Trang

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

TÁM QUYỂN SÁCH QUÝ (Trích đoạn)

Căn Bản Phiền Não

1. THAM là tham lam. Người tham lam, tánh hay để ý dòm rình những cái gì họ ưa thích: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở v.v… Rồi họ lập mưu này kế nọ, để tìm kiếm cho được, được mấy cũng không vưà, nên tục ngữ có câu: "Bể kia dễ lấp, túi tham khó đầy!" Tham cho mình, rồi tham cho bà con quyến thuộc. Nói rộng ra, tham cho cả quốc gia, xã hội của mình.
Cũng vì lòng tham, mà nhơn loại tranh giành xâu xé cướp bóc giết hại lẫn nhau, chịu không biết bao nhiêu điều thống khổ. Tham không những có hại cho mình về hiện tại, mà còn liên lụy đến người và về tương lai nữa là khác.
Phật tử tự xét mình, nếu có tâm tham lam, phải tập tánh thiểu dục tri túc, bỏ dần lòng tham đi; như thế gọi là "Tu Tâm".


2. SÂN là nóng nảy. Người có tánh nóng nảy, gặp những việc trái ý thì nổi nóng lên, trong tâm bực tức, không an, ngoài mặt nhăn nhó, xấu xí vô cùng, mắt đỏ tía hoặc tái xanh. Bộ dạng thô bỉ, thốt ra lời nói thiếu nhã nhặn, có khi đánh đập hoặc chém giết người. Phật tử chúng ta, mỗi khi nổi sân lên, cắc cớ lấy kiến rọi mắt mình, thật "ngộ" hết sức…không phải là Phật tử chút nào! Tánh "nóng nảy" rất có hại: làm cho anh em chẳng ưa, trong gia đình không được hòa nhã, ngoài xã hội chẳng được kính yêu. Nhiều người vì nóng nảy mà đánh đập vợ con, lắm khi phải mang bịnh tật suốt đời, hoặc giết hại đồng bào, chủng loại. Cũng có người vì quá nóng nảy mà làm hư danh giá, quyền lợi và cả đời tu của mình. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: "Nhứt niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai", nghĩa là: Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Thuở xưa, ông Uất-Đầu-Làm-Phất, vì sân mà phải đọa làm con phi-ly trùng. Ông Độc Giác Tiên Nhơn cũng vì sân, mà mất cả năm phép thần thông. Trong kinh nói: "Nhứt sân chi hóa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn". Nghĩa là: một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức. Chúng ta thấy, trong hàng Phật tử, có người phát tâm tu được 5,7 năm hoặc đôi ba năm, cũng có thể gọi là người có công với Đạo. Một khi gặp cảnh nghịch, nổi sân lên rồi bỏ hết: Phật pháp không tưởng, việc Đạo cũng chẳng làm, trái lại còn tìm cách phá hoại. Thật "đốn củi ba năm chỉ tiêu trong một giờ", rất uổng cho công trình tu tập bao nhiêu năm của người ấy!
Tổ xưa có quở rằng: "Sân si nghiệp chướng không chừa, bo bo mà giữ tương dưa làm gì!" Sân rất có hại như thế, hàng Phật tử chúng ta phải tu pháp nhẫn nhục để lần lần dẹp lòng sân; như thế gọi là "Tu Tâm".

3. SI là si mê (có chỗ gọi là vô minh). Đối với sự vật hiện tiền, tâm tánh mờ ám, không có trí huệ sáng suốt để phán đoán việc hay, dở, tốt, xấu lợi hại v.v… nên mới làm những điều nhiễm ô tội lỗi, có hại cho mình, và người (theo thế tục gọi là "dại" hay "ngu"). Cái Si này thường ám ảnh trong tất cả việc làm, hại người chẳng phải nhỏ, mà nhứt là khi tham và sân.
Như anh chàng thanh niên kia, biết cô mỹ nhơn nọ bị ho lao và có bịnh truyền độc… Nhưng đến khi si mê ám ảnh, thì anh không còn thấy vi trùng lao và bịnh truyền độc nữa.
Một người tham tiền, đánh bài bạc, mê đề, vì si mê ám ảnh, nên đến lúc thua hết của tiền mà cũng không chán.
Có một người vì lòng tham, si nổi lên, giữa lúc ban ngày đông người, vào tiệm giựt vàng.
Lính bắt được hỏi: "Anh không thấy lính tráng ở chung quanh và không sợ tù tội sao?" Anh trả lời rằng: "Lúc đó tôi chỉ thấy vàng thôi; nếu thấy lính tráng quanh tôi, thì tôi đâu dám làm như thế!"
Đây là những bằng chứng, trong lúc tham, vì có si mê ám ảnh, nên anh chàng thanh niên kia phải mang bịnh ho lao và truyền độc; người đánh bạc nọ mới hết cửa hết nhà; anh giựt vàng kia mới mang gông cùm tù tội! Nếu trong lúc ấy, được sáng suốt, phân biệt lợi hại, thì anh thanh niên kia có thể thắng lại được dục vọng của mình, đâu có lâm bệnh hiểm nghèo như thế; người đánh bạc, cậu giựt vàng, có thể thắng được lòng tham, không đến nỗi bị hết của và mang tù tội. Cho biết trong lúc tham mà có si, thì có hại rất lớn! Khi nóng giận cũng vậy, nếu trong lúc nóng giận mà sáng suốt, biết suy xét việc lợi hại, lúc ấy có thể dằn bớt sự nóng giận ít nhiều! Trái lại vì bị si mê ám ảnh, nên nói càn làm bướng, đến khi hết giận rồi thì tội lỗi quá nhiều! Nên tục ngữ có câu: "Ăn nóng mất ngon, giận lắm mất khôn" là vậy.
Có nhiều người trong lúc nóng giận, đánh đập vợ con đến tàn tật, phá hoại nhà cửa cho đến tiêu tan, hoặc uống thuốc độc hay trầm mình, để cho thoát kiếp thân đau khổ! Những tai nạn như thế, đều do si mê ám ảnh cả.
Tổ sư có dạy rằng: "Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì!" nghĩa là không sợ tham và sân nổi lên, mà chỉ sợ mình tự giác ngộ chậm. Nói cho dể hiểu, là không sợ tham, sân mà chỉ sợ si mê đó thôi. Nếu tham, sân nổi lên, mà ta sáng suốt phán đoán kịp thời, không có si mê, thì tham sân kia cũng chẳng làm gì được. Người học Phật phải dẹp trừ lòng si mê của mình, lúc nào cũng phải sáng suốt đối với tất cả mọi việc. Như thế gọi là "Tu Tâm".

4. MẠN là ngã mạn cống cao. Nói theo lối thông thường có hơi thô một chút là "phách lối" lấn lướt, hiếp đáp người. Vì ỷ tiền tài, tài năng và quyền thế của mình mà khinh rẻ người, chẳng kính người già cả, không kể người phước đức. Bởi kiêu kiêu tự đắc, coi không có người (mục hạ vô nhơn) nên chẳng ai ưa. Vì lòng ngã mạn, cho mình hơn ai hết, không kính phục người, nên bị tổn đức. Vì thế mà phước lành tổn giả, tội lỗi càng thêm, nên phải sanh tử luân hồi, không bao giờ cùng tột. Người học Phật nên tự kiểm thảo mình, nếu có ngã mạn cống cao thì phải cố gắng dẹp trừ đi. Như thế mới phải là Phật tử, và như thế mới gọi là "Tu Tâm".

5. NGHI là nghi ngờ. Đối với đạo lý chơn chánh, lại nghi ngờ không tin. Những pháp tu giải thoát và điều phước thiện, lại do dự chẳng làm. Nó chướng ngại lòng tin, cản trở việc từ thiện. Nghi có ba thứ:  
1- Nghi mình: Như nghe nói: "Tu hành sẽ được giải thoát", rồi từ nghi ngờ: không biết mình đã có tu được hay không? Vì lòng nghi ngờ, do dự ấy, nên không chịu tu. 
2- Nghi người: Nghĩa là nghi người dạy mình. Như có người dạy ta: "Làm lành được phước, làm ác sẽ bị tội". Chúng ta nghi: không biết người ấy nói có thiệt hay không? Bởi nghi nên không làm.  
3- Nghi pháp: Như nghe lời Phật dạy: "Người chí tâm niệm Phật, từ một ngày cho đến bảy ngày được nhứt tâm, thì người ấy đến khi lâm chung, sẽ được Phật Di Đà tiếp dẫn, sanh về nước Cực lạc", rồi họ nghi rằng: phương pháp ấy không biết kết quả có đúng như vậy hay không? nên họ chẳng siêng tu.
Nói tóm lại, vì lòng nghi ngờ, nó cản trở nhiều điều tiến triển. Những người có tánh đa nghi, đối với bạn bè, họ thấy không có ai là người tin cậy. Trong gia đình họ thấy không có người nào là thân mật. Phật tử nên cẩn thận đề phòng mọi việc, nhưng phải cương quyết dẹp trừ tánh nghi ngờ. Như thế gọi là "Tu Tâm".

6. THÂN KIẾN là chấp nhận thân ngũ ấm, tứ đại giả hợp này là "Ta". Hoặc nghe theo lời tà giáo nói: "Người có 3 hồn, 7 vía, linh hồn, thế phách v.v…" rồi chấp 3 hồn 7 vía v.v… đó là Ta. Vì chấp "Ta thật có", nên kiếm món này vật nọ để cho ta ăn, sắm kiểu kia cách nọ để cho Ta mặc, lo cất nhà cửa, mua ruộng vườn để cho Ta dùng, tranh danh đoạt lợi, mỗi mỗi cũng vì Ta! Không những lo cho Ta, mà lại lo cho cả gia đình, quyến thuộc, quốc gia và xã hội của ta nữa. Vì "chấp Ta" mà tạo ra nhiều tội lỗi: lo tranh danh đoạt lợi cho ta hưởng, xâu xé cướp giựt nhau để cho quốc gia xã hội Ta dùng. Vì thế, nên thế giới đạn bay như mưa, bom nổ như pháo, máu chảy thành sông, xương chất tợ núi!
Hàng Phật tử chúng ta, phải sáng suốt quan sát thân già này giả hợp không có thật có. Hễ phá trừ thân kiến rồi, (chấp Ta) thì tánh ích kỷ vị ngã không còn, nên không tạo những điều tội lỗi vì bản ngã nữa. Như thế gọi là "Tu Tâm".

7. BIÊN KIẾN là chấp một bên, hoặc chấp chết rồi còn hoài, hay chấp chết rồi mất hẳn.
Một, vì chấp có Ta, nên có người chấp "Ta" chết rồi còn hoài không mất: Người chết vẫn sanh làm người, thú chết sanh trở lại thú, Thánh nhơn chết trở làm Thánh nhơn. Vì chấp như vậy, cho nên chẳng sợ tội ác, và cũng không cần tu thiện; bởi họ cho tu cũng vậy không tu cũng vậy. Do chấp cái "Ta" thường còn không mất có hại như thế, nên trong kinh Phật gọi là "Thường kiến ngoại đạo".
Hai, có người chấp "chết rồi mất hẳn". Vì họ thấy bầu thế giới mênh mang, không gian vô tận, chết rồi là mất chớ có thấy tội phước gì đâu! Thấy đời sống của mình chết rồi không còn giá trị chi hết, nên mặc tình làm những điều tội lỗi. Họ nói rằng: "Tu nhơn tích đức già đời cũng chết; hung hoang bạo ngược tận số cũng không còn". Biết bao người vì chấp chết rồi là hết, nên mỗi khi gặp cảnh nghịch lòng, nhứt là tình duyên trắc trở, họ không trầm tĩnh sáng suốt tìm phương pháp để xử trí. Cứ cho chết rồi là hết đau khổ, nên họ tự liều mình với chén thuốc độc hay dòng sông sâu! Chớ họ không biết rằng chết rồi đâu có phải là hết khổ! Bởi chấp chết rồi mất hẳn có hại như vậy, nên trong đạo Phật gọi là "Đoạn kiến ngoại đạo".
Thật ra người chết không phải thường còn và cũng không phải mất hẳn, mà theo nghiệp lực lành hay dữ luân hồi.
Người Phật tử phá trừ hai món chấp trên, như thế gọi là "Tu Tâm".

8. KIẾN THỦ là bảo thủ sự hiểu biết sai lầm của mình. Đây có hai cách: 
1- Hành vi của mình sai lầm, ý kiến lại thấp thỏi, nhưng không tự hiểu biết, lúc nào cũng bảo thủ cho mình là hay giỏi, đúng đắn hơn hết, ai nói cũng chẳng nghe. 
2- Biết mình như thế là sai, nói như vậy là dở, nhưng cứ bảo thủ cái sai và cái dở ấy, không chịu thay đổi.
Như có người, ông bà trước đã lỡ theo tà đạo, nay con cháu vẫn biết đó là tà, nhưng cứ theo như vậy mãi không đổi. Họ bảo rằng: "Xưa sao nay vậy!" Hay như có người, cha mẹ trước đó có làm nghề tội lỗi, qua đến đời con, cứ bảo thủ nghề ấy, không chịu thay đổi.
Nói cho rõ hơn, là những tục lệ trong thế gian, như mỗi năm phải làm trâu bò để tế thần; khi người chết phải làm heo bò cúng kiến, mỗi kỳ tuần tự hay giỗ quảy, phải đốt giấy tiền vàng bạc áo quần kho phướn; mỗi năm phải hội họp để cúng tà thần ác quỉ v.v… Người học Phật phải dẹp trừ "kiến thủ", như thế gọi là "Tu Tâm".

9. GIỚI CẤM THỦ là giữ theo giới cấm của ngoại đạo tà giáo. Cấm một cách vô lý không phải nhân giải thoát mà chấp là nhân giải thoát. Như bên Ấn Độ có những phái ngoại đạo leo lên cây cao nhảy xuống, gieo mình vào lửa v.v… có đạo mỗi năm phải giết một người tế thần; như đạo của anh Vô Não, phải giết cho đủ 1.000 người mới đắc đạo. Người học Phật phải dẹp trừ "giới cấm thủ", như thế gọi là "Tu Tâm".

10. TÀ KIẾN là chấp theo lối tà. Phàm chấp những cái gì không chơn chánh đều thuộc về tà kiến. Nói bằng cách khác là "mê tín". Như thờ đầu trâu, đầu cọp, bình vôi, ông táo, xin xâm, bói quẻ, coi ngày, tìm huyệt, buộc tom, đeo niệt, coi sao, cúng hạn v.v… Thật ra người học đạo nên coi chỗ tạo nhơn của mình lành hay dữ, chánh hay tà mà thôi, chớ không nên coi bói làm gì. Nói rộng ra thì gồm cả bốn chấp trên đều về tà kiến.
Hàng Phật tử phải dẹp trừ "Tà kiến", như thế gọi là "Tu Tâm".
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.