ nhiệm giao nhiệm vụ giúp đỡ cô Bình và cô Hồng trong việc dã ngoại. Tôi thực sự mới hiểu hết sự bận rộn, nỗi lo lắng của hai cô trong thời gian qua. Hai cô tôi kinh nghiệm lo toan, sắp xếp cho một gia đình lớn. Điều mà trước nay tôi chưa từng trải nghiệm.
Từ Thầy chủ nhiệm, cô Huệ, bác Nghĩa, chị Thu, chị Vân, bà Thoa, Bà Yến, cô Bình, cô Hồng…mỗi người một vẻ, cho tôi học hỏi nhiều điều khác nhau. Nhưng điều mà toát lên ở mỗi người là chữ TÂM luôn hiện hữu trong từng việc làm, từng lời nói khiến tôi hết sức kính phục.
Đúng vậy, chữ TÂM thật lớn lao, con người ai cũng cần có nó và học nó, cho dù học bao nhiêu đi nữa vẫn là chưa đủ. Nhiều bác học viên từng nói với tôi như vậy và như câu kết của một học viên lớp DSNL 12 đã viết:
“Có gì đâu mà cười
Chuyện tuổi già đi học
Chữ TÂM nào ai thuộc
Nên cứ học, học thôi !!!”
Hà Nội ngày 20/5/2014
Hương ơi, em đã làm được nhiều việc không nhỏ em ạ, mà không phải ai cũng làm được.
Trả lờiXóaEm có còn nhớ hôm ở trên chùa Bách Môn không? Lúc chị thiền xong, quay lại đằng sau thấy 2 em Hương Hằng trong bộ áo dài nâu sồng, trên cổ là chuỗi 108 hạt đang quỳ ngay sau lưng mình mà chị cảm động phải kìm để khỏi rơi nước mắt, chị có cảm nhận là như có Đức Phật ngay cạnh mình vậy.
Chị em mình như nhau thôi, ai cũng muốn đóng góp tâm của mình cho CLB, mỗi người một việc thôi, nho nhỏ, tích mãi rồi thành to hơn một chút. Mình rất dễ gặp nhau khi tất cả cùng trên một con đường là TU THIỀN em nhỉ. Ta sẽ mãi đi cùng đường với nhau nhé.
Vâng em hứa, vì em thực sự nghĩ mình đã chọn đúng đường, chỉ còn phải nỗ lực đi thôi phải không chị? em sẽ cố gắng từng bước dù nhỏ nhất, em rất cần những người chị như chị đi cùng. Thật đấy chị.
Trả lờiXóa