Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Ngủ dậy vẹo cổ hãy bấm tay

(Nguồn: xaluan.com)
         Một sáng nào đó khi thức dậy, bạn chợt phát hiện cổ mình bị căng cứng, cử động rất khó khăn, kèm theo cảm giác đau nhức khó chịu. Sự đau nhức càng tăng lên khi cố làm động tác quay cổ, có khi đau lan xuống bả vai, chi trên hoặc vùng liên sống bả, khiến cho cổ phải nghiêng về một bên trong tư thế rất gò bó để chống đau. Nếu có những biểu hiện đó, rất có thể bạn đã mắc chứng bệnh vẹo cổ mà y học cổ truyền thường gọi là lạc chẩm hay thất chẩm.

         Nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh vẹo cổ khi ngủ dậy thường là do tư thế lúc ngủ không hợp lý, đầu gối quá cao hoặc quá cứng khiến cho đầu cổ lệch về một bên, các cơ vùng cổ như cơ thang, cơ ức đòn chũm bị căng giãn kéo dài mà sinh đau. Ngoài ra, tình trạng thoái hoá cột sống cổ hoặc cổ bị lạnh cũng là những yếu tố góp phần làm bệnh phát sinh hoặc nặng thêm.

         Khi lâm vào tình trạng khó chịu này, trước tiên bạn phải hết sức bình tĩnh và sau đó lần lượt tiến hành các thao tác sau đây:
         1. Dùng lòng bàn tay xoa xát vùng cổ: trong vài phút sao cho tại chỗ nóng lên là được, có thể thoa thêm một chút dầu cao hoặc cồn rượu xoa bóp để làm tăng tác dụng trị liệu. Cũng có thể chườm vùng cổ vai bằng muối sao nóng hoặc muối sao với lá ngải cứu.
         2. Dùng các ngón tay nhẹ nhàng day ấn cổ vai: để xác định được các điểm đau nhiều (áp thống điểm). Sau đó dùng ngón tay cái hoặc ngón giữa day ấn các điểm này trong vài phút. Chú ý mỗi điểm day đều với một lực vừa phải chừng 30 giây rồi ấn áp thống điểm từ nhẹ đến mạnh trong năm giây, nghỉ hai giây rồi lại tiếp tục ấn, tiến hành chừng 3 – 4 lần như vậy là được. Khi ấn cảm giác đau nhức thường tăng lên nhưng không vì thế mà giảm cường độ tác động.
         3. Dùng ngón tay trỏ hoặc đầu bút bi (không phải đầu nhọn): day ấn huyệt lạc chẩm trong vài phút, mỗi ngày kiên trì day ấn vài lần.

Huyệt Lạc Chẩm trên bàn tay (Ảnh: Hồng Thái)
         Vị trí huyệt lạc chẩm là ở mu bàn tay, nằm giữa hai xương bàn tay 2 và 3, trên khớp xương bàn – ngón khoảng 0,5 thốn (một thốn ở người trưởng thành là từ 2 – 2,2cm). Khi ấn có cảm giác đau tức nhất. Huyệt vị này còn có tên gọi là hạn cường, hay kỳ huyệt, có tác dụng chữa trị các chứng bệnh như cứng gáy, đau nửa đầu, đau dạ dày, đau họng, đau vai và cánh tay... Vì là huyệt hết sức hữu hiệu trong trị liệu chứng vẹo cổ nên được gọi là huyệt lạc chẩm.

         Bạn chỉ cần áp dụng thủ pháp trị liệu như trên chừng 3 – 4 lần là có thể chữa khỏi chứng vẹo cổ hoặc ít nhất cũng giúp cho bệnh trạng thuyên giảm nhiều.
         Nếu hiệu quả không rõ rệt thì cần đi khám để tìm thêm nguyên nhân và loại trừ biến chứng của các bệnh khác.
Hoàng Vân sưu tầm

4 nhận xét:

  1. Cám ơn Hoàng Vân về thông tin có ích . Lần sau cứ thế nhé !

    Trả lờiXóa
  2. Chị Vân ơi, em cũng hay mắc chứng cứng cổ (khó bảo), chắc từ nay em dễ bảo rồi. Cảm ơn chị đã sưu tầm bài này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kết hợp với quẻ dịch của nhà em ạ, sẽ đạt hiệu quả tốt hơn đấy. Chị đang soạn lại, tập kết lại tất cả các loại quẻ dịch của CLB để gửi cho các đầu mối của các lớp. Có cả quẻ màu, dùng đi dùng lại được. Chờ nhé.

      Xóa

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.