Trang

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Bài chia sẻ của bác Nguyễn Xuân Nguyên

Bác Nguyễn Xuân Nguyên (79 tuổi)
Lớp DSNL 1
If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism.” (Albert Einstein 1879-1955) (Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được nhu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo đó phải là PHẬT GIÁO.)
(Nguồn: cư sĩ Trần Ngọc Hằng – Tạp chí KHUÔNG VIỆT trang 78 số 25, tháng 1-2014)

MƯỜI NĂM THEO THÀY TỔ 
VỚI MỘT NIỀM TIN VÀ SỰ ĐAM MÊ
 “Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe, trí tuệ.” 
(Điều 10 trong 14 điều dạy của Đức Phật)
 I/ MỘT NIỀM TIN
- Người Nhật nói: “Cô hàng cá nào chẳng khen cá mình tươi.
- Người Việt nói: “Bà chớ vội khen con gái bà tốt, đến tháng một (tháng 11) thì bà biết con bà.”

Thực vậy! Với tôi, một người lính, thuở ở tuổi học đường phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Khi không cầm nổi súng trở về hậu phương làm dân thường, ngày ngày lo sinh kế mà có được nửa ngày mỗi tuần đi học Dưỡng sinh quả là hạnh phúc. Tôi tâm niệm lời của nhà văn Pháp Romain Rolland (1866 - 1944) “Biết giới hạn của hạnh phúc và yêu nó chính là hạnh phúc.”


Ngày nay có quá nhiều trường phái Dưỡng sinh mà trường phái nào cũng tự khen mình và đây cũng là khó khăn cho sự lựa chọn, bởi quỹ thời gian và hạnh phúc của mỗi người đều có giới hạn.

Hạnh phúc cho tôi và cũng may mắn vô cùng khi tôi nhận được lời dạy của nhà bác học nổi tiếng của thời đại - nhà bác học Albert Einstein (1879-1955): “Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được nhu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo đó phải là PHẬT GIÁO.”
(Thầy Tổ của chúng ta là tín đồ của Đạo Phật)

Vậy có được Niềm tin có căn cứ khoa học rồi, tôi trì chí, kiên tâm, không thay lòng đổi dạ, nhất tâm thiền theo môn phái của Thầy Tổ. Lại được sự hướng dẫn có hiệu quả của Thày Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phạm Mạnh Thường. Tôi khâm phục và biết ơn Người truyền giáo, vì thày chẳng những đã dậy tôi cái chữ, cái nghĩa của môn học mà quan trọng hơn nữa là dậy tôi cái đạo làm người. Chữ và Nghĩa, Đạo và Đức của thày đang, đã và sẽ đi suốt cuộc đời tôi.

II/ SỰ ĐAM MÊ
Tôi được nghe 3 câu chuyện về sự đam mê của 3 vĩ nhân.

Câu chuyện thứ nhất của Việt Nam “Người đan sọt giữa đường”. Chuyện kể rằng: Khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 2 (1285), lần thứ ba (1288) thì ở làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, có một chàng trai ngồi đan sọt ở giữa đường. Hưng Đạo Vương đi qua, quân tiên phong thét chàng trai ấy đứng dạy, lính lấy giáo đâm vào đùi, người ấy cứ ngồi yên như không có chuyện gì xảy ra. Hưng Đạo Vương thấy vậy liền hỏi: “Đùi nhà ngươi bị đâm như thế, sao không biết đau mà cứ ngồi như vậy?” Chàng trai thưa rằng: “Tôi đang mải nghĩ mấy câu trong “Binh thư yếu lược” nên không nghe thấy gì cả.”

Chàng trai đam mê yêu nước ấy là Phạm Ngũ Lão. Với Phạm Ngũ Lão, văn võ toàn tài, con đường công danh, chí trai không phải là con đường khoa bảng nơi trường ốc mà là “Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo” (Chinh phụ ngâm câu 36). Lúc đầu là môn khách nhà Trần, sau là tướng của Hưng Đạo Vương. Chàng trai nông dân đan sọt đã lọt vào cặp mắt xanh của quận chúa Anh Nguyên (con gái của Hưng Đạo Vương) nhưng do luật lệ thứ dân không được kết tóc xe tơ với Hoàng tộc nên Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương đã hạ bậc quận chúa từ con đẻ xuống con nuôi để tác thành cho đôi trai tài gái sắc này.

Câu chuyện thứ hai ở nước Nga. Một lời khen đã hiến cho nhân loại một đại văn hào.
Tuốc Ghê Nhép là nhà văn lớn của nước Nga. Một lần ghé thăm một nữ bá tước. Tình cờ ông thấy một tờ giấy rơi trên nền nhà liền nhặt lên và đọc rồi hỏi nữ bá tước về tờ giấy này. Nữ bá tước kể rằng cháu trai của mình viết và vất đi. “Vậy nó đâu rồi?” Tuốc Ghê Nhép hỏi, “Nó đi kiếm việc làm rồi,” Nữ bá tước nói, “Việc làm đây rồi,” Tuốc Ghê Nhép nói. Được lời khen của một nhân vật nổi tiếng, nữ bá tước liền cho tìm cháu trai của mình về và kể đầu đuôi câu chuyện. Như vớ được vàng, chàng quý tộc lấy lại được phong độ đam mê và hăng hái viết. Cứ mỗi trang chàng đều viết đi sửa lại tới 105 lần. Nhờ vậy mà nước Nga có được một đại văn hào với một cuốn tiểu thuyết đồ sộ “Chiến tranh và hòa bình” cùng nhiều bộ tiểu thuyết khác của Lép Tônxtôi.

Câu chuyện thứ 3 ở Trung Hoa - nhà Đường. Có một cậu học trò không được thông minh dĩnh ngộ như các bạn cùng trang lứa. Cậu ta rất buồn, nhân lúc thày giáo vắng nhà, cậu ta thẫn thờ ra bờ sông chơi gặp một bà lão đang cắm cúi mài một cục sắt khá to. Tò mò, cậu dừng lại hỏi cụ: “Bà ơi, bà làm gì đấy?” “Bà mài kim cháu ạ,” Bà cụ trả lời. Một bà lão gần đất xa trời mà lại nhẫn nại làm một việc kỳ cục như vậy. Cậu lại hỏi: “Thế bao giờ thì bà có kim để dùng?” “Sắp được rồi bé ạ.” Biết được tâm sự của cậu trò này, cụ chỉ tay sang bên kia sông: “Cháu có nhìn thấy hòn đá to, nhẵn thín kia không? Nước chảy đá mòn đấy cháu ạ.” Cậu bé ra về và từ ấy cứ miệt mài đèn sách cũng như thế, về sau này thế giới có một nhà thơ Đường vĩ đại - Lý Bạch.

Về phần mình, mười năm trước đây, ở tuổi 69 tôi đến Câu lạc bộ Bùi Xương Trạch xin theo học. Lúc ấy lớp học mới mở được một tuần. Việc nhận học viên còn khắt khe, nhưng khi tôi được vào lớp rồi, tôi được Thày chủ nhiệm trực tiếp mở luân xa. Tôi cứ tập suốt cả một năm trời, không thấy tiến bộ gì. Một hôm thày Phạm Mạnh Thường hỏi tôi: “Bác đã thấy khí vào chưa?” Tôi thành thực trả lời: “Chưa thấy gì ạ.” Thầy bảo tôi: “Từ nay bác sẽ có.” Nói rồi Thày truyền công lực cho tôi, và tôi đã có năng lượng.

Mười năm luyện tập, tôi bị ốm hai lần, có lần phải đi quân y viện 5 tuần lễ. Được Thày trực tiếp đến nhà mở lại luân xa. Các bạn đồng môn cũng giúp tôi rất nhiều. Tôi xin chân thành biết ơn Thày. Xin được cảm ơn các bạn đồng môn.

Đây là thu hoạch của tôi. Mười năm qua tuy có những thăng trầm nhưng tôi ý thức được rằng: “Phải có niềm tin và sự đam mê.” 
Hà Nội, tháng 7/2014
* Xem clip phát biểu của bác Nguyễn Xuân Nguyên trong Lễ Kỷ niệm 10 năm ngày thành lập CLB DSNL TẠI ĐÂY. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.