Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Gia đình lớp tôi

Lưu Mai Phương
Lớp DSNL 1
        
Lớp DSNL 1 dã ngoại cùng CLB tại Côn Sơn tháng 3/2012
         Lớp thiền sáng thứ sáu của chúng tôi như một đại gia đình. Trong đại gia đình ấy có các bậc cha mẹ và con cái - những người lớn tuổi là anh chị, còn lại người ít tuổi hơn thì là những người em. Chúng tôi cùng bảo ban nhau tập luyện với tất cả tình thương yêu, đùm bọc của một gia đình.
         Hàng tuần, cứ đến sáng thứ sáu là chúng tôi lại tập trung tại Câu lạc bộ để được gặp nhau, với những khuôn mặt thân quen rạng rỡ những nụ cười. Chúng tôi được chia sẻ những nỗi buồn vui của mình với thầy cô giáo đáng kính và toàn thể các bậc cha mẹ, anh chị em trong đại gia đình, mong nhận được những lời khuyên bảo, chỉ dẫn để dần vượt qua những nghiệp lực mà mỗi người đều phải trả.
         Trong gia đình chúng tôi, những người ở bậc cha mẹ nay đều đã ngoài 80 tuổi. Đó là bác Ngô Thị Thoa, năm nay 85 tuổi - một người được nhiều học viên trong lớp và trong Câu lạc bộ trìu mến gọi là "u"- đã tham gia Câu lạc bộ từ những ngày đầu thành lập. Bác đã thoát khỏi căn bệnh ung thư di căn nhờ đức tin và sự chăm chỉ, kiên trì tu tập thiền. Tiếp đến là bác Đinh Xuân Sinh, năm nay bác 83 tuổi. Với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, những năm qua, bác không chỉ chịu khó tham gia học, luyện thiền rất tích cực mà bác còn tích cực theo học lớp Quốc tế ngữ, do Chi hội Quốc tế ngữ tổ chức. Từ tháng 10 năm 2013 đến nay, bác đã cùng cô Hiền, cô Thu được Ban Chủ nhiệm giao trọng trách tổ chức và giảng dạy lớp Quốc tế ngữ mở tại Câu lạc bộ. Có một người năm nay cũng đã bước vào tuổi 80, đó là bác Nguyễn Xuân Nguyên - một thương binh chống Pháp - bác cũng là người tham gia Câu lạc bộ từ năm 2004. Bác là người có công lực cao, trong lớp hoặc trong Câu lạc bộ nếu thấy ai có khó chịu trong người, đều được bác phát công hỗ trợ.
         Ngoài ra, lớp chúng tôi còn có một số bác lớn tuổi như bác Lê Vân, bác Mai Trọng Phước, bác Vũ Thị Tỵ,., do tuổi cao, sức yếu, trong mấy năm gần đây các bác không thể đến luyện tập tại Câu lạc bộ nữa, nhưng hình ảnh của các bác vẫn còn in đậm trong tâm trí các thành viên của lớp. Đó là những tấm gương về tinh thần vượt khó và chuyên cần luyện tập. Hàng năm, lớp vẫn tổ chức đến nhà các bác hoặc gọi điện thoại thăm hỏi.
         Những người ở bậc anh chị của lớp nay cũng đã trên dưới 70 tuổi. Đây là những học viên chuyên cần, luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn về bệnh tật, về đường xa, để đảm bảo có mặt đều tại lớp. Trong số người này, người phải kể đến đầu tiên là anh Trần Nghiệp - anh là thương binh chống Mĩ - nhà ở tận Sóc Sơn, cách Câu lạc bộ khoảng 40 km. Anh cho biết: những ngày đi tập anh thường rời nhà từ 5g30 sáng, anh phải đi mấy chặng xe buýt, rồi lại bắt xe ôm để đến lớp kịp giờ. Nhiều chị phải đi một, hai chặng xe buýt, rồi lại đi bộ hoặc đi xe ôm vào lớp là bình thường, ví dụ như chị Đặng Kim Thanh nhà ở Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng, bác Thoa, chị Tơ, chị Sáng nhà ở đường Tôn Đức Thắng,v.v… Trong lớp người này, các anh, các chị hầu hết đều mang trong người các bệnh mãn tính về tim mạch, xương khớp và rối loạn chuyển hóa đường, mỡ trong máu,.. như Anh Quang, anh Bảng, anh Khiêm, chị Yến, chị Cấp, chị Cáp, chị Kim,.v.v.. nhưng họ đều là những thành viên tích cực của lớp, họ đi học rất đều, và luyện tập chăm chỉ. Bất kể những ngày mưa dầm, giá rét hay nắng gắt, mưa giông, các anh các chị đều có mặt ở lớp đúng giờ để tập luyện.
         Ngoài ra, một số anh chị đi học bằng xe máy, đã kết hợp đón, đưa những học viên đi cùng đường đến lớp. Những cử chỉ đó thật là cảm động, tình cảm giống như mẹ con, chị em, anh em trong một gia đình. Ví dụ như chị The nhà ở Quận Tây Hồ đã đến đưa, đón “u” Thoa ở Tôn Đức Thắng; chị Hồng đưa đón chị Ngọc; anh Mừng đưa anh Nghiệp từ lớp ra xe buýt sau mỗi buổi tập,.v.v…
         Trong bậc anh chị của lớp, tôi không thể không kể đến anh Trần Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Anh điển hình là một anh “Bộ đội Cụ Hồ”, anh không chỉ là người nghiêm túc trong tập luyện, quyết tâm vượt mọi trở ngại, khó khăn để chiến thắng, đẩy lùi nhiều căn bệnh mãn tính do di chứng của chiến tranh, mà anh còn là một trong những người tích cực nhất, quyết tâm đưa Câu lạc bộ đi vào hoạt động có nề nếp, có kỷ luật, và có quy chế hoạt động rất rõ ràng.
         Trong lớp tôi, những người từ 50 đến trên 60 tuổi được coi là lực lượng thanh niên của lớp. Đây là lực lượng hăng hái, nhiệt tình, họ không chỉ là nòng cốt của lớp mà còn là nòng cốt của cả Câu lạc bộ. Tiêu biểu là cô Huệ, cô Thu, cô Bình, cô Hồng, cô Lệ, cô Hiền, anh Tiến, anh Sơn,.. tất cả mọi người đều tâm huyết, mang hết sức mình xây dựng Câu lạc bộ ngày một phát triển. Ở mỗi cương vị khác nhau, người là giáo viên, người phụ trách trang blog và Bản tin nội bộ, người phụ trách tài chính hậu cần, người lo tổ chức khâu dã ngoại, người chịu trách nhiệm biên soạn tài liệu học tập, người hỗ trợ khám chữa bệnh, người nghiên cứu quẻ dịch, nhiều người chỉ là học viên, nhưng mọi người đều hết lòng vì công việc chung , họ không nề hà khó khăn, vất vả, và luôn luôn lấy hiệu quả công việc của tập thể đặt lên hàng đầu.
         Gia đình lớp tôi được Thầy Chủ nhiệm trực tiếp giảng dạy, chúng tôi noi gương Thầy, coi thiền là bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày, cùng nhau tích cực luyện tâm và luyện thân để sửa đổi tâm tính và tăng trưởng công lực. Chúng tôi đã cùng nhau hỗ trợ chữa bệnh từ xa cho một số người trong lớp bị đau ốm nằm bệnh viện sau những buổi học thiền, hoặc rủ nhau thành một nhóm tới nhà học viên bị bệnh để chữa tổng hợp – Nhóm đã phát công mời Đức Thầy Tổ về chữa cho người bệnh mau khỏi. Nhìn người bệnh hồng hào trở lại, khỏe dần lên, cả nhóm ai cũng nở nụ cười rạng rỡ và thầm cảm ơn Pháp môn của Đức Thầy Tổ Dasira Narada thật diệu kì.
         Gia đình lớp sáng thứ sáu còn nhiều những hoạt động khác nữa, có một thời, thỉnh thoảng chúng tôi lại tổ chức bữa ăn chay tại lớp. Trước là để thắp hương cho Thầy Tổ, sau cả lớp quây quần thụ lộc, không khí vui vẻ, đầm ấm như một đại gia đình. Gần đây, hoạt động này bị chệch choạc, trong tâm tôi vẫn muốn duy trì những bữa cơm chay như trước, không biết các thành viên trong lớp có ủng hộ mong muốn này không?
         Còn một bài học tôi rất tâm đắc, đó là bài học luyện tâm. Thày Thường giảng: ta phải phát sóng tình thương cho người có lỗi, họ nhận được tình thương đó và sẽ biến đổi thành người tốt. Qua pin phát sóng hình thể đã có biết bao gia đình được hạnh phúc trở lại trong tình thương đó. Bản thân tôi cũng thầm cảm ơn bài học ấy. Tôi rất mong đại gia đình lớp thiền sáng thứ sáu sẽ phát huy sức mạnh của bài học này, đưa cả lớp thành một lớp có công lực cao, có tình thương yêu, đùm bọc nhau như một gia đình bền vững, gắn bó đoàn kết mãi mãi.
         Hướng tới kỉ niệm 10 năm thành lập Câu lạc bộ Dưỡng sinh năng lượng, lớp sáng thứ sáu chúng tôi quyết tâm đoàn kết, cùng nhau luyện rèn, nâng cao công lực và tâm tính, vượt qua mọi thử thách để xứng đáng là lớp được hình thành và xây dựng từ những ngày đầu.
Tháng 7/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.