Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Đoán bệnh qua các dấu hiệu cơ thể

Thu đọc được bài hay trên trang doisong.vnexpress.net, xin được chia sẻ cùng mọi người. 

Đốm trắng hay đường lằn ở móng tay cho thấy bạn ăn không đủ kẽm. Cơ bắp chân mềm nhẽo chứng tỏ bạn thiếu magie...


Lan Lan (theo Positivemed.com)
(Bài đăng trên doisong.vnexpress.net)

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

KỂ MỘT CHÚT VỀ MÌNH (tiếp)

(Viết nhân dịp tưởng niệm Thầy Tổ)
THIỀN - TẬP TRUNG THU NĂNG LƯỢNG CHỮA BỆNH
(Tiếp theo)
Thời gian tiếp theo là chuỗi ngày đau đớn của mình. Từ bé cho đến lúc đó chưa bao giờ mình phải nằm một chỗ lâu đến thế cả. Chỉ có nằm mà thôi. Không làm gì được. Đi đau, cúi đau, ngồi đau, làm gì cũng đau. Cột sống bị tổn thương. Mình đã nghĩ rằng sẽ bị tàn phế suốt đời mất rồi. Thực sự có một chút bi quan.
 Ai đến thăm cũng bảo phải đi chụp chiếu xem thế nào, mười người đến thì cả mười người khuyên, mẹ thì bực: “mất gì mà không đi khám xem sao”. Có anh thì bảo: “em không có tiền thì anh cho”… mà không hiểu sao mình cứ khăng khăng không cần khám (thực ra cũng đã tự “hỏi LẮC” rồi). Nhưng mà vì ai cũng giục, thành ra mình sốt ruột quá đành phải gọi điện cho thầy CN, chỉ với một mục đích duy nhất là nhờ thầy “hỏi” xem cột sống của mình có sao không? có phải đi viện không? Nghe tin, thầy CN và thầy phó CN CLB đến thăm ngay, phát công chữa bệnh ngay, thật là cảm động. “Khám” xong, thầy bảo là không cần chiếu chụp gì đâu, rồi tự khắc khỏi, mỗi tối từ 8h đến 9h thầy sẽ phát công chữa bệnh từ xa cho HV. Thế là từ hôm đó là những ngày thiền thật tích cực, hằng mong năng lượng từ thầy đến mình không bị rơi bớt ở đâu đó.
Còn nhớ có một tối mọi người đến chơi thăm, gặp đúng lúc giờ HV thiền, mọi người phải chờ ở ngoài. Đến lúc mình thiền xong, lưng mình – chỗ bị tổn thương – nóng rực, vội khoe với mọi người ngay, mời mọi người đặt tay vào lưng mình để cảm nhận cái nóng rực đó, và ai cũng ngạc nhiên. Nếu không chứng kiến “tận tay” chắc không ai tin được là thu năng lượng từ xa mà lại được kết quả như vậy.
Người thì giới thiệu bác sỹ đến bấm huyệt cho, người thì đến hơ ngải cứu cho, người thì cho thẻ đi vật lý trị liệu cột sống… nhưng có mỗi một việc là đi scan, chiếu chụp gì gì đó thì không hiểu sao mình cứ lần lữa.
Cho đến một lần, sau khi đã đỡ đau, tự đi bộ được, mình mò đến trung tâm chẩn đoán hình ảnh để chụp cộng hưởng từ xem cột sống thế nào. Vì thực tế lưng vẫn còn đau, mặc dù đã đỡ nhiều lắm. Bác sỹ khám xong, hỏi han một hồi lâu, rồi cuối cùng hỏi: “chị mang theo bao nhiêu tiền?”,  “Dạ khoảng 700 ngàn”. “Chị nên đến bệnh viện nơi khám bảo hiểm xin giấy giới thiệu đến đây thì chị sẽ được giảm nửa tiền. Mà rồi hôm nào chị qua đây chụp cũng được chứ không phải chụp gấp đâu… Chị qua bên phòng tiếp đón hỏi cụ thể xem thủ tục thế nào nhé”.
Khi qua đó HV mới được biết tiền chụp CHT chừng khoảng 2 triệu hay sao đó, cũng không nhớ chính xác nữa. Lại lần lữa, lần lữa và rồi lại … thôi, không chụp chiếu gì hết. Tiếp tục bấm huyệt, chườm ngải cứu với muối rang và chính là THIỀN.
Hôm bị tai nạn HV nhớ là vào khoảng mùng 3 tháng 7 (ÂL). Sau đó chừng vài ngày thì có một cháu đến thông báo với chồng HV rằng có Thầy (ở Đền Trần) thông báo rằng, tháng 7 (ÂL) vợ chồng nhà mình cẩn thận không thì tai nạn cả vợ lẫn chồng. Mẹ của cháu điện lên nhờ cháu báo cho vợ chồng nhà mình từ mùng 1/7 , nhưng cháu đã quên mất nên chưa thông báo ngay.
Đúng là chẳng tránh được, cái gì đến nó khắc đến.
Sau chừng 4 tháng HV đã có thể tập Aerobic lại được.
Để rút lại bài học cho bản thân và cũng như một chút kinh nghiệm giới thiệu cho đồng môn, rằng sở dĩ mình chóng lành bệnh được là do HV đã thiền không ngơi nghỉ, thiền đúng bài và biết thu năng lượng tập trung vào chỗ đau để vận dụng được “cơ chế tập trung” của cơ thể. Bên cạnh đó có dùng quẻ dịch CÂN, vừa dán vừa để dưới lưng để nằm, thêm nữa, hầu như quẻ TRỪ TÀ KHÍ được dán suốt trên lưng.
Vài dòng tâm sự để cả nhà chia sẻ với HV.

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

KỂ MỘT CHÚT VỀ MÌNH

(Viết nhân dịp tưởng niệm Thầy Tổ)
THIỀN NẰM
Ngày này năm ngoái, đúng lễ tưởng niệm Thầy Tổ DASIRA NARADA đây.
Hát múa tưng bừng đây.
Liên hoan, cười nói nhộn nhịp đây.
Dịp đó cứ tưởng rằng mình không thể tham gia hát hò được, thế mà vẫn kịp đi tập hát múa, vẫn dàn dựng chương trình để biểu diễn được. Kể từ lúc “nằm chỗ” đến lúc lên sân khấu hát hò chỉ vẻn vẹn có 2 tháng mà thôi. Nhớ lại vẫn thấy điều kỳ diệu đã đến với HV.
…Thấm thoắt đã hơn một năm trôi qua kể từ khi HV bị tai nạn, nhanh thật. Câu chuyện cũ bỗng dưng ùa về.
Đó là vào dịp tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn), tức là vào khoảng tháng 8/2013 dương lịch (trước khi tổ chức lễ tưởng niệm Thầy Tổ gần 2 tháng). Hôm đó hai vợ chồng HV đi thăm cháu nội, trên đường về, mặc dù trời đã tối khuya rồi nhưng đường Minh Khai – Hà Nội  vẫn đông nghịt người. Ngồi đằng sau lưng chồng, theo thói quen miệng không ngừng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, mắt nhìn đường phía trước thì bỗng thấy 2 thanh niên, đầu không đội mũ bảo hiểm phóng xe máy rất nhanh, đi ngược chiều, vòng lấn đường để vượt, và chỉ trong nháy mắt HV đã thấy mình bị hất tung lên cao, rơi xuống đất quay một góc 180 độ và ngồi vặn người trên mặt đường ngay cạnh xe máy mình. Thấy chồng không sao, vẫn đứng và nói gì gì đó, ổn rồi. HV thấy cách chỗ mình ngã khoảng vài chục mét là xe máy của 2 thanh niên kia đổ kềnh càng, các mảnh xe tung ra, rơi vãi, 2 người nằm bất động, và lúc đó trong đầu mình thoáng có ý nghĩ là có người chết rồi. Sợ quá, nhưng nỗi sợ không át được cái đau ở vùng lưng của mình. Đau kinh khủng. Đây là lần thứ hai trong đời HV phải rên lên vì đau, lần thứ nhất là khi đau đẻ (chắc các bác phụ nữ thông cảm với HV đây), và đây là lần thứ hai. Đau chảy nước mắt, đau vặn vẹo, không thể thẳng người lên được. Được các chị, các bà là người dân ở bên đường đưa vào ngồi ở vỉa hè, ai đó đưa cho mình chiếc ghế nhựa mà HV ngồi không nổi, đau quá. Lúc đó HV đã xin họ cho mình được nằm xuống, nằm chỗ nào cũng được, thế là những người quá tốt bụng đó đã cho HV vào nằm nhờ ngay sàn nhà của một cửa hàng vừa dọn xong. Áo chống nắng mang theo được trải ra làm chiếu, mình nằm xuống đó và bắt đầu thiền.
Từ lúc phát công trở đi, HV không còn đau một tí nào nữa. Cứ nằm im, cứ thiền, cứ khấn Thầy Tổ về chữa cho khỏi đau.
Lúc đó ở ngoài đường, chồng đang làm việc với công an, đưa người bị nạn đi cấp cứu. Một chốc thấy tiếng ai đó hốt hoảng hỏi chồng khi họ thấy mình nằm bất động, thiêm thiếp, chắc họ tưởng mình cũng cần phải đi cấp cứu, và mình nghe tiếng chồng: “Vợ tôi đang thiền đấy, kệ bà ấy, không sao đâu!”
Thỉnh thoảng lại có người vào hỏi thăm xem mình có bị sao không? họ sợ mình bị ngất đi hay sao ấy. Cậu thanh niên gây tai nạn cũng vào xin lỗi, tay ôm vai đau, về sau mình biết là cả 2 người thì gẫy tay, người gẫy xương bả vai, cả 2 đang say rượu, trên xe vẫn còn rượu và gói “mồi” mang về nhà để nhậu tiếp. Họ là những người thợ tự do, nghèo, và kết cục là họ “xin” và vợ chồng mình “cho” qua.
(Còn tiếp)

LỄ NGÀY GIỖ THẦY TỔ

Nguyễn Văn Ngọ
Lớp DSNL14
Hôm nay là ngày giỗ Thầy,
Chúng con cúi lạy, bàn đầy hương hoa.
Thầy như là mẹ là cha,
Giúp con tu luyện vượt qua nghiệp đời.
Chúng con ơn lắm Thầy ơi,
Tu thiền Thầy dạy, cuộc đời đổi thay.
Chúng con tu luyện thường ngày,
Thu nhiều năng lượng nhờ Thầy trợ duyên.
Trước bàn thờ Tổ linh thiêng,
Chúng con xin nguyện tu thiền dài lâu.
Lễ Thầy Tổ, ngày giỗ Thầy 24-10-2014

TÂM - TƯỚNG

Chúng ta là con của Phật, hàng ngày tu tập và nhớ lấy một câu: “Một đời làm thiện vẫn còn thấy thiếu, một ngày làm ác lại quá dư” thì ngay lúc đó, chúng ta tự cảnh tỉnh mình và sợ liền. Mà thiện pháp là gì? Thiện pháp ở đây tức là mười thiện nghiệp, có nghĩa là hằng lìa sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, hai lưỡi, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân hận và tà kiến. Thiện pháp là thân của trời và người. Thanh Văn Bồ đề, Độc giác Bồ đề, Vô thượng Bồ đề đều y pháp này làm căn bản mà được thành tựu, do vậy gọi là thiện pháp. Cho nên tạo phước rất quan trọng vì phước trợ duyên cho quả cứu kính, nếu có ai nói không cần làm phước mà chỉ tập trung vào tu thôi thì coi như người đó chỉ chấp một bên. Thực hiện được như thế là chúng ta đã gieo được hạt giống thiện pháp và được giải thoát ngay trong giờ phút đó. Phật chỉ đề ra con đường và hướng dẫn ta đi thôi mà không thể giúp chúng ta giải thoát được, tất cả chủ yếu là do chúng ta phải tự nỗ lực tu tập.

Thân của Phật có ba thân là pháp thân, báo thân và hóa thân, còn thân của mình là thân tổng báo, có nghĩa là trong thời quá khứ, chúng ta đã từng có lúc làm thiện, có lúc làm ác. Làm thiện thì khi quả thiện chín muồi, chúng ta được hưởng, làm ăn tốt, gia đình hạnh phúc thuận hòa, còn ngược lại khi quả ác chín muồi thì làm ăn thua lỗ, bệnh tật hoành hành làm mình hoảng hốt, lúc đó lại đi coi bói mà không hiểu về luật nhân quả. Ví như có một người ăn xin đến ngân hàng vay một trăm triệu thì không ai giải quyết cho họ cả, vì họ không có nhà cửa, tài sản để thế chấp. Còn ngược lại, một ông tổng giám đốc đạo mạo đang làm ăn tốt, đến ngân hàng vay mười tỷ thì có thể được giải quyết vì ông này có nhà cửa, có công ty, có tài sản đảm bảo. Chúng ta phải thấy được rằng, tại sao có người xin được mà có người xin không được, nếu cứ ai đi xin cũng được thì đất nước mình đã giàu có rồi, không cần phải đi làm cho cực khổ. Cho nên trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
Người ngu tưởng là ngọt,
Khi ác chưa chín muồi.
Ác nghiệp chín muồi rồi,
Người ngu thấy khổ đau.
Người thiện tưởng là khổ,
Khi thiện chưa chín muồi.
Nghiệp thiện chín muồi rồi,
Người thiện thấy an vui.

Rồi trong Kinh Thập Thiện, Phật dạy tiếp: “Ngươi xem các vị Đại Bồ Tát đây, diệu sắc trang nghiêm, tất cả đều do tu tập phúc đức thiện nghiệp mà sanh ra”. Các vị Bồ Tát được thân tướng hảo trang nghiêm đều nhờ phúc đức thiện nghiệp mà sanh ra, đó gọi là tâm sinh ra tướng. Chúng ta biết, thuật tướng số là có chứ không phải không, nhưng trong luật ngũ hành thì nó lại biến dịch, không đứng một chỗ nên con người có thể tu tập để chuyển được nghiệp của mình.

Vào đời nhà Tống, có một người đến gặp thầy tướng số để xem thì ông thầy tướng số nói: “Số của ông là số khổ, số ăn mày nên dù bây giờ ông có làm gì đi chăng nữa cũng vậy thôi, sau này khi chết còn bị chết đói nữa”. Ông này hỏi tại sao, coi thấy gì mà nói như vậy thì ông thầy tướng nói rằng: “Ông có hai đường pháp lệnh chạy thẳng vào trong miệng, gọi là Lưỡng đao nhập khẩu, có nghĩa là hai con đao chui vào miệng nên số ông là như vậy”. Nghe xong ông rất buồn nên về bán hết tài sản rồi cho hết vợ con họ hàng, sau đó bỏ nhà ra đi. Một hôm qua một ngôi làng này, khi vào nhà vệ sinh chung của làng đó thì ông thấy một cái bọc đen, bên trong toàn là vàng thỏi, đếm đi đếm lại được 52 thỏi. Ông nghĩ dù sao đây cũng là tiền của người ta, dù mình có lấy thì mai đây cũng nghèo, cũng khổ rồi chết đói nên thôi bây giờ có ai đến nhận thì mình trả. Quả nhiên một lúc sau có một có gái hớt hơ hớt hải chạy đến nói rằng: “Bố tôi bị bắt oan trên huyện, chạy vạy bao nhiêu mới đủ tiền để đi minh oan cho bố. Thế mà tôi lại đãng trí làm mất. Bây giờ không có tiền thì bố tôi sẽ bị xử chết và tôi cũng sẽ chết theo ông luôn”. Ông hỏi cụ thể thì biết những thỏi vàng đó là của cô nên trả lại. Cô gái mừng quá biếu ông hai thỏi nhưng ông nhất định không lấy và nói: “Nếu tôi tham thì đã lấy hết chứ lấy hai thỏi của cô làm gì, thôi đi lo cho bố cô đi không lại hỏng việc. Còn số tôi là số ăn mày nên dù có nhặt được vàng cũng vậy mà thôi”. Sau đó cô gái cảm ơn ông rồi hai người mỗi người đi một ngả. Đi miết ông thấy mệt và đói nên ngồi nghỉ dưới gốc cây, tình cờ thấy một đàn chuột chạy vô hang. Ông tìm cây đào cái hang lên tính bắt chuột để ăn thì tình cờ đào thấy 18 hũ vàng của người xưa chôn. Sau đó ông dùng số vàng đó để mua lại ruộng vườn, nhà cửa, đất đai và trở thành một phú gia giàu có nhất trong vùng.
Và cũng bắt đầu từ đó, ông rất ghét hai hạng người là Sa môn và những ông thầy tướng số.
Một hôm trên đường đi du ngoạn thì ông gặp một vị thiền sư nổi tiếng là Tế Công Hòa thượng. Sau khi kể hết ngọn ngành câu chuyện từ trước đến giờ thì Tế Công Hòa thượng khai thị cho ông: “Đúng ra số ông là số ăn mày rồi chết đói, nhưng nhờ nhặt được túi vàng trả lại cho cô gái và cứu được mạng sống của hai bố con họ nên bây giờ pháp lệnh của ông lại trở thành “lưỡng long tranh châu”, nếu không tin thì về tự kiểm tra, trong lưỡi của ông có một nốt ruồi son tương đối lớn”. Đến lúc này thì ông mới tỉnh ngộ, vì nhặt được vàng mà không tham trả lại để cứu người nên sanh ra phúc đức thiện nghiệp như vậy.

Cho nên mặc dù người nào tướng xấu cách mấy mà sau một thời gian tu tập tốt thì tướng sẽ chuyển, và ngược lại người nào dù có tướng tốt nhưng tâm ác, tâm bất thiện thì sau một thời gian tướng tốt đó sẽ mất luôn. Cho nên muốn có được 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, bắt buộc chúng ta phải tu tập chứ không thể cầu xin mà được.

(Đại Đức Thích Đạt Ma Khế Định – chủ trì thiền viện Chánh Thiện thuyết giảng)
Hoàng Vân sưu tầm và trích đăng.

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

ÚT ÍT

Xem bộ ảnh TẠI ĐÂY.

Lớp DSNL 16 là lớp út ít của CLB.
Sinh hoạt với nhau thấm thoắt đã được gần 8 tháng.
Ngày học: chiều thứ bảy hàng tuần tại 84 BXT.
Giáo viên phụ trách: Hoàng Vân.
Lớp trưởng: anh Dương.
Lớp phó: anh Vinh và chị Bính.
Học viên của lớp giờ đây là 43 và sẽ còn hơn nữa vì vẫn tiếp nhận thêm học viên, những người ham thiền và rất muốn đến với thiền, sẵn sàng đến lớp để được thiền và sinh hoạt cùng với lớp.
Hôm nay 25/10, sau giờ học và thiền như thường lệ, lớp 16 đã tổ chức liên hoan rất tưng bừng với 2 lý do: tưởng niệm Thầy Tổ... muộn, và chúc mừng chị em phụ nữ nhân ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ VN... muộn. Muộn cũng chẳng sao, cả lớp vui cùng nhau, hát cùng nhau, cùng nghe các bác đọc thơ... cùng cười, cùng nói, cùng đón thợ ảnh tuyệt vời: thầy Chủ nhiệm. 
Thời gian tuy chưa nhiều nhưng sự gắn kết của các học viên thật đáng ghi nhận. Cán bộ lớp luôn lo lắng và rất trách nhiệm với các công việc của lớp. Sắp tới đây sẽ là những buổi thiền dã ngoại, là dịp lớp hòa quện với nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn. 
Hy vọng lớp 16 sẽ là một lớp có thành tích tu thiền thật tốt và sẽ có những tiết mục ca nhạc rất hay, sẽ có những bài thơ rất hay trên trang blog của CLB. 
Cả nhà chờ chút nghe.
(Tin và ảnh: chị Nguyễn Hoàng Vân)

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

BÀI THƠ CHƯA ĐĂNG

MƯỜI NĂM CLB DSNL
BẠCH LIÊN
Lớp DSNL1
Mười năm lựa chọn một con đường
"Rũ sạch bụi trần" chẳng vấn vương
Lối ấy luyện tu "Chân Thiện Nhẫn"
Xây Câu Lạc Bộ đậm tình thương.

Dâu bể trần ai mấy dặm trường
Tĩnh tâm vô thức nhẹ hơi sương
Thiền định cho ta tâm trí sáng
Mười năm phác hoạ một chặng đường.

Nhớ về lịch sử thuở ban đầu
Một nhóm về hưu đã gặp nhau
Trăn trở nghĩ suy cùng chữa bệnh
Chỉ bằng cây lá tính dài lâu.

Thời gian thấm thoắt đã trôi mau
Kiến thức trau dồi hỗ trợ nhau
Kết hợp đông Y cùng Nhật (1), Đức (2)
Nhiều người khỏi bệnh truyền tai nhau.

Người đông, trên cho tách hai nơi
Bruno II đã ra đời
Quyết định tháng tám hai lẻ bốn
Mốc son dấu ấn mãi còn tươi.

Nghiên cứu chữa bệnh chẳng nghỉ ngơi
Dưỡng sinh năng lượng ích cho đời
Thiền Lửa Tam Muội liền tiếp cận
Rồi đem nhân rộng khắp nơi nơi.

Ngồi thiền khỏi bệnh tiếng đồn xa
Như có phép tiên cứu độ ta
Khổ luyện tâm thân tu giải nghiệp
Đời vui trẻ lại - cây trổ hoa.

Hội viên già trẻ khắp gần xa
Đau ốm khỏi bệnh vui mọi nhà
Sỹ số tăng nhanh thêm lớp mới
Địa bàn hoạt động mở thêm ra.

Bệnh kia như cây sống trong người
Thuốc chữa là dao chặt ngọn tươi
Thiền định mới đào sâu tận gốc
Tâm thân hồi phục nụ cười tươi

Tiến sỹ Đ\DASIRA thật tuyệt vời
Chúng con kính cẩn tạ ơn Người
Sáng lập đường tu rời bể khổ
Ghi ơn THẦY TỔ đến muôn đời.

Đến Câu Lạc Bộ nhờ chữ duyên
Cuộc đời sóng gió sẽ bình yên
Cầu nối THẦY CÔ tâm toả sáng
Bao năm tận tuỵ với môn thiền.

Nỗ lực mười năm đã lớn lên
Dưỡng sinh Năng Lượng được mang tên
Đánh dấu chặng đường đang phát triển
Đưa niềm vui đến khắp mọi miền.

Gặp gỡ thương nhau thỏa ước mong
Nắm tay xây đắp hãy chung lòng
Câu Lạc Bộ ta thêm lớn mạnh
Lửa thiêng giữ mãi rực ánh hồng.
Hà Nội 6-3-2014 
GHI CHÚ: 
(1): Phương pháp nắn chỉnh xương hông, cột sống…để chữa bệnh của người Nhật 
(2): Phương pháp chữa bệnh bằng "Lực của Thượng Đế" do ông Bruno Groening người Đức sáng lập.

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Thơ bác Ngọ

Nguyễn Văn Ngọ
Lớp DSNL14
TẠM BIỆT CÔ GIÁO

Cô Bình chủ nhiệm lớp mình,
Đã qua bảy tháng đầy tình yêu thương.
Bảy tháng trên một chặng đường,
Cùng nhau tu tập luyện thiền dưỡng sinh.
Nay vì hoàn cảnh gia đình,
Cô phải tạm biệt lớp mình ít lâu.
Bao nhiêu nghĩa nặng, tình sâu,
Những ngày dã ngoại, những câu tâm tình.
Hôm nay toàn thể lớp mình,
Chúc Cô thu xếp gia đình xong xuôi,
Luôn luôn khỏe mạnh tươi vui,
Sớm trở lại lớp để ngồi thiền chung.
Hà Nội, 18-10-2010

CHÚC MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20-10

Mừng ngày hai mươi tháng 10,
Chúc Bà, chúc chị vui tươi dạt dào,
Phụ nữ Việt Nam tự hào,
Ngàn năm rạng rỡ biết bao anh hùng.
Xin tặng ngàn đóa hoa hồng,
Cùng nhiều tình cảm nặn nồng yêu thương.
Hà Nội, 18-10-2014

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Xoa bóp bàn chân

Nhiều bác bên CLB hay tự mát xa gan bàn chân. Nhân đọc bài "Lợi ích của xoa bóp bàn chân", xin chia sẻ cùng cả nhà.

Bàn chân có mối liên quan mật thiết tới lục phủ ngũ tạng, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Thí dụ: Mu ngón chân út có liên quan đến bàng quang, mu ngón chân thứ hai có liên quan đến dạ dày, ngón thứ tư có liên quan đến gan, ngón chân cái có liên quan đến gan, tì, lòng bàn chân có liên quan đến thận...

 Ảnh: Internet
Xoa bóp hai bàn chân không những thúc đẩy máu cục bộ lưu thông, cải thiện việc trao đổi chất dinh dưỡng, làm cho cơ, xương, khớp mềm mại, dẻo dai, mà còn làm thông kinh hoạt lạc, tăng cường sức đề kháng và chống các bệnh tật của toàn thân. Khi day hoặc bấm các huyệt vi ở bàn chân còn có tác dụng chữa được bệnh, phòng bệnh, kéo dài tuổi xuân và tăng thêm tuổi thọ...

Sau đây là kỹ thuật xoa bóp bàn chân giúp bạn đọc tham khảo, áp dụng:

Xoa bóp gan bàn chân

Tư thế ngồi, chân trái đặt lên trên đầu gối chân phải, tay trái giữ bàn chân, tay phải áp sát vào gan bàn chân xoa và xát theo chiều dọc bàn chân 20 lần, làm từ nhẹ đến mạnh, từ chậm đến nhanh. Bàn chân sẽ nóng dần lên là tốt.

Sau đó dùng hai ngón tay cái và trỏ bóp nhẹ các ngón chân, bóp dần xuống đến gót khoảng 5 phút. Dùng ngón tay trỏ day ấn vào huyệt dũng tuyền (giữa gan bàn chân). Sau đó để đầu ngón tay cái vuông góc với gan bàn chân, ấn vào thấy tức là được, day nhẹ nhàng huyệt theo chiều kim đồng hồ. Huyệt này có tác dụng hạ huyết áp, bổ thận, chữa đau lưng mỏi gối.

Đổi bàn chân, trình tự làm như trên.
(Nguồn: Hoa Bien)

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Kết quả sau 1 năm tu tập tại CLB DSNL

                                                               Trần Kim Thành
Lớp DSNL 13
                                                       
 
                                  (Bác Trần Kim Thành đứng thứ 2 từ trái sang)

Tôi có cơ duyên theo học lớp DSNL là nhờ chị Nga lớp DSNL sáng thứ 5 - Trần Duy Hưng giới thiệu và giúp đỡ.

Trước lúc tôi đến với thiền cơ thể của tôi rất yếu, trong mình mang nhiều bệnh tật. Tháng 6-7/2013 tôi đã điều trị tại bệnh viện Giao thông Vận tải để trị các bệnh: thoái hóa đa khớp, rối loạn tuần hoàn não, huyết áp thấp, mỡ máu, đại tràng, dạ dày, trĩ, viêm gan B... nhưng chưa khỏi.

Đến giữa tháng 8/2013 lớp chiều thứ 5 - Trần Duy Hưng khai giảng, tôi theo học được 2 buổi thì các khớp chân, tay sưng to, đốt sống cổ và lưng bị thoái hóa thường xuyên phải đắp thuốc nên đi lại rất khó khăn, còn đầu tôi lúc nào cũng cảm tưởng như có vật gì rất nặng đè lên. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ hay mình bị u não. Từ đó tôi rất bi quan và chán nản. Tôi quyết định nghỉ học và xin vào viện Y học cổ truyển Quân đội để điều trị bằng phương pháp đông y. Sau 5 tuần điều trị nội trú bằng các phương pháp châm cứu, bấm huyệt, uống thuốc sắc, thuốc viên, xông hơi bằng thuốc bắc vào những chỗ đau trên cơ thể của mình. Tôi thấy bệnh tình đã thuyên giảm nên xin ra viện.

Trong thời gian điều trị tại bệnh viện tôi thường xuyên cập nhật bài vở ở lớp và cố gắng sắp xếp mỗi ngày thiền 1 hoặc 2 bài. Trở về nhà, tôi lại tiếp tục xin học trở lại. Đến lớp tôi được thầy, cô chủ nhiệm tận tình giúp đỡ khai mở luân xa và truyền thêm năng lượng. Hằng ngày tôi chăm chỉ luyện tập thiền, tu tâm, tu tính và làm tốt các công việc nội trợ trong gia đình, đồng thời kết hợp tập Yoga và bơi mỗi tuần khoảng 5 buổi. Duy trì uống thuốc theo đơn của bác sĩ đều đặn.

Kết quả sau 5 tháng tu tập và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ tôi thấy trong người khỏe ra, tinh thần minh mẫn, tâm trí thanh thản, an lành, đi lại nhanh nhẹn. Từ đó tôi càng có niềm tin mãnh liệt vào môn phái: dùng năng lượng sinh học để chữa bệnh.

Một điều làm tôi bất ngờ nữa là: sau đợt dã ngoại tại Suối Hai, các cô giáo đã đo độ mở luân xa của tôi đạt được lớn hơn 80%. Tôi thường xuyên theo dõi bệnh tật của mình để áp dụng với những bài đã học được như:
  - Trước đây huyết áp của tôi 90/60 tôi vận dụng bài "Dịch Cân Kinh Trợ Luân" vào buổi sáng và các bài thiền khác. Hiện nay huyết áp của tôi đã đạt được mỹ mãn là: 120/80.
  - Bệnh thoái hóa đa khớp, tôi thường xuyên thu năng lượng vào luân xa 6 và 7 rồi úp hai tay lên đầu gối. Sau khi xả thiền xong năng lượng ở hai lòng bàn tay còn nhiều tôi xoa hai đầu gối và xoa hai gót chân bị gai gót.
 - Bài thiền "Rũ Sạch Bụi Trần" trước đây tôi không thiền nổi vì khi nhắm mắt hai tay bịt tai ôm lấy chẩm được khoảng 10 phút thì toàn thân run lên cả tay và chân mỏi rụng rời nên đành phải bỏ tay xuống. Tôi không nản, không bỏ cuộc, trái lại càng chăm chỉ tập luyện thường xuyên liên tục trong vòng gần 2 tháng. Đến nay tôi đã hoàn thành bài thiền "Rũ Sạch Bụi Trần" rất tốt và cảm thấy thoải mái sau mỗi lần phiền.

Sau 1 năm tham gia CLB DSNL bản thân tôi đã thu được những thành tích đáng kể: cơ thể khỏe mạnh hồng hào, các bệnh tật kể trên đã dần khắc phục được rõ rệt. Tâm trở nên sáng hơn, đằm thắm hơn và được mọi người yêu mến nhiều hơn.

Đạt được kết quả tốt đẹp đó là nhờ công lao của các thầy cô trong ban chủ nhiệm, nhất là cô Hồng phụ trách lớp và tập thể cán bộ lớp trẻ trung năng động, nhiệt tình đầy trách nhiệm. Gia đình anh chị Chiến - Hương đã không tiếc công, của để làm nên những thành tích của các lớp ở Trần Duy Hưng.

Tôi nguyện đi theo môn phái của Đức Thầy Tổ Dasira Narada tu luyện tâm trong sáng và cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai để làm những việc có ích cho đời.
Hà Nội, ngày 15/7/2014

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

LỚP HỌC VƯỢT KHÓ

(Kính tặng tất cả học viên của lớp Esperanto
và những ai yêu mến đã, đang và sẽ học Quốc Tế Ngữ)

BẠCH LIÊN
(Học viên lớp DSNL 1)

Tới Câu Lạc bộ Dưỡng Sinh
Ghé chiều chủ nhật lớp mình chung vui
Cơ duyên hay số phận xui
Học QuốcTế Ngữ mọi người quyết tâm.

Học thiền tu luyện thân tâm
Học Quốc Tế Ngữ đá ngầm vượt qua
Cũng là ta vượt chính ta
Như thiền “vượt khó” giúp ta khoẻ người.

Vượt khó nhưng vẫn vui cười
Luyện rèn trí nhớ người người tham gia
Lớp học ít trẻ nhiều già
Ít nam nhiều nữ vậy mà rất vui.

Ban đầu lớp sáu chục người
Thời gian mai mốt, ba mươi nay còn.
Mặc cho nước cạn đá mòn
Tinh thần ham học vẫn còn hăng say.

Khó khăn vất vả tháng ngày
Tuổi cao sức yếu vẫn say học bài
Như thuở lớp một lớp hai
Tay run có lúc viết sai, đọc nhầm.

Nhiều học viên tóc hoa râm
Mắt đeo kính lão lâm râm ôn bài
Trẻ già cùng đếm một hai
Phát âm, tập viết, nói sai cùng cười...

Tinh thần vượt khó tuyệt vời
Cảm thông chia sẻ những lời động viên
Học Quốc Tế Ngữ, học thiền
Tâm thân an lạc trí thêm sáng ngời.

Gắng lên cả lớp mình ơi
Chí cao “khổ nạn” ta thời vựợt qua
Hy vọng một ngày không xa
Nghe nói lưu loát, hát ca tưng bừng.

Trí nhớ khôi phục không ngừng
Kiến thức mở rộng ta cùng chúc nhau
An vui mạnh khoẻ sống lâu
Giao lưu cùng hội ta đâu quản gì.

Hà Nội 15-10-2014

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Thiền

  Đặng Thanh Chúc
Lớp DSNL 13
  Gió đưa hương bình minh gõ cửa
  Ta thiền cùng hai nửa Tiên Thiên
  Đêm cài môi nụ rất hiền 
  Hồn nhiên tĩnh tại về miền hư không.

  Cho ta đi khắp chốn mênh mông
  Hòa vào vũ trụ bềnh bồng tinh khôi
  Thu nguồn năng lượng xa xôi
  Cho tâm tĩnh tại nơi tôi một mình.
  
                               Tháng 9/2014

Khảo sát địa điểm thiền

Ngày 11-12/10/2014, CLB cử đại diện BCN, các tiểu ban, ban cán sự các lớp và đại diện một số hội viên - học viên đi khảo sát địa điểm thiền mới tại Trung tâm Thiên Đức ở Sóc Sơn.
Dưới đây là một vài hình ảnh do anh Dương, lớp trưởng lớp DSNL 16 gửi.

Xem lại bộ ảnh TẠI ĐÂY

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

MỘT LẦN BUÔNG XUỐNG LÀ MỘT LẦN LÊN!

Vì sao buông xuống lại được lên?

Vì buông đi một gánh nặng là chúng ta nhẹ bớt một phần.
Nếu buông nhiều chừng nào chúng ta càng nhẹ chừng nấy, cho nên càng buông thì càng lên.
Nếu chúng ta giành giựt tranh đua nhau mãi, chỉ là làm khổ cho nhau, chớ có lợi ích gì! Biết nhường nhịn nhau, biết trở lại tìm mình, và vượt ra ngoài thói tục, chúng ta sẽ buông xả những tranh đua giành giựt. Lúc ấy chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng siêu thoát. Là người biết tu, biết học đạo, chúng ta phải trở lại mình, thấy rõ mình, đó là điều hết sức thiết yếu.
Chúng ta rất bi quan khi nghĩ rằng thời mạt pháp người tu không bao giờ có chứng có đắc, còn thời chánh pháp tu hành mới mong đắc quả. Nhưng sau này khi học sử Phật giáo rồi, chúng tai mới thấy không hẳn luôn luôn như vậy. Thời chánh pháp, khi đức Phật còn tại thế, vẫn có nhiều Tỳ-kheo thối Bồ-đề tâm vì không quyết chí tu hành. Còn tuy là thời mạt pháp mà nếu chúng ta quyết tử trên đường tu, thì cũng có thể tiến được. Vì thế chánh pháp hay mạt pháp là cốt ở tâm mình, nếu mình quyết chí tu hành thì thời mạt pháp coi như là thời chánh pháp, còn nếu mình không quyết chí tu hành thì ngay trong thời chánh pháp coi như là mạt pháp. Vì vậy chúng ta không nên có mặc cảm là mình đang sanh thời mạt pháp rồi thả trôi cuộc đời tu hành, mỗi ngày hai thời khóa tụng gọi là gieo chút duyên lành với đạo! Chúng ta không nên bi quan như vậy mà phải nỗ lực tiến tu để có thể chuyển mạt pháp thành chánh pháp. Tinh thần của người tu là, dù sống trong thời buổi nào, chúng ta cũng phải cố gắng vươn lên, tu hành tinh tấn cho đến ngày công hạnh viên mãn. Như vậy, chúng tôi đã dẫn từ các kinh điển Nguyên thủy cho đến Đại thừa và Thiền tông, để quí vị thấy nơi mỗi người chúng ta đều có sẵn con người chân thật. Nếu chúng ta quyết chí tu hành thì sẽ thấy được điều đó không nghi ngờ.
(Sư ông Trúc Lâm)
Hoàng Vân sưu tầm.

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

DÃ NGOẠI KHẢO SÁT ĐỊA ĐIỂM THIỀN

BẠCH LIÊN
(Nguyễn Thị Hiền - lớp DSNL1)

                                          Ngày cuối thu chuyến dã ngoại thiền
                               Hướng về núi Sóc sáng bình yên
                               Xuất phát sáu giờ chừng một tiếng
                               Tới nơi ổn định đón ca thiền.

                               Trung tâm Thiên Đức giữa thiên nhiên
                               Hoa lá cỏ cây đặc điểm miền
                               Tọa lạc trên cao đồi tiếp núi
                               Bể bơi hồ nước đẹp khuôn viên.

                               Thoải mái, vui khi thiền hết ca
                               Thăm khu chăm sóc những người già
                               Tiện ích vệ sinh luôn thoáng mát
                               Bình an cuộc sống giữa bao la.

                               Cánh rừng thấp thoáng phía xa xa
                               Đất sỏi con đường dẫn dắt ta
                               Tới đó rừng thông nghe gió hát
                               Tiếng chim lảnh lót vẳng ngân nga.

                               Trung tâm nhà nghỉ vẫn đang xây
                               Đêm đến đoàn thiền ngủ dắt dây
                               Nam nữ chung sàn nghe “kéo gỗ”
                               Tham thiền sớm tối vui sum vầy.

                               Ngồi thiền rừng thông dưới trời mây
                               Bóng núi soi hồ chen bóng cây
                               Vô thức như tan vào vũ trụ
                               Thu dòng năng lượng qúi tràn đầy.

                               Tuy chẳng đo năng lượng mỗi người
                               Nhưng ai cũng vui khoẻ trong người
                               Văn nghệ hát vo vui hết cỡ
                               Ka ra ô kê miệng cười tươi.

                               Đón tiếp nơi đây qủa tuyệt vời
                               Cơm ngon canh ngọt qúi lời mời
                               Còn thiếu “thịt kho cà các cụ”
                               Đủ duyên gặp lại Thiên Đức ơi!
                                         Hà Nội 13-10-2014

Hiểu thêm về NGHIỆP

Chúng ta thường nghe nói đến chữ "nghiệp" trong cuộc sống hằng ngày, cũng như trong đạo Phật, như là: nghề nghiệp, tội nghiệp, nghiệp báo, nghiệp chướng, nghiệp nhân, nghiệp quả.
Vậy chúng ta thử tìm hiểu: "Nghiệp" là gì?   
Nghiệp là thói quen hành động, nói năng hay suy nghĩ hằng ngày của chúng ta trong cuộc sống, trong khi làm việc, trong khi giao tiếp, ở tại nhà, ở tại sở làm hay bất cứ nơi đâu. 
Nghĩa là: nghiệp do thân hành động, khẩu nói năng và ý suy nghĩ, nên thường được gọi là tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.   

Theo nguyên tắc, có hai loại nghiệp: thiện và bất thiện.  Tuy nhiên, khi nói đến chữ "nghiệp", người ta thường nghĩ đến những nghiệp ác hay nghiệp bất thiện.

1) "Thân nghiệp" là những thói quen hành động, do thân tạo tác hằng ngày.  Có người luôn luôn thích giúp đỡ kẻ khác, làm việc phước thiện, làm việc xã hội.  Có người luôn luôn thích đi chùa, lễ Phật, tụng kinh, đi nhà thờ xem lễ, cầu nguyện.  Cũng có người luôn luôn thích đánh nhau, đánh đập súc vật, giết hại sinh mạng chúng sanh, chơi đấu bò, đi câu cá, đi săn bắn, như thú vui tiêu khiển.  Có người luôn luôn thích hút thuốc, uống rượu, bài bạc.  Có người luôn luôn thích việc trộm vặt dù họ không túng thiếu.  Có người luôn luôn thích kiện tụng, thích xúi người khác thưa kiện để thủ lợi.  Có người luôn luôn thích hăm dọa người khác, theo thói chưa đậu ông nghè đã đe làng tổng, họ gửi bài đăng báo, tòa báo không đăng nguyên văn, sửa bản thảo, họ bảo xin lỗi, viết thư dọa làm con kiến đi kiện củ khoai!

2) "Khẩu nghiệp" là những điều mình thường nói ra hằng ngày, có khi ngọt ngào dễ nghe, có khi chanh chua chát khế, kinh khủng khiếp luôn!  Cổ nhơn có dạy:
Lời nói chẳng mất tiền mua. 
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.   
Có người luôn luôn thích nói chuyện đạo lý, chuyện ích lợi cho người. Có người luôn luôn thích thuyết pháp, tụng kinh, niệm Phật. Có người luôn luôn thích an ủi, khuyên lơn, đem sự an ổn tâm thần đến cho người khác. Có người luôn luôn nói lời hòa nhã, êm ái, dịu dàng, ai ai cũng thích nghe, thích gặp mặt, thích trò chuyện. 
Ðó là những người lựa lời mà nói cho người an vui, và đang tu theo hạnh Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, hay tu theo hạnh Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát. Cũng có người luôn luôn thích nói suốt ngày, không biết mệt, không ngừng nghỉ. Có người luôn luôn thích nói chuyện thị phi, chuyện thiên hạ, chuyện phải quấy, chuyện hơn thua, chuyện tranh chấp, chuyện kiện tụng, chuyện thưa gửi, chuyện phiền não, chuyện khổ đau. Có người luôn luôn thích văng tục, chửi thề, bới móc người khác, kê tủ đứng vào miệng người khác, móc họng cho người ói ra, mỗi khi khai khẩu, mỗi khi mở miệng. Có người thốt xong một lời, người nghe phải đi xức dầu cù là, hoặc uống thuốc nhức đầu, thậm chí ngất xỉu, hay giã từ luôn cõi đời. Có người thốt xong một lời, người khác phải đi tù, gia đình xào xáo, vợ chồng chia ly, lục đục, cãi vã, nghi ngờ lẫn nhau, tiêu tan hạnh phúc. 
Bởi vậy, chúng ta mới biết khẩu nghiệp nặng nề biết bao, lời nói độc hại đến chừng nào, lời nói có khả năng hại người còn hơn vũ khí. Ðó là lời nói của những kẻ "lựa lời mà nói cho người giết nhau", hoặc là những kẻ "lựa lời mà nói cho người tiêu luôn"!
Những người biết tu tâm dưỡng tánh rất dè dặt với khẩu nghiệp, không dám phát ngôn bừa bãi, luôn luôn nhớ lời cổ nhơn dạy: "Lời nói là bạc, im lặng là vàng".  Có người bèn áp dụng tu pháp môn "tịnh khẩu", suốt ngày không muốn nói bất cứ chuyện gì, với bất cứ ai.  Tuy nhiên, bên ngoài phẳng lặng, mà trong lòng dậy sóng, thì cũng như không!  Có khi nói năng để truyền bá Chánh Pháp, lời nói đầy pháp vị, nói lời chuyên chở đạo lý.  Có khi sự im lặng cũng đúng Chánh Pháp, cũng đượm nhuần đạo lý.  
Cổ nhơn có dạy: "Ngữ ngôn đạo đoạn". 
Nghĩa là còn phải dùng lời nói, thì không thể diễn tả được đạo lý một cách tột cùng, khi lên tiếng thì đạo mất rồi. Người hiểu đạo là người có tâm cảm thông sâu sắc, không cần dùng lời nói, có thể thấu hiểu mọi sự mọi việc một cách dễ dàng, không có gì ngăn ngại. 
Trong kinh sách có câu: "Ðạo cảm ứng giao nan tư nghì" chính là nghĩa đó vậy. 
Cũng có câu: "Ðạo bổn vô ngôn". 
Nghĩa là gốc của đạo không thể dùng lời lẽ của thế gian mà diễn tả được.  Ðạo là chỗ cứu kính tuyệt đối bất khả tư nghì, đạo cảm thông không thể nghĩ bàn được.  Ðó chính là chỗ im lặng của Cư sĩ Duy Ma Cật thời Ðức Phật còn tại thế, đó chính là sự lặng thinh của Nhị Tổ Huệ Khả, khi trình kiến giải lên Sơ Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma vậy.

3) "Ý nghiệp" là quan trọng hơn cả. Chính ý nghiệp chủ động điều khiển thân nghiệp và khẩu nghiệp.  Tại sao vậy?  Bởi vì nếu như tư tưởng luôn luôn có ý nghĩ thế nào thì hành động và lời nói sẽ y theo đó mà ra, không sai khác chút nào. Chính tư tưởng phát xuất ra hành động và lời nói. Thí dụ nếu trong tâm ý chúng ta nghi ngờ người nào ăn cắp đồ, thì từ hành động cho đến lời nói của người đó đều có vẻ khả nghi, đáng ngờ, và hành động cũng như lời nói của chúng ta đều không bình thường đối với người đó.
Thí dụ nếu chúng ta luôn luôn có tư tưởng, có ý nghĩ là kẻ nào ác thì phải bị tiêu diệt, phải bị đọa địa ngục, phải bị trừng phạt nặng nề, cho nên khi có cơ hội, có phương tiện, có quyền hành, có thế lực, chúng ta sẽ dễ dàng mắng chửi, mạt sát, giết hại, trừ khử, thanh toán kẻ đó không chút xót thương, không chút bận tâm!  Nghĩ như vậy, nói như vậy, làm như vậy, tâm của chúng ta không từ bi, không bác ái chút nào, và như vậy chúng ta có khác gì kẻ ác kia đâu?  Giết người phải đền mạng, có luôn luôn hẳn là lẽ công bằng tuyệt đối chăng, có giúp nạn nhân sống lại chăng, có giúp xã hội an ninh, trật tự chăng, có giúp tình người thêm tốt đẹp chăng?  Con người thường nhân danh cái thiện, nhân danh thế thiên hành đạo, để thi hành, thực hiện việc ác, việc trả thù ngay sau đó. Chính vì vậy mà oan oan tương tục không biết đến bao giờ mới dứt được. Thiệt là "tội nghiệp" thay! 
Trên thế gian này, sân hận không bao giờ dập tắt sân hận. Duy có tình thương, tâm từ bi mới diệt được tâm sân hận. Ðó là định luật trường cửu. 
Cho nên, trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng. 
Lấy ân báo oán, oán nghiệp tiêu tan. 
Ðây là cách dừng nghiệp và chuyển nghiệp hữu hiệu nhất. Thí dụ vì nghiệp duyên đời trước, có người nào đó khi gặp chúng ta, liền không có cảm tình, không ưa thích, có thái độ thù nghịch, chống đối. Nếu như chúng ta không hiểu luật nhân quả, bèn có thái độ tương ứng đáp lại, thì càng ngày quan hệ giữa chúng ta và người đó càng tệ hại thêm mà thôi. Còn nếu như khi họ gặp hoàn cảnh không may nào đó mà mình có thể giúp được và thực tâm giúp đỡ họ, thì có phải "oán nghiệp" trước đây tiêu tan hay không?
Thí dụ trong gia đình, nếu người cha hay người mẹ, vì tức giận người con đối xử tệ bạc với mình, không như mình mong ước, nên cũng đối xử lạnh lùng, hằn học, bực dọc đáp lại, thì thử hỏi câu chuyện sẽ đi đến đâu, sẽ kết thúc ra sao?  Nếu cha mẹ có lòng từ bi, không chấp chặt những điều đó, vẫn thương yêu, chăm sóc người con, như lúc con còn nhỏ dại, thì ít ra còn hy vọng người con chuyển đổi tâm ý, gia đình hòa vui trở lại. 
Chuyện này "nói ra thì dễ, làm được mới khó".  Nhưng thử hỏi chuyện gì trên đời này mới là chuyện dễ làm đây? 
....
Trích từ bài Tội & Nghiệp của tỳ kheo Thích Chân Tuệ trên báo Đạo Phật ngày nay.
Hoàng Vân sưu tầm

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Thơ " Chúc mừng sinh nhật"

Nhóm sinh nhật quý 4 - Lớp DSNL 13

Hôm nay lớp DSNL 13 tổ chức mừng sinh nhật các bác có ngày sinh vào quý 4. Sau bài thiền Lửa Tam Muội tràn đầy năng lượng, cả lớp hân hoan bày biện bánh và hoa quả liên hoan chúc mừng. Lại có cả gói quà của bác Tiến đi công tác về đem chung vui, buổi liên hoan càng thêm rôm rả. Những lời chúc mừng, những bài thơ tràn đầy tình cảm, những tiết mục văn nghệ rộn ràng làm cho buổi liên hoan thêm vui và đầm ấm. Bác Nguyễn Đức Phúc, tác giả của những bài thơ hay như "Nhớ ơn Đức Thầy Tổ", "Về với Cụ", "Tôi đi học", với giọng ngâm thơ đầy truyền cảm đã tặng nhóm sinh nhật quý 4 bài thơ "Chúc mừng sinh nhật" dạt dào tình cảm và tràn đầy năng lượng.
                                           
                CHÚC MỪNG SINH NHẬT 
                                                          Nguyễn Đức Phúc
Lớp DSNL 13
                             Tôi viết vần thơ chúc mừng sinh nhật
                             Từ tấm lòng chân thật của tôi
                             Xin chúc mọi người khỏe mạnh vui tươi
                             Luôn rạng rỡ những nụ cười xinh xắn
                             Chăm luyện tập các bài dưỡng sinh năng lượng
                             Tĩnh tâm thiền để người được mạnh khỏe dẻo dai
                             Chúc gia đình hạnh phúc ngời sáng tương lai
                             An khang - thịnh vượng - lộc tài thêm tăng tiến
                             Gặp nhau tình nghĩa dạt dào
                             Cất cao tiếng hát vui nào vui hơn
                             Lớp mình gắn bó keo sơn
                             Cùng nhau luyện tập sớm hôm chuyên cần
                             Khỏe vui đời được thêm xuân
                             Đón dòng năng lượng tinh thần thảnh thơi.
                                                                              Tháng 10/2014

Đặng Chúc thay mặt nhóm sinh nhật quý 4 xin cám ơn bác Nguyễn Đức Phúc! Chúc bác luôn an vui, mạnh khỏe và tu tập thu được nhiều năng lượng!
Ngày 9/10/2014